Đấng Hằng Hữu

Chúa Nhật, February 28th, 2016

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 07


Giăng 8:48–58

Quintillion không có trong tiếng Việt. Nó có nghĩa là 625 số zeros nối theo sau số 1. Nó là con số quá lớn của một ngàn triệu nhân cho một ngàn triệu. Toán học thì giải nghĩa quintillion là số 10 lũy thừa 18.

Khoa học không gian tin rằng trong vũ trụ có khoảng 700 quintillions hành tinh có đất đá (terrestrial planets). Nhưng trái đất là hành tinh đất đá vượt trội trên hết, vì trong số 700 quintillions hành tinh đó thì chẳng có hành tinh nào so được với địa cầu cả; bản tin không gian mới nhất vừa cho biết như vậy.

Có nghĩa địa cầu là hành tinh đẹp nhất trong vũ trụ và là hành tinh duy nhất có loài người và các loài có sự sống khác hiện diện, cùng với cỏ cây, đất đá, sông núi biển hồ, khí quyển và môi trường thích hợp cho sự sống của muôn loài.

Mặc dù địa cầu không nằm ở trung tâm của vũ trụ, hoặc ở trung tâm của thiên hà, mà người Việt gọi là giải Ngân hà (Milkyway), nhưng nó là nơi duy nhất có sự sống.

Đức Chúa Giêxu là trung tâm của Cơ-đốc-giáo. Không có Đức Chúa Giêxu, Cơ-đốc-giáo trở thành một cái vỏ trống rỗng giống như mọi tôn giáo khác của trần gian. Bởi vì tất cả tinh túy của Cơ-đốc-giáo đều chỉ tập trung vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã được thực hiện qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, Thần Nhân duy nhất trong lịch sử vũ trụ.

Vì địa cầu là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có loài người, sinh vật cao cả nhất do Đức Chúa Trời tạo nên dựa trên hình ảnh Ngài, nên Đức Chúa Giêxu, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, xuống thế gian làm Người để chịu chết chuộc tội cho toàn nhân loại, là trung tâm điểm của Cơ-đốc giáo, là niềm tin duy nhất có thể cống hiến cho loài người con đường giải thoát chắc chắn khỏi sự hư vong vĩnh viễn của linh hồn. Bởi vì mọi triết lý và tôn giáo của loài người chẳng thể cứu được ai cả.

Giới người hoài nghi rất khó tin về những gì họ chưa thấy tận mắt. Có hai loại người hoài nghi. Loại thứ nhất đòi hỏi phải thực nghiệm, tức là thấy tận mắt, nghe tận tai và chính tay rờ được thì mới bắt đầu tin.

Loại thứ nhì thì hoài nghi và bác bỏ bất cứ cái gì không thuộc tôn giáo niềm tin của tổ tiên gia đình; mặc dù họ chưa bao giờ thấy hoặc có chứng cớ về vị thần họ tôn kính. Tính hoài nghi đó thường do lòng tự tôn dân tộc và tự ái gia đình mà ra.

Đức Chúa Giêxu phải giảng cho loại người hoài nghi thứ nhì. Họ không tin Ngài là Đấng Mê-si-a mà các nhà tiên tri từ nhiều thế kỷ trước đã cho biết sẽ đến trong dân Do-thái.

Để dạy dỗ dân chúng, Đức Chúa Giêxu thường nói về Đức Chúa Trời, là Cha, và Vương quốc thiên đàng. Ngài cho biết Đức Chúa Cha sai Ngài xuống thế gian thiết lập Vương-quốc Trời của Ngài trong lòng người.

Nhờ Kinh-thánh chỉ dẫn, chúng ta tin Đức Chúa Giêxu là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đến từ trời. Niềm tin ấy dựa trên ba điều chính yếu: 1) Những lời tuyên bố và xác nhận của Đức Chúa Giêxu. 2) Công việc và các phép lạ Ngài đã làm, và 3) Sự sống lại của Ngài từ cõi chết.

Về điều thứ nhất thì giới người Pharisi nói: “Thầy tự làm chứng cho mình thì lời chứng của Thầy không đáng tin.’ Đức Chúa Giêxu đáp: ‘Cho dù Ta tự làm chứng cho mình đi nữa thì lời chứng của Ta vẫn đáng tin, vì Ta biết mình từ đâu đến và đang đi đâu. Nhưng các ngươi không biết Ta từ đâu đến và đang đi đâu’” (Giăng 8:13–14).

Chúa cũng nói: “Ta tự làm chứng cho mình, và Cha là Đấng đã sai Ta cũng làm chứng cho Ta” (18). “Nếu Ta tự tôn vinh mình thì vinh quang của Ta chẳng ra gì. Chính Cha tôn vinh Ta, Ngài là Đấng các ngươi gọi là Đức Chúa Trời của mình. Các ngươi không biết Ngài nhưng Ta biết Ngài” (54–55).

Người Do-thái luôn chất vấn Đức Chúa Giêxu về các lời Ngài tuyên bố “Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo Ta chẳng đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng của sự sống” (8:12); “Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi” (11: 25); “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha” (14:6).

Các lời tuyên bố trên chứng tỏ tính cách siêu phàm của Đức Chúa Giêxu, bởi vì rất nhiều phép lạ mà Ngài thi thố đã chứng minh cho những lời Ngài tự xưng từ trời đến là chân thật (6:38).

Bác sĩ Luca, một người Hy-lạp tiếp nhận Phúc-âm tại Antioch, Syri, đã phỏng vấn những đồ đệ và thân nhân của Đức Chúa Giêxu, những người còn sống khi ông theo Phaolô về Giêrusalem sau chuyến truyền giáo thứ ba của Phaolô, ông đã thuật lại chuyện tích chuyến trở về quê hương Nazareth của Đức Chúa Giêxu:

Theo thói quen, vào ngày sa bát, Ngài đến nhà hội, đứng dậy để đọc. Có người trao cho Ngài cuộn sách tiên tri Ê-sai, Ngài mở ra, tìm thấy chỗ có chép: ‘Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Lành cho kẻ nghèo. Ngài đã sai Ta để công bố những người bị giam cầm được phóng thích, người mù lòa được sáng mắt, người bị áp bức được tự do; và công bố năm thi ân của Chúa’” (Luca 4:16–19).

Trong lúc mọi người chăm chú nhìn Ngài thì Ngài nói: “Hôm nay, lời Kinh-thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Luca 4:20–21). Có nghĩa Ngài là Đấng được sai đến để thực hiện các điều kể trên.

Những lời tuyên bố không úp mở của Đức Chúa Giêxu cho người ta biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời đang ở trong thể xác loài người. Những người trung thành với Do-thái-giáo, với giới luật của Môi-se, đều chưng hửng và tức giận về những lời tuyên bố của Đức Chúa Giêxu.

Cuộc đối đáp giữa giới giáo quyền Do-thái với Đức Chúa Giêxu cho thấy họ không thể chịu nổi những lời Ngài tự nhận, là những điều chỉ có Đức Chúa Trời mới xưng nhận được, nhưng họ không biết Ngài từ cõi nào đến vì chẳng thể chối cãi hay bác bỏ các phép lạ Ngài làm công khai trước mắt họ.

Họ chỉ biết chất vấn khi Chúa nói: “..Cha là Đấng đã sai Ta cũng làm chứng cho Ta” thì họ hỏi “Cha của Thầy ở đâu?” (18–19).

Chúa nói: “Các ngươi ra từ dưới, còn Ta đến từ trên. Các ngươi ra từ thế gian nầy, còn Ta không ra từ thế gian nầy.… nếu các ngươi không tin Ta là Đấng Hằng Hữu thì các ngươi sẽ chết trong tội lỗi mình.” Họ hỏi: “Vậy Thầy là ai?” (23–25).

Đức Chúa Giêxu biết họ không thể hiểu nổi việc Đức Chúa Trời ở trong thể xác người, nên Ngài giải thích: “Các ngươi không biết Ta, cũng không biết Cha Ta. Nếu các ngươi biết Ta thì cũng biết Cha Ta nữa” (19).

Người Do-thái vẫn trông chờ Đấng Cứu Thế, mà họ gọi là Mê-si-a, sẽ được Đức Chúa Trời sai đến để làm vua của họ, giải thoát họ khỏi ách thống trị của nguời La-mã, tái lập vương quyền Do-thái. Và với thần quyền của Đấng Mê-si-a, nước Do-thái trở lại thời thịnh trị huy hoàng của David và Solomon, thống trị toàn thế giới.

Nhưng gốc gác của Giêxu nầy thì họ biết rõ là từ vùng Galilê đến, thì làm sao dám tự xưng là Con Đức Chúa Trời và gọi Ngài bằng Cha? Đức Chúa Giêxu biết những suy nghĩ của lòng họ, nên Ngài phán:

Khi các ngươi treo Con Người lên, lúc ấy các ngươi sẽ biết Ta là Đấng Hằng Hữu, và biết Ta không tự mình làm điều gì, nhưng chỉ công bố những điều Cha dạy Ta. Đấng đã sai Ta vẫn ở với Ta, không để Ta một mình, vì Ta luôn luôn làm những điều đẹp lòng Ngài” (28–29).

Bằng lòng chịu chết treo trên thập tự giá trong khi chẳng phạm một tội ác gì, thì không phải là một quyết định của tâm lý con người bình thường. Chỉ Đấng Hằng Hữu mới làm được điều ấy.

Người Do-thái tự hào là dòng dõi của Áp-ra-ham (33), và “chỉ có một Cha là Đức Chúa Trời” (41), Đức Chúa Giêxu nói: “Nếu Đức Chúa Trời là Cha các ngươi, thì các ngươi phải yêu thương Ta; vì Ta ra từ Đức Chúa Trời và từ Ngài mà đến, bởi Ta không tự mình đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta” (42).

Không thể đối đáp nổi với người có quyền phép, người Pha-ri-si bắt đầu miệt thị: “Chúng tôi nói Thầy là người Sa-ma-ri và bị quỷ ám, không đúng lắm sao?” (48). Rồi chế nhạo Ngài khi nghe Ngài thấy tổ phụ Áp-ra-ham của họ mừng rỡ vì Đức Chúa Trời đã đến trong dòng dõi của ông (56): “Thầy chưa đầy năm mươi tuổi mà đã thấy Áp-ra-ham!

Nhưng họ nổi điên lên khi nghe Đức Chúa Giêxu tuyên bố: “Trước khi Áp-ra-ham hiện hữu, Ta hằng hữu” (57–58).

Đức Chúa Giêxu tuyên bố rõ ngôi vị của Ngài là Đức Chúa Trời hằng hữu. Lời tuyên bố ấy được chứng minh bằng công việc Ngài làm, bằng sự chết hi sinh cao quý, bằng sự sống lại vinh quang, và qua sự kiện thăng thiên ngoạn mục của Ngài.

Hằng hữu là chữ duy nhất có thể diễn tả tính chất vĩnh viễn của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin Đức Chúa Giêxu là Thần Nhân qua những lời Ngài đã bày tỏ về chính Ngài. Mà lời quan trọng nhất là: Đức Chúa Giêxu là Chúa Hằng Hữu.

VanDeCanBan07.docx

Rev. Dr. CTB