Lý Thuyết Về Lịch Sử Các Chủng Tộc

Chúa Nhật, October 19th, 2014

Sáng Thế Ký, 17

Sáng-thế-ký 9:18–11:9

Những khám phá của khoa khảo cổ từ trước tới nay dần dần xác nhận những chi tiết do Kinh thánh ghi chép về thời thái cổ của loài người là rất chính xác. Mặc dù những bộ óc kiêu căng thù ghét Đấng Tạo Hoá một cách vô cớ, đã ra sức cổ xúy cho giả thuyết tiến hoá để phủ nhận quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên nhân loại.

Đứng trước những chuyện tích đầy chi tiết cụ thể, nhóm người nầy dùng thủ đoạn gieo nghi ngờ về tính xác thực của những chuyện xảy ra từ nhiều ngàn năm trước, nhằm làm cho nhiều người không tin Kinh-thánh.

Tác giả Sáng-thế-ký ghi rằng: “Các con trai của Nô-ê ở trong tàu ra là Sem, Cham và Gia-phết. Cham chính là cha của Ca-na-an. Đó là ba con trai của Nô-ê, và từ họ mà có loài người phân bố khắp mặt đất” (9:18–19).

Dòng dõi của Cham bị nhận lãnh lời rủa sả của Nô-ê, vì Cham thấy cha mình trần truồng lại cười cợt và không tìm cách che đậy sự loã lồ của cha. Trong khi đó, Sem và Gia-phết đã làm tròn phận sự của những người con hiếu thảo vì biết kính sợ Đức Chúa Trời. Như vậy, có lẽ Cham rất hời hợt về lòng ngưỡng vọng Chúa (9:20–27).

Lời Nô-ê nguyền rủa dòng dõi Cham và chúc phước cho dòng dõi Sem lẫn Gia-phết đã đem đến những hậu quả quan trọng về sau.

Không ai biết sự kiện Nô-ê say rượu diễn ra bao lâu sau khi ông và gia đình ra khỏi chiếc tàu. Có lẽ cũng phải mất vài năm để trồng nho lấy trái. Nô-ê phải hái nho, ép nước, ủ lâu ngày cho lên men thành rượu mạnh. Nó khiến ông say mèm. Sau trận lụt, Nô-ê sống thêm 350 năm rồi qua đời ở tuổi 950 (9:28–29).

Các con của Nô-ê bắt đầu sinh con, cháu, chắt, chít đầy đàn. Trước nạn lụt, gia đình Nô-ê ở vùng Babylonia khu vực Lưỡng-hà, cách núi Ararat của Thổ-nhĩ-kỳ khoảng 500 dặm về phía đông.

Sau nạn lụt, họ bắt đầu tiến xa khỏi vùng núi Ararat, và con cháu họ di chuyển theo nhiều hướng khác nhau tuỳ theo từng chi tộc.

Căn cứ vào tên những người con trai của ba chi tộc, là tổ phụ các dân tộc chính ngày xưa và những quốc gia mà họ lập ra, người ta đã truy nguyên dòng dõi của Gia-phết đã di cư về phía Tây, Bắc và Đông Bắc của nơi họ sinh trưởng, tức là tới vùng Âu-châu và một phần Nam Á-châu bây giờ. Họ là tổ tiên của chủng tộc da trắng; kể cả một phần dân Ấn-độ. Vì người Ấn-độ là hợp chủng của nhiều chủng tộc khác nhau (10:1–5).

Người Tây-ban-nha, và cả các dân tộc vùng Bắc-Phi đều là hậu duệ của Gia-phết, vì tổ tiên của họ là Ta-rê-si, cháu nội của Gia-phết.

Các dân tộc ở khu vực bán đảo Hy-lạp, Nam-tư (Balkan), cũng như tất cả người da trắng, từ người Nga, Ba-lan ở Đông Âu, Na-uy, Thụy-điển, Đan mạch ở Bắc Âu, tới người Đức, Pháp, Anh ở Tây Âu, người Ý, Hung ở Nam Âu, mà sau nầy một số dân Âu-châu sang Mỹ-châu thành lập Hợp-chủng-quốc Hoa-kỳ đều là dòng dõi của Gia-phết.

Dòng dõi của Cham di chuyển về hướng Tây Nam dọc theo bờ đông Địa Trung Hải để tới khu vực Bắc Phi, rồi họ tiến sâu về hướng Nam vào giữa lục địa Phi-châu.

Cham có bốn con trai, nhưng tác giả Sáng-thế-ký chỉ liệt kê các con của ba người con là Cút, Mizraim và Ca-na-an mà thôi (10:6–20). Con cháu của Cút định cư ở miền nam các xứ A-rập, Ai-cập, Sudan và phía bắc Ethiopia; một số khác ở vùng thượng Ai-cập và vịnh Ba-tư. Có thể nhiều hậu duệ của Cham sống lẫn lộn với các hậu duệ của Sem ở bán đảo A-rập.

Trong số các con trai của Cham có Nimrod được kể là “anh hùng đầu tiên trên mặt đất” (10:8), tức là một chiến sĩ dũng mãnh. Nimrod có nghĩa là ‘chúng ta sẽ phản loạn.

Theo lời chúc dữ rủa sả của Nô-ê đối với Cham, thì con cháu của Cham sẽ bị làm nô lệ cho dòng dõi của Sem và Gia phết. Ở thời kỳ Nimrod hình như có sự trái ngược đối với lời nguyền rủa đó. Vì Nimrod đã được thịnh vượng và làm vua của nhiều thành do ông xây dựng.

Có thể nói Nimrod là người cai trị đẳng cấp thế giới đầu tiên. Kinh thánh không nói Nimrod chủ xướng việc xây tháp Babel. Nhưng nếu ông đúng là người chủ xướng xây dựng và cai trị thành đó thì cũng rất hợp lý.

Các hậu duệ của Mizraim đều liên hệ tới vùng Bắc-Phi và đảo Crete. Trong số đó có dân tộc Cách-lu-him (Casluhium) là tổ phụ của dân Philistines sau nầy.

Các dân tộc sống ở Ca-na-an lúc ấy (sau nầy gọi là xứ Palestine) là các dân tộc đầy tội lỗi và bị Đức Chúa Trời nhờm tởm, đều là dòng dõi của Ca-na-an, con trai của Cham.

Vì các chuyện tích về lịch sử của dân tộc Israel, dòng dõi của Sem, thì có liên quan rất nhiều đến các dân tộc ở xứ Ca-na-an, cho nên Kinh-thánh sẽ nói nhiều về các sắc dân thuộc dòng dõi của Ca-na-an, con trai Cham.

Những tập quán về tín ngưỡng của mọi sắc dân ở xứ Ca-na-an có lẽ là đáng kinh tởm hơn hết; bởi vì đạo thờ thần Baal dùng sinh mạng người để tế thần và khuyến khích tính dâm dục vô chừng của họ.

Kinh-thánh chỉ nói tới dòng dõi của Sem liên hệ tới dân tộc Do-thái và các dân tộc khắp khu vực Trung-đông và A-rập.

Một số sử gia về nhân chủng nghiên cứu về chủng tộc da vàng Á-châu và nhiều sắc tộc thổ dân Mỹ-châu, các hải đảo Thái-bình-dương, với giống dân Eskimo vùng hàn đới, nói rằng chủng tộc da vàng cũng là hậu duệ của Sem.

Trong khi đó, một số học giả khác viết rằng người da vàng thuộc dòng dõi của Cham. Đây là đề tài tranh luận giữa một số người không tin Kinh-thánh với những người tin Kinh-thánh.

Các nhà nhân chủng học căn cứ trên Kinh-thánh thì lý luận có nền tảng về tính di truyền DNA. Còn những người không tin thì lý luận dựa trên sự khác biệt hình dạng và màu da bề ngoài giữa người thuộc các chủng tộc khác nhau.

Có rất nhiều giả thuyết, lý thuyết về hậu duệ của Sem, Cham và Gia-phết. Mọi người đều tin Gia-phết là tổ phụ của dân da trắng, Cham là tổ phụ của chủng tộc da đen. Sem là tổ đầu tiên của dân Israel và một số lớn dân A-rập.

Nhưng về nguồn gốc của chủng tộc da vàng ở Á-châu và dân da đỏ ở Mỹ-châu thì có nhiều sự bàn cãi và bất đồng. Tuy vậy, nhiều khoa học gia về nhân chủng và sinh học đều công nhận rằng mọi giống người trên đất đều có mã số di truyền DNA ra từ một đôi vợ chồng mà thôi.

Tác giả Sáng-thế-ký chỉ nói tới dòng dõi Sem phân bố quanh vùng Trung đông (10:21–31); cho nên Kinh-thánh chưa có kết luận chính xác về tổ tiên của chủng tộc da vàng.

Hầu như mọi nhà nghiên cứu lịch sử đều đồng ý rằng khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho nước tụ lại một nơi để đất khô cạn bày ra (1:9), thì toàn địa cầu chỉ có một đại lục.

Phái tiến hoá đề ra lý thuyết các mảng lục địa trôi do địa chấn tách ra qua hàng triệu năm để thành hình như hiện nay. Kinh-thánh ghi: “Hê-be sinh được hai con trai: người anh tên là Pê-léc, vì vào thời của ông các dân trên đất phân tán ra; người em tên là Giốc-tan” (10:25). Một vài bản sao khác ghi rằng “vào thời của ông đất chia cách ra.

Nhiều người tin là các lục địa chỉ cần vài ngàn năm, không cần cả triệu năm mới thành hình. Một số người khác lại tin rằng các cuộc động đất dữ dội trong cơn đại hồng thuỷ là nguyên nhân tách rời các đại lục.

Có sự tranh luận giữa phái đề cao thuyết tiến hoá chống lại phái tin vào quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời về vấn đề liên quan đến vùng hoạt động hay sinh trưởng của các loài động vật đặc biệt ở đại lục nầy mà không có ở những đại lục khác, hoặc những loại thảo mộc giống nhau đều mọc ở hai đại lục hoàn toàn cách xa nhau, ví dụ: Gần 200 loại cây ở phía đông Á-châu cũng có đầy ở miền đông lục địa Nam-Mỹ; mà theo lý thuyết thì hai vùng đó dù có thể từng năm chung trên một đại lục, nhưng chẳng hề ở cạnh nhau bao giờ. Mà cây cối thì không di chuyển như động vật.

Chuyện tích về tháp Babel giải nghĩa rõ ràng về nguyên nhân loài người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và phân tán khắp mặt đất (11:1–9).

Mặc dù ngày nay có hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau nhưng truy nguyên thì có từng nhóm ngôn ngữ chính bị biến thể theo thời gian và cách sử dụng ở từng vùng, theo văn hoá và phong tục của những nhóm dân đó.

Lời nguyền rủa của Nô-ê đã ứng nghiệm khi vô số dân Á-Phi đã bị dân da trắng Âu-châu đô hộ và cai trị trải qua bao thế kỷ: “Ca-na-an phải làm nô lệ cho Sem! Cầu xin Đức Chúa Trời mở rộng bờ cõi Gia-phết, và cho nó sống trong trại của Sem; còn Ca-na-an phải làm nô lệ cho Gia-phết” (9:26–27).

Như vậy, lời rủa sả hay chúc lành của bậc cha mẹ trên con cái là rất quan trọng. Mọi người phải rất thận trọng trong lời nói. Nếu đã nguyền rủa thì phải giải toả trước khi quá trễ. 

SangTheKy17.docx

Rev. Dr. CTB

 

\← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký