Chúa Nhật, November 20th, 2011 – Cuộc Tranh Chấp Trong Lòng (2) (Các Vấn Đề Tâm Linh p.2)

Chúa Nhật, November 20th, 2011

Các Vấn Đề Tâm Linh, 02

Cuộc Tranh Chấp Trong Lòng (2)

Rôma 7:14–24; Galati 5:13–26

Kinh Thánh Tân Ước cho biết rằng bất cứ ai đã bước vào giao ước mới trong huyết của Đức Chúa Giêxu, thì người ấy đã được giải thoát khỏi luật pháp Môise, là luật pháp chỉ có thể cho người ta biết rằng họ phạm tội (Rôma 6:14), chứ không có khả năng giải thoát người đó khỏi hình phạt hay quyền lực của tội lỗi. Người ấy cũng được giải thoát khỏi xác thịt khi bước đi trong giao ước mới với Chúa theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Vì “Điều gì luật pháp không làm được–vì luật pháp đã bị xác thịt làm cho suy yếu, thì Đức Chúa Trời đã làm: Đức Chúa Trời sai Con Ngài làm sinh tế chuộc tội, mang lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi, và Ngài xử phạt tội lỗi trong thể xác, như thế, những điều luật pháp đòi hỏi được hoàn thành nơi chúng ta, là người không sống theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh” (Rôma 8:3–4). Như vậy, không có sự tranh chấp giữa xác thịt và Đức Thánh Linh trong lòng mọi thánh đồ chân thật của Chúa.

Thế nhưng, sự mô tả cuộc tranh chấp căng thẳng bên trong Phaolô ở phân đoạn Rôma 7:14–24 thì sao? Mới đọc qua thì có vẻ như là dù Phaolô đang bước đi theo Đức Thánh Linh, vẫn bị xung đột triền miên trong nội tâm do sự lôi kéo của xác thịt. Nhưng xem xét kỹ đoạn văn nầy sẽ thấy ba điều cho biết cảm nghĩ ấy không đúng: a) bối cảnh văn mạch, b) những gì Phaolô có nói, c) những gì Phaolô không nói.

Toàn thể bối cảnh văn mạch của Rôma 7 nói về vai trò của luật pháp Môise trong đời sống tín hữu. Các câu 1–6 nói rõ rằng các thánh đồ chẳng còn liên hệ gì tới luật pháp ấy cả. Qua cái chết của Đức Chúa Giêxu, chúng ta đã chết đối với luật pháp (4) và cả với xác thịt (5–6). Câu: “Trước kia, khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, …” thuộc thì quá khứ; nghĩa là nếu chúng ta đã chết đối với luật pháp và xác thịt, thì hai điều đó chẳng còn thẩm quyền gì trên chúng ta nữa.

Nhưng Phaolô không xem luật pháp là xấu hoặc ác; bởi vì không phải luật pháp giết chúng ta, nhưng ấy là bản chất tội lỗi ở trong chúng ta bị luật pháp làm khuấy động. Nan đề của Phaolô đối với luật pháp là sự bất lực của nó trong việc giúp sức hoàn thành những điều nó đòi hỏi. Ông không gán tội cho luật pháp, vì điều răn không phải là nguyên nhân chính làm cho chúng ta chết, nhưng là tội lỗi nhân điều răn khiến chúng ta chết (13). Những ai đã từng cố gắng làm theo luật pháp sẽ hiểu tình trạng nầy rõ hơn ai hết. Bởi vì người nào ở dưới luật pháp, chưa kinh nghiệm được ân tứ của Đức Thánh Linh, thì tội lỗi và xác thịt là các quyền lực lúc nào cũng mạnh hơn.

Ở trong Đấng Christ và được Đức Thánh Linh dắt dẫn là sự đáp lời của Đức Chúa Trời cho tiếng than tuyệt vọng của câu 7:24. Chẳng những chúng ta không còn bị đoán phạt (8:1)–vì hình phạt đáng lẽ ta phải nhận chịu đã bị đưa vào quá khứ qua sự chết của Đấng Christ–mà nay chúng ta đã sống dưới luật pháp mới, “luật của Thánh Linh, của sự sống trong Đức Chúa Giêxu Christ” (8:2). Những gì mà luật pháp không làm nổi, thì Đức Chúa Giêxu Christ đã đứng vào vị trí của ta để làm thay cho chúng ta; và Đức Thánh Linh làm cho chúng ta kinh nghiệm sự hoàn thành luật pháp mới khi chúng ta bước đi theo sự dắt dẫn của Ngài (8:3–4). Như vậy, có thể tóm tắt ba điều đơn giản:

a) Những gì Phaolô mô tả trong phân đoạn nầy là người chưa có Đấng Christ cũng như không được Đức Thánh Linh hướng dẫn, thì sẽ sống vô cùng khổ sở dưới ách của luật pháp.

b) Người ở cảnh ngộ đó không bao giờ có thể thắng, vì bị ở dưới một luật pháp không có khả năng làm cho sống, mà vẫn phải đối diện với quyền lực mạnh mẽ của tội lỗi và xác thịt, nghĩa là đã bị bán làm nô lệ cho tội lỗi, không thể nào làm được những điều thiện mà luật pháp đòi hỏi, hoàn toàn trái nghịch với cuộc sống trong Đấng Christ được Đức Thánh Linh giúp sức.

c) Các câu 7–25 không đề cập gì tới Đức Thánh Linh; câu 6 là chỗ chót nói về Đức Thánh Linh là Đấng làm cho mối liên hệ giữa chúng ta với luật pháp và xác thịt phải chấm dứt. Hai câu tiếp theo ở đầu đoạn 8 là sự đáp lời từ thiên đàng đối với tiếng kêu tuyệt vọng của người phải vật lộn với tội lỗi, trong khi đó luật pháp đứng cạnh bên nhìn cách bất lực, luật pháp ấy thay vì giúp chúng ta sống, thì chỉ có nhiệm vụ lên án tội lỗi của chúng ta, chứ không giúp ích chi được.

Như vậy, những vấn đề Phaolô nêu lên trong Rôma 7 liên quan đến luật pháp Môise. Luật pháp ấy dù là thánh và tốt lành, nhưng đời sống nào chỉ làm theo luật pháp ấy mà thôi thì không có gì bảo đảm.

Đến Galati 5:17 thì một số người lại rất thắc mắc về vấn đề xung đột giữa Đức Thánh Linh với xác thịt khi đọc thấy: “Vì xác thịt ham muốn những điều nghịch với Thánh Linh, Thánh Linh chống lại xác thịt. Hai bên đối nghịch nhau, nên anh em không thể làm điều mình muốn.” Phải chăng có xung đột giữa Thánh Linh với xác thịt trong lòng tín hữu, mà phần trên đã quả quyết là không có chuyện đó? Câu nầy không hàm ý rằng có cuộc xung đột trong lòng tín hữu giữa Thánh Linh với xác thịt, mà chỉ nêu lên sự tương phản để giải thích cho Galati 5:16 là cuộc sống và cách cư xử mà tín hữu phải lập quyết định: “Hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng chiều theo dục vọng của xác thịt.”

Câu ấy là lý lẽ trả lời cho thắc mắc của tín hữu gốc Dothái giáo ở Galati nêu lên: ‘Nếu không còn cần phải giữ luật Môise vì Đấng Christ và Đức Thánh Linh đã đến, vậy thì cái gì sẽ bảo đảm cho người tin đạt đến sự công chính?’ Phaolô căn cứ trên cách sống bị xác thịt cai trị trước kia của người Galati để cảnh cáo họ đừng lợi dụng sự tự do đã đạt được trong Đấng Christ biện hộ cho cách sống theo xác thịt (13), tranh chấp nhau trong Hội Thánh (15), nhưng đối đãi nhau bằng tình yêu thương; như vậy là hoàn thành luật pháp (14). Các câu 16–26 là lời giải đáp cho vấn nạn đã nói ở 13–15, trong 15 thứ tội thì có đến 8 thứ là tranh chấp bất hoà (20–21). Vì cớ sống theo xác thịt hoàn toàn nghịch với Đức Thánh Linh, nên những người đang sống theo Thánh Linh không thể chiều theo các dục vọng nào họ muốn. Nghĩa là sự tự do mới mà họ được trong Đấng Christ không cho phép họ cứ tiếp tục sống theo lối sống trước kia là tranh chấp tiêu diệt nhau.

Làm Cơ-đốc-nhân là sống giữa lúc giao thời. Cuối cùng thì xác thịt đã bị thương chí tử sẽ bị tận diệt khi Đấng Christ trở lại. Đức Thánh Linh mà hiện nay chúng ta đang sở hữu, sẽ hoàn toàn thể hiện cũng trong ngày đó. Vì biết rằng đời sống cũ chưa hoàn toàn qua hết, chúng ta vẫn phải nhờ cậy Đức Thánh Linh mà bước đi trong mọi hành động và cách ăn nết ở của mình. Chúng ta chắc chắn có thể làm được điều đó, vì Đức Thánh Linh là sự đầy đủ của chúng ta, Ngài thừa khả năng và quyền phép để giúp chúng ta biến đổi nên mới trên tiến trình thánh hoá. Mỗi người phải nắm vững lập trường và quan điểm nầy: Hiện nay chúng ta vẫn còn phải sống trong thân thể xác thịt; vẫn phải đối diện với muôn vàn thực tế của thế hệ mình đang sống. Nhưng chúng ta vẫn có thể nhất quyết không bước đi theo những sự ham muốn của xác thịt.

Bí quyết của đời sống tự do trong Đấng Christ dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh ấy là dành nhiều thì giờ yên lặng ở riêng với Chúa để suy gẫm, rồi cảm tạ, tôn vinh Chúa về những gì Ngài đã thực hiện cho chúng ta trong từng vấn đề lớn nhỏ – những gì Ngài đang làm, và hứa sẽ làm – rồi ca tụng công ơn của Ngài đối với chúng ta. Đừng phí thì giờ hồi tưởng những lỗi lầm, những thất bại khi không giữ nổi các điều răn của luật pháp. Một lúc nào đó nếu có ai cảm thấy bị thúc giục muốn trả đũa người đối xử tệ với mình, thay vì tha thứ như Chúa đã tha thứ chúng ta thì hãy nhớ lại rằng chúng ta vẫn đang sống giữa lúc giao thời: Con người cũ đã chết rồi nhưng sự gây ô nhiễm vẫn còn đó; đời sống được hoàn toàn thánh hoá chắc chắn sẽ đến. Hiện thời thì có quyền năng của Đức Thánh Linh vẫn ban cho đủ để giúp chúng ta vượt lên cách sống của con người cũ, và sống cách thánh thiện trong một đời sống mới đẹp lòng Ngài.

VanDeTamLinh02.docx

Rev. Dr. CTB