Sự Sắp Đặt của Chúa

Xuất Ai-Cập Ký, bài 02


Xuất Ai-Cập Ký 2:1–25

Chi tiết đáng để ý ở chỗ nầy là tác giả không nêu tên cha mẹ của Môi-se (1–2) cũng như tên của công chúa, con gái Pha-ra-ôn (5–6). Mãi cho tới 6:20 thì tên cha và mẹ của Môi-se mới được tiết lộ qua gia phả của chi tộc Lê-vi.

Theo các học giả Kinh-thánh, thì lý do tác giả không nêu tên của những người ấy, là vì ông cố ý làm nổi bật bàn tay can thiệp của Đức Chúa Trời trong tất cả những màn diễn biến của một chuỗi nhiều sự kiện liên kết nhau, mà Ngài đã sắp đặt, nhằm giải cứu dân tộc Israel, đem họ vào sản nghiệp mà Ngài đã hứa ban cho dòng dõi của Áp-ra-ham.

Câu “Nàng thụ thai và sinh một con trai” (2) không có ý nói là con đầu lòng mà là người con thứ ba trong gia đình. Hai người con trước được sinh ra trước khi vua Ai-cập ra sắc lệnh giết tất cả con trai sơ sinh của người Israel.

Lòng can đảm của cha mẹ đem giấu đứa con xinh đẹp không phải chỉ vì tình mẫu tử, nhưng nét “kháu khỉnh” hoặc “xinh tốt” của đứa con đã gợi cho cha mẹ niềm hi vọng về một sự đoái thăm từ thiên thượng trên đứa con trai nầy.

Vị chấp sự Ê-tiên vào thời sơ lập của Hội-thánh mô tả Môi-se là “khôi ngô tuấn tú trước mặt Chúa” (Công vụ 7:20).

Tác giả Thư Hê-bơ-rơ nói: “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua” (Hê-bơ-rơ 11:23).

Khi đứa trẻ được ba tháng tuổi, tiếng khóc của nó to hơn, cha mẹ không thể giấu con lâu hơn được nữa; nên họ phải tìm cách cứu sự sống của con mình.

Chi tiết nầy chứng tỏ rằng giữa người Israel đã có nhiều người sợ chiếu chỉ của vua mà giết con họ, và cũng có nhiều người sẵn sàng tố cáo cho người Ai-cập về những người Israel dám bất tuân lệnh vua. Loại người hèn hạ luôn có mặt giữa bất cứ dân tộc nào.

Giữa cảnh khốn khó, người ta thường nẩy ra nhiều sáng kiến hay và độc đáo. Người mẹ “lấy một cái thúng đan bằng sậy, trét chai và nhựa thông, đặt đứa bé vào đó, rồi đem thả giữa đám sậy ven sông. Chị đứa bé đứng xa xa để trông chừng em mình” (3–4).

Khi satan sử dụng vua Ai-cập trong mưu đồ tiêu diệt dòng dõi được Đức Chúa Trời chọn, thì đấng giải thoát trong tương lai được sinh ra đời. Vị ấy lại được chính công chúa, con của ông vua đang cầm quyền, cứu thoát (5–6).

Có lẽ trong thời kỳ đó, những lời hứa về sự duy trì dòng dõi của Áp-ra-ham được nhắc lại giữa vòng dân sự Israel. Từ đó đức tin vào lời hứa của Chúa làm nẩy ra ý tưởng dùng biện pháp hợp lệ để nhận ơn thương xót của Chúa.

Dù tất cả các cảnh ngộ do Chúa sắp đặt, nhưng nhiệm vụ phải thực hiện chương trình của Ngài là thuộc về chúng ta. Cho nên mẹ của Môi-se làm mọi việc để con được sống; bà trao số phận của con vào tay Chúa.

Đức Chúa Trời dẫn một người có quyền thế và có lòng trắc ẩn trước một bé trai xinh đẹp, dễ thương đang khóc, là công chúa Ai-Cập, để cứu mạng đứa trẻ. Rồi người chị trông chừng đứa em đã nhanh nhẩu đề nghị với công chúa sẽ tìm vú em nuôi đứa trẻ.

Sự sắp xếp kỳ diệu ấy của Chúa khiến cho mẹ của Môi-se lại được công khai nuôi chính con mình cho tới khi đứa trẻ lớn khôn thì giao con cho công chúa. “Nàng nhận làm con và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói: ‘Ta đã vớt nó ra khỏi nước’” (7–10).

Mặc dù sách Xuất Ai-cập không ghi chép gì về thời gian Môi-se ở trong cung điện của công chúa Ai-cập, nhưng Ê-tiên thuật lại rằng: “Môi-se được học tất cả sự khôn ngoan của người Ai-cập, ông có năng lực trong cả lời nói lẫn việc làm” (Công Vụ 7:22).

Cũng theo lời tường thuật của Ê-tiên, Môi-se bắt đầu đi thăm dân sự Israel ruột thịt của mình khi ông được bốn mươi tuổi (Công Vụ 7:23).

Ông thấy cảnh lầm than cơ cực của họ, cũng thấy anh em đồng tộc mình bị người Ai-cập ức hiếp. Nổi máu anh hùng, ông giết tên Ai-cập đó rồi vùi xác trong cát, vì thấy chung quanh chẳng có ai chứng kiến, ngoại trừ người bị ức hiếp (11–12).

Môi-se tưởng rằng những người Israel đồng tộc sẽ nhận ra ông là người bênh vực cảnh khốn cùng của họ mà nghe lời khuyên can của ông khi hai người Israel đánh nhau.

Nhưng ông hết sức ngã lòng khi người có lỗi phản kháng ông: “Ai đã lập ông làm người cai trị và thẩm phán trên chúng tôi? Có phải ông cũng muốn giết tôi như đã giết tên Ai-cập kia chăng?” (13–14).

Môi-se đâu ngờ rằng người ta sẵn sàng lấy oán báo ân khi tự ái họ bị va chạm; đồng thời, dân Israel chưa ý thức được rằng họ cần một đấng giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ khốn khổ.

Sự kiện nói trên là bài học muôn thuở của con người trên thế giới trải qua mọi thế hệ. Chừng nào lòng người chưa được hoán cải bởi quyền năng biến đổi của Tin Mừng, thì vẫn còn có những tâm trí phản phúc.

Đồng thời, con cái Chúa không thể đặt lòng tin của mình vào những người mà mình chưa biết rõ tâm địa của họ. Bởi vì người ta ít khi quan tâm đến thiện ý của người khác, chỉ chú trọng vào cái tôi và quyền lợi nhỏ nhặt của mình mà thôi.

Khi vụ Môi-se giết một tên Ai-cập để bênh người Israel bị ức hiếp đến tai vua Ai-cập, do lời đồn loan truyền trong dân Israel, thì ông ta tìm giết Môi-se (15).

Trong bất cứ tập thể nào cũng có rất ít người khôn ngoan, kín miệng và cẩn thận về lời nói của họ, nhưng có vô số người lẻo mép, không thể giữ kín được chuyện gì cả.

Môi-se trốn khỏi xứ Ai-cập và dừng chân ở xứ Ma-đi-an, ngồi nghỉ bên một giếng nước (15b).

Mặc dù lãnh thổ chính của dân Ma-đi-an ở bờ đông vịnh Aqaba, một nhánh của Hồng-hải, thuộc miền cực Tây-Bắc của bán đảo A-rập ngày nay, nhưng nơi Môi-se dừng chân lúc đó thuộc vùng đông nam bán đảo Sinai, ở bờ tây của vịnh Aqaba, đối diện với lãnh thổ chính của xứ Ma-đi-an.

Không ai biết Môi-se đã được huấn luyện những gì, nhưng chắc rằng ông được tập luyện võ nghệ để có tài năng văn võ song toàn. Khi trốn khỏi xứ Ai-cập thì ông còn độc thân.

Ma-đi-an là một trong các con trai do bà Kê-tu-ra sinh cho Áp-ra-ham (Sáng-Thế 25:1–2). Vậy, Reuel là hậu tự của Ma-đi-an, làm chức tế lễ cho Đức Chúa Trời mà Áp-ra-ham đã truyền lại cho các con của ông phải thờ kính.

Reuel không phải là thầy tế lễ của ngoại giáo, nhưng là người thờ kính Đức Chúa Trời bằng hình thức đơn giản nhất. Bảy con gái của Reuel “đến giếng múc nước đổ đầy máng cho gia súc của cha mình uống” (16), trong lúc Môi-se đang ngồi nghỉ ở đó.

Bọn chăn chiên thời ấy có lẽ rất thô lỗ cho nên đã đuổi các cô gái đi, giành phần nước cho chiên của họ.

Bản tính anh hùng của Môi-se không chịu nổi cảnh gai mắt ấy, nên ông đứng ra bênh vực các cô và cho bầy gia súc uống (17). Chắc rằng bọn chăn chiên đã chống trả người lạ mặt, nhưng bị Môi-se đánh bại nên đành chịu lép vế.

Gương Môi se đứng ra bênh vực người yếu thế cũng là một bài học cho chúng ta suy gẫm. Giữa đường thấy chuyện bất bình mà làm lơ vì sợ bị liên luỵ, vừa là một thói xấu, vừa hèn nhát và ác nữa. Con cái Chúa phải thật lòng giúp đỡ người hoạn nạn, bênh vực người cô thế, và dám gánh vác những việc mình có thể làm được.

Cách hành xử của các cô gái thì rất là quê mùa, họ không biết mời ân nhân của mình về nhà. Khi nghe các con kể lại thì người cha hỏi: “Người đó bây giờ ở đâu? Sao các con lại bỏ người ta vậy? Hãy mời người đó về dùng bữa” (18–20).

Sau khi ăn uống, trò chuyện; vì Môi-se là người có ăn học lại tuấn tú hơn người, nên Reuel mời ông ở lại với gia đình mình. “Môi-se bằng lòng ở lại với Reuel, và ông gả Sê-phô-ra (Zipporah), con gái mình, cho Môi-se. Nàng sinh một con trai và Môi-se đặt tên là Ghẹt-sôm (Gershom), vì ông nói: ‘Tôi kiều ngụ nơi đất khách’” (21–22).

Từ một công tử quyền uy bỗng trở thành người sống lưu lạc, Môi-se sẵn lòng chấp nhận cảnh ngộ mới.

Sau một thời gian dài, vua Ai-cập qua đời. Dân Israel than thở, kêu van dưới ách nô lệ, tiếng ta thán của họ thấu đến Đức Chúa Trời. Ngài nghe tiếng than thở của họ và nhớ lại giao ước đã kết lập với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái đến dân Israel và thấu hiểu cảnh ngộ của họ” (23–25).

Tiếng than oán của người bị áp bức luôn được Đức Chúa Trời nghe và quan sát. Tuy nhiên, để được Ngài đoái đến thì chúng ta phải dự phần vào một giao ước đã được Ngài kết lập với những người tin.

Nếu chúng ta là người tin Ngài, nhưng vì một lý do hay hoàn cảnh nào đó bị xa cách Chúa và lâm vào hoạn nạn, thì hãy nhớ đến Ngài, trở lại với giao ước với Ngài và kêu cầu Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ lắng nghe, đoái đến và ra tay giải cứu.

XuatAiCap02.docx

Rev. Dr. CTB