Các Tai Họa Đầu Tiên

Xuất Ai-Cập, bài 07


Xuất Ai-Cập Ký 7:1 – 9:35

Bản dịch Kinh-thánh tiếng Việt suy diễn chữ ‘a god‘ không chính xác, nên dịch là ‘Đức Chúa Trời.’ Vì thế, chúng ta phải hiểu nguyên nghĩa lời phán của Chúa là: “Ta lập con như là một vị thần đối với Pha-ra-ôn; còn A-rôn, anh con sẽ là người phát ngôn của con” (1). Có nghĩa Môi-se là sứ giả của Chúa sai đến làm pháp quan, hay thẩm phán, trên vua Ai-cập.

Tuy vậy, Chúa cho Môi-se biết trước rằng ông vua ấy sẽ cứng lòng, không cho phép dân Israel đi cho tới khi bị Chúa dùng các tai họa trừng phạt nước Ai-cập, thì ông ta mới chịu nhượng bộ (2–5). A-rôn và Môi-se vâng theo lời Chúa truyền phán. Lúc đó, Môi-se được 80 tuổi, còn A-rôn 83 (6–7).

Trong vai trò một ông thần làm đại sứ cho Đức Chúa Trời, Môi-se không đứng trước Pha-ra-ôn với tư thế sợ hãi, khúm núm, nhưng với tư thế làm cho vua Ai-cập khiếp đảm.

Đức Chúa Trời dặn bảo hai ông chỉ bắt đầu chứng tỏ khả năng thi thố phép lạ khi vua Ai-cập dám thách thức (8–9).

Việc cây gậy của A-rôn ném xuống đất trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, để cây gậy ấy biến thành con rắn, là dấu lạ để tạo uy tín cho hai anh em A-rôn và Môi-se trước mặt người Ai-cập mà thôi (10), vì thế nó không làm hại ai cả.

Vua Ai-cập liền “triệu tập các pháp sư và thầy phù thủy là những thuật sĩ Ai-cập đến, họ cũng dùng ma thuật mà làm y như vậy. Mỗi người ném gậy của mình xuống, chúng cũng biến thành rắn. Nhưng cây gậy của A-rôn nuốt các gậy của họ” (11–12).

Ma-thuật rất phổ biến tại Ai-cập vào thời ấy. Người ta tin vào quyền lực của các ‘lá bùa’ do những ‘thầy bùa’ viết. Pháp-sư và phù-thủy được Pha-ra-ôn triệu tập đều là những thầy bùa thực hành ma thuật.

Vua Ai-cập tin rằng Môi-se đã học được ma thuật lúc còn ở hoàng cung, chắc hẳn đã luyện tập ma thuật tới mức cao hơn trong bốn mươi năm qua ở vùng hoang mạc.

Mấy cây gậy của các thầy bùa Ai-cập đem vào cung có thể là những con rắn đã bị bùa mê làm cứng đơ trông giống như cây gậy, nhưng khi được giải mê thì lại trở thành rắn.

Hai người đứng đầu các pháp sư là Gian-nét và Giam-be (Jannes & Jambres; 2Timôthê 3:8), hai con trai của pháp sư Balaam, việc nầy chép trong sách Gia-sa (Jasher 79:27–42) [Kinh-thánh đề cập tới sách Gia-sa 3 lần: Giô-suê 10:13; 2Sa-mu-ên 1:18; 2Ti-mô-thê 3:8]. Vua Ai-cập cứng lòng vì các pháp sư cũng làm được điều mà Môi-se và A-rôn đã làm (13).

Đức Chúa Trời bắt đầu dùng tay Môi-se để lần lượt giáng các tai họa xuống đất nước và dân chúng Ai-cập. Tai họa đầu tiên là nước sông biến thành máu (14–21).

Môi-se phải đợi vua Ai-cập đi ra bờ sông vào buổi sáng để thông báo sự trừng phạt tội nhà vua không vâng lời Chúa (16–18).

Khi bày tỏ quyền năng của Chúa cho dân Israel xem, Môi-se chỉ thực hiện trên bình diện nhỏ với số ít người thấy. Bây giờ, ông phải thực hiện trên bình diện lớn hơn để toàn dân Ai-cập đều thấy, và tất cả nước các sông ngòi, ao hồ, kể cả các bình chứa bằng đá và gỗ đều sẽ bị ảnh hưởng (19).

Mục đích của tai họa nầy để cho người Ai-cập thấy một chất liệu thiên nhiên là nước phải phục dưới ý muốn của Đức Chúa Trời Toàn Năng (20–21).

Khi nói rằng “các thuật sĩ Ai-cập cũng dùng ma thuật làm giống như vậy” (22), thì không có nghĩa là họ cũng có khả năng khiến nước ở mọi sông ngòi, ao hồ đều biến thành máu, nhưng chỉ có thể làm cho một vũng hay một chậu nước biến thành màu đỏ máu mà thôi.

Bởi vì nước ở mọi ao hồ, sông suối đã biến thành máu hết rồi, thì họ lấy đâu ra nước sông mà làm. Đúng như Chúa đã bảo trước, ông vua Ai-cập không nghe lời Môi-se và A-rôn, trở về cung mà không chút áy náy về việc người dân Ai-cập phải kiếm nước uống một cách khổ nhọc suốt bảy ngày (23–25).

Đức Chúa Trời sai Môi-se thông báo cho Pha-ra-ôn biết tai họa thứ nhì sẽ xảy ra là nạn ếch nhái lúc nhúc dưới sông sẽ bò vào cung điện, giường ngủ, lò bếp, thùng nhồi bột, và cả lên mình vua, quần thần cùng dân chúng nữa (8:1–4).

Không cần đợi Pha-ra-ôn trả lời, Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Hãy bảo A-rôn rằng, hãy cầm gậy đưa tay trên các nguồn nước, sông, rạch, ao, và khiến ếch nhái tràn lên đất Ai-cập” (8:5). Kết quả là “ếch nhái bò lên bao phủ khắp đất” (8:6).

Ma thuật của các thuật sĩ trong việc nầy không gây chút ấn tượng nào; vì ếch nhái đã bò đầy trên đất thì có thêm cũng chỉ thêm khổ. Khả năng họ quá yếu, không có uy quyền dẹp bớt ếch nhái (8:7).

Sự gia tăng tai họa nầy khiến Pha-ra-ôn bắt đầu nhượng bộ, vì ông hứa với Môi-se rằng nếu Đức Giê-hô-va khiến ếch nhái tránh xa vua và người Ai-cập, thì ông ta sẽ cho phép dân Israel ra đi dâng sinh tế cho Đức Giê-hô-va (8:8).

Môi-se bảo vua phải ấn định thời gian ếch nhái bị dẹp bỏ khỏi cung điện, kẻo ông vua lại nói là chúng chết cách tự nhiên. Vua xin việc ấy phải diễn ra vào ngày mai.

Môi-se nói: “Sẽ đúng như lời bệ hạ nói, để bệ hạ biết rằng chẳng có ai giống như Giê hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi. Ếch nhái sẽ đi khỏi bệ hạ, cung điện, quần thần, và dân chúng của bệ hạ; chỉ còn lại dưới sông mà thôi” (9–11).

Sau khi Môi se cầu khẩn Đức Giê-hô-va, Ngài làm cho ếch nhái trên cạn đều chết hết. Nhưng khi Pha-ra-ôn đã thoát nạn ếch nhái, liền trở mặt, “không chịu nghe lời Môi-se và A-rôn, đúng như lời Đức Giê-hô-va đã phán” (12–15).

Tai họa thứ ba diễn ra nhanh chóng. Đức Giê-hô-va truyền cho Môi-se bảo A-rôn: “Hãy giơ gậy ra đập bụi trên đất, bụi sẽ biến thành muỗi tràn khắp đất Ai-cập” (16). Hai ông vâng lời làm theo thì có như vậy.

Lần nầy các thuật sĩ không bắt chước được, họ trình với Pha-ra-ôn: “Đây là ngón tay của Đức Chúa Trời.” Dù dân chúng và súc vật khổ sở vì nạn muỗi, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng, như Chúa đã cho biết trước (17–19).

Môi-se vâng lệnh Chúa truyền, dậy thật sớm ra bở sông gặp Pha-ra-ôn để thông báo tai họa thứ tư là ruồi nhặng sẽ đầy tràn khắp xứ, ngoại trừ dất Gôsen của người Israel, vì Chúa phán: “Ta sẽ phân biệt giữa dân Ta với dân ngươi.

Một ngày sau khắp xứ Ai-cập bị đầy dẫy ruồi nhặng phá phách (20–24). Pha-ra-ôn gọi Môi-se và A-rôn vào điều đình để dân Israel sẽ dâng sinh tế ngay trong xứ. Môi-se từ chối. Pha-ra-ôn giả vờ nhượng bộ xin Môi se cầu nguyện Chúa cho hết nạn ruồi. Nhưng sau khi ruồi tan đi, Pha-ra-ôn lại nuốt lời (25–32).

Môi-se lại vâng lời Chúa tới thông báo cho Pha-ra-ôn về tai họa thứ năm là tất cả thú vật của người Ai-cập sẽ bị ôn dịch; còn súc vật của người Israel sẽ an toàn. Ôn dịch xảy ra y như lời Môi se thông báo (9:1–6).

Pha-ra-ôn sai người đi xem xét súc vật của dân Israel thì thấy chẳng con nào bị chết cả; tuy vậy, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng (9:7).

Chúa bảo Môi-se và A-rôn hốt tro trong lò, rồi Môi-se tung tro đó lên không trước mặt Pha-ra-ôn, tro đó sẽ biến thành bụi khắp đất Ai-cập, sinh ra ung nhọt cương mủ trên người và súc vật. Các thuật sĩ cũng bị ung nhọt, không còn dám đứng trước mặt Môi-se để chống trả nữa (đến đây người đọc mới hiểu lời Phao-lô viết cho Ti-mô-thêTrước kia Gian-nét và Giam-be chống đối Môi-se thể nào, thì những người nầy cũng chống đối chân lý thể ấy2Ti-mô-thê 3:8); nhưng lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, chai lì trước tai họa thứ sáu nầy. Ông ta vẫn không cho dân Israel ra đi (9:8–12).

Đức Chúa Trời lại sai Môi-se dậy sớm đến gặp Pha-ra-ôn để thông báo tai họa thứ bảy đầy kinh hoàng là mưa đá sẽ giáng xuống đất Ai-cập, “để ngươi biết rằng khắp thế gian không có ai bằng Ta. … sở dĩ Ta cho ngươi sống là để ngươi thấy quyền năng của Ta, và để danh Ta được truyền rao khắp đất” (9:13–16).

Chúa cũng bảo Môi-se khuyến cáo Pha-ra-ôn và người Ai-cập đem nô lệ và súc vật vào chỗ an toàn trước khi mưa đá trút xuống. Những tôi tớ của Pha-ra-ôn biết kính sợ Chúa đều rút nô lệ và súc vật mình vào nhà. Kẻ thờ ơ thì không nghe lời (17–21).

Môi se vâng lời Chúa, giơ gậy lên trời, “mưa đá trút xuống, pha trộn với lửa chớp nhoáng tạo nên một trận mưa đá khủng khiếp chưa từng có kể từ ngày Ai-cập dựng nước cho đến bấy giờ.” Khắp Ai-cập bị tàn phá bởi mưa đá, chỉ có đất Gô-sen, nơi cư trú của dân Israel, là không bị mưa đá mà thôi (22–26).

Pha-ra-ôn triệu tập Môi-se và A-rôn vào và bảo: ‘Lần nầy trẫm đã phạm tội. Đức Giê-hô-va là công chính, còn trẫm và dân của trẫm đều lầm lỗi. Hãy khẩn cầu Đức Giê-hô-va cho sấm sét và mưa đá chấm dứt, rồi trẫm sẽ để cho các ngươi ra đi, không phải ở lại nữa đâu.’ Môi se đáp: ‘Ngay khi ra khỏi thành, tôi sẽ giơ tay hướng về Đức Giê-hô-va; sấm sét sẽ ngừng, mưa đá sẽ dứt để bệ hạ biết rằng đất nầy thuộc về Đức Giê-hô-va. Nhưng tôi biết rằng bệ hạ và quần thần chưa kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời’” (27–30).

Môi-se đi ra thực hiện lời hứa, giơ tay hướng về Đức Giê-hô-va; sấm sét và mưa đá ngưng lại. Nhưng một lần nữa, Pha-ra-ôn và quần thần lại giở trò gian xảo, nuốt lời hứa; vì họ thấy lúa mì và tiểu mạch chưa bị hư hại do trổ muộn (31-35).

Vua tôi Ai-cập tiếp tục cứng lòng, “đúng như lời Đức Giê-hô-va đã phán qua Môi-se.

XuatAiCap07.docx

Rev. Dr. CTB