Nghe Tiếng Chúa

listen-to-god

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 26

Châm Ngôn 2:6–11

Đức Chúa Trời không để cho con cái thật của Ngài phải mò mẫm trên đường đời như người mù. Qua Đức Thánh Linh, Ngài hướng dẫn họ cả trên thiên trình và đời ở trần gian của họ (Rôma 8:14). Vì vậy, nếu ai là con cái thật của Chúa thì biết chắc mình sẽ được Ngài hướng dẫn trong việc lập các quyết định quan trọng.

Vua David, người được Chúa đẹp lòng, bày tỏ kinh nghiệm của ông: “Các bước của người thuộc về Đức Giê-hô-va được vững chãi, Ngài ưa thích đường lối người ấy. Dù người có vấp ngã cũng không nằm sải dài, vì Đức Giê-hô-va nâng đỡ người” (Thi-Thiên 37:23–24).

Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta bằng nhiều phương cách khác nhau như điều hợp các hoàn cảnh, chiêm bao hay ý tưởng thích hợp. Những phương cách ấy là lời Ngài phán cho người được hướng dẫn. Nhưng phần khó khăn nhất là làm sao nhận ra tiếng Ngài phán.

Tuy vậy, Đức Chúa Trời đã bày tỏ một vài bí quyết: “Vì Ta biết chương trình bình an mà Ta hoạch định cho các con, đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng. Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm  Ta và gặp được khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (Giêrêmi 29: 11–13). Khẩn nài và kêu cầu là tâm tình của những người khiêm cung trước mặt Chúa cả trời đất.

Nhưng ai thật lòng yêu mến và trung tín với Chúa đều nghe được tiếng Ngài, tuy trình độ nghe có khác nhau. Vì thế, để có thể gặp, tức là nghe tiếng Chúa phán, chúng ta phải hết lòng trông đợi Ngài.

Nguyên nhân nào khiến tín hữu bình thường khó nhận ra tiếng Ngài hoặc không tương giao được với Ngài, thì chúng ta sẽ học biết trong các bài học khác có trình độ cao hơn.

Kinh-thánh cũng chỉ cho chúng ta biết cách thức nghe tiếng Chúa để học biết những điều sâu nhiệm là phải bỏ công luyện tập:

…… Thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, là cho những người nhờ thực hành mà luyện tập khả năng phân biệt điều lành và điều dữ” (Hêbơrơ 5:14), để tới lúc nào đó chúng ta sẽ nghe được rõ ràng: “…Khi ngươi xoay qua bên phải hoặc bên trái, tai ngươi sẽ nghe có tiếng phía sau mình rằng: ‘Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21).

Vậy thì, Chúa vẫn phán với con cái Ngài luôn, tín hữu có thể nhận ra miễn là biết bí quyết để phân biệt giữa tiếng Chúa với tiếng của nhân linh hoặc tà linh. Kinh-thánh cung cấp cho chúng ta vài bí quyết căn bản để lọc các thứ tiếng nói đến với mình trong những cảnh ngộ nào đó.

1. Điều kiện đầu tiên để có thể nghe tiếng Chúa phán là nhớ thường xuyên tự xét lòng để kịp thời ăn năn về những lầm lỗi vẫn thường xảy ra. Thánh khiết là điều kiện phải có để được Chúa trò chuyện tương giao.

Vào thời tạo thiên lập địa, A-đam và Ê-va được Đức Chúa Trời ngự đến vườn Ê-đen dạo chơi và trò chuyện tương giao. Sau khi họ mất sự thánh khiết vì phạm tội bất tuân, thì họ không còn được Chúa viếng thăm trò chuyện thân mật nữa (Sáng-thế 3:23–24).

Cho nên, tín hữu nào muốn được thường xuyên tương giao với Chúa, thì người ấy phải biết giữ gìn sự thánh khiết mà Chúa đã ban cho mình qua sự tẩy sạch của huyết báu Đức Chúa Jesus. Bất cứ sự ô uế nào làm dơ bẩn tâm linh chúng ta cũng ngăn trở mối tương giao giữa ta với Chúa.

2. Nghe lời Kinh-thánh, vì Kinh-thánh được Chúa cảm thúc để dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, huấn luyện chúng ta trong sự công chính (2Timôthê 3:16); cho nên, Chúa vẫn thường dùng các câu Kinh-thánh mà chúng ta đã thuộc trong lòng để phán với chúng ta về việc Ngài muốn khuyến giục hay ngăn trở chúng ta làm hay không nên làm việc gì đó.

Người nào đọc Kinh-thánh mỗi ngày và yêu mến sự dạy dỗ từ Kinh-thánh, thì dần dần quen với cách Chúa phán cho bầy chiên của Ngài. Đức Chúa Jesus không nói rằng: ‘Chiên Ta có thể nghe tiếng Ta;’ nhưng Ngài khẳng định: “Chiên Ta nghe tiếng Ta.” Ngài cũng nói: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta” (Giăng 10:27, 14).

Vì vậy để nghe được tiếng Chúa qua Kinh-thánh, thì điều đầu tiên phải thật sự là chiên của Ngài, biết Ngài là Đấng Cứu Chuộc và Đấng chăn dắt linh hồn ta, không phải chỉ biết về Chúa là đủ.

3. Dành thì giờ chờ đợi Chúa – Tức là chờ xem Chúa phán gì với mình qua phần Kinh thánh vừa đọc. Một thời khoá biểu quá vội vàng sẽ không cho phép chúng ta có thì giờ đọc Kinh-thánh cách chậm rãi với tâm linh mở ra sẵn sàng ăn nuốt lời Ngài.

Cách tốt nhất để có tâm linh tỉnh táo và tâm trí minh mẫn là dành thì giờ tương giao với Chúa vào lúc quanh mình còn yên lặng vào buổi sáng sớm. Luyện tập thói quen tốt ấy sẽ giúp chúng ta tương giao với Chúa dễ dàng hơn và ít bị quấy rầy bởi các tiếng động không ngăn ngừa được.

Vua David thường tương giao với Chúa vào buổi sáng sớm: “Đức Giê-hô-va ôi! Buổi sáng Ngài nghe tiếng con; buổi sáng con dâng lời khẩn nguyện và đợi chờ” (Thi Thiên 5:3).

Phải nghiêm khắc với thói chiều chuộng các đòi hỏi của xác thịt buồn ngủ thì mới có thể tương giao với Chúa vào các buổi sáng sớm được.

4. Tập tành yên lặng để nghe – Không chịu yên lặng chờ đợi để nghe mà cứ lải nhải khẩn nài hay trình bày ưu phiền của mình thì không thể nghe cách rõ ràng được. Hãy hiểu rằng Chúa biết rõ hoàn cảnh của mọi người trên thế gian, nhất là các cảnh ngộ của con cái Ngài. Lời nói chưa ra khỏi miệng ta, thì Ngài đã biết hết rồi (Mathiơ 6:7–8).

Dù chúng ta có thể yên lặng cầu nguyện qua tâm trí, mà ngôn ngữ trong trí não chúng ta vận động không ngừng nghỉ sẽ lấn át khả năng nghe của tâm linh; vì thế, hãy tập tành yên lặng để nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh. Người chưa quen cách nầy sẽ thấy rất khó giữ cho tâm trí yên lặng.

Cũng hãy tin chắc vào sự thành tín của Chúa chúng ta. Ngài không bắt con dân Ngài chờ đợi lâu dài. Nếu chờ mãi mà vẫn không nghe được điều gì, thì đa phần là do không cảnh giác về tình trạng bất khiết trong lòng mình.

5. Giữ chặt địa vị ở trong Đức Chúa Jesus–Chúa chỉ ở trong tâm linh người nào quyết chí ở trong Ngài.

Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ, ấy là người yêu mến Ta. Người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu thương, Ta cũng sẽ yêu thương người và bày tỏ chính Ta cho người. …… … Nếu ai yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu thương người, Chúng Ta sẽ đến cùng người và ở với người” (Giăng 14:21, 23)

Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các con. …. Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta, ……Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con” (Giăng 15:4; 10, 12).

Khi Chúa từ trong tâm linh ta phán, thì chúng ta dễ nhận ra tiếng Ngài phán. Vì vậy, hãy giữ chặt địa vị được ở trong Đức Chúa Jesus, để được nghe Ngài phán dạy luôn luôn.

6. Hiểu biết vị trí của mình – Đã được ở trong Đức Chúa Jesus rồi, thì địa vị, hoặc chỗ ngồi, của chúng ta không còn như trước nữa.

Hãy nhớ rằng chúng ta có thể quyết định địa vị của mình ở chỗ nào; hoặc là ngồi với Chúa trong linh giới, hoặc là trong địa vị xác thịt ở trần giới. Điều đó tuỳ thuộc vào cách chúng ta phản ứng, hoặc bằng phần linh, hoặc bằng phần hồn. Vì thế, sự hiểu biết vị trí của mình đang ở đâu sẽ quyết định loại tiếng mà mình sẽ nghe.

Nếu đã biết chắc mình đang được ở trong Chúa, thì chúng ta sẽ nhận ra thứ tiếng nói vào tâm trí mình là từ đâu đến. Vì nếu tiếng ấy nói theo quan điểm trần gian thì phải ra từ tà linh hay nhân linh. Nếu sự thúc giục ấy phản ảnh quan điểm thiên đàng, thì đó là tiếng của Đức Thánh Linh.

Vì “trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi với Ngài ở các nơi trên trời” (Êphêsô 2:6).

7. Sự bình an của Đức Chúa Trời – Đôi khi chúng ta nghe lời khuyên của những người sống thánh khiết, nhưng trong tâm linh mình không thấy bình an; có điều gì đó khiến lòng bồn chồn lo âu hay nặng nề. Hãy biết rằng điều đó không đến từ Chúa.

Sự bình an của Chúa là sự thử nghiệm rất chính xác. “Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể; …” (Côlôse 3:15).

Nếu tiếng nói đến từ Chúa sẽ khiến lòng chúng ta chẳng những bình an, mà còn có một niềm vui khó tả, nhiều khi chẳng biết tại sao mình vui.

Tóm lại, chúng ta phải luyện tập nghe tiếng nói trong tâm linh một thời gian khá dài thì mới có thể phân biệt được tiếng nói trong lòng mình từ nguồn nào đến. Vì sự thực hành đọc, suy gẫm lời Kinh-thánh sẽ luyện cho chúng ta khả năng phân biệt điều lành với điều dữ.

VanDeCanBan26.docx
Rev. Dr. CTB