Các Vị Khách Đặc Biệt

Chúa Nhật, February 1st, 2015

Sáng Thế Ký, 26


Sáng Thế Ký 18:1–33

Lần hiện ra nầy của Chúa đến gặp Áp-ra-ham có lẽ: Hoặc là chỉ một thời gian ngắn sau khi ông và mọi người nam trong nhà đã chịu phép cắt bì, hoặc là chỗ nầy chỉ nói lại về chi tiết hiện ra của Chúa như thế nào, khi Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham về dấu hiệu trên thân thể.

Nhiều học giả Kinh-thánh cho rằng Đức Chúa Trời hiện ra gặp Áp-ra-ham có lẽ vài ngày sau khi chịu phép cắt bì.

Nhưng lý luận của phái cho rằng phần nầy chỉ là sự mô tả và tường thuật thêm của chỉ một lần gặp; bởi vì do căn cứ trên số tuổi của Áp-ra-ham khi ấy trong cả hai lần tường thuật thì ông đều là 99 tuổi và đều nghe nói trước về sự sinh ra của Y-sác một năm sau đó (17:21; 18:10).

Áp-ra-ham cư ngụ gần các cây sồi của Mam-rê đã khá lâu (1; 13:18; 14:13), lúc ông từ Ai-cập trở lại xứ Ca-na-an, qua khỏi vùng Nê-ghép, và sau khi Lót lìa khỏi ông để dọn xuống đồng bằng Sodom.

Xứ ấy có nắng gắt và nóng vào buổi trưa; có lẽ Áp-ra-ham dựng trại dưới bóng của các cây sồi để tránh ánh nắng chói chang lúc giữa trưa. Vì thời ấy những người có các bầy gia súc, chưa chọn định cư nơi nào cố định, thì thường sống trong các lều lớn kết bằng vải hay bằng da thú.

Kinh-thánh nói rằng “khi ông đang ngồi nơi cửa trại vào lúc trời nắng gắt trong ngày, Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt mình. Vừa thấy họ, ông liền từ cửa trại chạy ra đón và sấp mặt xuống đất” (1–2).

Sự xuất hiện của ba vị rất bất ngờ. Vì từ cửa trại, tầm mắt của Áp-ra-ham có thể quan sát rất xa. Thời ấy người sống trong vùng cũng chưa nhiều, và cũng chẳng có lữ quán nào cho khách bộ hành nghỉ chân.

Lòng hiếu khách của người ta lúc bấy giờ rất là chân thành. Khi gia chủ thấy có người tới trước nhà mình, thì biết khách lạ cần nghỉ ngơi ăn uống dưỡng sức.

Có lẽ Áp-ra ham đã có nhiều kinh nghiệm về sự hiện đến của Chúa; mặc dù Đức Chúa Trời và hai thiên sứ (19:1) hiện ra trong hình thể loài người, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của ba Vị có lẽ đã khiến cho Áp-ra-ham nghĩ rằng họ là khách từ trời.

Việc ba Vị chấp nhận sự sấp mình cung kính của Áp-ra-ham, cũng là một dấu hiệu họ là khách từ thiên đàng, và chính Đức Chúa Trời đang ở đó.

Mặc dù không ai trong nhân loại biết các Đấng bậc ở thiên đàng có hình thể bề ngoài ra sao, nhưng tất cả các ký thuật của Kinh-thánh về các thiên sứ (ngoại trừ các chê-ru-bim) và Chúa hiện ra ở trần gian đều có hình dạng ‘giống như người.’

Áp-ra-ham đã chứng tỏ lòng hiếu khách của ông qua lời nói và hành động (3–8). Việc các thiên sứ ăn uống trong hình thể loài người, không có nghĩa là các đấng-bậc trong linh giới cần phải có thực phẩm nuôi thân như loài người; hành động ăn uống của các thiên sứ (19:3) mà Kinh-thánh ghi chép rõ, là để người thời nay đừng cho rằng các đấng bậc ấy không thể sinh hoạt như loài người ở trần gian.

Khi các thiên sứ hỏi Áp-ra-ham về Sa-ra, và báo tin là khoảng một năm sau thì Sa-ra sẽ sinh một con trai, chắc chắn Áp-ra-ham không còn nghi ngờ gì về việc các Vị ấy là ai (9–10). Lần nầy thì Sa-ra tận tai nghe tin vui; bà “cười thầm và tự nhủ: ‘Già như tôi thế nầy mà còn được hưởng niềm vui đó sao? Hơn nữa, chúa tôi cũng đã già rồi’” (11–12).

Tới chỗ nầy thì Kinh-thánh nói rõ “Đức Giê-hô-va hỏi Áp-ra-ham: ‘Tại sao Sa-ra cười và nghĩ rằng, có thật tôi già thế nầy mà vẫn sinh con được sao? Có điều gì quá khó cho Đức Giê-hô-va không? Đến kỳ đã định, năm sau Ta sẽ trở lại với con, và Sa-ra sẽ có một con trai’” (13–14).

Câu hỏi của Chúa chắc đã đem thêm đức tin cho bà Sa-ra. Vì tư tưởng bà suy nghĩ trong đầu vẫn bị Chúa biết rõ; thế thì việc bà được sinh con ở tuổi già thì không phải là “điều quá khó cho Đức Giê-hô-va.” Nhưng bà chối vì sợ (15).

Những bài học ở chỗ nầy cho chúng ta ứng dụng trong sự hiểu biết thêm về Đức Chúa Trời và sự thành tín của những lời Ngài hứa. Lòng hiếu khách của Áp-ra-ham đã được ban thưởng rất xứng đáng. Hãy thử nghĩ, nếu Áp-ra-ham vô tình không tiếp đãi các khách lạ, thì ông đã lỡ mất một cơ hội vô cùng quý báu là được tiếp đón và phục vụ Đức Chúa Trời ngay tại nhà mình.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng khuyên các tín hữu của Hội-thánh thời sơ lập là: “Chớ quên tỏ lòng hiếu khách, vì khi làm điều đó có người đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). Vì thế cho nên anh chị em hãy tỉnh táo khi bất ngờ gặp người lạ, nhất là những người cần sự giúp đỡ.

Trong đoạn trước Chúa hứa với Áp-ra-ham sẽ ban cho Sa-ra một con trai. Ông “quỳ sấp mặt xuống đất, cười và thầm nghĩ trong lòng ‘Một người đã trăm tuổi mà vẫn có con chăng? Sa-ra đã chín mươi tuổi mà còn sinh đẻ được sao?” (17:17).

Ở đoạn nầy Sa-ra nghe thì nghĩ rằng lời Chúa hứa là quá sức tưởng tượng, không thể tin nổi; nên bà cười. Chúng ta thấy cả hai người đều cười khi nghe tin vui. Nhưng sự cười của hai người xuất phát từ hai động lực khác nhau.

Áp-ra-ham cười cách vui mừng khi nghe một tin mừng quá trọng đại. Còn Sa-ra cười thầm vì không tin nổi là mình sẽ còn có sức sinh con. Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy trong lòng; Ngài thấy cái cười của một người không tin, còn nụ cười kia phát ra từ đức tin.

Chúa không quở Áp-ra-ham, nhưng Ngài quở Sa-ra. Thường thì tội sinh thêm tội. Khi ai đặt nghi vấn chân lý thiêng liêng, thì sẽ phạm thêm nhiều tội khác sinh ra từ lòng nghi ngờ Lời của Chúa. Sa-ra chối khi bị hỏi.

Sau khi báo tin Y-sác sẽ ra đời, cả ba Vị hướng về Sodom. Khi Áp-ra-ham cùng đi theo tiễn bước các Vị, thì “Đức Giê-hô-va nói: ‘Lẽ nào Ta giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm sao?’” (16–17). Chúa không giấu ý định của Ngài đối với người đeo theo Ngài và được ở trong chương trình của Ngài (18–19).

Đức Chúa Trời đã nghe tiếng than trách về tội lỗi cực kỳ nghiêm trọng của dân tại hai thành Sodom và Gomorrah (20–21). Đấng Toàn Tri phải ngự xuống để chính mắt chứng kiến tội lỗi của dân thành, và Ngài sẽ không phạt cách oan uổng.

Hai vị thiên sứ đi về hướng Sodom còn Đức Giê-hô-va ở lại đó với Áp-ra-ham (22–23). Lời khẩn cầu của Áp-ra-ham ở chỗ nầy đúng là của một người cầu thay cho những người khác chứ không xin gì cho mình:

Áp-ra-ham đến gần và thưa: ‘Chúa sẽ tiêu diệt cả người công chính lẫn người gian ác sao? Giả sử trong thành có năm mươi người công chính thì Ngài cũng sẽ tiêu diệt hết sao? Chẳng lẽ Ngài không vì năm mươi người công chính ở trong thành mà tha thứ cho thành đó sao? Không bao giờ Chúa làm như vậy! Chẳng lẽ Chúa tiêu diệt người công chính chung với kẻ gian ác, xem người công chính cũng như kẻ gian ác sao? Không bao giờ Chúa làm như vậy! Đấng phán xét toàn thế gian lại không thực thi công lý sao?” (23–25).

Khi nghe Chúa nói là Ngài không tìm được năm mươi người công chính trong thành, thì ông kỳ kèo: “Nếu lỡ trong năm mươi người công chính thiếu năm người thì sao? Vì thiếu năm người mà Chúa sẽ tiêu diệt cả thành chăng?” (26–28). Vì Chúa cho biết Ngài không tìm thấy bốn mươi lăm người, Áp-ra-ham hạ xuống còn bốn mươi, ba mươi, hai mươi mà cũng không có đủ (29–31).

Sau hết “Áp-ra-ham lại thưa: ‘Xin Chúa đừng giận, cho con thưa chỉ một lần nầy nữa thôi: Nếu trong đó chỉ có mười người thì sao?’ Ngài đáp: ‘Vì mười người đó Ta sẽ không diệt thành đâu’” (32). Tấm lòng của Áp-ra-ham thật hiếm có. Vì thế ông được gọi là bạn của Đức Chúa Trời.

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, đã nhiều lần tai hoạ không xảy ra cho thành phố chúng ta đang cư ngụ; có phải vì đang có mười người công chính đang sống trong thành phố chăng?

Hãy nghĩ đến điều nầy: Nếu chúng ta sống công chính dưới mắt Đức Chúa Trời qua huyết tha tội của Đức Chúa Giêxu, và cũng có thêm ít nhất chín người khác nữa, thì ít ra cũng có thể cứu được vô số người khỏi bị tiêu diệt, và giúp cho họ có cơ hội tiếp nhận Tin Mừng để được sự sống đời đời vô cùng hạnh phúc như chúng ta đang có.

Vì không có được mười người công chính sống trong thành, số phận Sodom và Gomorrah đã bị định phải huỷ diệt.

Khi phán với Áp-ra-ham xong, Đức Giê-hô-va ra đi, còn Áp-ra-ham trở về trại mình” (33). Có lẽ ông buồn bã lắm vì biết sự huỷ diệt sẽ đến trên vô số người; mặc dù đức nhân từ của Đức Chúa Trời là bao la, nhưng tiếng gian ác đã lên thấu trời thì không ai cứu nổi.

SangTheKy26.docx

Rev. Dr. CTB