Chúa Nhật, April 22, 2012 – Hiểu Biết Về Sự Cầu Nguyện (Các Vấn Đề Tâm Linh 23)

Chúa Nhật, April 22, 2012

Các Vấn Đề Tâm Linh, 23


Hiểu Biết Về Sự Cầu Nguyện

Công Vụ 26:16–18

Chúng ta phải có sự hiểu biết đúng và chính xác về chiến tranh trong cõi linh. Chiến tranh có nghĩa là hai phía đấu địch giao tranh với nhau; nhưng không phải là satan và bè lũ đánh nhau với Đức Chúa Trời và các thiên sứ; cũng không phải là sự xung đột giữa bóng tối và sự sáng. Không thế lực nào chống cự nổi quyền phép và sức mạnh của Đức Chúa Trời. Chiến tranh chống các thế lực tối tăm trong linh giới có nghĩa là đem ánh sáng thiên đàng đến để làm tan biến bóng tối. Tội lỗi thì tạo điều kiện cho sự tối tăm xuất hiện, mà bóng tối là môi trường vô cùng thích hợp cho tà ma lộng hành. Trong khi đó nếp sống thánh khiết và có kết quả của con dân thiên đàng là sự sáng xua tan bóng tối. Người chưa tin Chúa có đời sống chưa được biến cải nên phạm tội mỗi ngày; vì vậy, chính họ tự tạo ra sự tối tăm, là môi trường quá tốt cho tà ma vận hành, hoạt động kềm giữ họ trong sự ngu dốt về chân lý.

Đức Chúa Giêxu thì dạy rằng, bổn phận của mỗi tín hữu là phải trở thành những nhánh nho kết quả, sai quả, kết nhiều quả, và đậu trái luôn (Giăng 15:2, 5, 8, 16); để đem ánh sáng đến xua tan bóng tối, giải thoát những người thân yêu quen biết nào, đang là nạn nhân của thế giới tối tăm, ra khỏi thế giới ấy, bước vào ơn cứu độ diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Người ta không có khả năng tự giải thoát, vì ma quỷ làm mù lòng người chưa tin (2Côr.4:3–4). Chính Hội-Thánh có bổn phận loại trừ những thế lực làm mờ tối tâm trí người ta, để người chưa tin hết mù lòa và tiếp nhận ánh sáng chân lý của Tin-Lành nói về vinh quang Đấng Christ, hình ảnh của Đức Chúa Trời. Thế giới tối tăm dùng cái gì để làm mờ tối tâm trí người chưa tin Chúa? Bả vinh hoa, của cải vật chất, sự giàu sang phú quý, truyền thống của tổ tiên đặt ra, các thứ thần thánh hư cấu dễ làm người ta yêu mến và kính thờ, cùng đủ thứ ham muốn của dục vọng xác thịt.

Chỉ có uy quyền thiên đàng của phía thắng trận mới làm cho phe bại trận phải phục tùng các mệnh lệnh đã truyền ra. Tín hữu không thể phát huy uy quyền thiên đàng nếu chưa thắng nổi tội lỗi và bản ngã của con người cũ. Tà ma sẽ không vâng lời khi chúng ta ra lệnh cho chúng trong tình trạng đang phạm tội, không có thẩm quyền truyền khiến. Vì chúng sẽ cáo kiện rằng chiến sĩ ấy đang ở trong bóng tối, không thuộc về phía thắng trận. Cho nên, Giacơ 4:7–10 nêu ra nguyên tắc đầu tiên là làm sạch tội lỗi để có thể đến gần Chúa. Khổ công tìm kiếm phương pháp trấn áp tội lỗi là nỗ lực vô ích; vì thập tự giá Đấng Christ đã ban uy quyền đắc thắng tội lỗi cho người tin, khi người đó chịu ăn năn từ bỏ tâm tánh xác thịt của con người cũ. Chúng ta không cần tìm kiếm điều mình đang có sẵn, chỉ cần đem ra sử dụng; tức là uy quyền của Chúa sẽ đến khi ta tin cậy quyền phép tha tội qua huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu, ăn năn và quyết không tái phạm những lầm lỗi cũ.

Việc thường xuyên phải làm là cậy uy quyền thiên đàng trong Danh Đức Chúa Giêxu Christ, chúc phước lành và sự bình an của Đức Chúa Trời cho khắp khu xóm và thành phố mình đang ở (Luca 10:5; Rôma 12:14). Lời chúc bình an của con dân thiên đàng sẽ vô hiệu hóa quyền lực của ma quỷ tại địa phương, vì Đức Chúa Trời bình an sẽ giẫm nát ma quỷ dưới chân con dân Ngài (Rôma 16:20). Chúc lành, chúc bình an là phương cách nới lỏng dần xiềng xích của tà ma trên thân nhân bị chúng trói buộc. Thường xuyên nghĩa là phải thực hiện điều đó mỗi ngày. Đây là cách áp dụng nguyên tắc truyền giáo qua sự cầu nguyện: “Trình dâng người thân của mình lên cho Chúa trước khi giới thiệu Chúa cho họ.

Trình dâng có nghĩa là cầu thay, cầu nguyện cho những nhu cầu cấp bách khẩn thiết (felt needs) của họ, để họ thấy sự đáp lời của Chúa qua các phép lạ, hoặc sự chu cấp vượt quá điều họ suy nghĩ hay mong đợi. Sự đáp lời hay phép lạ đó sẽ giúp họ ý thức hay công nhận quyền phép của Đức Chúa Giêxu. Cũng cần phải cầu nguyện di hành chúc phước, chúc bình an quanh nhà và khắp khu vực mình ở. Bởi vì chỗ cư trú của con dân Chúa phải là một môi trường không bị ô nhiễm bởi sự hiện diện và các hoạt động của ma quỷ. Chúc phước, chúc bình an khiến cho tà ma bị trục xuất, không còn quấy nhiễu vì chúng không có môi trường thuận lợi để hoạt động.

Cầu nguyện không phải là xin nhận các nhu cầu, nhưng là để nắm chặt Chúa và duy trì mối tương giao với Ngài–là nguồn sự sống–hiệp thông với Ngài, để nhờ sự sống Ngài ban, ta không bị nhiễm độc bởi tội lỗi của thế gian mà bị mất đi thẩm quyền thiên đàng. Ví dụ như cá biển dù phải sống, bơi lội trong nước biển đầy muối, nhưng thịt nó không bị nhiễm mặn khi nào nó còn sống. Lúc nó chết không còn sự sống nữa, thì thân nó sẽ bị nhiễm chất mặn của muối. Nếp sống cầu nguyện giúp cho con dân Chúa duy trì sự sống thiên đàng, là sự sống có quyền năng giữ gìn tín hữu không bị chất độc của tội lỗi làm cho hư hoại. Một nếp sống cầu nguyện là điều không thể thiếu trong tiến trình thánh hoá của con dân Chúa. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời được ban cho những người thường xuyên nhận lấy sự sống từ Ngài tuôn tràn qua sự cầu nguyện.

Một mục đích nữa của sự cầu nguyện là tạo nền tảng pháp lý. Đức Chúa Trời luôn luôn hành động trên nền tảng công chính của Ngài, là pháp lý thiên đàng. Đức Chúa Giêxu đã cho biết rằng Ngài đến thế gian không phải để phá bỏ luật pháp nhưng để làm cho trọn (Mathiơ 5:17). Vì thế, khi tín hữu cầu nguyện cho sự cứu rỗi linh hồn của người khác để họ thoát khỏi sự lừa dối của satan và bè lũ, thì lời cầu nguyện ấy phù hợp với đức công chính, là luật pháp của thiên đàng. Lúc Đức Chúa Trời hành động vì chúng ta đã kiên trì khẩn cầu, thì kẻ thù không có cớ gì để cáo kiện.

Cầu nguyện cũng là lúc lắng nghe để nhận lãnh sự chỉ dẫn và soi sáng của Đức Thánh Linh; như Hội Thánh Antiốt đã dành thì giờ kiêng ăn và cầu nguyện “Khi họ đang thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Đức Thánh Linh phán: ‘Hãy dành riêng Banaba và Saulơ cho Ta, để làm công việc Ta gọi họ làm’” (Công vụ 13:2). Mọi sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh cho Hội Thánh đều được Ngài thông báo cho tập thể Hội Thánh, tức là cho nhiều người, để xác nhận mệnh lệnh đó là chính xác. Ít khi nào Chúa truyền mệnh lệnh chung cho riêng một người. Cầu nguyện không có nghĩa là chỉ mình nói cho Chúa nghe. Cầu nguyện là truyền thông hai chiều. Đức Chúa Trời rất thích nghe lời con cái Ngài tâm sự nỗi lòng của họ lên Ngài, Ngài cũng muốn trò chuyện với con cái Ngài và chỉ bảo họ; chúng ta cũng phải thích nghe tiếng Ngài yên ủi chỉ bảo chúng ta.

Cầu nguyện hiệp thông với Chúa và biết rõ địa vị của mình đang có trong Ngài, thì sự bảo đảm ấy giúp chúng ta giữ vững đức tin. Cầu nguyện là một hoạt động do tâm linh điều khiển chứ không phải bị điều khiển bởi lý trí của hồn. Nếu chúng ta dùng lý trí điều khiển sự cầu nguyện của mình thì sẽ không thể nào nghe được tiếng Chúa phán, vì Đức Chúa Trời hiệp thông với tâm linh của chúng ta; trong khi phần hồn không có khả năng đó. Người cầu nguyện hiệp thông với Chúa là người sống thuộc linh, tức là biết tương giao với Chúa qua tâm linh mình. Người ít cầu nguyện hoặc chỉ cầu xin cho các nhu cầu vật chất hay tinh thần, hoặc chỉ cầu nguyện khi có nhu cầu, là người có đời sống vẫn đang bị phần hồn điều khiển, chưa tương giao thân mật với Chúa.

Cầu nguyện để được Chúa bảo vệ (1Têsalônica 5:23). Điểm nầy là do kinh nghiệm và suy diễn ứng dụng lý lẽ của Hêbơrơ 10:19, 29. Không câu Kinh Thánh nào có nguyên văn là “ẩn náu trong huyết Chúa.” Dù vậy, khi chúng ta giữ tâm linh mình trong sự ăn năn những điều lầm lỗi và cầu xin Huyết toàn năng của Đức Chúa Giêxu Christ bao phủ, che chở mình chống lại sự tấn công và mưu ác của ma quỷ, thì đều có hiệu quả.

Cầu nguyện là phương cách hữu hiệu nhất để giữ vững đức tin nhờ mối tương giao với Chúa dùng sự cầu nguyện làm phương tiện truyền thông. Chúng ta càng kinh nghiệm Ngài cách thực tế chừng nào, thì đức tin càng thêm vững vàng chừng nấy. Vì “đức tin là thực thể của những điều ta hi vọng, là bằng cớ của những điều ta chưa thấy” (Hêbơrơ 11:1).

VanDeTamLinh23.docx

Rev. Dr. CTB