Chúa Nhật, June 12, 2011 – Tiếp Xúc Bạn Hữu và Làm Sáng Tỏ Phúc Âm (Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh p.17)

Chúa Nhật, June 12, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (17)

Tiếp Xúc Bạn Hữu và Làm Sáng Tỏ Phúc Âm

Luca 5:27–32

Quan điểm về chứng đạo của Hội Thánh thường cho rằng truyền giáo cho người chưa quen dễ hiệu quả và có giá trị.  Sự thật thì trái ngược.  Những người quen biết sẵn đã có một lượng tin cậy nào đó nơi chúng ta và biết các động lực nào đang thúc đẩy cách chúng ta cư xử, là giới mà chúng ta tạo ảnh hưởng dễ nhất. Nếu ai đã có đủ chất mặn của Cơ-đốc-nhân: Tính chân thực, đức nhân ái và đức hi sinh, thì thân hữu đã biết đức tin và con người chúng ta ra sao rồi.  Nhưng yếu tố then chốt trong các mối liên hệ, là thời gian, thì chúng ta còn thiếu.  Như thế, ai đã quyết định tham gia trận chiến truyền giáo thì phải sắp xếp lại thì giờ của mình để có thể trò chuyện, kết thân, và tìm hiểu người mà mình muốn họ được cứu.

Chúng ta có thể bắt chước Lêvi (Mathiơ) mở tiệc mời những người quen đến dự.  Mục đích của bữa tiệc là tạo một khung cảnh thoải mái không có hình thức hay màu sắc tôn giáo để những tín hữu ‘muối mặn’ có cơ hội tiếp xúc với người chưa tin cách tự nhiên, nhẹ nhàng.  Đây cũng là khung cảnh lý tưởng để củng cố tình thân với những người đã quen biết sẵn, và tạo cơ hội để có thêm những người quen biết mới.  Khung cảnh gia đình là môi trường tốt để gieo các hột giống tâm linh và làm phát khởi những cuộc trò chuyện về niềm tin.  Khi đã khởi sự, chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy người mình quen mở lòng ra đối với phúc âm cách nhanh chóng.  Những ngày lễ hoặc những dịp cho trẻ em vui chơi là cơ hội mở tiệc để người lớn có thể gặp nhau trò chuyện.

Thật ra nếu thật lòng muốn tiếp xúc, chúng ta chỉ cần chút sáng kiến là có thể tiếp xúc với bè bạn qua các sinh hoạt thường ngày mình vẫn có, không cần tạo thêm bận rộn. Chỉ cần rủ bạn đến tham gia những việc mình đã dự trù sẵn: đi ăn trưa, đi mua sắm, xem thể thao, đi bộ ở công viên, hay giúp đỡ nhau làm việc vặt, làm vườn, sửa chữa đồ gia dụng, sửa xe, vv.  Khi tình bạn đã thân thiết sẽ đưa đến các cơ hội thuộc linh.  Chúng ta không cần chú trọng vào hàng trăm sự quen biết cùng một lúc, bởi vì sẽ không làm nổi và chẳng kết quả gì.  Chỉ dồn nỗ lực vào hai hay ba người bạn mà thôi.  Và những lần gặp nhau phải là tự nhiên cho cả đôi bên, không có gì gượng gạo.

Có thể chúng ta không biết phải tìm ai vì hiện nay không có nhiều bạn bè là người ngoại đạo, do đã cắt đứt liên lạc với bạn cũ từ ngày mình tin Chúa, hoặc đã mất liên lạc từ lâu.  Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi mình gọi để bắt liên lạc với những người quen biết cũ dù không thân thiết.  Họ sẽ rất mừng rỡ.  Cuộc tái ngộ sẽ đầy hào hứng vì cả hai phía đều mong được thấy những thay đổi của nhau.  Nếu chúng ta có chút sáng kiến, chịu khó suy nghĩ tìm tòi qua vài lần nói chuyện bằng điện thoại, sẽ tìm được nhiều tin tức mình đang cần.  Một cách khác là làm quen với người mình muốn quen để kết bạn với họ.  Sau khi đã kết thân sẽ dần dần tiến tới mục đích đã định.  Ai cũng có những chỗ mình thường lui tới.  Nếu có chủ tâm, có chuẩn bị tính toán trước, các việc lặt vặt tầm thường đó có thể dẫn đến nhiều cơ hội kết thân để truyền giáo.

Có chất mặn mà không để chất mặn ấy tiếp xúc với người mình muốn gây ảnh hưởng, thì vị mặn đó không ích lợi gì cho công cuộc truyền giáo.  Vì vậy, tín hữu phải củng cố những mối tình thân, tiếp xúc gần gũi với người mà mình muốn họ được cứu.  Ngoài chất mặn của Cơ-đốc-nhân mà mình phải có, tín hữu cũng phải tập luyện khả năng soi sáng bởi vì chúng ta còn là ánh sáng của thế gian. Nghĩa là chúng ta phải có khả năng giải thích Tin Mừng của Đức Chúa Trời cách rõ ràng cho người chưa tin Chúa, để họ có thể hiểu và tiếp nhận.  Những cách hoặc nguyên tắc trình bày phúc âm đều xoay quanh bốn (4) điểm: a) Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá đầy lòng thương yêu, hoàn toàn thánh khiết, và vô cùng công nghĩa; b) loài người phạm tội và không phương cách chi tự giải thoát mình; c) Đức Chúa Giêxu Christ, là Đức Chúa Trời, đã đến để làm giải pháp cứu giúp và chuộc chúng ta. Ngài làm thỏa mãn tình yêu, đức thánh khiết và đức công nghĩa của Đức Chúa Trời qua sự hi sinh chịu chết chuộc tội cho toàn nhân loại; d) phải đáp ứng ơn ấy ra sao?!

Tín hữu cần nắm vững lý do tại sao mình đã nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời.  Người quen cần phải biết rõ tính hợp lý của quyết định quan trọng mà chúng ta đã lập.  Có nhiều cách để minh giải mà mỗi người đều phải hiểu biết cách rõ ràng để mỗi lần trình bày không cần dùng đến sách vở tài liệu gì hết.  Sau đây là vài cách đơn giản, dễ nhớ, và có hiệu quả nhiều nhất:

Cố-gắng so với Hoàn-thành là cách so sánh sự khác biệt một trời một vực về phương cách tìm con đường cứu rỗi cho linh hồn chúng ta giữa các ngoại giáo với đạo của Chúa.  Các tôn giáo khác luôn luôn dạy người ta phải cố gắng làm điều lành, để may ra nhờ cách nào đó nhận được ân huệ và sự tha thứ cho những tội lỗi đã phạm lúc còn sống trên nhân gian.  Ai có quyền tha tội thì chẳng ai biết. Hơn nữa, Đấng Tối Cao mà các tôn giáo tìm kiếm đó, thì họ không biết rõ là ai, ở đâu, hoặc có những thuộc tính gì.  Sự cố gắng ấy lại không có giới hạn hay mục tiêu rõ rệt, thật ra chỉ là ý tưởng cầu may nhắm tới mục tiêu vô định.  Tin Mừng của Chúa thì nói rõ rằng không ai có thể đạt tới tiêu chuẩn toàn hảo của Đức Chúa Trời, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời.” (Rôma 3:23).

Tin Mừng ấy cũng cho biết khát vọng mong được cứu rỗi của loài người mà không ai trong nhân loại có thể làm được đó, thì đã được hoàn thành.  Đức Chúa Giêxu đã hoàn thành thay cho chúng ta.  Ngài đã sống cuộc đời toàn hảo mà không ai có thể sống; Ngài đã trả nợ hình phạt mà đáng lẽ chúng ta phải trả, bằng cách vui lòng chịu nhục hình ấy trên thập tự giá.  Vì giá phải trả đã được hoàn thành, thì người muốn được cứu chỉ cần khiêm nhu chấp nhận món quà tặng về sự tha thứ ấy, rồi bắt đầu đi theo sự hướng dẫn của Đấng biết trước tương lai.  Hoàn thành không phải chỉ là cứu độ, mà còn là hướng dẫn, giúp đỡ, thánh hoá để người tin được thay đổi từ trong ra ngoài, đủ điều kiện bước vào thiên đàng, chỗ ở của thần thánh.

Cũng có thể dùng ví dụ chiếc máy bay để minh giải Tin Mừng cho những người chỉ tin cách mơ hồ về sự thiện hảo của Chúa hay Ông Trời, hoặc những người chỉ đi nhà thờ mà chưa bao giờ thực sự nhận ơn cứu rỗi.  Ví dụ chiếc máy bay nói về sự vô ích của người tuy có kiến thức về các hãng máy bay, hãng nào có thành tích tốt nhất về giá vé, độ an toàn và sự phục vụ giỏi; biết chọn hãng tốt, biết cách đặt vé, biết đường tới phi trường, vô được trong cổng, thấy mặt phi hành đoàn nhưng chưa bao giờ leo lên máy bay để đi tới chỗ mình muốn đến.  Tri thức ấy không dẫn người đó đến đâu cả.  Người ta phải hành động theo sự họ biết mới đạt kết quả.  Như vậy, nếu chỉ biết về đạo Chúa thì chưa đủ, thậm chí người có mục vụ mà không có mối liên hệ thân mật với Đấng Christ, cũng chỉ là đang làm chuyện vô ích cho bản thân.  Nếu bạn mình hiểu ra, hãy thúc giục họ khiêm cung tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa và mời Ngài vào lòng làm Chủ.

Người ta ít khi nào muốn nghe người khác diễn thuyết, họ thích trò chuyện và thảo luận hơn.  Vậy, đừng tỏ ra mình là ông thầy dạy đời.  Tín hữu nào muốn tuân theo mệnh lệnh của Chúa thì phải chuẩn bị sẵn sàng bằng cách tập luyện đặt câu hỏi.  Chúng ta không thể thuần thục việc chi mình chưa quen mà không cần phải tập luyện.  Đừng làm theo kiểu cầu may của ban chứng đạo ở các Hội Thánh xưa nay.  Phải tìm thì giờ ngồi xuống viết ra những câu hỏi, nghĩ ra các câu trả lời khác nhau có thể xảy ra.  Tìm cách ứng đối thích hợp thì mới mong thành công.  Sinh hoạt ở các Tổ Tình Thương là môi trường tốt nhất để tập luyện khả năng thảo luận và đặt ra câu hỏi mà mình còn thắc mắc.  Phải biết chăm chú lắng nghe câu trả lời để biết thân hữu có hiểu điều mình muốn trình bày hay không.

Ham nói và nói nhiều chi tiết quá là cách chuẩn bị cho sự thất bại. Hãy tập để biết cách khởi đầu và kết thúc đúng lúc.  Hãy học để biết nói cách vừa đủ sự khao khát của thân hữu. Vì như thế họ sẽ biết rằng họ có thể tự nhiên hỏi để biết thêm khi cần.  Say mê nói mà không theo dõi xem thân hữu có chăm chú lắng nghe hay không cũng là một chuẩn bị để thất bại khác. Chúng ta luôn luôn muốn truyền giáo thành công cho Chúa của chúng ta.

QuyenNangThuocLinh17.docx

Rev. Dr. CTB