Bài 15: Thái Độ đối với Đồ Cúng

Thái Độ đối với Đồ Cúng

1Côrinhtô 10:14–33

Dựa trên bài học lịch sử của các thế hệ tổ phụ người Dothái bị trật phần hạnh phúc của miền đất hứa, Phaolô đưa ra lời cảnh cáo về những việc liên quan đến sự cúng kiến: “Vì thế, thưa anh em thân yêu, hãy xa lánh việc thờ cúng thần tượng” (14).  Ông gọi những người mà ông đã từng dắt dẫn là các anh em thân yêu, để bày tỏ tình yêu thương vô cùng đối với họ.  Biện pháp mà ông đề nghị là: “hãy xa lánh việc thờ cúng thần tượng.” Một hành động tưởng chừng vô hại nhưng có liên quan trực tiếp tới việc nầy là ăn đồ ăn đã cúng.  Phaolô kêu gọi tín hữu ở Côrinhtô hãy có sự suy xét khôn ngoan (15).  Vì họ vẫn thường lý luận tranh cãi, bây giờ họ cần phải bình tâm suy xét bằng sự không ngoan, bởi nhờ sự suy nghĩ khôn ngoan phù hợp với lương tâm, thì những gì họ hiểu ra mới có hiệu quả lâu dài và vững chắc trong lòng.

Phaolô dùng biểu tượng Tiệc Thánh minh giải cho điều ông muốn nói.  Khi chúng ta nâng ly nước nho của Tiệc Thánh chúc tạ Đức Chúa Trời về sự tha tội được thực hiện qua huyết của Đức Chúa Giêxu, và khi cầm bánh để tưởng nhớ thân thể Ngài đã bị roi vọt đau đớn tan nát vì chúng ta, thì người dự được hiệp thông với Đấng Christ.  Nói vắn tắt, Tiệc Thánh là bữa tiệc về thân và huyết của Chúa chúng ta. Ăn và uống là dự phần trong sự hi sinh, làm người khách mà sự hi sinh đó của Ngài hiến cho ta vì tình bạn.  Như vậy, dự bàn tiệc của Chúa là sự xưng nhận mình là dân sự của giao ước và là khách mời của Ngài (16).  Điều đó chính là mục đích và mục tiêu của biểu tượng về ăn và uống là hiệp thông với Đức Chúa Trời, dự phần vào các đặc quyền và xưng nhận các bổn phận mình phải làm do kết quả của sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu; kết hợp với tất cả các Cơ-đốc-nhân chân thật hiệp thông với nhau trong thánh lễ nầy. Đây cũng là ý nghĩa của sự chia sẻ đồng một ổ bánh (17), dấu hiệu về thân thể Chúa chúng ta đã bị tan nát vì đòn vọt.  Ngài là bánh thật xuống từ thiên đàng.  Bởi sự ăn cùng một ổ bánh, ta được kết hợp vào một thân thể, trở thành chi thể của Ngài và của nhau.

Phaolô lại nêu lên các tục lệ trong nghi lễ thờ phượng của người Dothái là sau khi sinh tế đã dâng trên bàn thờ, thì người dâng hiến sẽ ăn phần của họ về thịt của con vật sinh tế.  Bởi việc ăn thịt sinh tế thì người dâng tế lễ được hiệp thông với bàn thờ, biểu tượng về sự thánh khiết, vì mọi vật đã chạm đến bàn thờ thánh đều hoá ra thánh.  Sự thánh hoá đó là biểu tượng về sự được hiệp thông với Đức Chúa Trời, Đấng mà tế lễ được dâng cho (18).

Phaolô dùng hai hình ảnh hiệp thông trên để giải thích lý do tại sao tín hữu không được dính dấp vào đồ cúng tế của người ngoại đạo; và để chứng minh những người thờ cúng hình tượng bị kết hiệp với ma quỷ ra sao.  Sở dĩ ông đã phải đề cập tới việc nầy, vì có người tại Côrinhtô đã lý luận rằng: thần tượng là hư không, chúng không có thật, chúng không có chút thần tánh nào, nên thức ăn cúng tế cho chúng chỉ thuần tuý là thức ăn, trước và sau khi cúng không có gì là thay đổi, cho nên chỉ cần cẩn thận chút ít khi ăn mà thôi.  Phaolô xác nhận thần tượng chẳng là gì cả (19).  Nhưng, hành vi cúng kiến của người ngoại đạo thực hiện bởi lòng tin của họ vào thứ thần tượng mà họ tôn thờ.  Tâm lý tôn thờ và hành động dâng cúng đó do ma quỷ xúi giục để chúng trở nên đối tượng mà người dâng cúng thờ lạy.  Vì thế, khi cúng lễ lòng họ hướng về ác quỷ chứ không hướng về Đức Chúa Trời là Đấng phải được thờ lạy và tôn vinh (20a).

Vì lẽ ấy, Phaolô nói “tôi không muốn anh em có phần với ác quỷ” (20b). Nếu dự Tiệc Thánh là hiệp thông với Chúa, thì ăn đồ đã cúng cho ma quỷ là dự tiệc của ác quỷ và hiệp thông với ma quỷ.  Chúng ta không thể hiệp thông với hai phía nghịch nhau như nước với lửa (21).  Ai làm thế là trêu chọc cơn thịnh nộ của Chúa đối với mình.  Bởi vì khi một tín hữu ăn đồ đã cúng cho thần tượng, thì người đó công khai phủ nhận đức tin Cơ-đốc.  Hành vi ấy bị xem là phản bội Đấng đã chết thay chỗ cho mình; mà Đấng ấy lại là Chúa Tể của cả cõi vũ trụ.  Không có loài thọ tạo nào mạnh hơn Đấng đã dựng nên mình (22); hơn nữa, không hành vi cố ý phản bội nào sẽ được tha thứ sau khi đã nhận ơn Chúa cứu chuộc mình ra khỏi gông cùm tội lỗi và ách áp chế của ma quỷ.  Rất có thể đã có một số tín hữu ở Côrinhtô xem nhẹ việc nầy và tham dự các bữa tiệc cúng bái của người ngoại đạo. Nahum 1:6 ghi “Ai đứng nổi trước sự thịnh nộ Ngài? Ai đương nổi sự nóng giận Ngài?” Ai vẫn còn yêu thích ăn uống đồ cúng hãy suy nghĩ kỹ về việc nầy.

Mặc dù tín hữu có thể ăn một cách hợp pháp đồ đã cúng cho thần tượng, họ không nên ăn mà trong lòng có sự tôn kính thần tượng ấy, hoặc vào trong các chùa miễu mà dự tiệc ở đó.  Mặc dù “Mọi việc đều được phép làm, nhưng không phải mọi việc đều có ích,” cũng “không phải cái gì cũng đều có tính cách xây dựng” (23).  Tín hữu không thể chỉ căn cứ trên mặt hợp pháp của hành động mà mình quyết định, nhưng phải suy xét xem việc ấy có thích đáng và gây dựng hay không.  “Đừng ai tìm lợi ích riêng tư, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (24).  Những người dính líu vào các việc tự nó không có vẻ tội lỗi gì, thì thường bị rơi vào những rắc rối do chính việc ấy gây ra, và làm thương tổn đến nhiều người khác.  Hoàn cảnh có thể đưa đẩy chúng ta phạm tội trong việc tự nó vốn không có gì xấu.

“Đối với thức ăn bày bán tại hàng thịt, anh em được ăn.  Đừng vì lương tâm mà hỏi han gì; vì đất và mọi vật trên đất đều thuộc về Chúa” (25–26).  Những tế sư của các chùa miễu thời bấy giờ thường được chia phần thịt cúng tế.  Vì ăn không hết nên số thịt ấy được bày bán ở hàng thịt; không thể phân biệt được thịt nào đã cúng, thịt nào chưa cúng. Hoa quả, vật thực và thú vật đều do Chúa sáng tạo và chu cấp cho loài người. “Vì mọi vật Đức Chúa Trời tạo ra đều tốt, không có gì phải bỏ, nếu ta cảm tạ mà nhận lãnh; các vật đó đều được thánh hoá nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện” (1Tim.4:4–5).  Tín hữu có thể yên tâm ăn mọi thứ thịt bán ở chợ. Nhưng nếu biết đó là thịt đã cúng cho thần tượng thì đừng nên mua về ăn.

Cũng vậy, khi được người chưa tin Chúa mời dự tiệc mà mình muốn đi vì lý do giao tế gì đó thì cứ ăn những gì người ta dọn ra cho mình ăn, “đừng vì lương tâm mà hỏi han gì” (27).  Nhưng nếu được biết là thức ăn đã cúng, thì đừng ăn (28), để không bị người kia phán xét.  Vì chúng ta không thể để cho “quyền tự do của mình bị lương tâm người khác quyết định” (29).  Nghĩa là có thể người chưa tin sẽ phê phán và mỉa mai khi chúng ta khinh bỉ thần tượng mà lại ăn đồ đã cúng cho thần tượng: “Nếu tôi cảm tạ Chúa khi ăn, sao còn bị người khác xúc phạm vì một thức ăn tôi đã tạ ơn Chúa?” (30).  Thế thì, bài học nầy nên khiến các tín hữu phải rất cẩn thận khi được mời dự tiệc của người ngoại đạo, vì hầu hết thức ăn họ đều dâng cúng trước khi dọn ra cho khách ăn.

Nhân dịp nầy, Phaolô đưa ra một luật về hành xử “Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Đức Chúa Trời.  Đừng gây cho ai vấp phạm, dù là người Dothái, Hylạp, hay anh em trong Hội Thánh Đức Chúa Trời” (31–32).  Luật đưa ra mục tiêu là tôn vinh Đức Chúa Trời trong bất cứ việc chi mình hành xử, và chỉ nhắm làm đẹp lòng Ngài – là nguyên tắc căn bản của đời sống thánh thiện thực tế.  Cho nên, tín hữu không nên làm việc gì tổn thương bất cứ ai; dù người đó là người ngoại đạo, Dothái giáo, hay anh chị em tín hữu.  Người Dothái vô cùng gớm ghét thần tượng; nếu họ thấy tín hữu ăn đồ đã cúng thì họ nhờm tởm thêm.  Nếu người ngoại đạo thấy tín hữu ăn đồ cúng, họ sẽ tưởng lầm chúng ta cũng kính trọng thần tượng của họ.

Phaolô đưa ra gương của chính ông để làm một ví dụ “trong mọi việc, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm lợi ích riêng tư, nhưng lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi” (33).  Không gì hiệu quả hơn khi người dạy đạo làm gương sáng về những điều mình vẫn dạy dỗ người khác.  Những người được dạy chỉ có thể làm theo lời dạy khi họ thấy người dạy mình thực hành việc đó trong cuộc sống riêng tư.  Tánh khí cũng như lợi ích riêng của người hầu việc Chúa phải là thứ yếu khi so sánh với lợi ích của anh chị em tín hữu khác.  Mục đích là để họ chắc chắn nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận lãnh phần thưởng của mình.

1Corinhto16.docx

Rev. Dr. CTB