Xuyên Qua Hồng Hải

Xuất Ai-Cập, bài 13


Xuất Ai-Cập 14:1–31

Trong khi dân Israel đang đóng trại tại Etham, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se dẫn họ “quay lại đóng trại trước Pi-hahiroth, giữa Migdon và biển, đối diện Baal-zephon. Các con hãy đóng trại ngang đó, trên bờ biển” (1–2).

Pi-hahiroth nghĩa là eo đất Hiroth giữa hai dãy núi mà đoàn dân Israel đã đi qua. Migdon và Baal-zephon là hai thành mà có lẽ trước kia là hai đồn quân trú phòng.

Chúa giải thích cho Môi-se biết lý do phải quay trở lại chỗ ấy vì Ngài muốn được vinh danh khi giải thoát dân Israel, bằng một sự giải cứu kỳ diệu, thoát khỏi sự truy đuổi của Pha-ra-ôn và quân đội Ai-cập.

Chúa biết trước Pha-ra-ôn sẽ cho rằng dân Israel còn luẩn quẩn trong xứ Ai-cập, vì một đoàn người đông như thế không thể an toàn vượt qua hoang mạc, nên ông ta sẽ đem quân truy đuổi để bắt người Israel trở lại Ai-cập làm nô lệ như trước (3).

Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng và sẽ đuổi theo dân đó. Nhưng Ta sẽ được tôn vinh vì Pha-ra-ôn và cả quân đội của vua ấy; người Ai-cập sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va” (4).

Đúng như điều Chúa phán, sau khi Pha-ra-ôn cùng quần thần thấy tai họa đã ngừng lại, họ hối tiếc đã cho dân Israel ra đi; bây giờ họ không còn hàng trăm ngàn nhân công miễn phí sản xuất gạch cho các công trình xây cất nữa. Họ nói với nhau: “Chúng ta đã làm gì vậy, tha cho dân Israel đi để chúng không còn phục dịch chúng ta nữa sao?” (5).

Có lẽ tin tức báo về cho vua Ai-cập biết đoàn dân Israel đã chuyển hướng, thay vì đi thẳng tới núi Hô-rếp; họ quay lại và hiện đang ở gần bên bờ Biển Đỏ; cho nên, vua nói rằng họ bị hoang mạc chận đường rồi (3). Vua bèn chuẩn bị “sáu trăm chiến xa tốt nhất và tất cả các chiến xa khác trong Ai-cập” (6-7) để đuổi theo đoàn dân Israel.

Người ta thường nghĩ rằng những sự toan tính của họ là do họ nghĩ ra và thực hiện. Không bao nhiêu người biết rằng rất nhiều việc họ làm là do Đức Chúa Trời xui khiến, để tuỳ theo lòng dạ xấu không biết ăn năn của họ mà Ngài sẽ trừng phạt đích đáng.

Vì thế, “Đức Giêhôva làm cho Pha-ra-ôn, vua Ai-cập, cứng lòng và đuổi theo dân Israel, trong khi dân nầy cứ hiên ngang ra đi” (8).

Chiến xa là xe hai bánh hoặc bốn bánh chở đấu sĩ do hai con ngựa kéo. Tất cả chiến xa khác trong Ai-cập là các xe ngựa ở các địa phương dọc đường vua Ai-cập đi qua để đuổi theo dân Israel. Ngoài ra, còn có kỵ binh và quân đội cùng đi với vua Ai-cập khi họ bắt kịp dân Israel đang đóng trại trên bờ biển, gần Pi-hahiroth, đối diện với Baal-zephon (9).

Tâm lý của người ta rất khó lường. Khi được giải thoát khỏi cảnh đời nô-lệ, người Israel vui mừng ra đi một cách hiên ngang. Nhưng khi thấy vua Ai-cập, là người chủ nô cũ, xuất hiện cùng với đoàn quân của ông ta, thì “họ vô cùng kinh hãi, kêu van Đức Giêhôva” (10).

Rồi quay lại oán trách Môi-se, vị lãnh tụ đã vâng lệnh Chúa giải thoát họ: “Ở Ai-cập không đủ mồ chôn hay sao mà ông đem chúng tôi vào chết trong hoang mạc nầy? Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì chứ? Chẳng phải chúng tôi đã nói với ông tại Ai-cập rằng: ‘Mặc kệ chúng tôi, cứ để chúng tôi phục dịch dân Ai-cập đó sao? Vì thà phục dịch họ còn hơn phải chết trong hoang mạc’” (11–12).

Nghĩa là phước thì hưởng nhưng trước hiểm hoạ thì đủ điều oán trách. Tâm lý tín hữu ngày nay chẳng khác gì dân Israel ngày xưa, ưa hưởng phước nhưng oán trách khi có điều không hài lòng.

Mặc dù “khi ra khỏi Ai-cập, dân Israel được trang bị khí giới để chiến đấu” (13:18b), nhưng đạo quân của họ chưa từng lâm trận bao giờ. Đó là lý do Môi-se kêu van lên Đức Giê-hô-va (15), lời thầm cầu khẩn chứ không nói ra tiếng. Chúa cũng trả lời cho một mình ông được biết chương trình và kế hoạch của Ngài (16-17).

Vì thế, Môi-se mạnh dạn nói với dân chúng: “Đừng sợ, cứ đứng vững mà xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho anh em hôm nay. Những người Ai-cập mà anh em nhìn thấy hôm nay sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy nữa. Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho anh em, còn anh em cứ yên lặng” (13–14).

Lời thầm nguyện từ đáy lòng bao giờ cũng hiệu quả hơn lời hoa mỹ ngoài môi miệng. Đức Chúa Trời sẽ tranh chiến thay cho người Ngài đang dắt dẫn.

Điều mà mỗi tín hữu cần có khả năng là nghe được tiếng Chúa phán với mình. Bí quyết luôn luôn hữu hiệu là nghiên cứu lời Chúa trong Kinh-thánh với lòng tin quyết và mở rộng.

Uy quyền trên cõi thiên nhiên không phải ai cũng có. Vì thế, nếu được Chúa sai phải làm thì hãy dùng đức tin thực hiện lời Ngài truyền như lời Chúa bảo Môi-se “hãy cầm gậy lên, đưa tay trên mặt biển và rẽ nước ra để dân Israel đi trên đất khô mà qua biển” (16).

Ngày nay một số người lầm lẫn về vấn đề đức tin; họ bắt chước Môi-se nhân danh Chúa truyền cho nước phải rẽ ra trước mặt họ, nhưng nước chẳng rẽ ra; bởi vì Chúa bảo ai làm thì Ngài sẽ thực hiện để yểm trợ người vâng lời Ngài. Còn nếu Chúa không sai khiến, thì đừng nghĩ rằng thiên nhiên sẽ vâng theo lệnh mình.

Nhận được lời chỉ dẫn của Chúa (17–18), Môi se vững chí nói quả quyết rằng: “Những người Ai-cập mà anh em nhìn thấy hôm nay sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy nữa. Đức Giê-hô-va sẽ chiến đấu cho anh em, còn anh em cứ yên lặng” (13b–14).

Để chứng tỏ cho đoàn dân Israel thấy sự bảo vệ của Chúa như lời Ngài phán, “Thiên sứ Đức Chúa Trời vốn đi trước trại quân của dân Israel, đã di chuyển và đi phía sau; còn trụ mây cũng chuyển từ trước mặt họ ra phía sau, chận giữa trại quân Ai-cập và trại quân Israel. Áng mây làm cho bên nầy bị tối tăm nhưng bên kia được soi sáng, nên suốt đêm hai bên không tiến gần nhau được” (19–20).

Chúa chỉ cần chuyển trụ mây và trụ lửa ra phía sau, đứng chận giữa hai trại quân, thì dân sự của Ngài được an toàn. Cảnh tượng trụ mây và trụ lửa lúc ấy hùng vĩ uy nghiêm biết bao. Điều kỳ lạ là vua Ai-cập vẫn chưa biết sợ.

Môi se vâng lời Chúa dạy “giơ tay trên biển” (21a); phép lạ kỳ vĩ trên Biển Đỏ diễn ra trước mặt dân Israel: “Suốt đêm đó, Đức Giê-hô-va khiến một trận gió đông thổi mạnh để dồn biển lại. Ngài làm cho nước rẽ ra, biến thành đất khô. Dân Israel đi trên đất khô mà qua biển, còn nước làm thành một bức tường ngăn bên phải và bên trái của họ” (21–22).

Tâm trạng của họ chắc hẳn phải nô nức vội vàng vô cùng, vì biển đã mở một con đường cho họ chạy trốn thoát khỏi sự truy đuổi của vua và quân đội Ai-cập. Mọi người bước đi trên lòng biển như đất khô đều phải có đức tin rằng vách nước hai bên sẽ không phủ trùm trên họ.

Người Ai-cập bèn rượt theo khi thấy dân Israel an toàn vượt qua Biển Đỏ, nhưng Chúa đã làm cho họ di chuyển khó khăn, không lên khỏi biển được; dù họ đã bảo nhau chạy trốn khi nhận biết Đức Giê-hô-va đang chống lại họ (23–25).

Đức Giê-hô-va phán với Môi-se:‘Con hãy giơ tay ra trên biển để nước trở lại phủ lấp người Ai-cập, các chiến xa và kỵ binh của chúng’” (26).

Theo điều mô tả ở đây: “Rạng sáng, Môi-se giơ tay trên biển thì biển trở lại mực nước cũ” (27), có nghĩa là đoàn dân Israel hai triệu người đã qua biển trong đêm. Vì trụ mây và trụ lửa cũng di chuyển theo đoàn dân, nên vua và quân đội Ai-cập đuổi theo xuống biển và bị kẹt ở đó vào canh sáng (24); tới khi bình minh ló dạng thì nước biển phủ lại, dìm chết tất cả vua, quân Ai-cập và có lẽ cả hai pháp sư gian ác Jannes và Jambres (28-29).

Sự tích nầy được truyền tụng trong dân Israel để con cháu họ ghi nhớ đến ngàn đời sau. Thời nay có một số người tìm cách giải thích là phần Biển Đỏ, nói đến ở đây, nằm ở đầu Hồng Hải, rất cạn, cho nên dễ lội qua. Họ cố biện luận sao cho biến cố ấy không còn là phép lạ kỳ diệu nữa. Nhưng nếu dân Israel có thể lội qua được, thì quân đội Ai-cập cũng lội qua mà không bị chết chìm.

Trong ngày đó, Đức Giêhôva giải cứu dân Israel khỏi tay người Ai-cập; họ thấy người Ai-cập phơi xác trên bãi biển. Dân Israel chứng kiến công việc kinh khiếp mà Đức Giêhôva đã làm cho người Ai-cập, nên họ kính sợ Ngài, tin Ngài và tin Môi-se, đầy tớ Ngài” (30–31).

Mọi điều đã diễn ra trước mắt dân Israel chỉ trong một đêm, và có lẽ có một số người sống gần Biển Đỏ vào lúc đó cũng được chứng kiến nữa. Bằng chứng là lời tường thuật của họ đã đồn đến tận xứ Ca-na an, và tin tức ấy vẫn còn lưu truyền đến bốn mươi năm sau (Giô-suê 2:10).

Chúng ta ngày nay cũng cần học theo gương của những người biết kính sợ Đức Chúa Trời vì thấy các công việc kinh khiếp của Ngài đã làm cho kẻ thù họ để giải cứu họ.

Được ơn cứu độ của Chúa giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi và biến đổi tâm linh chúng ta để đủ điều kiện được thánh hóa, là ơn quá vĩ đại giúp chúng ta luôn luôn biết tin cậy và kính thờ Ngài.

XuatAiCap13.docx

Rev. Dr. CTB