Nền Tảng Của Đức Tin

Chúa Nhật, June 29th, 2014

Tri Thức Căn Bản, 01


Thi thiên 19:1–4

Một số người nghĩ rằng chỉ cần có lòng tin chân thành, thì vấn đề mình tin phải có thật. Thế nhưng trong thực tế của đời sống, có vô số điều người ta rất tin tưởng mà chẳng bao giờ thành sự thật cả. Bởi vì cái gì không có trong thực tế, dù có hàng tỉ người tin, cũng không thể làm cho nó trở thành có. Ngược lại, hễ điều gì có thật, dù có hàng mấy tỉ người bài bác, thì sự bài bác đó cũng không thể làm cho nó trở thành không có.

Áp dụng nguyên tắc nầy vào vấn đề niềm tin tôn giáo hay chính trị, chúng ta sẽ tìm ra nhiều sự thật rất bất ngờ. Bất cứ niềm tin nào đặt nền tảng trên sự thật, thì chẳng bao giờ lay chuyển, hoặc phải thay đổi hay điều chỉnh gì cả. Còn lòng tin của ai dựa trên những điều không có thật, sẽ bị sụp đổ thê thảm khi sự giả dối ấy bị phơi bày.

Vô số người bị các luận điệu dối trá bịp bợm lừa gạt qua nhiều năm từ giới cầm quyền, trong khi bao nhiêu sự thật đều bị bưng bít, đã bừng tỉnh khi thấy thiên đàng của họ so với vùng đất địa ngục mà họ vừa chiếm được thì thua kém xa một trời một vực.

Đến nỗi một nhà văn của họ ngồi bên vệ đường mà khóc khi nhận ra chế độ mà mình phục vụ, xã hội mà mình vẫn ca tụng là thiên đường, thật ra vừa lạc hậu, vừa mù loà, vừa man rợ vừa thua kém quá xa nữa!

Bởi vì khi quan sát đống sách cũ bày bán trên vỉa hè, thì thấy vô số tác phẩm đủ thể loại của biết bao nhiêu văn sĩ vĩ đại của nền văn học thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, đều được tự do xuất bản, phổ biến không hạn chế; chứng tỏ rằng chế độ ấy không độc tài như người ấy vẫn bị tuyên truyền.

Niềm tin tôn giáo cũng vậy. Hầu hết tín đồ nam giới của một tôn giáo sẵn sàng nổ bom tự sát giết nhiều người vô can của phía thù địch, vì tin rằng ngay sau khi người đó chết sẽ được lên thiên đàng, đã có sẵn 72 trinh nữ chờ đợi để làm vợ anh ta.

Thậm chí hai phái khác nhau của cùng một tôn giáo cũng liều chết để giết nhiều tín đồ của phía bên kia, với cùng một niềm tin là sẽ được hưởng 72 trinh nữ khi lên thiên đàng. Thế thì, phải có hai thiên đàng dành cho hai phe thù nghịch nhau vậy.

Mê tín là do lòng tin vào những chuyện truyền khẩu không có thật. Đa số các niềm tin tôn giáo do loài người tạo ra đều phát xuất từ những truyền thuyết bịa đặt hay tưởng tượng. Nhất là khi những truyền thuyết ấy đã trải qua vô số thế hệ. Người đời sau cứ thêm thắt râu ria hay gọt dũa trau chuốt chuyện đời trước kể lại.

Ví dụ hình ảnh con rồng vào thời triều đại nhà Lý khoảng hơn 1,000 năm trước đây, được chạm nổi trên gỗ vách chùa Thầy ở Sài-Sơn, Hà Đông, Bắc Việt, trông chẳng khác con lươn hay con rắn. Thế nhưng bây giờ, hình ảnh con rồng do người Trung-hoa tưởng tượng và thêm thắt thì khác rất xa hình ảnh con rồng của mười thế kỷ trước.

Về mặt đức tin, thì tín đồ của các tôn giáo cũng chẳng khi nào thắc mắc về những mâu thuẫn trong những chuyện tích của tôn giáo họ.

Trong khi giáo đồ của một tôn giáo tôn kính và thờ lạy những mảnh xương và răng từ xác đã chết của giáo chủ họ, mà họ gọi là ngọc xá lợi, thì họ lại tin rằng giáo chủ ấy đã về niết bàn, đang nghe lời cầu xin của họ và có quyền độ trì họ tai qua nạn khỏi.

Cũng truyền thuyết kể rằng khi giáo chủ ra đời từ nách của mẹ, thì đứng co một chân, một tay chỉ trời, tay kia chỉ đất tuyên bố: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn!” Nghĩa là trên trời, dưới đất, chỉ một mình ta là tối cao.

Thế nhưng, khi người ấy lớn lên cũng cưới vợ, sinh con cái như mọi người. Vậy thì, điều nào là sự thật? Bởi vì nếu một chuyện là sự thật lịch sử, thì chuyện mâu thuẫn kia phải là giả dối.

Còn niềm tin của con dân Chúa dựa trên điều gì làm nền tảng? Chúng ta tin Kinh-thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời đã trình bày cho chúng ta biết tình yêu tuyệt vời và chương trình cứu độ của Ngài dành cho thế gian tội lỗi là có thật.

Nhưng căn cứ trên các bằng chứng nào để có thể quả quyết Kinh Thánh là chính xác và thật?

Câu trả lời là khi người ta nghiên cứu những lời tiên báo trong Kinh-thánh về lịch sử của thế giới sẽ lần lượt diễn ra, thì họ vô cùng kinh ngạc về sự chính xác của những lời tiên tri cho thế giới, cũng như những lời tiên báo cảnh cáo đối với dân tộc Israel.

Sự chính xác không chút sai trật trong những thông báo tiên tri vừa nói, chứng tỏ Kinh-thánh đúng là từ Đức Chúa Trời đến. Bởi Đấng dựng nên vũ trụ thì ở phía ngoài của không gian và thời gian, nên Ngài thấy và biết trước mọi việc sẽ diễn ra theo chương trình Ngài đã định.

Một chứng cớ không ai dám chối cãi là Đức Chúa Trời hứa sẽ tái lập quốc gia Do-thái vào thời cuối cùng của thế giới sau vài ngàn năm nước ấy bị giải thể và dân tộc ấy bị tan lạc trên khắp thế giới (Giê-rê-mi 31:7–13, 17; A-mốt 9:13–15).

Ngài cũng hứa rằng khi ấy Ngài sẽ “dựng nên một sự mới trên đất: Ấy là người nữ sẽ bao bọc người nam” (Giê-rê-mi 31:22). Các việc đó đã lần lượt diễn ra, rồi đoàn nữ binh Do-thái trở thành nỗi khiếp đảm đối với cán dân tộc thù nghịch chung quanh; trước đó thì không ai, kể cả người Do-thái, tin rằng ước mơ ấy sẽ thành sự thật.

Căn cứ trên sự chính xác về mọi lời tiên tri của Kinh-thánh, chúng ta tin rằng toàn thể vũ trụ, trong đó có quả địa cầu mà chúng ta đang sống là do Đức Chúa Trời tạo dựng nên từ lúc ban đầu như Kinh-thánh đã chép về sự tạo thiên lập địa (Sáng Thế 1:1). Khởi đầu thời gian gọi là ban đầu.

Chúng ta cần biết qua vài lý luận của khoa học vũ trụ thời nay mà thuyết tiến hoá của giới vô thần dựa vào để nói về sự thành hình của vũ trụ.

Một số khoa học gia vũ trụ, những người tin thuyết tiến hoá của giới vô thần đặt nền tảng lý luận của họ trên giả thuyết ‘Big Bang’ của khoa học gia George Lemaitre đưa ra vào năm 1927; giả thuyết nầy lại dựa trên lý thuyết ‘tương đối và trọng lực’ của nhà bác học A. Einstein đưa ra vào năm 1915.

Theo các điều tin tưởng mới nhất của thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn), thì vụ nổ cực mạnh ấy đã xảy ra khoảng 13.8 tỉ năm trước đây làm văng hàng hà sa số vật chất ra khoảng không bao la tạo thành vũ trụ gồm vô số tỉ tỉ thiên hà, trong đó có giải Ngân Hà chứa Thái-dương-hệ của chúng ta đang sống.

Vụ nổ và việc thành hình vũ trụ ấy diễn ra trong khoảng thời gian cực ngắn là một phần một ngàn tỉ, của một phần một ngàn tỉ thời gian một lần chớp mắt của loài người. Nhưng ánh sáng của nhiều thiên hà xa xôi thành hình sau vụ nổ đó phải mất hàng ngàn tỉ năm mới chiếu tới trái đất của chúng ta ngày nay, với vận tốc khoảng 300,000 km/giây. Họ quả quyết là bằng chứng mới nhất của những cuộc đo đạc bằng các viễn vọng kính vũ trụ cho thấy như vậy.

Thế nhưng, chẳng khi nào người ta nhắc tới nguyên nhân từ đâu tạo ra năng lượng của vụ nổ khủng khiếp ấy, hoặc cái khối lượng lớn kinh hồn đó từ đâu ra; họ cũng không bao giờ đề cập tới khoảng không bao la từ đâu mà có; hoặc tại sao vụ nổ hỗn độn như thế lại có thể tạo ra một vũ trụ tuần hoàn xoay vần có trật tự trong hàng tỉ năm qua, và vẫn tiếp tục xoay vần như thế.

Nếu vũ trụ thành hình nhanh chóng một cách kỳ diệu vượt xa sức suy nghĩ của các bộ óc tưởng tượng phong phú nhất, thì chỉ có thể do một quyền lực tối cao của một Đấng Toàn Năng tạo ra như Kinh-thánh đã mô tả:

Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất. Đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán: ‘Phải có ánh sáng,’ thì có ánh sáng (Sáng Thế 1:1–3).

Bất cứ bộ máy hay hệ thống nào hiện hữu trong cõi vật chất mà vận hành hoàn hảo theo chu kỳ hay một trật tự nhất định, thì bộ máy hay hệ thống ấy phải do ai đó chế tạo ra. Không thể nào nó tự thành các cơ phận rồi tự ráp nối lại với nhau.

Sự sống của muôn loài vạn vật có trên trái đất cũng chẳng thể do tình cờ mà hiện hữu. Tất cả đều phải do một tác giả đã tạo nên chúng; và Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo nên vũ trụ.

Khi thấy trái đất xoay vần trong cõi chân không theo chu kỳ mà không cần sợi dây treo hay bất cứ cái gì nâng đỡ; bốn mùa tám tiết cứ tuần tự không trễ nải, thì chẳng cần làm thông thái người ta cũng biết là có một tác giả đã tạo nên nó.

Vì vậy, Kinh-thánh công bố rằng: “Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng về vinh quang của Đức Chúa Trời cho ngày kia, đêm nầy truyền tri thức về Đức Chúa Trời cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; cũng không ai nghe âm thanh của chúng. Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất, và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới” (Thi-thiên 19:1–4).

Những lời nầy không ai bài bác được.

TriThucCanBan01.doc

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký