Chúa Nhật, Jan. 2nd, 2011 – Nguồn Phước Thật (2) – Bài Giảng Đầu Năm (02)

Chúa Nhật, Jan. 2nd, 2011

Bài Giảng Đầu Năm (02)

Nguồn Phước Thật (2)

Thi Thiên 32:7–11

“Chúa là nơi ẩn núp tôi; Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân; Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi.”  Đavít bắt đầu nói về Chúa và ca tụng Ngài.  Ông đã kinh nghiệm được phước hạnh của một tội nhân chân thành ăn năn và đã được tha thứ.  Ông nói về lòng tin cậy Chúa và những gì ông ước mong sẽ được Chúa thực hiện.  Đã được nếm trải sự ngọt ngào của ân điển thiên đàng đối với một tội nhân biết ăn năn, biến tội nhân ấy thành thánh nhân, ông không nghi ngờ chi về ân điển ấy cứ tiếp tục tuôn tràn cho một thánh nhân biết cầu xin Chúa.

“Chúa là nơi ẩn núp của tôi” (7) nói về sự an toàn mà Đavít tìm được trong Chúa bởi đức tin.  Sau khi ăn năn, trở lại, Đavít thấy rõ ràng Đức Chúa Trời là nơi ông nương náu thì không có sự ác nào dám tới gần.  “Chúa bảo hộ tôi khỏi gian truân” nghĩa là bảo vệ ông khỏi nọc độc của tội lỗi và ảnh hưởng tai hại của nó.  Nếu sau khi chúng ta được tha thứ mà không được Chúa bảo hộ, bản tánh xấu bên trong chúng ta lại khiến mình nhanh chóng lao vào tội lỗi cũ.  Do đó, ai đã được tha tội phải ẩn mình trong ân điển Chúa để không trở lại sự ngu dại cũ của mình.  Kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy rằng sự dối trá của tội lỗi dễ làm cho chúng ta cứng lòng trước mọi lời khuyên bảo.  Vì thế, Đức Chúa Trời giữ chúng ta khỏi sự gian truân bằng cách giữ chúng ta tránh xa tội lỗi.

Chẳng những an toàn mà còn được vui vẻ nữa: “Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi,” bởi vì chúng ta được vây phủ bốn bên bằng các bài hát giải cứu của Chúa.  Nhờ những bài hát đó chúng ta nhìn chỗ nào cũng thấy những cớ để ca tụng và cảm tạ Chúa của mình.  Những bài hát đã thuộc nằm lòng thường xuyên nhắc chúng ta nhớ lại lời Chúa trong Kinh Thánh, nhắc những lời khuyên dạy, nhắc về kinh nghiệm đã được cứu trong quá khứ; nhắc về sự thánh khiết của con dân thiên đàng, cũng như cảnh cáo về những hậu quả khôn lường của tội lỗi.  Tất cả những bài hát nhắc nhở đó giải cứu chúng ta khỏi phạm tội, do đó thoát khỏi sự gian truân.  Chúng ta cũng được những anh chị em là các thánh đồ cùng hoà lòng với chúng ta trong các bài hát ca ngợi, các bài hát ca tụng ơn cứu rỗi; để mỗi lời kể về ơn phước Chúa sẽ làm cho anh chị em trong Chúa cất tiếng nói a-men và tạ ơn Chúa.

Phước của người được tha sự vi phạm và tội lỗi được khoả lấp không phải chỉ có một chiều,  người được tha tội còn nhận được lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ chỉ dạy và dẫn dắt chúng ta. Không có thứ phước nào trên đời có thể sánh được lời hứa quý báu nầy.  Vì chúng ta thường bối rối trước tương lai đầy bất trắc và bất định. Không ai có thể biết trước tương lai của mình. Chỉ có Chúa là Đấng đứng bên ngoài thế giới, không gian và thời gian mới biết những gì tốt, ích lợi và hạnh phúc cho tương lai của chúng ta.  Được một Đấng biết trước tương lai hứa rằng: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt Ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi” (8), thì không còn gì hạnh phúc hơn!

Thật vậy, ai đã từng trải qua gian truân, đã từng lo lắng đối phó cách vô vọng với những hiểm nguy diễn ra quanh mình; hoặc đã từng lập những quyết định sai trật, phạm nhiều lỗi lầm tai hại, trong những hoàn cảnh như vậy bỗng nhận được lời hứa vàng ngọc “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt Ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi,” thì không còn gì vui mừng và an tâm hơn.  Sự dạy dỗ chỉ dẫn của Chúa là sự bảo vệ hữu hiệu nhất đối với vô số việc mà chúng ta chưa biết của một tương lai mờ mịt.

Chúa sẽ dùng phương pháp nào để chỉ dẫn chúng ta?  Bình thường và hiển nhiên nhất là Lời quyền phép của Ngài trong Kinh Thánh.  Chúa cũng phán trực tiếp với tâm linh chúng ta nữa qua những bài giảng, những lời khuyên trực tiếp của những người lãnh đạo tinh thần vẫn theo dõi các bước đi của nếp sống tâm linh chúng ta.  Chúa dùng rất nhiều cách thức để dạy dỗ, chỉ dẫn chúng ta con đường và ý muốn của Ngài cho đời sống chúng ta.  Hãy để ý những hoàn cảnh đang diễn ra chung quanh mình, thì chúng ta có thể thấy bàn tay chỉ dẫn của Chúa.  Người nào thường xuyên đọc Kinh Thánh mỗi ngày sẽ có khả năng nghe được tiếng Đức Thánh Linh nhỏ nhẹ phán với mình trong tâm linh và tâm trí.  Nếu ai thường xuyên để lòng mình ngưỡng vọng Chúa trong mọi hoàn cảnh, và đang đứng trước những cảnh ngộ mà chưa biết phải xử trí ra sao, thì hãy nhớ tới lời hứa nầy: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi!” Lúc ấy hãy lắng lòng an tâm chờ đợi; chắc chắn Chúa sẽ chỉ dẫn không sai trật. Chúng ta thường sai lầm khi vội vã lập quyết định mà không chờ đợi sự chỉ dẫn của Chúa.  Hãy nhớ rằng Chúa thường không bảo chúng ta làm những việc kỳ dị.  Ngài đã lập ra các định luật trong cõi thiên nhiên, thì Ngài cũng chỉ dẫn con cái Ngài hành động theo cách suy nghĩ thường tình (common sense).

Ở chỗ nầy thì Chúa đưa ra lời cảnh cáo rằng “chớ dại dột như con ngựa và con la, là vật vô tri; phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được” (9).  Ngựa và la là loài phải bị hàm khớp và dây cương điều khiển khiến nó bị đau đớn nếu nó cưỡng lại người điều khiển nó.  Cũng vậy, tín hữu nào dại dột không chịu vâng lời Chúa sẽ phải bị đau đớn vì bị Ngài sửa trị.  Chắc rằng không ai nghe lời Chúa phán trực tiếp vào lỗ tai mà dám cãi không vâng lời.  Nhưng sự cứng cổ không vâng lời vẫn diễn ra trong vòng tín hữu các Hội Thánh, bởi vì những người nầy chỉ thấy các mục sư là loài người đang khuyên dạy mình chứ không thấy Chúa nói; họ không biết rằng Chúa đang dùng những người ấy để nói với mình. Tính cố chấp và kiêu căng của những người thiếu hiểu biết nhưng tưởng rằng họ khôn hơn người lãnh đạo thuộc linh của họ khiến họ mang tâm lý không chịu phục loài người và tìm cách lý luận theo ý riêng. Những người như vậy sẽ bị Chúa dùng hàm khớp và dây cương mà sửa trị.

Tính chất dối trá của con người dễ làm người ta cứng lòng trước lời khuyên dạy chính đáng của những người lãnh đạo thuộc linh, rồi phải chịu sự sửa trị của Chúa.  Vì thế: “Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn” (10).  Những người không biết kính sợ Chúa cũng không vâng lời Ngài thì bị gọi là ‘kẻ ác.” Những nỗi đau đớn của kẻ ác là những hậu quả khổ não của tội lỗi. Đau đớn vì không có bình an, vì tai hoạ ập đến như nhiều lượn sóng không ngưng nghỉ; đau đớn vì đứng trước tương lai bất định mà không được ai chỉ dạy; đau đớn vì thấy thất bại đổ vỡ sẽ xảy ra mà không làm sao tránh khỏi.  “Nhưng người nào tin cậy Đức Giêhôva, sự nhân từ vây phủ người ấy” (10b). Người tin cậy Đức Giêhôva là người sẵn sàng vâng lời Ngài dạy dỗ, tin những gì Ngài cho biết trước là chính xác và vâng theo sự chỉ dẫn ấy.  Lời hứa của Chúa hết sức tuyệt vời!  Không có gì sung sướng cho bằng biết mình được sự nhân từ của Chúa che phủ. Che phủ tức là giữ gìn cho lòng chúng ta không cách xa Chúa, giữ ta luôn ở trong Ngài, và giữ không cho phép sự dữ hoặc tai hoạ nào đến gần người vâng lời Ngài.  Chúa sẽ giúp cho mọi việc người làm được thành công.

Cuối cùng là lời kêu gọi những người công bình, tức là những người đã nhận được sự tha thứ, ơn cứu rỗi chuộc tội của Chúa, “hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giêhôva!” và “người có lòng ngay thẳng hãy reo mừng!” (11)  Vui vẻ hớn hở là sự biểu lộ của lòng vui mừng vì biết được tha thứ, được xưng công nghĩa trước mặt thiên đàng và được cứu rỗi.  Người không vui là người bối rối không biết số phận mình sẽ ra sao.  Đó là những người chưa kinh nghiệm được sự tha tội và sự tẩy sạch, cũng không hi vọng gì về các phước hạnh từ trời. Sự vui mừng thật biểu lộ qua tiếng hò hét, reo vui.  Đavít nói rằng người đã thật sự kinh nghiệm về Chúa sẽ hò reo mừng rỡ vì biết mình thật sự được phước.  Những người ấy cũng dám tuyên bố, chia sẻ ơn phước đó cho người khác biết nữa.  Trong năm mới mọi con cái Chúa hãy kinh nghiệm sự vui mừng mới, sự vui thoả của tâm linh nhẹ nhàng vì gánh nặng tội lỗi đã được cất bỏ.  Hãy chứng tỏ cho người chung quanh thấy hình ảnh của Đức Chúa Giêxu qua nếp sống mới của chúng ta.

NguonPhuoc02.docx

Rev. Dr. CTB