Biến Động Tại Giê-ru-sa-lem

Sách Công Vụ, bài 42

stpaulzjerusalem

Công Vụ 21:15–40

Sau những thành công vẻ vang ở Ma-xê-đoan và Tiểu Á, Phao-lô viết thư cho Hội-thánh tại Rôma cho biết kế hoạch dự trù của ông là ghé lại thăm họ trên đường đi truyền giáo cho một khu vực mới: Bán đảo Tây-ban-nha thuộc miền Tây Nam Âu-châu.

Ông cho họ biết rằng ông sẽ ghé qua Giê-ru-sa-lem “để phục vụ các thánh đồ. Vì các anh em ở Ma-xê-đoan và A-chai đã vui lòng đóng góp để giúp đỡ các thánh đồ nghèo túng ở Giê-ru-sa-lem…Vậy, sau khi làm xong công việc ấy, tận tay trao các phẩm vật trợ, tôi sẽ ghé thăm anh em trên đường đi Tây-ban-nha(Rôma 15:25 –26, 28).

Không phải là Phao-lô không biết những hiểm nguy đang chờ đợi ông tại Giê-ru-sa-lem, nhưng lòng cưu mang của ông về dân ngoại lẫn người Israel đồng tộc đã khiến ông cứ vâng lệnh Đức Thánh Linh mà về Giê-ru-sa-lem.

Vì biết rõ có những khó khăn đang chờ đợi mình, ông đã viết cho người Rô-ma: “Thưa anh em, vì Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta và vì tình yêu thương của Đức Thánh Linh, tôi nài xin anh em hãy cùng tôi chiến đấu cầu nguyện Đức Chúa Trời cho tôi, để tôi thoát khỏi những người không vâng phục Chúa ở xứ Giu-đê, và để những của quyên góp tôi đem lên Giê-ru-sa-lem được các thánh đồ vui lòng chấp nhận” (Rô-ma 15:30–31).

Như vậy, Phao-lô cũng nhận biết không phải mọi người Do-thái đã tin Chúa đều có tấm lòng đầu phục Chúa giống nhau. Ông cảm nhận được tính kỳ thị chủng tộc đã ăn sâu vào lòng nhiều người Do-thái, dù họ đã tin Đức Chúa Giêxu.

Cho nên, “sau những ngày đó, chúng tôi sửa soạn sẵn sàng, rồi lên Giê-ru-sa-lem. Có mấy môn đồ tại Caesarea cùng đi.…… Vậy, chúng tôi đến Giê-ru-sa-lem, được anh em vui mừng đón tiếp” (15, 17).

Phao-lô và phái đoàn đến thăm Gia-cơ và tất cả các trưởng lão (18), vì họ tạm trú tại “nhà Ma-na-sôn, người đảo Síp, là một trong các môn đồ đầu tiên” (16). “Chào hỏi xong, Phao-lô thuật lại từng việc Đức Chúa Trời đã dùng ông làm tại các nước ngoài” (19).

Nghe xong, mặc dù họ ca ngợi Đức Chúa Trời, nhưng họ đi ngay vào vấn đề mà họ quan tâm trước nay.

Hội nghị đầu tiên của Hội-thánh cho đến lúc ấy đã diễn ra khoảng tám năm trước. Trong hội nghị đó, các trưởng lão đã đồng ý với Đức Thánh Linh là không buộc các tín hữu dân ngoại phải giữ kinh luật Môi-se (Công vụ 15:28–29).

Họ nói: “Anh ơi, anh thấy có mấy vạn người Do-thái đã tin, nhưng họ đều nhiệt tâm với luật pháp. Họ nghe nói anh dạy người Do-thái ở nước ngoài chối bỏ luật pháp Môi-se, đừng cắt bì cho con, và đừng vâng theo tập tục cũ” (20–21).

Như vậy, vấn đề mà nhiều tín hữu gốc Do-thái ở Giê-ru-sa-lem quan tâm là vâng giữ luật pháp Môi-se. Số tín hữu ấy bây giờ đã lên tới mấy chục ngàn người.

Bấy giờ Phao-lô mới biết lâu nay ông bị phao vu bởi người Do-thái chưa tin đạo, và bị nghi ngờ, ác cảm bởi những tín hữu Do-thái.

Vì qua các thư tín ông viết cho các tín hữu dân ngoại, ông phân tích sự sai lầm của việc làm nô lệ cách mù quáng cho một luật pháp không có khả năng cứu người khỏi tội lỗi, cũng không thể đem ai đến sự sống đời đời (Galati 3:11; Hêbơrơ 7:18–19). Nhưng phần ông thì vẫn giữ trọn luật pháp để không ai có cớ chê trách (24b).

Trong hầu hết các trường hợp, những lời bịa đặt vu khống và lén lút rêu rao, đồn đại, đã gây ra biết bao hậu quả tai hại cho người bị phao vu. Các trưởng lão bèn đề nghị biện pháp ngăn ngừa:

Vậy, ta phải làm gì? Vì chắc chắn họ đã nghe tin anh về đây. Nên, xin anh nghe lời chúng tôi khuyên: Chúng tôi có bốn người có lời thề nguyện phải giữ; xin anh đưa họ đi, cùng làm lễ tẩy uế với họ, và chịu chi phí cho họ xuống tóc. Như thế mọi người sẽ biết những điều người ta nói về anh là không đúng, vì chính anh cũng sống hợp lệ, tuân giữ luật pháp. Còn về các tín hữu nước ngoài, chúng tôi đã viết thư dặn họ kiêng của cúng thần tượng, huyết, thịt thú vật chết ngạt, và đừng gian dâm” (22–25).

Từ chi tiết nầy, chúng ta thấy các vị lãnh đạo Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem thời đó phải rất khéo léo giữ sự trung thực của Tin-lành, mà không chọc giận người Do-thái.

Mặc dù Phao-lô vâng lời thực hiện các lời khuyên trên: “Phao-lô đem bốn người đi, và hôm sau làm lễ tẩy uế với họ. Xong ông vào đền thờ, báo cáo ngày chấm dứt kỳ lễ tẩy sạch, là ngày lễ vật được dâng cho mỗi người trong nhóm họ” (26).

Nhưng việc làm đó vẫn không thể làm giảm bớt sự thù ghét Phao-lô từ những người Do-thái vốn đã thất bại trong việc tìm hại mạng sống ông ở Tiểu Á.

Lời khích động của những người thù nghịch Phao-lô làm cho đám đông cuồng nộ xúm lại bắt ông, lôi ông ra khỏi đền thờ và đánh đập ông (27–30).

Người ta không biết trong đám đông hung dữ đó có bao nhiêu người là tín hữu trong Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem cũng tham gia bắt bớ Phao-lô vì họ vẫn “nhiệt tâm với luật pháp” (20).

Việc người Do-thái ngày xưa bắt bớ Phao-lô vì nghĩ rằng ông tuyên truyền phá bỏ luật pháp, cũng giống như nhiều giáo đồ của một số giáo hội và hệ phái ngày nay, vì trung thành với truyền thống của giáo hội, mà họ không biết là sai trật hoặc thiếu sót, đã bày tỏ lòng thù nghịch căm hờn đối với những anh chị em có lòng tin vào cùng một Chúa, nhưng có đời sống đạo tốt hơn họ.

Rêu rao những tin đồn, hầu hết là do sự tưởng tượng và bịa đặt đầy ác ý, của một số người trong hàng giáo phẩm của một số giáo hội và hệ phái (chống lại những anh chị em đồng đức tin nhưng có sự hiểu biết Kinh-thánh giỏi hơn, có nếp sống đạo thanh sạch hơn, đầy quyền năng hơn), là tội trọng và là một điều cực ác.

Bởi vì những người như thế đang cộng tác với sa-tan gây tổn hại cho thân thể của Chúa. Vì họ cũng đang bắt bớ chính Đức Chúa Giêxu mà họ xưng là Cứu Chúa của họ.

Phao-lô được viên sĩ quan chỉ huy đội quân Rô-ma dẫn quân chạy đến cứu ông ra khỏi đám đông hung bạo (31-32).

Phao-lô bị quân lính La-mã trói lại bằng hai sợi dây xích, khác với lời tiên tri của Agabus là ông sẽ bị người Do-thái trói và đem nộp cho người nước ngoài (21:11). Điều đã được ứng nghiệm là Phao-lô đã bị bắt.

Như vậy, thông điệp chính của lời tiên tri là Phao-lô sẽ bị bắt và do người nước ngoài giam giữ. Agabus đã thấy hình ảnh đó, nhưng khi ông thông giải thì nói theo điều ông nghĩ; cho nên, không được chính xác.

Vị sĩ quan chỉ huy không thể thẩm vấn Phao-lô hay nghe ông trả lời được (33), vì “trong đám đông, người thét thế nầy, kẻ gào thế khác. Thấy tình trạng rối loạn, không thể nào tìm cho biết được sự thật, vị chỉ huy bảo đem Phao-lô vào đồn. Khi lên bậc thềm, quân lính phải khiêng Phao -lô vì đoàn người quá hung bạo. Họ kéo theo sau, gào thét: ‘Giết nó đi!’” (34–36).

Trong thiên ý của Đức Chúa Trời, vị sĩ quan chỉ huy tên là Claudius Lysias (23:26), một quân nhân ngay thẳng và công bằng, sẵn sàng muốn biết sự thật, sẵn sàng nghe, và cũng cho người bị tấn công một cơ hội trình bày lý lẽ của mình (37–39).

Quân nhân nầy có lẽ cũng biết sơ qua về thói tục dễ bị khích động của đám đông người Do-thái, mà ông ta có bổn phận giữ an ninh hoặc trấn áp khi cần, chưa chắc mọi người biết rõ lý do tại sao họ tham gia vào cuộc hành hung hỗn loạn nầy.

Khi khám phá ra Phao-lô biết nói tiếng Hy-lạp (37), chứng tỏ là một người có học thức, cũng chẳng phải là tay thủ lãnh người Ai-cập vừa nổi loạn rồi trốn vào sa mạc đem theo bốn ngàn thủ hạ phạm tội sát nhân (38), thì cách đối xử của ông ta đối với Phao-lô có phần nhẹ tay hơn.

Phao-lô với tác phong của một sứ đồ, một môn đồ chân chính của Đức Chúa Giêxu, dù bị đánh đập vô lý, ông vẫn giữ được sự điềm tĩnh, can đảm của một người biết rõ chân lý. Ông trả lời vị sĩ quan: “Tôi là người Do-thái, quê ở Tạt-sơ, xứ Si-li-si, công dân một thành phố chẳng phải là không danh tiếng. Xin cho tôi được nói chuyện với nhân dân” (39).

Được chấp thuận, Phao-lô đứng lên bậc thềm, lấy tay ra hiệu cho dân chúng. Khi mọi người đều yên lặng, ông dùng tiếng Hê-bơ-rơ nói với họ” (40).

Vào thời đó, người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê và vùng Ga-li-lê dùng tiếng A-ram hoặc tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ chính của họ trong sinh hoạt hàng ngày.

Không phải mọi người đều biết nói hoặc nghe tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ hành chính và văn học của toàn lãnh thổ thuộc đế quốc La-mã. Vì lý do đó Phao-lô phải nói với người Do-thái bằng tiếng Hê-bơ-rơ (có bản khác ghi là ông nói bằng tiếng A-ram).

SachCongVu42.docx

Rev. Dr. CTB