Chúa Nhật, Jan. 30th, 2011 – Nếp Sống Mới trong Văn Hoá Mới

Chúa Nhật, Jan. 30th, 2011

Nếp Sống Mới trong Văn Hoá Mới

Tóm tắt lời phát biểu rất hữu lý của một tướng Trung Hoa về mối liên quan giữa vận mệnh dân tộc với tôn giáo:  “Tôn giáo quyết định văn hóa mà văn hóa thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách dân tộc lại quyết định số phận dân tộc.” Nghĩa là nền văn hoá của một dân tộc do niềm tin tôn giáo của dân tộc ấy làm cho hình thành; văn hoá lại hun đúc những đặc điểm gọi là tính cách của dân tộc; và tính cách dân tộc sẽ quyết định số phận dân tộc ấy.  Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vài điểm trong lãnh vực văn hoá của người Việt để hiểu biết thêm một số phong tục tập quán, mà lâu nay con cái Chúa người Việt vẫn dùng cách bình thường, nhưng có thể vi phạm luật pháp thiên đàng. Vấn đề nghe có vẻ không đáng kể, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống tâm linh của mỗi con cái Chúa.

Sau khi tin Chúa, tín hữu người Việt vẫn mang tập quán cũ vào môi trường mới.  Các thứ tập quán ấy dĩ nhiên là từ nền văn hoá lâu đời.  Văn hoá và tính cách người Việt chẳng khác người Trung Hoa là bao, bởi vì cả hai đều thoát thai từ ba đạo khổng, lão, phật.  Có lẽ từ lâu rồi, các Hội Thánh Việt Nam đã không quan tâm nghiên cứu một số phong tục của văn hoá Việt Nam mà chúng ta vẫn áp dụng do sự thiếu hiểu biết cách chính xác nguồn gốc thật của chúng.  Người Việt vẫn coi trọng Tết âm lịch hơn đầu năm dương lịch; vì thế, sự chuẩn bị ăn Tết Ta năm nào cũng rộn rịp hơn ăn Tết Tây.  Việc coi trọng tết ta hơn tết tây tự nó chẳng có gì sai.  Hơn nữa, theo khẩu vị của người Việt thì các món ăn của tết ta ngon hơn tết tây, dại gì mà không ăn.  Cho nên, vấn đề không phải là nên, hay không nên, ăn tết ta, mà là ăn tết như thế nào.

Chúng ta biết có một số hình thức mừng xuân xuất phát từ sự mê tín của ngoại giáo như múa lân, múa rồng, ông địa, đốt pháo xua đuổi tà ma, vv… Vì có người chưa biết nguồn gốc của các tục lệ ấy, nên họ vẫn tổ chức múa lân cho Hội Thánh vui xuân!  Việc múa lân sai trật chỗ nào?  Con lân từ đâu mà ra?  Satan vốn là một thiên sứ trưởng quyền uy bị xô khỏi thiên đàng vì phạm tội kiêu ngạo (Ê-xê-chi-ên 28:12b, 14- 15, 17; Êsai 14:12–15).  Chêrubim che phủ là thiên sứ gần gũi Đức Chúa Trời nhất.  Chung quanh ngai Đức Chúa Trời có bốn vị thiên sứ cực thánh (Khải 4:6–7), mặt họ giống như sư tử, bò đực, người, và chim phụng hoàng đang bay.  Satan bắt chước khuôn mẫu thiên đàng, cảm ứng đạo giáo Trung Hoa sáng tác ra ‘tứ linh: long, lân, quy, phụng’ làm vương quốc riêng của hắn. Vậy, con lân là con vật linh thiêng do trí tưởng tượng của ngoại giáo nặn ra.  Kinh Thánh không nói có một chêrubim mặt sư tử đi múa trừ tà ma.

Bác sĩ Lê Văn Lân, một người phật giáo, tác giả quyển ‘Phù Thuật Việt Nam,’ đã viết như sau: “Người Việt Nam … đã gột bỏ rất nhiều điều mê tín ….. Nhưng không phải vì thế mà không còn nuôi trong đáy tâm tư niềm ước vọng huyền bí qua những lời chúc phúc may mắn đầu năm…” (p.32)  Sự kiêng cữ về lời nói, ước muốn được người khác chúc lành trong dịp đầu năm, sự quan sát điềm lành, điềm dữ, cùng với những sự cữ kiêng khác, cho chúng ta thấy từ trong sâu thẳm của tâm linh vẫn còn có những nỗi sợ vô lý vì mê tín dị đoan, hoặc các hi vọng hão huyền vào sự may mắn dịp đầu năm mang đến.  Nhân danh Chúa nói lời chúc lành cho thân nhân, bạn bè, anh chị em tín hữu, là việc nên làm luôn luôn, không phải chỉ là đầu năm. Hãy nhớ rằng, Đức Chúa Trời luôn luôn muốn điều tốt nhất cho con cái Ngài: “Đức Giêhôva phán: Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi là ý tưởng bình an, không phải tai hoạ, để cho các ngươi được sự hi vọng trong lúc cuối cùng của mình” (Giêrêmi 29:11).

Sách nầy cũng đề cập tới một số điều mê tín khác như cách đeo nữ trang, đếm chuỗi hột theo thứ tự sinh lão bệnh tử, chọn cẩm thạch lên nước, chưng cắm trúc phú quý, vv… và cho biết một số việc trang trí nhà cửa ngày tết của người Việt và người Hoa, có nguồn gốc phù chú do những sự mê tín.  Chữ ‘phù’ trong tiếng Hán có nghĩa là ‘bùa’ của tiếng Việt; ‘chú’ có ba nghĩa: a) lời nguyền rủa, b) câu thần chú, c) lời chúc nguyện (theo kinh phật). (p.67).  Phù chú chính là một phần trong phong tục Việt Nam bị tiêm nhiễm sâu đậm từ văn hoá Trung Hoa sau một thời gian Bắc thuộc lâu dài.  Những liễn đỏ, câu đối dán ở cửa ngõ ngày xưa và treo tường ngày nay là những câu chú chúc phúc cầu may.  Tác giả nói rằng “Truy nguyên ra thì phù chú là sản phẩm pha trộn của hai nguồn tôn giáo lớn trong xã hội Á Đông xưa: Lão giáo và Phật giáo” (p.68).

Vấn đề treo phong linh để gió thổi kêu leng keng xuất phát từ một thứ bùa đuổi quỷ treo trên các cây nêu trước sân nhà ngày xưa, rồi các chùa cũng treo các phong linh ấy để chứng tỏ là lãnh thổ của phật, không cho ma quỷ lai vãng.  Ngày nay khi thấy những cành đào, phong pháo thắm tươi trên các thiệp xuân, chẳng mấy ai hiểu rằng đó là những đạo bùa ngày xưa cả.  Vì vậy ít ai biết việc chưng hoa đào ngày tết cũng là một hình thức bùa trừ quỷ.  Sách Phong Tục Thông của người Trung Hoa gọi là ‘đào phù’ (p.65).  Họ tin rằng có hai vị thần là Trà Thần và Uất Luỹ ngụ ở gốc một cây đào lớn ở núi Độ Sóc, quỷ sợ hai thần nầy; và đến ngày tết thì hai thần phải về trời chầu Ngọc Hoàng, nên dân chúng bẻ cành đào về cắm trong nhà hoặc lấy giấy đỏ vẽ hình 2 thần dán trước cửa.  Có tín hữu nghe thì thắc mắc: “Còn mai vàng thì sao, có gì sai không?”  Ở miền Bắc Việt Nam có hoa đào, miền Nam thì chỉ có hoa mai vàng.  Bây giờ tục chưng mai tết chẳng còn ý nghĩa gì của việc trừ quỷ nữa, mà để cầu may mắn.  Con cái Chúa nên hết sức cẩn thận về các phong tục cổ truyền để khỏi vướng vào sự áp dụng phù chú của ngoại giáo.

Một tập quán hoặc thói tục nữa của người Việt và Hoa là đặt tên năm âm lịch theo 12 địa chi (cũng gọi là 12 con giáp) và 10 thiên can; rồi kể mình là tuổi con giáp nào theo năm mình được sinh ra.  Các thư từ và bài viết đầu năm của một số mục sư Việt Nam vẫn sử dụng tên năm âm lịch do tử vi Trung Hoa đặt cho.  Có lẽ họ chưa nhận thức rõ ràng về việc nầy sẽ ảnh hưởng trên đời sống đạo của tín đồ như thế nào.  Qua sự quan sát đời sống của một số người chịu ảnh hưởng sâu đậm về vấn đề tính tuổi theo tử vi Trung Hoa, thì hơn 90% tâm trí của họ hướng về các việc thế gian, chỉ có vài % của lòng họ hướng về Chúa mà thôi. Tại sao người ta thích làm con thú hơn làm người thì hiểu không nổi.  Đức Chúa Trời phán về các tín hữu dại dột: “Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân Ta chẳng biết luật pháp của Đức Giêhôva.” (Giêrêmi 8:7).

Đứng trước một năm mới âm lịch mà ai cũng mong sẽ được phước nhiều hơn năm cũ, con cái Chúa hãy cẩn thận về các tục lệ mình vẫn áp dụng theo tập quán của dân tộc mà không biết rõ nguồn gốc của chúng. Hãy để cho niềm tin vào Chúa hun đúc một nền văn hoá mới cho chúng ta, một nền văn hoá chỉ toàn điều tốt chứ không có cái gì xấu.  Hãy cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn cuộc sống đạo của chúng ta; Ngài sẽ ban sự chỉ dẫn khi chúng ta hết lòng tìm kiếm gần gũi Ngài qua thì giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, như có chép: “Hãy nghe tiếng Ta, thì Ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi, các ngươi sẽ làm dân Ta; hãy đi theo cả đường lối Ta dạy cho, để các ngươi được phước.” (7:23).

Chúng ta phải khôn ngoan trong mọi việc.  Không phải là tin Chúa thì phải bỏ hết tập quán cũ.  Trong số người Việt sống trên đất Mỹ thì người Tin Lành kém nhất về sự hiếu kính cha mẹ, cũng như giới trẻ chẳng biết kính trọng người lớn tuổi. Bắt chước cái tốt thì chẳng bao nhiêu, còn bắt chước cái xấu rất nhanh. Văn hoá mới của nếp sống mới là sự kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các mệnh lệnh thánh khiết của Ngài.  Thuần phong mỹ tục của người Á Đông là phù hợp với đạo đức Cơ-đốc-giáo.  Phục sức hở hang, cư xử xàm xỡ, ích kỷ, không phải là văn minh, mà là lố lăng xu thời.  Hãy học thái độ văn minh có trách nhiệm của người Tây phương, đừng học cái xấu bỉ ổi của người chưa biết Chúa. Giêrêmi 10:2 chép “Đức Giêhôva phán như vầy: Chớ tập theo tục của các dân ngoại, chớ sợ các dấu trên trời, mặc dầu dân ngoại nghi sợ các dấu ấy;” và Ngài cũng phán “Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: Hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được an nghỉ cho linh hồn mình.” (6:16).

VanHoaMoi.docx

Rev. Dr. CTB