Ghi Nhớ Giấc Mơ

Chúa Nhật, June 2nd, 2013

Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 03


Đa-ni-ên 4:4–18

Chiêm bao là hiện tượng phổ quát của loài người, bất kể tuổi tác, giới tính, dân tộc, văn hoá, địa dư, giai cấp, bối cảnh lịch sử, vv. Các giấc chiêm bao là hoạt động của nội tâm con người bộc lộ cho thấy bản chất của chính mình. Chiêm bao thường là hoạt động của trí não để giải quyết lượng tin tức hay thông tin khổng lồ mà nó nhận được trong ngày. Chiêm bao có thể đem đến nhiều ích lợi về các mặt cảm xúc, thể chất, và tâm linh nữa. Những giấc chiêm bao Chúa ban cho người nhận thường có những ích lợi không ngờ. Do đó, sự ghi nhớ và viết ra rõ ràng những chi tiết của các giấc mơ có tính cách tiên tri là rất quan trọng đối với người thấy chiêm bao ấy.

 

Elias Howe được ghi công là người phát minh ra máy may vào năm 1845. Ông muốn chế tạo một máy may có kim đâm xuyên qua các lớp vải để làm thành y phục, nhưng ông không nghĩ ra nổi chỗ đặt cây kim lẫn hình thù của nó. Mới đầu ông làm một cây kim nằm ngang nhọn hai đầu với lỗ xỏ chỉ ở chính giữa kim; máy đó thất bại không may được. Một đêm nọ, cách giải quyết về cây kim tới qua một giấc mơ. Trong mơ ông thấy mình bị một bộ lạc ăn thịt người bắt trói và bỏ vào một cái nồi lớn để nấu. Nhóm người đó vui mừng nhảy nhót chung quanh nồi, mỗi người đều cầm cây giáo đâm xuống giở lên, động tác mũi giáo xuống lên đều đặn. Elias chú ý ở đầu mỗi mũi giáo có một lỗ nhỏ và có một sợi chỉ xỏ qua lỗ nhỏ ấy. Khi thức giấc, Elias nhận ra giấc chiêm bao là lời giải cho bế tắc của ông. Ông bèn chế cây kim có lỗ nhỏ ở đầu nhọn của kim để xỏ chỉ qua, và đặt vị trí của cây kim xuống lên theo chiều đứng. Thế là máy may ra đời.

 

Nhiều sự thành công hoặc sáng tác đến từ các giấc mơ bất thường, hay những sự kiện trọng đại đã được báo trước qua giấc mơ. Tổng-thống Hoa-kỳ Abraham Lincoln nằm mơ thấy người ta tới dự tang lễ của tổng-thống Mỹ bị ám sát chết. Vài ngày trước khi ông bị ám sát, ông kể lại cho vợ nghe giấc chiêm bao, rồi ông thấy lại giấc mơ ấy đêm trước ngày ông bị ám sát. Dù biết rằng đã được Chúa báo trước qua chiêm bao, người ta vẫn thường nghi ngờ ý nghĩa của giấc mơ vì đã không được Hội-thánh dạy để tin rằng những giấc chiêm bao tiên tri là đến từ Chúa, cũng không được huấn luyện để hiểu các ngôn ngữ biểu tượng của Đức Thánh Linh trong cõi chiêm bao; nên đa số chúng ta không biết phân biệt chiêm bao nào từ Chúa đến, cũng không biết cách giải nghĩa. Nếu chúng ta cứ tiếp tục không biết những giấc mơ từ Chúa đến là các kho tàng huyền nhiệm thì có lẽ Ngài sẽ không dùng những giấc chiêm bao để thông báo cho chúng ta nữa.

 

Để có thể ghi nhớ gần đầy đủ những giấc chiêm bao quan trọng, chúng ta cần biết một số chi tiết phải để ý đến: 1) Khi tỉnh giấc chiêm bao thì có những cảm giác gì? Tức là xác định các cảm giác do giấc mơ gây ra. Ví dụ như, nếu giấc mơ khiến cho mình có cảm giác bối rối, khó hiểu, thì rất có thể đó là một thông điệp cho biết trong đời sống mình có những việc cần phải xem xét, tìm hiểu. Nếu giấc mơ khiến cho lòng thấy vui vẻ, nhẹ nhàng, thì có những việc trong đời ta sẽ được giải quyết, và giấc mơ là phản ảnh của sự thay đổi đó. 2) Khung cảnh của sự việc xảy ra. Mặc dù địa điểm của khung cảnh trong giấc mơ có thể mang nghĩa đen, nhưng khung cảnh có thể nêu lên đời sống nội tâm của người nằm mơ. Ví dụ, cảnh trí bệnh viện có thể đúng nghĩa là một cơ sở y tế hay một bệnh viện thật. Nó cũng có thể là biểu tượng về vấn đề cần được chữa lành trong đời sống hay cần cải thiện các mối liên hệ của người nằm mơ với những người khác.

 

Khung cảnh trường học có thể là biểu tượng về giáo dục hay chuẩn bị; cũng có thể là bài học thực tiễn về đời sống hay rèn luyện tâm linh. Khung cảnh về một nước xa lạ có thể có nghĩa là ta sẽ đi ra khỏi cuộc sống dễ chịu quen thuộc. Nếu chiêm bao thấy mình ở một nước xa lạ, chúng ta cần đặt vài câu hỏi: Có cảm giác gì về nước nầy? Tại sao chiêm bao thấy nước đó mà không phải là nước khác? Cảm tưởng đầu tiên khi nhắc đến tên của nước đó là gì? 3) Nếu giấc mơ ấy là một câu chuyện, thì tựa đề thích hợp là gì? Câu hỏi nầy sẽ làm lộ ra chủ đề của giấc mơ. Tuy nhiên, ý nghĩa của biểu tượng về các sự kiện, nơi chốn, người hay thú vật, vv, là tuỳ theo văn hoá, phong tục, thói quen, sự ưa thích hay ghét bỏ của từng cá nhân thấy giấc mơ. Nếu chúng ta hiểu đúng, thì giấc mơ từ Chúa là bản đồ lộ trình để chúng ta làm theo sự chỉ dẫn được thông báo.

 

Mỗi khi thức dậy sau một đêm ngủ nghỉ có thấy chiêm bao, hãy cố gắng tập trung chú ý vào các hình ảnh trong giấc mơ. Cầu xin Đức Thánh Linh ban cho sự hiểu biết chính xác về ý nghĩa kín đáo của thông điệp trong giấc mơ, cũng như sự áp dụng ra sao. Vì vậy, việc tập thói quen ghi chép ngày thấy chiêm bao, đặt tựa đề, mô tả các chi tiết sự kiện chính, khung cảnh, màu sắc, cảm giác – cảm xúc, và các nhân vật trong chiêm bao, là phần rất quan trọng để giúp chúng ta hiểu biết rõ thông điệp của giấc chiêm bao ấy. Việc nhớ lại các chi tiết trong giấc mơ thì dễ và đầy đủ nhất khi vừa thức giấc. Các tiếng động lớn bất ngờ làm người ngủ mê đột ngột thức giấc, như đồng hồ báo thức, là nguyên nhân khiến chúng ta quên hết hay gần hết những gì mình nằm mơ thấy. Nên tỉnh táo ghi chép lại giấc mơ ngay lúc vừa thức giấc để lưu lại những chi tiết dễ quên.

 

Thời xưa có một niềm tin phổ quát khắp mọi dân tộc rằng các giấc mơ là thông điệp thiêng liêng từ cõi vô hình đến cho loài người. Ngày nay, nhiều người không còn tin vào điều đó nữa do bị tiêm nhiễm thuyết duy vật-vô thần, chỉ tin tưởng vào khoa học thực nghiệm và thuyết tiến hoá. Những ai tin và muốn hiểu biết các thông điệp của những giấc chiêm bao không bình thường, thì người ấy phải tập hiểu biết các ngôn ngữ của chiêm bao. Hầu hết số lần nằm mơ của người thấy chiêm bao là liên quan tới người ấy chứ không phải chuyện liên quan tới người khác. Đức Chúa Trời nói với chúng ta bằng ngôn ngữ các dấu hiệu và biểu tượng mà chúng ta phải học để có thể hiểu. Những giấc mơ thường chỉ cho ta thấy những điều mình thường không thấy và những lãnh vực yếu đuối trong đời sống cần phải thay đổi hay phải rèn luyện.

 

Có nhiều giấc mơ là lời giải đáp cho lời cầu hỏi của con cái Chúa. Johnson là một kỹ sư cơ khí giỏi. Ông được các hãng sản xuất lớn thuê đến giúp khi giàn máy sản xuất của họ bị trục trặc mà không rõ lý do. Một hãng nọ mời ông đến tìm nguyên nhân làm giàn máy của họ không chạy đúng công suất. Ông tới làm các cuộc thử nghiệm và quan sát giàn máy hoạt động, nhưng không tìm ra chỗ trục trặc. Đêm đó ông cầu nguyện xin Chúa chỉ dẫn cho ông thấy qua chiêm bao. Ông mơ thấy được dẫn tới bảng điều khiển của một cái máy. Ông thấy bảng đó được tháo ra và trông thấy một con ốc nhỏ sút ra khỏi chỗ của nó và nằm giữa hai cái cần. Vì vậy cả giàn máy bị chậm lại. Sáng hôm sau ông tự tin tới thẳng cái máy đó, xin người quản lý tắt giàn máy chừng vài phút và tháo chỗ đã thấy trong giấc mơ, tìm thấy con ốc, vặn nó vào chỗ cũ và siết chặt. Giàn máy bắt đầu chạy bình thường trở lại. Hoá đơn tính tiền đòi $10,000 do khả năng biết chỗ bị trục trặc.

 

Nếu ai đó thấy một thứ giấc mơ đến nhiều lần, rồi cứ lặp lại cho người đó thấy cùng một giấc chiêm bao, thì có nghĩa là người thấy chiêm bao chưa hiểu thông điệp Chúa muốn truyền tới cho mình. Có nhiều khi người có loại chiêm bao đó mỗi lần thấy khung cảnh khác nhau, các nhân vật có liên quan trong đó cũng khác nhau, nhưng thông điệp chung vẫn không thay đổi. Khi nào chúng ta hiểu thông điệp, áp dụng sự khôn ngoan và sự hiểu thấu ý nghĩa của giấc mơ vào đời mình, thì chiêm bao đó sẽ chấm dứt không đến nữa. Như vậy, hễ ai thấy một loại chiêm bao lặp đi lặp lại nhiều lần, thì phải hiểu rằng Đức Chúa Trời đang muốn truyền phán điều chi đó cho chúng ta hiểu. Các chiêm bao của chúng ta sẽ thay đổi khi cách cư xử của chúng ta đã thay đổi.

 

Trên đây là một số nguyên tắc căn bản cần phải biết để có khả năng hiểu các giấc chiêm bao và giải nghĩa chúng cách thích đáng. Sự nhớ lõm bõm hoặc lờ mờ về một giấc chiêm bao không giúp gì được cho việc hiểu ý nghĩa của các giấc chiêm bao tiên tri. Vì vậy, sự ghi nhớ, thói quen ghi chép, hoặc tập tành khả năng ghi chép lại các giấc mơ là vô cùng quan trọng và cần thiết.

TimHieuGiaiMongTienTri03.docx   (Sách tham khảo: Dream Encounters, của Barbie L. Breathitt)

Rev. Dr. CTB