Chúa Nhật, May 15th, 2011 – Tính Chân Thực (Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh p.13)

Chúa Nhật, May 15th, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (13)

Tính Chân Thực

2Côrinhtô 2:14 – 17

Đức Chúa Trời than thở về dân Israel: “Dân Ta bị diệt vì thiếu sự thông biết” (Ôsê 4:6a).  Lý do của sự thiếu thông biết là vì chưa được dạy bảo, giảng giải rõ ràng.  Vị hoạn quan Êthiôpi bộc lộ sự thật trong lòng khi ông đọc sách tiên tri Êsai mà không hiểu: “Nếu chẳng ai dạy tôi, thể nào tôi hiểu được?” (Công vụ 8:31). Mọi tín hữu đều nghe rằng mình là muối của đất và rất muốn làm chất muối mặn ấy, nhưng chưa biết rõ ràng những điều cần thiết để trở thành chất mặn của muối.

Những người đi tìm chân lý luôn luôn quan tâm tới thực chất của những điều họ nghe truyền giảng hoặc quảng cáo. Có lẽ một số tín hữu và vài mục sư đã cố gắng tô điểm cho vẻ hào nhoáng bên ngoài của mình, che giấu những mâu thuẫn bên trong.  Nhưng các người tìm chân lý vẫn có thể đánh hơi được thật, giả từ đằng xa.  Những gì người ta thấy được sẽ khiến họ lập quyết định hoặc là sẽ ở lại tìm hiểu những gì họ cảm nhận là thật, hay xa lánh những gì họ cảm thấy không có thật.  Khi những người chưa có lòng tin tiếp xúc với Hội Thánh, họ đều cẩn thận dò tìm, nắm bắt những tín hiệu thật giả về những người tự xưng là con cái Chúa.  Nếu họ khám phá được một sự giả hình nào đó của những người trong Hội Thánh, họ sẽ cự tuyệt toàn thể Cơ-đốc-giáo.

Người ta dò xem cái gì?  Họ sẽ xem những người nói muốn làm đẹp lòng Chúa và bước theo Ngài trong cuộc sống mỗi ngày có thật lòng không?  Có làm theo những lời họ tuyên bố không?  Và điều đó có nghĩa gì?  Người ta sẽ quan sát để xem tính cách chân thực, sự đáng tin của chúng ta có hay không có.  Sự không đáng tin của tín hữu sẽ trở thành chướng ngại không vượt qua nổi đối với người chưa tin.  Người ta sẽ không sẵn lòng trao phó đời sống họ cho Đấng Christ, ngoại trừ họ thấy được cách sống hấp dẫn và chân thật của tín hữu mà họ quen biết. “Tín hữu phải trở thành Tin Mừng trước khi giới thiệu tin mừng cho người khác” (MS Joe Aldrich).  Trước khi trở thành một Cơ-đốc-nhân có thể làm lây nhiễm niềm tin của mình, cách sống của chúng ta phải có đủ sức thuyết phục người chung quanh rằng chúng ta thật sự có phẩm chất tốt để lây qua họ.

Để thực hiện thì chúng ta phải bắt đầu những bước căn bản tự xét mình, rồi sẵn sàng thay đổi điều chỉnh những điều cần phải thay đổi.  Chúng ta phải làm những việc gì?  Trước hết, phải bảo đảm rằng cách chúng ta cư xử ủng hộ cho những gì mình nói.  Không thể nào nói một đằng, làm một nẻo!  Một cách khéo léo để biết quan điểm của người chưa tin đối với tín hữu là thử hỏi xem họ có quen biết một tín đồ Tin Lành nào không, và họ có cảm tưởng ra sao về người đó.  Thường thì người ta sẽ nghe không thiếu những lời chỉ trích đầy ác cảm giữa những người khác tôn giáo với nhau.  Điều mà chúng ta mong muốn là khi nói đến tín đồ Tin Lành, người phê bình sẽ nhiều lời khen tặng hơn là chỉ trích.  Muốn như vậy, chúng ta phải sống thực sự là tín đồ của Chúa, bởi vì cảm nghĩ mà người khác có về chúng ta sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến quan niệm của họ về Chúa.

Đức Chúa Giêxu dạy: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Mathiơ 5:16).  Nghĩa là thái độ và hành động của các môn đồ Ngài hoặc là thu hút người ta đến với Đức Chúa Cha, hoặc là đẩy họ ra xa.  Soi sáng là cách sống có thể kéo được người hư mất đến với Chúa.  Cách sống của tín hữu Tin Lành phải luôn luôn đem lại lời khen: “Ồ, mấy người đó thật là dũng cảm và chân thật trong việc bảo vệ luân lý, đạo đức!” hoặc “Họ thiệt là đầy lòng nhân đức” hay “Họ luôn luôn nói thật, chúng tôi có thể tin cậy họ trong mọi chuyện” vv.  Có ba đức tính mà chúng ta cần tìm hiểu, rèn luyện, và cầu xin Chúa ban cho: Sự chân thật (tính đáng tin), lòng thương xót, và đức hi sinh.

Các nguyên lý của Tính Chân Thực: Thứ tánh tình làm người khác hết sức bực bội là thiếu lương thiện và không đáng tin, hoặc nói một đàng, làm một nẻo.  Trái lại, điều dễ thu hút người khác nhất là lương thiện, thành thật, và chân thực (không giả mạo).  Sự chân thành, lương thiện là đức tính có sức mạnh lôi cuốn người ta nhiều nhất.  Vậy thì một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm cách có hiệu quả để lôi cuốn bạn bè và những người thân của mình thì chỉ đơn giản là thành thật.  Qua quyền phép giải cứu của Đức Chúa Trời, chúng ta cứ tự nhiên bộc lộ con người thật đã được đổi mới của mình, thì có thể tránh được sự đóng kịch làm bộ thiện hảo hơn hoặc giả vờ kém hơn sự thật trong mình.  Có bốn lãnh vực về tính chân thực:

Gốc gác chân thực:  Bước theo Chúa không có nghĩa là mọi tín đồ đều phải cư xử theo một thứ khuôn đúc sẵn.  Không ai cần phải từ bỏ nguồn gốc của mình: trắng, đen, vàng, đỏ, nâu, giàu, nghèo, già, trẻ, dốt nát, hay có học thức, vv. Mỗi người đều có tính cách độc đáo riêng mà không người nào khác có được.  Đức Chúa Trời muốn sử dụng chúng ta theo cách phù hợp với cá tính riêng của chúng ta.  Phaolô khuyên “…ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi” (1Côrinhtô 7:17).  Đừng bao giờ cố gắng giả vờ mang thứ căn cước khác để tỏ ra mình thiêng liêng, hoặc để che giấu những nhược điểm, sự yếu kém của mình thua sút người khác.  Việc làm đó là vô ích, vì những người giỏi hơn sẽ tức khắc nhận ra sự giả dạng ấy.  Nếu chúng ta cứ sống thành thật với con người thật của mình, nhiều người ở ngoài gia đình của Chúa sẽ thấy Ngài đang sống và hành động cách chân thực qua từng đứa con đặc biệt của Ngài; và điều đó có sức thu hút rất mạnh đối với họ.

Nếp sống cảm xúc chân thực:  Tức là sự thành thật của con người bề trong.  Không phải là con cái Chúa không được quyền bày tỏ những cảm xúc buồn khổ, tổn thương, đau đớn, giận dữ, vv.  Chúng ta không cần phải che giấu những cảm xúc của con người thật.  Điều có thể thu hút người khác là chúng ta vẫn có thể thực hành đức tin của mình cách mạnh mẽ mà không cần phải từ bỏ những thực tế xúc cảm của đời sống mỗi ngày.  Những cảm xúc của chúng ta là quan trọng.  Chúa đã đặt những cảm xúc ấy bên trong chúng ta.  Chính Ngài cũng có những cảm xúc ấy nữa.  Nếu chúng ta giải quyết nó theo cách công khai lành mạnh, thì sự chân thực của cảm xúc chúng ta sẽ khiến cho mọi người thấy Chúa đang hành động trong chúng ta như thế nào.

Thành thực xưng nhận:  Người ta thường nghĩ rằng họ phải che giấu những thất bại hoặc lầm lỗi của họ.  Thật ra, sự thành thực xưng nhận là lời chứng mạnh mẽ về quyền phép biến đổi của Chúa bên trong chúng ta.  Bởi vì giữa một xã hội mà mọi người đều che giấu lầm lỗi hoặc đổ trách nhiệm lên người khác, thì sự vâng theo các điều răn và lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh khiến chúng ta khiêm nhường nhận lỗi, sẽ là chất muối mặn đầy tác động cho những ai tiếp xúc với chúng ta.

Sống bởi niềm tin thành thật:  Hầu hết những người tìm kiếm chân lý sẽ ngưỡng mộ, kính trọng các Cơ-đốc-nhân nào không biết sợ khi cần phải bảo vệ niềm tin của mình.  Những người ấy sẽ tự so sánh, tự vấn lương tâm.  Qua thời gian, những câu hỏi trong đầu họ về nguồn gốc nào, động lực nào đã tạo nên lòng can đảm và thành thật trong chúng ta, sẽ dẫn họ tìm được lời giải đáp trong Đức Chúa Giêxu Christ.

Những người tìm kiếm chân lý sẽ chẳng bao giờ kính trọng loại tín đồ bạc nhược.  Họ đi tìm những người dám bạo dạn sống đúng theo chân lý mà mình rao giảng. Điều gì đã ngăn trở không cho chúng ta sống cách thành thật như thế?  Chúng ta có Lời Chúa, có Đức Thánh Linh, có Hội Thánh, có quyền phép thiên đàng hỗ trợ lời giảng, có uy quyền trên ma quỷ ở cõi linh, có dấu kỳ phép lạ chứng minh cho thế gian về Chúa là Đấng quyền năng, có sự bảo vệ và che chở của Chúa trong mọi biến động của đời sống, có ơn phước tràn đầy trong cuộc đời, có những dấu chứng hiển nhiên của một tâm linh đang được thánh hoá, vv.  Vậy thì hãy thành thật với mọi người. Sống chân thực về con người mình không hơn, không kém; chân thực trong cảm xúc, khiêm tốn thú nhận lầm lỗi, và sẵn sàng bảo vệ điều mình tin vì biết nó đúng.  Hãy tuyên bố và sống theo niềm tin của chúng ta.  Sự chân thực là quyền phép, sự hấp dẫn, và là chất mặn của tín hữu.

QuyenNangThuocLinh13.docx

Rev. Dr. CTB