Chúa Nhật, March 4, 2012 – Chữa Lành Nội Tâm Để Sống Thánh Khiết (4) (Các Vấn Đề Tâm Linh 16)

Chúa Nhật, March 4, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 16


Chữa Lành Nội Tâm Để Sống Thánh Khiết (4)

1Phierơ 1:13–25

Sự chữa lành các vết thương lòng của chúng ta không giống như sự chữa lành các tật bệnh của thân thể. Nó liên quan đến sự thánh hoá, là điều đòi hỏi phải có mối liên hệ tương giao với Chúa. Tương tự như sự thánh hoá phải có kinh nghiệm đã được thánh hoá lúc ban đầu, rồi tiếp tục được thánh hoá trong một tiến trình; cũng vậy, sự chữa lành các vết thương lòng của chúng ta cũng phải trải qua kinh nghiệm ban đầu và tiến trình chữa lành tiếp theo. Thánh hoá và chữa lành nội tâm đòi hỏi một tiến trình. Trong sự thánh hoá, nếu chúng ta chỉ kinh nghiệm được thánh hoá buổi ban đầu rồi quên mất là tiến trình thánh hoá vẫn phải tiếp tục diễn ra, thì trong lòng sẽ thành hình một tâm lý tự thoả mãn, cho rằng như vậy là đủ rồi; không biết rằng kinh nghiệm ấy chỉ mới là điểm khởi hành của đời sống với Chúa mỗi ngày, để bắt đầu một cuộc hành trình đặc biệt có thêm nhiều kinh nghiệm quyền năng tiếp diễn không ngừng trong đời sống sau khi tin Chúa.

Khi chúng ta được giới thiệu tìm đến gặp Đức Chúa Giêxu Christ bằng con người chân thật của mình, chúng ta phơi bày lòng mình ra trước mặt Chúa, ngửa trông ơn nhân từ thương xót của Ngài; vì biết rõ rằng mình không tìm được phương cách nào để tự cứu. Chúng ta được tha tội và tái sanh qua thái độ chân thành như vậy. Rồi khởi đầu một tiến trình được thánh hoá. Nhưng sau khi trở thành con cái của Chúa rồi, một số người bắt đầu cảm thấy mình có thể đạt đến sự thánh hoá bằng một phương pháp khác. Thay vì vẫn tiếp tục chân thành đến trước mặt Chúa và nhờ cậy sự ban ơn giúp sức của Ngài hoàn toàn, như buổi ban đầu tìm đến ơn cứu rỗi, nhiều người hoạch định đường lối và cách sống sao cho khỏi phạm tội mà không cần sự giúp sức của Chúa; nghĩa là không cần một tiến trình thánh hoá tiếp tục diễn ra, tưởng rằng chỉ kinh nghiệm ban đầu là đủ.

Quan điểm cho rằng thánh hoá chỉ là một sự kiện độc đáo, đặc biệt, thay vì là một tiến trình lâu dài bao gồm những kinh nghiệm về quyền năng của Đức Chúa Trời, sẽ dẫn tín hữu tới một sự hiểu biết đầy thiếu sót, kém cỏi về đời sống của mỗi cá nhân tín đồ. Có thể có người tưởng rằng họ không cần sự chữa lành các vết thương nội tâm; bởi vì họ nghĩ rằng các vết thương lòng ấy đã đương nhiên lành vào thời điểm tin nhận Chúa, hoặc lúc được báp têm bằng Đức Thánh Linh, và kinh nghiệm được thánh hoá tiên khởi. Họ đã trở thành một tạo vật mới bởi quyền phép của Đức Thánh Linh rồi, đã trưởng thành trong tâm linh, không cần phải tiến bước thêm nữa.

Quan điểm nầy không có bằng cớ để chứng minh là đúng. Mặc dù câu Kinh Thánh 2Côrinhtô 5:17 nói rằng: “Vậy, ai ở trong Đấng Christ là con người mới; những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến.” Nhưng con người mới ở chỗ nầy mô tả phần tâm linh đã được tái tạo và đặt vào lòng người tin bởi Đức Thánh Linh. Hai phần còn lại của con người là thân và hồn vẫn chưa được đổi mới. Về thể xác sẽ không có gì thay đổi; chỉ có diện mạo và phong thái sẽ mang vẻ mới theo tiến trình được thánh hoá, mà người khác có thể nhận thấy được. Thành tố cần phải được tiến trình thánh hoá biến đổi cho đến ngày gặp mặt Chúa là phần hồn của chúng ta, nơi chứa đựng các vết thương lòng, mọi ý chí, lý trí và cảm xúc của con người. Nơi hình thành tất cả ý nghĩ, dự định, toan tính tốt hay xấu của chúng ta.

Nếu hiểu đúng thì câu Kinh Thánh trên nói về một tiến trình tiếp diễn. Vì kinh nghiệm của mỗi chúng ta đều nhận biết một cách chắc chắn rằng những cái cũ trong con người thuộc hồn của mình vẫn còn nguyên sau khi mình tin Chúa. Nó chưa được biến đổi thành con người hoàn toàn mới như chúng ta mong ước. Phần tâm linh của mỗi người vẫn phải vất vả chống trả sức ép của bản tánh cũ muốn lôi kéo chúng ta trở lại đường xưa lối cũ; dù rằng tâm linh của con người mới không muốn như vậy. Những kinh nghiệm tranh đấu trong nội tâm đó, và những bằng chứng về sự trưởng thành dần dần, chứng minh chắc chắn rằng sự thánh hoá là một tiến trình.

Vì sự thánh hoá là yếu tố cần phải có cho sự chữa lành các vết thương lòng, nên chữa lành nội tâm cũng là một tiến trình đòi hỏi thời gian. Cả hai phương diện thánh hoá và chữa lành nội tâm đều xảy ra do quyền phép của Đức Chúa Trời thực hiện trên đời sống chúng ta. Do đó phải có các kinh nghiệm khởi động tiến trình thánh hoá cũng như chữa lành các vết thương lòng. Từ kinh nghiệm đặc biệt ấy, tiến trình thánh hoá và chữa lành khởi đầu bằng các sự kiện tương tự nhau. Sau khi nhận được kinh nghiệm ban đầu thì chúng ta được Đức Thánh Linh soi sáng để thấy những lãnh vực nào trong đời sống của mình cần phải được thánh hoá. Từ hành động cho tới các động lực thúc đẩy, những mối liên hệ, và những ý tưởng, toan tính, vv. Ngài cũng dùng một cách tương tự để vạch ra cho chúng ta thấy nhiều điều trong đời sống chúng ta thuộc thời quá khứ, nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng của chúng hành hạ trong hiện tại ví dụ như những ký ức, hình ảnh, cảm nghĩ cảm xúc, mệnh lệnh đau buồn, vv; vì thế, chúng cần phải được chữa lành.

Giống như giai đoạn kế tiếp trong tiến trình thánh hoá là xưng tội với Chúa trong giờ ở riêng với Ngài, nhìn nhận những lỗi lầm hay thất bại bản thân, rồi ăn năn và từ bỏ chúng. Sự chữa lành các vết thương lòng cũng diễn ra tương tự như vậy. Chúng ta phải từ khước những gì mình đã bị trói buộc trong quá khứ, quyết tâm dứt khoát với chúng để chúng không còn trói buộc chúng ta trong hiện tại. Khi chúng ta hiểu rằng kẻ thù của linh hồn chúng ta là ma quỷ chính là thủ phạm và là kẻ đang cầm quyền trên những sự trói buộc chúng ta vào các thói quen phạm tội, những suy nghĩ oán hận người khác, hay thúc giục chúng ta nghĩ rằng những biến cố buồn đau trong đời là số phận của mình do Đấng Tối Cao đã định đoạt cách khắc nghiệt, hoặc những nỗi niềm ân hận, tiếc nuối vì đã quyết định sai, hành động sai, vv, thì quyết tâm từ khước là phương cách huỷ bỏ quyền pháp lý của ma quỷ trên lãnh vực mình đang bị trói buộc.

Sự huỷ bỏ và từ khước thẩm quyền pháp lý của ma quỷ trên đời sống chúng ta là hết sức cần thiết. Khi chúng ta đã xưng tội mình ra trước Chúa, thì kẻ cáo kiện chẳng còn chỗ bám víu nào để dựa vào đó mà cầm quyền. Kinh Thánh chép: “Nếu chúng ta xưng tội mình, Ngài là thành tín và công chính, tha thứ cho chúng ta, tẩy sạch hết mọi điều bất chính của chúng ta” (1Giăng 1:9). Cũng vậy, khi chúng ta từ khước những niềm đau của quá khứ, thì ma quỷ bị mất những gì hắn cần dựa vào để ngăn trở sự tăng trưởng và phá hoại sức khoẻ của chúng ta. Trong cách từ khước nầy, chúng ta không thể tuyên bố thầm trong tâm trí mà mong có hiệu quả. Satan cần phải nghe được lời tuyên bố từ khước của chúng ta, và vì hắn không thể đọc được tư tưởng của người được Đức Chúa Giêxu cứu chuộc; cho nên, chúng ta phải tuyên bố thành lời những điều từ khước của mình cho satan và các thủ hạ của hắn nghe biết. Khi bọn chúng đã biết chúng ta lập quyết định như thế, chúng bị lột mất quyền hạn trên chúng ta.

Tiến trình thánh hoá và chữa lành phải được tiếp tục bằng cách xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi và chữa lành các vết thương lòng. Đức Thánh Linh sẽ thực hiện quyền phép tẩy sạch đời sống và phục hồi tâm hồn chúng ta hoàn toàn lành mạnh khỏi những niềm đau của quá khứ đầy thất bại. Những kinh nghiệm quyền phép nầy không xảy ra ở mỗi người theo một khuôn mẫu giống hệt nhau, mà tuỳ theo sự gặp gỡ Chúa như thế nào. Đức Chúa Trời vô hạn sẽ hành động trên con cái Ngài theo cách tốt nhất cho họ. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra khi chúng ta gần gũi Chúa của mình và kêu cầu sự cứu giúp của Ngài.

Hãy cầu xin Đức Thánh Linh cai trị đời sống chúng ta, bày tỏ cho ta thấy những vết thương nào còn gây ảnh hưởng; mở miệng tuyên bố lời từ khước những cảm nghĩ, ý tưởng, ký ức nào có sự thù ghét, oán hận, cay đắng, hay sợ hãi, cũng từ khước những hình ảnh, lời nói, kỷ niệm buồn đau; trong Danh Đức Chúa Giêxu tuyên bố sự tha thứ và chúc phước cho người làm thương tổn mình; cầu xin Đức Thánh Linh dò xét trong lòng ta và bộc lộ những tội còn ẩn giấu. Cầu xin sự tha thứ và tiếp nhận sự chữa lành của Chúa cho mình.

VanDeTamLinh16.docx

Rev. Dr. CTB