San Sẻ Gánh Nặng

Friday, February 19th, 2016

Xuất Ai-Cập, bài 17


Xuất Ai-cập 18:1–27

Lúc Môi-se chạy trốn khỏi Ai-cập đến xứ Ma-đi-an, thì được thầy tế lễ Ma-đi-an là Reuel mời về nhà cho trú ngụ và gả con gái lớn, là Sê-phô-ra, làm vợ Môi-se (Xuất Ai-cập 2:21).

Sau bốn mươi năm chăn bầy cho cha vợ mình, Môi-se được Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai, cháy mà không tàn, kêu gọi ông trở về Ai-cập để lãnh đạo tuyển dân Israel của Ngài ra khỏi Ai-cập về đất hứa.

Khi đó, Kinh-thánh chép tên cha vợ của Môi-se là Giê-trô. Về chi tiết nầy thì vài nhà nghiên cứu Kinh-thánh cho rằng Giê-trô là con trai cả của Reuel. Còn Reuel thì có lẽ đã qua đời.

Thật ra không có bằng chứng nào để khẳng định điều nầy. Bởi vì không tìm thấy sách vở nào nói về tông tích của Giê-trô, nên họ đoán mò cho rằng đây là một nhân vật khác với Reuel.

Nhưng Kinh-thánh thì ghi rõ Giê-trô là cha vợ của Môi-se. Nghĩa là Reuel còn được gọi theo một tên khác là Giê-trô.

Mặc dù cư ngụ ở Ma-đi-an thuộc bờ đông của Hồng-Hải, Giê-trô vẫn biết tin tức về việc dân Israel đã ra khỏi Ai-cập, đã vượt Hồng Hải, đã có đồ ăn thức uống trong phép lạ của Chúa, và mới vừa đánh bại đạo quân Amalek gian xảo (1).

Có lẽ phần ký thuật cuộc thăm viếng của Giê-trô đặt ở chỗ nầy thì không đúng thứ tự thời gian. Vì mãi đến tháng thứ ba sau khi ra khỏi Ai-cập, dân Israel mới tới đóng trại gần chân núi Si-na-i (5), và lúc ấy Môi-se mới giữ vai trò thẩm phán phân xử các vụ kiện tụng lẫn nhau của người Israel.

Kinh thánh không ghi rõ khi nào là lúc Môi-se gửi vợ và hai con trai về ở tạm nhà cha vợ mình (2–4). Một số học giả đoán là có lẽ sau khi Môi-se làm phép cắt bì cho hai con trai của ông (Xuất Ai-cập 4:24–26).

Bây giờ, Giê-trô vui mừng thấy Đức Chúa Trời đã ban ơn cho dân Israel, ông cũng thấy tình trạng nguy hiểm đã qua rồi, nên ông dẫn vợ và con của Môi-se đến để giao lại cho ông (5–6).

Môi se được thông báo, ông ra đón rước nhạc gia, vợ và hai con (7). Hành động thân hành ra đón rước nhạc gia của Môi se chứng tỏ lòng kính trọng và khiêm hòa của Môi-se.

Vì chẳng những là lãnh tụ chính trị của một tập thể đông trên hai triệu người, Môi-se còn là lãnh tụ tinh thần của họ nữa. Ông có thể sai những người hầu cận của ông ra ngoài đón rước cha vợ vào; vì trại của ông nằm chính giữa, còn các chi tộc đóng trại chung quanh ông. Khu vực đóng trại của hai triệu người thì rất rộng.

Như thế, Môi-se đã ra tận ngoài trại để tiếp đón Giê-trô. “Cúi chào” là khom người hay quỳ xuống để chứng tỏ lòng kính trọng đặc biệt đối với bậc trưởng thượng.

Mọi điều Giê-trô nghe trước đây đều không phải từ người trong cuộc tường thuật. Lời kể lại của Môi se mới thật là chính xác (8). Không phải chỉ vui mừng (9), Giê-trô còn lên tiếng ca ngợi Đức Giê-hô-va:

Đáng ngợi khen Đức Giêhôva, là Đấng giải cứu anh em khỏi tay người Ai-cập và tay Pha-ra-ôn, và cũng giải cứu dân chúng khỏi quyền lực của người Ai-cập. Bây giờ ta biết rằng Đức Giêhôva vĩ đại hơn tất cả các thần, vì khi người Ai-cập đối xử ngạo mạn với dân Ngài thì Ngài đánh bại chúng nó” (10–11).

Thêm vào những lời ca ngợi tôn vinh chúc tụng, Giê-trô bày tỏ lòng tôn kính Đức Giê-hô-va bằng cách “dâng tế lễ thiêu và sinh tế lên Đức Chúa Trời.” Sau đó “A-rôn và các trưởng lão Israel đến dùng bữa với ông gia của Môi-se, trước mặt Đức Chúa Trời” (12).

Nói rằng họ dùng bữa trước mặt Đức Chúa Trời thì hoặc là bữa ăn đó ở dưới ánh sáng quang vinh của trụ mây và trụ lửa ngay tại lều của Môi-se (vì Môi-se phải đóng trại của ông nơi nào trụ mây hoặc trụ lửa dừng lại), hoặc là ngồi ăn trước bàn thờ mà Giê-trô vừa dâng tế lễ thiêu và sinh tế cho Đức Chúa Trời.

Cũng có thể là họ dùng bữa trong sự vui mừng và lòng thành thật, vì điều đó đẹp lòng Chúa và đúng với tính cách của những bậc trượng phu.

Việc A-rôn và các trưởng lão Israel đến chào và dùng bữa với Giê-trô là dấu hiệu họ rất tôn trọng nhạc gia của Môi-se. Có thể A-rôn đã từng gặp Giê-trô khi ông đi đón Môi-se, còn các trưởng lão thì gặp Giê-trô lần đầu tiên.

Cho đến khi ấy, ngoài Môi-se, Kinh thánh chưa ghi ghép có người nào trong dân Israel có thể nghe được lời phán của Đức Chúa Trời; cho nên, dân Israel đến với vị lãnh tụ của họ, người lắng nghe các nan đề của họ, và cũng là người nghe được tiếng Chúa muốn phân xử các vụ việc ra sao (13).

Bởi vì khi Giê-trô hỏi lý do gì mà ông phải ngồi xét xử từ sáng tới tối, thì Môi se nói: “Dân chúng đến với con để tìm cầu ý muốn Đức Chúa Trời. Mỗi khi có vấn đề gì thì họ đến với con và con xét xử giữa người nầy với kẻ kia, và cho họ biết những mệnh lệnh và luật pháp của Đức Chúa Trời” (14–16).

Môi-se tin rằng, với vai trò người lãnh đạo toàn dân tộc, bổn phận của ông là làm thẩm phán phân xử mọi việc. Có thể ông cho rằng những người Israel khác không có khả năng đảm đương công việc khó khăn ấy; vì thế, những người khiếu nại phải đứng chờ chực suốt từ sáng tới tối để đến phiên được trình bày uẩn khúc của họ (13).

Giê-trô thì sáng suốt hơn trong vấn đề nầy, vì suốt một ngày ông ngồi xem cách Môi-se giải quyết các vụ kiện tụng, khiếu nại, nên ông hiểu các vấn đề thông thường xảy ra giữa người Israel với nhau là những gì.

Ông nói với Môi-se: “Con làm như thế không tiện đâu. Cả con và những người dân đến với con chắc chắn sẽ bị đuối sức, vì việc đó quá nặng nề đối với con, một mình con không sao làm nổi” (17–18).

Ông nói rằng Môi-se chỉ nên làm người đại diện cho dân chúng trước mặt Đức Chúa Trời để trình dâng mọi vấn đề của họ lên cho Ngài. Nhiệm vụ chính của ông là “dạy họ các mệnh lệnh và luật pháp, chỉ cho họ biết con đường họ phải đi, và công việc họ phải làm” (19–20).

Còn các việc xét xử thì ông “hãy chọn trong dân chúng những người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét lợi bất chính,” để đặt những người ấy cai quản chỉ huy cấp ngàn người, cấp trăm, cấp năm chục, và cấp mười người (21).

Đây chính là cách thức tổ chức quân đội, từ cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, đến cấp tiểu đội.

Dù Môi se là một người được ơn kêu gọi, được nghe tiếng Chúa và trò chuyện với Ngài, tuy vậy, ông chưa biết cách tổ chức một tập thể quá đông người. Bây giờ, được Giê-trô cố vấn, Môi se mới biết san sẻ gánh nặng cho nhiều người khác.

Các phẩm chất của những người được đề cử giữ các vai trò chỉ huy lãnh đạo thì thật là quan trọng. Mục tiêu của sự san sẻ trách nhiệm mà Giê trô muốn đề nghị là công việc của các thẩm phán; cho nên, các phẩm chất cần thiết không phải là tài năng quán xuyến công việc mà thôi, nhưng còn phải biết kính sợ Đức Chúa Trời.

Điều nầy là quan trọng nhất. Bởi vì người nào biết kính sợ Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ không dám dung dưỡng tính gian xảo, hoặc tham lợi bất chính, hoặc thiên vị trong sự xét xử.

San sẻ gánh nặng cho những người cộng sự với mình, ngoài việc giảm bớt sự khổ nhọc tinh thần và thể xác, Môi se còn tạo điều kiện cho nhiều người trở thành hữu dụng trong công tác lãnh đạo tập thể và khả năng xét xử công minh.

Những người lãnh đạo giỏi là người biết phân công và dùng người đúng chỗ. Người lãnh đạo giỏi cũng phải biết giúp mọi người cộng sự với mình được trang bị thích đáng và đầy đủ. Cho nên, lời khuyên của Giê-trô thật là hữu ích cho Môi-se (22–23).

Lời nói của Giê-trô thật là khôn ngoan. Ông không khẳng định ông hoàn toàn đúng, nhưng thêm rằng: “Nếu Đức Chúa Trời cũng truyền cho con như vậy.” Nghĩa là dù ông khuyên đúng, nhưng Môi-se phải nghe tiếng Đức Chúa Trời trước khi bắt tay thực hiện việc cải tổ.

Môi-se nghe theo lời khuyên của cha vợ mình; ông tổ chức lại hệ thống lãnh đạo và phân xử cho dân Israel. Ông lập những người có tài để chỉ huy cấp ngàn người, cấp trăm, cấp năm chục, và tiểu đội. Quân đội thời nay gọi là “hệ thống quân giai” (24–25).

Công việc của họ là “túc trực xét xử dân chúng và trình cho Môi-se những việc lớn, còn chính họ xét xử các việc nhỏ” (26). Sự san sẻ trách nhiệm cho nhiều người khác đã giải tỏa gánh nặng cho Môi-se, và việc đó cũng giúp cho dân chúng khỏi mất công chực chờ suốt ngày.

Đức Chúa Trời đã sắp đặt chuyến viếng thăm của Giê-trô để giúp Môi-se nhận ra các nhược điểm của ông, và cũng để Môi-se tái ngộ vợ và hai con trai mình. “Sau đó Môi se tiễn ông gia mình lên đường trở về quê hương” (27).

XuatAiCap17.docx

Rev. Dr. CTB