Khải Huyền (15)

Thời Tận Thế

Khải Huyền 7:1-17

Khải Huyền là sách chép về những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai thuộc chương trình của Đức Chúa Trời cho thế gian. Mục tiêu chính của sách là sự tái lâm của Đức Chúa Giêxu Christ. Vì vậy sách không nhằm cuốn hút người đọc vào tình tiết các sự kiện hoặc các biến cố, mà nhằm giúp độc giả chăm chú vào thân vị của nhân vật chính là Đức Chúa Giêxu. Câu mở đầu của sách nói rằng đây là sự mặc thị của Đức Chúa Giêxu. Đoạn 1 nói về hình ảnh vinh quang của Ngài. 2 và 3 là dòng lịch sử của Hội Thánh từ ngày thành lập cho tới khi được rước đi. Câu 1 đ. 4 là hình ảnh Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời được đem về thiên đàng. Phần còn lại của đ. 4 cộng với đ. 5 là khung cảnh thiên đàng mà Giăng là đại diện cho Hội Thánh đã thấy. Khởi đầu đ.6 là cảnh Chiên Con bắt đầu tháo các ấn và những biến cố đại nạn khởi sự diễn ra trên thế gian, kéo dài tới đ.19 là sự trở lại của Đức Chúa Giêxu. Tiếp theo là 1000 năm bình an, rồi sự phán xét cuối cùng. Nhưng khi đọc thì phải hiểu các đ. 12, 13, và 14 là phần chú thích, vì đ. 15 là phần tiếp theo của đoạn 11. Phần kết thúc của đ. 6 cho thấy những chuyển động kinh hoàng của đất và trời, nhưng người ta vẫn không chịu ăn năn.

Đoạn 7 là thời gian tạm ngưng giữa ấn thứ 6 và ấn thứ 7, bởi vì khi ấn thứ 7 được mở thì sự phán xét kinh khiếp của Chúa sẽ lần lượt tiếp diễn. 7:1-3 có ý nghĩa là sự phán xét được ngưng tạm một thời gian ngắn để những người Dothái trung tín với Chúa được đóng dấu xong. Có vài cách giải nghĩa về 4 hướng gió nhưng không có giải thích nào đúng ý nghĩa của mạch văn là giữ gió lại thì làm hại đất, biển, và cây cối. Nhưng các giải thích về nghĩa bóng của gió thì thả gió ra sẽ tai hại hơn. Gió dưới quyền thiên sứ là biểu tượng về các tà thần, tà linh; cũng là biểu tượng của chiến tranh và tàn phá (Giê.49:36). 4 hướng gió cũng có nghĩa là các thứ linh sai lạc và trái ngược nhau làm hại đến sự hiểu biết của tín hữu (Êph.4:14). Chúng ta chỉ biết ý nghĩa chung của chỗ nầy là có 4 vị thiên sứ có quyền làm hại thế gian và tín hữu, nhưng họ được lệnh không được làm hại chi cho đến lúc 144,000 người của các chi tộc Israel được ghi dấu hiệu đặc biệt rằng họ thuộc về Đức Chúa Trời.

Về những người nầy thì cũng có hai phái giải nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất cho rằng họ là biểu tượng của tất cả những người thuộc về Chúa và đang ở trong cơn đại nạn. Nghĩa thứ nhì thì Kinh thánh nói rõ họ là người Dothái thuộc 12 chi tộc được nêu tên rõ ràng, đồng thời họ là phái nam còn đồng trinh và không hề nói dối (14:1-5). Hai chi tộc Đan và Épraim không có tên trong nhóm nầy. Luật lệ của Chúa ghi trong Phục Truyền 29:18-21 nói rằng bất cứ người, dòng họ, gia đình, hay chi tộc nào, dẫn con cái Israel vào sự thờ hình tượng thì sẽ bị truất khỏi dân sự. Đan và Épraim là hai địa điểm đúc và dựng hình tượng bò con bằng vàng ở miền Bắc Israel, và dẫn đầu vương quốc phía bắc ly khai vương quốc của nhà David, thờ bò con vàng, lìa bỏ Đấng đã đem tổ phụ họ ra khỏi vòng nô lệ và ban đất hứa cho họ. Tên của hai chi tộc nầy bị loại trừ vì trải nhiều thế hệ họ đã phạm tội thờ hình tượng quá nặng, họ không được đánh dấu để được bảo vệ. 144,000 người nầy là ai, họ sẽ làm gì? Câu 3 nói rằng họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời (là tên gọi những người hầu việc Chúa). Như vậy họ là những giáo sĩ, nhà truyền giáo đi rao giảng phúc âm của Đức Chúa Giêxu Christ. Nhưng hiện nay người Dothái rất chống đối phúc âm thì làm thế nào sẽ có 144,000 người đi rao giảng? Và nếu dân Dothái là dân sự của Chúa, thì vì sao họ vẫn chưa chịu tiếp nhận phúc âm? Rôma 11:1-15 cho biết là sự phản nghịch của họ đã đem sự cứu rỗi đến cho dân ngoại, trong đó có chúng ta (11b); và một phần dân Israel được thương xót vì lời hứa của Chúa đã ban cho các tổ phụ của họ (28-29).

Chương trình yêu thương tuyệt diệu của Đức Chúa Trời (12) trải bao thế kỷ có thể thấy được qua sự kiện nầy: Sự thù nghịch với phúc âm của người Dothái đã đem hạnh phúc đến cho hàng tỉ người, huống chi việc họ trở lại với phúc âm sẽ đem đến biết bao nhiêu hạnh phúc cho nhân loại (15). Hiện nay có một thành phần người Dothái tự gọi là Messianic Jews, tức là những người Do thái tin nhận Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Messiah (Đấng chịu xức dầu) mà nhiều thế hệ tổ tiên của họ vẫn hằng trông đợi trong hơn 20 thế kỷ qua. Nhóm người Dothái nầy càng ngày càng gia tăng. Như vậy, khi nào có 144,000 nhà truyền giáo người Dothái đi rao giảng phúc âm thì số người tin Chúa sẽ đông vô số như phần 7:9-10 kế tiếp nói đến.

Số người tin Chúa là một đoàn đông không ai đếm nổi từ mọi nước, chi tộc, ngôn ngữ, màu da. 7:13-14 nói rằng họ là những người đã ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và tẩy trắng áo mình bằng huyết của Chiên Con. Họ không phải là Hội Thánh đã được rước đi trước cơn đại nạn, mà là số người tiếp nhận Chúa và tử vì đạo sau khi nghe những người Dothái trong số 144,000 nhà truyền giáo nói trên rao giảng về phúc âm của Đức Chúa Giêxu Christ. Những người chủ trương thuyết ‘trung đại nạn‘ thường viện dẫn chỗ nầy làm hậu thuẫn cho lý luận của họ. Theo lý luận nầy thì bất cứ ai thuộc Hội Thánh thật của Chúa đều phải chịu tử đạo mới mong được rước về trước ngai của Đức Chúa Trời. Lý luận ấy trái ngược với lời Phaolô tiết lộ rằng tín hữu đang sống sẽ được biến hoá trong nháy mắt để về thiên đàng (1Côr.15:51-52). Hơn nữa câu hỏi của một trong các trưởng lão và câu trả lời của Giăng cho thấy Giăng không biết số người đông đảo nầy. Vì nếu họ là các thánh thời Cựu ước thì chắc chắn Giăng sẽ nhận ra Môise và Êli, vì Giăng đã từng thấy hai người nầy trên núi hoá hình (Math.17:3). Một chi tiết khác là đoàn đông ấy sẽ đứng trước ngai Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài ngày và đêm, còn Hội Thánh thì sẽ không hầu việc trên thiên đàng mà là nàng dâu của Đấng Christ, được Ngài cưới làm vợ và đồng trị vì với Ngài mãi mãi.

Ở câu 10 họ cất tiếng lớn kêu rằng: “Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con.” Các thiên sứ đang đứng vòng chung quanh ngôi và chung quanh các trưởng lão cùng bốn sinh vật đều sấp mặt xuống trước ngôi và thờ lạy Đức Chúa Trời đồng ý với lời tuyên bố của đoàn đông: “A-men! Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quý, quyền phép, và sức mạnh đều về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng! A-men” (11-12). Có một chi tiết cần phải để ý về đám đông nầy, vì họ mặc áo dài trắng, tay cầm nhánh là chà là (c.9). Áo dài trắng là biểu tượng về sự công nghĩa, thánh khiết và chiến thắng. Cầm nhánh chà là trong tay là hành động tiêu biểu của những người chiến thắng. Những người sáng lập đạo Cao-đài Việt Nam đã bắt chước chỗ nầy của Kinh Thánh, các đạo hữu của họ mặc áo dài trắng, tay cầm cành chà là trong các dịp lễ trọng thể của họ; làm giống như là các thánh đồ trên thiên đàng; họ không biết rằng những người mặc áo dài trắng và cầm nhánh lá chà là đó đã phải chịu tử đạo mới được đứng trước Đức Chúa Trời và thờ lạy Ngài (13-15). Những người thờ ma lạy quỷ không thể biết chút gì về sự thánh khiết của thiên đàng, họ tưởng rằng lên thiên đàng là dễ lắm. Hơn nữa, đạo Cao-đài ngày nay thờ phật thích ca là chính, họ chỉ là một nhánh phật giáo nguỵ trang mà thôi.

2 câu cuối của đoạn 7 là sự an ủi của Chúa dành cho những người phải chịu tử vì đạo trong cơn đại nạn. Giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết của Chiên Con có nghĩa là tiếp nhận ơn hi sinh cứu rỗi của Đức Chúa Giêxu trong hoàn cảnh bị cấm đoán và bách hại. Tin nhận Chúa vào hoàn cảnh như vậy là chấp nhận bị giết bởi thế lực cầm quyền của kẻ chống Đấng Christ. Sung sướng và hạnh phúc thay là những ai hiện đang ở trong Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời. Đến ngày Hội Thánh được tiếp rước, họ được biến hoá trong nháy mắt, ngồi trên các ngôi phán xét, nhận được phần thưởng mão triều thiên vinh hiển. Đoàn đông ra khỏi cơn đại nạn thì không được vinh hạnh ấy. Họ không được ngồi trên ngôi và không được ban cho mão miện vinh quang. Hãy suy gẫm việc nầy để giữ vững đức tin của mình. Ngày vinh hạnh ấy đã rất gần rồi.

KhaiHuyen15.doc

Rev. Dr. CTB