Khung Cảnh Mới

Chúa Nhật, October 5th, 2014

Sáng Thế Ký, 15

Sáng Thế Ký 8:1–22

Sau ngày thứ 40 của trận đại hồng thuỷ, Đức Chúa Trời vẫn quan tâm đến gia đình Nô-ê và tất cả các loài thú vật, chim trời đang ở trong chiếc tàu lênh đênh trên mặt nước. Kinh-thánh ghi rằng: “Ngài khiến một trận gió thổi ngang qua mặt đất và nước rút xuống. Các nguồn của vực lớn và các cửa đập trên trời đóng lại, mưa từ trời không đổ xuống nữa. Nước rút dần khỏi mặt đất. Sau một trăm năm mươi ngày, nước mới xuống thấp” (1–3).

Chiếc tàu chạm mặt đất của vùng núi Araras đúng 150 ngày sau khi cơn lụt bắt đầu. Nghĩa là chiếc tàu cứ trôi nổi trên mặt nước mênh mông thêm 110 ngày sau khi trời dứt mưa. Đến thời điểm nầy thì chiếc tàu không bị trôi giạt nữa, mà bị vướng trên núi chờ ngày nước lụt rút hết (4).

Phải chờ thêm 73 ngày nữa thì các đỉnh núi mới lộ ra (5). Và thêm 40 ngày sau, Nô-ê mở cửa sổ “mà ông đã trổ trên tàu” (6) để thả một con quạ ra thăm dò tình hình (7). Có lẽ cửa sổ được nói đến ở đây nằm ở tầng trên gần mái của chiếc tàu, khác với cửa bên hông tàu mà Nô-ê đã trổ theo lệnh chỉ dẫn của Chúa làm lối lên tàu cho mọi loài thú (6:16).

Sau 270 ngày kể từ lúc vào tàu, gia đình Nô-ê mới được nhìn lại bầu trời bên ngoài. Có lẽ con quạ được thả ra tự do đã không trở lại chiếc tàu vì có nhiều xác chết làm thức ăn cho nó; nhưng chim bồ câu phải trở về tàu vì không có chỗ nghỉ (8–9).

Một tuần sau, Nô-ê lại thả bồ câu ra, đến chiều, bồ câu trở về tha theo một lá olive tươi, “Nô-ê hiểu rằng nước đã rút bớt trên mặt đất” (10–11).

Ông lại đợi thêm bảy ngày nữa, rồi thả con bồ câu ra; và lần nầy bồ câu không trở về với ông nữa” (12). Nó đã có chỗ nghỉ và tìm được thức ăn cho nó.

Ngày mồng một tháng giêng nói ở đây (13), không phải là ngày đầu năm tính theo dương lịch hay âm lịch, mà tính theo số tuổi của Nô-ê, là ngày khởi đầu năm thứ 601 của đời ông. Ngày đó nước đã rút cạn và là ngày Nô-ê phá mui tàu ra để xem mặt đất chỗ tàu bị kẹt lại trên núi.

Đúng 370 ngày, tức là một năm cộng thêm mười ngày sau khi cơn lụt bắt đầu, thì đất hoàn toàn khô ráo (14).

Trước khi nước lụt, Nô-ê được Đức Chúa Trời trò chuyện và chỉ dẫn trong mọi việc. Nhưng kể từ ngày mưa bắt đầu đổ xuống, cho tới 370 ngày sau, Nô-ê không được nghe Chúa dạy điều gì rõ ràng cả. Ông phải vận dụng khả năng phán đoán. Chiếc tàu thì kín mít, không có cửa kính như các thứ thuyền bè ngày nay.

Khi nói rằng Đức Chúa Trời khiến một trận gió thổi qua để nước bắt đầu rút, thì điều đó khiến nhớ lại hơi sống mà Ngài đã thổi vào mũi A-đam. Vì gió, linh và hơi sống trong tiếng Hê-bơ-rơ đều dùng một chữ “ruach.” Hơi sống từ Chúa thổi đến đem sự sống trở lại thế gian bị nước lụt huỷ diệt.

Và phải mất 330 ngày để nước vừa bốc hơi, vừa rút xuống các túi nước ngầm dưới mặt đất. Chiếc tàu của Nô-ê tấp vào một nơi hoàn toàn xa lạ đối với ông và gia đình ông.

Ý nghĩa tâm linh của biến cố nầy rất là sâu nhiệm và hào hứng. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng việc gia đình Nô-ê được cứu khỏi nạn nước lụt là biểu tượng của phép báp têm bây giờ (1Phi-e-rơ 3:20–21).

Nghĩa là sau khi một người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, thoát khỏi sự huỷ diệt linh hồn sẽ xảy ra cho mọi người không tin; giống như gia đình Nô-ê thoát khỏi cơn huỷ diệt của nạn lụt quá kinh hoàng, họ được Chúa đưa tới một khung cảnh hoàn toàn mới; thì Chúa cũng uốn nắn khung cảnh tâm linh của đời sống chúng ta, bằng cách đặt vào trong ta một tấm lòng mới, gọi là sự tái sanh, một thế giới quan khác hẳn cách trước kia mình vẫn quan niệm về cuộc đời.

Khung cảnh mới nầy có thể là một chỗ ở mới, hoặc bắt đầu giao du với một nhóm bạn bè Cơ đốc mới. Mọi sự đều hoàn toàn thay đổi; kể cả các loại âm nhạc mình vốn ưa thích trước đây bây giờ trở thành khó nghe, hay những chuyện đùa trước kia vốn làm mình cười thích chí, bây giờ nó quá trơ trẽn và lòng cảm thấy rất khó chịu khi phải nghe lại các loại chuyện nhảm nhí hay tục tĩu đó. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra sự thay đổi tận gốc nầy.

Lênh đênh trên mặt nước mênh mông, không biết đời sẽ trôi nổi đến phương nào. Chắc rằng gia đình Nô-ê vẫn thường bận rộn đem thức ăn cho vô số thú vật trên tàu. Bây giờ, khi mở cửa sổ trên tàu ra, Nô-ê không nhận được sự chỉ dẫn nào từ Chúa.

Như ông đã tin cậy Ngài từ lúc sửa soạn đóng tàu cho đến khi vào tàu, thì ông chỉ biết phó thác đời ông và cả gia đình ông cho Chúa, vì ông không điều khiển được gì hết. Tới thời điểm nầy, ông vẫn tiếp tục tin cậy, mặc dù không biết khi nào mới được ra khỏi chiếc tàu.

Ông thử thả con quạ ra, nó chẳng giúp được gì; ông thả thêm con bồ câu, tin tức mới mà nó đem là nước vẫn còn bao phủ khắp nơi. Đến lần thứ nhì, con bồ câu tha về một cành lá olive tươi, dấu hiệu nước đã rút, ngọn cây đã trồi lên khỏi mặt nước.

Chúng ta cũng vậy. Lúc mới theo Chúa, chúng ta không biết phải làm gì; rồi khi dự các buổi nhóm của Hội-thánh thì không biết phải làm sao cho đúng khuôn phép. Do đó, người mới tin chỉ biết quan sát những người cũ xem các dấu hiệu họ làm để bắt chước hành động theo họ.

Tân tín hữu bắt chước các ngôn từ mới, cách những người cũ cầm Kinh-thánh, hoặc cách họ nói chuyện với nhau. Phần đông đều tin rằng mọi điều những người cũ tin tưởng hay hành động là đúng. Vì thế, ít khi bạo dạn đặt câu hỏi về những thắc mắc mà họ có.

Lâu dần, những thắc mắc chưa được giải đáp ấy trở thành những cái bẫy hoặc nguyên nhân khiến cho đời sống tâm linh bị nghẹt ngòi.

Nô-ê phải đối diện với một tình thế hoàn toàn mới. Thế giới bây giờ chỉ có gia đình ông là loài người, hằng ngày cứ luẩn quẩn trong chiếc tàu, chưa nghe Chúa bảo phải làm chi.

Ngay lúc đó “Đức Chúa Trời phán với Nô-ê: ‘Con hãy ra khỏi tàu cùng với vợ, các con trai và các con dâu mình. Hãy đem ra khỏi tàu các sinh vật đã ở với con, là những loài xác thịt như chim, các loài thú, các loài bò sát trên đất, để chúng sinh sôi nẩy nở và gia tăng gấp bội trên đất’” (15–17).

Nô-ê vâng lời làm theo điều Chúa dạy bảo. Không gì mừng rỡ hơn là lại nhận được sự chỉ dẫn cặn kẽ của Chúa. Gia đình ông và tất cả các loài thú đều ra khỏi chiếc tàu (18–19).

Không biết cảnh vật chỗ chiếc tàu tấp trên núi sau cơn lụt trông ra sao. Nô-ê và 7 người thân yêu nhất của ông chỉ biết cảm tạ Chúa. Bàn thờ Nô-ê lập lúc ấy phải bằng nhiều hòn đá. Chúa đã ban sẵn các con thú và chim thanh sạch để làm tế lễ thiêu (20).

Mùi thơm của tâm linh tôn thờ với lòng tạ ơn đã làm cho Chúa đẹp lòng. Ngài nghĩ: “Ta sẽ chẳng bao giờ vì loài người mà nguyền rủa đất nữa, dù tâm địa của loài người vẫn xấu xa từ lúc còn niên thiếu. Ta sẽ không bao giờ tiêu diệt các loài sinh vật như Ta đã làm nữa. Ngày nào quả đất còn, thì mùa gieo giống và gặt hái, mùa lạnh và nóng, mùa hạ và mùa đông, ngày và đêm, sẽ chẳng bao giờ chấm dứt” (21–22).

Đức Chúa Trời sẽ không huỷ diệt các loài sinh vật bằng nước lụt nữa, vì “trời đất hiện nay đã được dành cho lửa, và được giữ lại cho đến ngày phán xét” (2Phi-e-rơ 3:7). Chúa không nói trái đất sẽ còn vĩnh viễn, mà ngày nào quả đất còn, thì thời tiết vẫn xoay vần theo trật tự như Ngài đã thiết lập.

Giới vô thần ngày nay nghi ngờ sự kiện đại hồng thuỷ chắc đã không xảy ra. Người chủ trương duy vật thì đặt giả thuyết gọi là “thời kỳ biển tiến” để giải thích cho hiện tượng có các hồ nước mặn trên vùng núi cao.

Ngoài những chuyện kể dân gian của mọi chủng tộc về việc tổ tiên họ là hai người sống sót sau cơn nước lụt lớn nhờ trôi nổi trên một chiếc thuyền, hoặc ngổi trong trái bầu khổng lồ, thì có những chứng cớ vật chất rất nghịch lý không ai giải thích được.

Ngày 27/8 vừa qua, ‘Journal Lithosphere’ đăng một tin ngắn về hiện tượng không giải thích nổi ở vùng núi Colorado là, một khối sa thạch (sandstone) khổng lồ lại nằm lọt giữa khe hở vùng đá hoa cương. Hai loại đá nầy không bao giờ thành hình chung với nhau.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phải có một tai hoạ kinh hoàng như cơn đại hồng thuỷ hoặc trận động đất khủng khiếp mới đẩy được khối sa thạch, có gốc gác giống như sa thạch ở California hoặc Grand Canyon, lên trên dãy núi đá hoa cương ở Colorado, để nằm lọt giữa một vùng toàn đá hoa cương như vậy.

Chúng ta tin chắc rằng trận đại hồng thuỷ đã thật xảy ra, mặc cho giới vô đạo nghi ngờ. Bởi vì lời Kinh Thánh là xác thực, cộng thêm nhiều sách cổ đã xác nhận việc nầy. Hãy tin chắc Lời Chúa.

SangTheKy15.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký