Môi-se Được Chúa Gọi

Xuất Ai-Cập, bài 03


Xuất Ai-cập Ký 3:1–12

Từ ngày Môi-se chạy trốn đến xứ Ma-đi-an, cưới vợ, sinh con, sống ẩn dật nơi hoang mạc để chăn bầy chiên của nhạc gia, cho tới ngày được Chúa kêu gọi, thì bốn mươi năm đã trôi qua. Một người tài cao, học rộng mà sẵn lòng sống âm thầm trong vai trò người chăn bầy ở nơi hoang mạc Ma-đi-an suốt bốn mươi năm, là một vấn đề rất đáng cho người thời nay nghiên cứu và suy gẫm.

Từ một người có tương lai tươi sáng ở hoàng cung Ai-cập huy hoàng và náo nhiệt, bây giờ thành một mục tử cô đơn nơi hoang mạc khô cằn, vắng vẻ; cuộc đời của Môi-se trải qua một cuộc thay đổi vô cùng sâu đậm.

Đức Chúa Trời luôn thử nghiệm và rèn luyện những người sẽ được Ngài sử dụng để biến đổi lịch sử bằng phương pháp riêng của Ngài. Những con người vĩ đại thường phải trải qua những nỗi đau khổ tột cùng để được chuẩn bị cho những thành tích siêu việt.

Ông dẫn bầy chiên qua bên kia hoang mạc và đến Hô-rếp (Horeb) là núi của Đức Chúa Trời” (1). ‘Bên kia’ tức là về phía tây của hoang mạc. Vào lúc khí hậu đổi sang mùa hè, các bãi cỏ vùng đồng bằng khô dần, những mục tử dẫn bầy của họ lên vùng đất cao mát mẻ hơn, nơi các đồng cỏ xanh tươi lâu hơn.

Hô-rếp là tên được dùng để nói về vùng núi Sinai, không phải chỉ là một ngọn núi, nhưng là cả một dãy nhiều ngọn núi. Horeb được các thầy tế lễ Ma-đi-an dùng làm nơi tế lễ thờ phượng Đức Chúa Trời; đất ấy được xem là thiêng liêng, nên họ gọi Horeb là núi của Đức Chúa Trời. Một nơi vắng lặng như vậy thật là lý tưởng cho những tâm hồn tìm kiếm Chúa.

Nhiều thần học gia tin rằng cụm từ ngữ: “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va,” (2) thường được nói đến trong Kinh-thánh Cựu-ước, là thân vị Thứ Nhì của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Vì Ngài thường tự xưng là Đức Chúa Trời, sự xưng nhận mà không một thiên sứ nào dám tự nhận.

Thần học gia Benson cho rằng Ngài là Thiên Sứ của giao ước, là Đấng Christ, từ trước vô cùng vốn là, cho tới vĩnh viễn về sau vẫn là Đức Chúa Trời, đã giáng thế trong thân thể người để làm Sứ-giả của Đức Chúa Trời cho nhân gian.

Sứ đồ Phao-lô giảng giải tảng đá thiêng liêng tuôn trào nước mát trong hoang mạc cho dân Israel chính là Đấng Christ (1Cô-rinh-tô 10:4). Sự hiện ra của Thiên Sứ của Đức Giê-hô-va trong bụi gai cháy gần núi Horeb, là điềm báo trước sứ mạng về sau của Ngài.

Chữ bụi gai ở đây không có nghĩa chỉ là một bụi gai đơn độc, nhưng là một khóm nhiều cây acacia có nhiều nhánh tua tủa giống như bụi gai, loại cây tiêu biểu vùng hoang mạc của bán đảo Sinai. Người mục tử đơn độc đang đi phía trước để dẫn bầy chiên theo sau người chăn.

Bụi gai bị cháy dưới nắng nóng trong hoang mạc là hình ảnh vẫn thường xảy ra. Ngọn lửa đi qua thì bụi gai chỉ còn là một đám tro tàn. Nhưng lần nầy thì cảnh lửa vẫn cháy mà bụi gai không tàn khiến cho Môi-se lấy làm lạ, bèn tẻ bước lại gần để xem (3).

Đức Giê-hô-va thấy ông đến gần để xem, Đức Chúa Trời từ giữa bụi gai gọi: Hỡi Môi-se, Môise!’ Ông thưa rằng: ‘Có con đây!’” (4).

Chi tiết nầy chứng tỏ Môi-se có ý thức về Đấng Thần Linh mà tổ phụ ông và cha vợ ông gọi là Đức Chúa Trời; rồi có lẽ ông suy gẫm về Ngài trong bốn mươi năm cô độc chăn chiên ở vùng hoang mạc.

Đức Chúa Trời phán: ‘Đừng đến gần! Hãy cổi dép khỏi chân con, vì chỗ con đang đứng là đất thánh’” (5). Chúa ngăn chận sự tò mò của Môi-se, không cho ông tới gần.

Việc phải giữ một khoảng cách có nghĩa là phải rất tôn kính và khiêm tốn. Cổi dép khỏi chân là dấu hiệu kính trọng sự hiện diện Oai-Nghi Thần Thánh ở nơi đó.

Rồi Ngài lại phán: ‘Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ con, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia cốp.’ Môi se liền che mặt vì sợ nhìn thấy Đức Chúa Trời” (6).

Môi-se dùng áo choàng che mặt lại vì ý thức tình trạng tội lỗi và không xứng đáng của mình; khi biết Đấng ở giữa lửa đang phán với mình là Đức Chúa Trời, thì sự sợ hãi tràn ngập trong lòng Môi-se. Vì so với sự vĩ đại và oai nghi đáng sợ của Ngài, Môi-se nhận ra mình chỉ là một tạo vật vô cùng yếu ớt, tội lỗi và đáng thương hại đến chừng nào!

Con dân của Chúa ngày nay cần phải biết tôn kính sự hiện diện của Ngài.

Đức Chúa Trời phán: “Ta thấy rõ nỗi khốn khổ của dân Ta tại Ai-cập và đã nghe thấu tiếng họ kêu than vì các đốc công. Phải, Ta biết được nỗi đau đớn của họ” (7).

Những nỗi khổ dù thầm kín đến đâu, cũng không bị che khuất khỏi mắt Đức Chúa Trời, vì Ngài thấy rõ. Nên Chúa ngự xuống để giải cứu dân của Ngài, đưa họ đến “một vùng đất tốt đẹp và rộng rãi, đượm sữa và mật” (8).

Sự giải thoát dân Israel khỏi tình cảnh nô lệ ở Ai-cập là hình ảnh biểu tượng về ơn cứu chuộc của chúng ta ngày nay, do Đấng Christ từ trời đến để thực hiện.

Dân Israel được đưa tới một vùng đất tốt đẹp và rộng rãi, đượm sữa và mật, giống như đời sống tâm linh của chúng ta ngày nay được chuyển vào linh giới thánh thiện của cõi thiên đàng, không bị bó buộc bởi các luật lệ khắt khe, và tâm hồn được hưởng thoả thích các ơn phước ngon ngọt cần thiết cho đời sống tâm linh.

Chúa nhắc lại rằng Ngài đã nghe tiếng kêu than của dân Israel, đã thấy sự áp bức của người Ai-cập mà họ phải chịu (9).

Môi-se, công tử của công chúa Ai-cập, đã lột xác qua bốn mươi năm làm mục tử trong hoang mạc. Các hình ảnh giàu sang nơi cung điện Pha-ra-ôn đã phai mờ trong tâm khảm của Môi-se. Sau thất bại của sự cố gắng làm người giải thoát dân Israel, bây giờ Môi se là một người trầm mặc, sống đời bình dị và khiêm tốn.

Làm nghề chăn chiên trong hoang mạc là quá thấp kém so với ngôi vương giả ở Ai-cập; nhưng chính trong nơi hoang mạc đó, ông được thấy bụi gai cháy mà không tàn. Nếu còn ở hoàng cung Ai-cập, ông không bao giờ thấy việc đó.

Đức Chúa Trời đã rèn luyện Môi-se trong hoang mạc Ma-đi-an suốt bốn mươi năm; bây giờ, đã đến lúc Ngài gọi ông: “Hãy lại đây, Ta sẽ sai con đến Pha-ra-ôn để con đem dân Ta, là dân Israel, ra khỏi Ai-cập” (10).

Môi-se đã trở thành một công cụ được Chúa sử dụng cho công tác vô cùng khó khăn. Không phải Môi se nhát sợ khi ông cảm thấy mình không xứng đáng với nhiệm vụ Chúa giao (11). Lòng tự tin trước kia, khi ông còn trẻ, đã bị thực tế phũ phàng khiến cho vỡ mộng.

Sự tự tin không phải là tánh khí mà Đức Chúa Trời có thể dùng. Ngài sử dụng và hành động trong những tâm hồn bị tổn thương như cây sậy bị dập. Vì Ngài ban sức lực của Ngài cho họ. Vì thế, khi một ai thú nhận rằng, ‘tôi không làm được gì hết,’ thì Chúa sử dụng người ấy. Như lời Phao-lô: “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2Côrinhtô 12:10).

Hãy để ý rằng Môi se không từ chối công việc được giao; ông chỉ cảm thấy mình thực không xứng đáng với trách vụ nặng nề.

Nếu chúng ta có lý do để tin rằng bất cứ nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, đã được Đức Chúa Trời đặt trên mình, thì trước hết hãy tự xét kỹ lưỡng các nhược điểm của mình. Làm điều đó không phải để tìm cách thoái thác bổn phận vì thấy mình yếu kém, nhưng với mục đích cầu xin sự giúp đỡ của Chúa để có thể hoàn thành công việc.

Như Môi-se đáp lời Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn và đem dân Israel ra khỏi Ai-cập?” (11). Một tâm tình như vậy được Đức Chúa Trời quý trọng và ban lời hứa rõ ràng: “Ta sẽ ở với con. Đây là dấu hiệu để con biết rằng Ta đã sai con đi: Khi con đã đem dân chúng ra khỏi Ai-cập rồi, thì các con sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời trên núi nầy” (12).

Cảnh trí lạ lùng về bụi gai cháy mãi không tàn trong bài học nầy có nghĩa bóng tượng trưng cho bản chất và nội dung của thông điệp từ Đức Chúa Trời.

Bụi gai là hình ảnh dân tộc Israel bị nhục nhã, một dân tộc bị thế gian khinh bỉ. Hình ảnh ngọn lửa cháy bao trùm bụi gai tượng trưng cho tình cảnh của dân Israel bị ức hiếp, đè nén và vùi dập tại Ai-cập.

Nhưng mặc cho chính sách tàn bạo và ác độc của vua Ai-cập gán trên dân tộc Israel có làm cho họ vô cùng khổ sở, thở than, vẫn không thể tiêu diệt được dân tộc ấy, mà dân số họ cứ gia tăng ngày càng nhiều.

Trong một ý nghĩa khác, ngọn lửa ở giữa bụi gai tiêu biểu cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, thì vì Ngài ở với dân Israel của Ngài, nên người Ai-cập không thể tiêu diệt nổi dân tộc ấy.

Biểu tượng đó cũng mang ý nghĩa ấy cho Hội-thánh của Đức Chúa Trời ở thế gian thời bây giờ. Nơi nào được Chúa xác nhận là Hội-thánh thật của Chúa và có sự hiện diện của Ngài, thì “các cửa âm phủ không thể thắng được Hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18b).

XuatAiCap03.docx

Rev. Dr. CTB