Thiên Sứ Can Thiệp

Tín Đồ Của Chúa, bài 20

Công Vụ 5:12-42

Ngay từ thời sơ lập của Hội thánh, công tác rao truyền Tin Mừng đã gặp nhiều trở ngại, bắt bớ từ các thế lực chống lại Chúa Cứu Thế.

Có một điều rất nghịch lý và khó giải thích luôn luôn xảy ra trong suốt lịch sử của Hội-thánh là: Những người có chút thế lực trong xã hội không biết sợ Đức Chúa Trời, dù cho họ thấy quyền phép của Ngài hiển hiện trước mắt.

Có thể là vì ảnh hưởng của các việc quyền năng ấy chưa trực tiếp chạm đến thân thể và gia đình họ, nên những người đó chưa biết sợ Đấng bày tỏ quyền phép mà họ chưa tận mắt thấy Đấng ấy.

Bác sĩ Luca tường thuật: “Bấy giờ, có nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ“(12).

Trong khi dân chúng rất nể trọng các sứ đồ và tất cả tín hữu, giới lãnh đạo Do-thái-giáo thì ganh tị với ảnh hưởng của công việc Đức Thánh Linh cậy tay các sứ đồ thực hiện; vì những người đau ốm và bị tà linh hành hạ từ các thành gần Jerusalem đem tới đều được chữa lành (15-16).

Ngày nay cũng vậy, khi nghe tin một Hội-thánh địa phương nào đó được Đức Chúa Trời ban ơn hay sử dụng các thành quả của Vương-quốc thiên đàng tác động trên nhiều người trong cộng đồng sắc dân của mình, thì một số người là tín đồ Cơ-đốc-giáo thuộc sắc dân đó bèn tìm hết cách để nói xấu Hội-thánh được Chúa ban ơn, làm cho những người đang tìm hiểu Phúc Âm ngã lòng, rút lui, thay vì ủng hộ để đem người chưa tin đến với Chúa. Nguyên nhân chỉ vì ganh tị với năng lực và ảnh hưởng của các Hội-thánh được Chúa sử dụng.

Nếu giới lãnh đạo Do-thái-giáo khi xưa hành động hung hăng chống lại công việc của Đức Thánh Linh, bởi vì họ không thuộc Hội thánh của Đức Chúa Trời, thì những người ngày nay lặp lại các hành động đê hèn đó cũng chẳng thuộc về Hội-thánh của Chúa; bởi vì những người nầy chỉ chú trọng tới tổ chức tôn giáo của họ thôi.

Tuy rằng những người bị thế giới tối tăm sử dụng giở trò gì đi nữa để cản trở không cho Hội thánh tăng trưởng, thì “số người tin Chúa ngày càng thêm đông đảo, gồm cả nam lẫn nữ” (14).

Vì không có mối liên hệ gì với Đức Thánh Linh, nên họ vẫn không thấy việc Ngài đang thực hiện là nhằm ý định gì của Ngài. Họ cứ hành động theo cách tính toán của con người phàm tục là bắt giữ những người đang làm họ chột dạ: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các anh lấy danh đó để dạy dỗ, thế mà các anh đã làm cho Jerusalem tràn ngập giáo lý của mình, lại còn muốn cho máu Người ấy đổ lại trên chúng tôi nữa chứ!” (28).

Mặc dù xứ Judea thời đó đang ở dưới ách đô hộ của quân La mã, nhưng giáo quyền Do-thái-giáo vẫn được nhà cầm quyền La-mã ban cho một chút thẩm quyền để giải quyết các vấn đề thuộc lãnh vực tôn giáo của họ, bởi vì toàn xứ Do-thái chỉ có một đạo duy nhất là Do-thái-giáo; cho nên họ mới có nhà giam riêng và lực lượng lính canh (18, 23).

Giáo quyền ngày xưa có thể hà hiếp giáo đồ Do-thái-giáo; giáo quyền ngày nay, vì chẳng có chút quyền hạn nào trên xã hội, chỉ có thể dèm pha, xuyên tạc vớ vẩn để phá bĩnh công việc của những người bị họ ghét thôi.

Nhưng Đức Chúa Trời có cách làm bẽ mặt những kẻ chống phá các công việc của Ngài: “Nhưng ban đêm có một thiên sứ của Chúa mở cửa ngục đem các sứ đồ ra và dặn rằng: ‘Hãy đi, đứng nơi đền thờ và rao giảng cho dân chúng mọi lời của sự sống nầy” (19-20).

Người đọc Kinh thánh ngày nay hãy thử đặt mình vào vị trí của các sứ đồ lúc đó thì thấy thế nào? Mừng rỡ bàng hoàng hay ngạc nhiên sợ hãi? Có gì hưng phấn hơn khi chính mắt thấy thiên sứ, chính tai nghe lời thiên sứ nói, và chính mình được thiên sứ giải thoát khỏi nhà giam của bọn người không biết gì về công việc của Đức Chúa Trời! Họ được giao một sứ mạng quá hạnh phúc là rao giảng cho dân chúng mọi lời của sự sống!

Sự cứng lòng của giới giáo quyền tự cho mình có quyền giết những ai không đồng ý với thần học của họ [người Sa-đu-sê chủ trương không có sự sống lại, cũng không tin có thiên sứ hay thần linh gì hết  (Công vụ 23:8)].

Điều nghịch lý rất khôi hài là giới người chẳng tin có thiên sứ thần linh gì hết lại là giai cấp được làm thầy tế lễ thượng phẩm, lãnh đạo Do-thái-giáo, một tôn giáo kính thờ Đức Chúa Trời, Thần Tối Cao trên tất cả các thần; giờ đây ngồi xét xử những người phục vụ Đức Chúa Trời của Do-thái-giáo, vừa được thiên sứ đem ra khỏi nhà ngục của họ một cách bí ẩn, mà giới lãnh đạo tôn giáo nầy không dám hỏi lý do nào họ được ra khỏi ngục (21b-25).

Giống như giới lãnh đạo tôn giáo ngày nay hạch hỏi các giáo phẩm dưới quyền họ, tại sao dám thực hành ân tứ Đức Thánh Linh mà giáo hội họ không công nhận, thay vì hỏi họ được ban ơn đó như thế nào.

Cách các sứ đồ trả lời câu hạch hỏi vì sao không vâng lời nghiêm cấm của giáo quyền thật là tài tình và đúng.

Thứ nhất: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (29); kế đến là vì họ là nhân chứng việc Đức Chúa Jesus bị giáo quyền Do-thái giao cho quân La-mã giết đi, nhưng Ngài đã sống lại bởi quyền phép của Đức Chúa Trời để làm Vua và Cứu Chúa, ban sự ăn năn và sự tha tội cho dân Israel; thứ ba là họ được ban Đức Thánh Linh vì vâng lời Đức Chúa Trời, nên họ không thể nào không nói về lời sự sống ấy được (30-32).

Cả ba câu trả lời nầy là thật và thẳng vào câu hạch hỏi. Nếu giới giáo quyền Do-thái xác nhận họ thờ kính Đức Chúa Trời, thì lệnh của Đức Chúa Trời hoàn toàn có uy quyền đè bẹp lệnh của họ.

Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Jesus sống lại, vì ngoài Đức Chúa Trời không ai có thể làm cho người khác sống lại được, thì các chứng nhân đã thấy sự sống lại không thể im lặng chẳng nói về sự thật đã làm vinh danh Đức Chúa Trời. Họ phải nói dù biết họ chắc chắn sẽ bị bắt bớ.

Đứng trước hội đồng lãnh đạo Do-thái-giáo sau khi được thiên sứ giải thoát ra khỏi ngục một cách thần kỳ (23), thì họ lại càng dạn dĩ và trả lời đanh thép hơn nữa, không hề biết sợ là gì.

Bằng chứng nầy là gương cho con cái Chúa thời nay suy gẫm để áp dụng trong công cuộc truyền giáo. Bởi vì trong số tín hữu bây giờ ít có những người đủ can đảm như các sứ đồ và môn đồ của Chúa ngày xưa. Ở tại xứ nầy, chẳng ai trong chúng ta phải liều mạng khi phải rao giảng Tin Mừng, thế mà số người có tinh thần mạnh mẽ thì chẳng bao nhiêu; cho nên số tân tín hữu cứ ít ỏi.

Lời khuyên khôn ngoan của giáo sư Gamaliel nhắc giới giáo quyền Do-thái rằng hễ việc nào do Đức Chúa Trời sai khiến thì không quyền lực nào ở thế gian tiêu diệt được; trái lại ai làm điều ấy là liều mình chiến đấu chống lại Đức Chúa Trời.

Nghe vậy, giới giáo quyền cũng có phần nào kiêng nể chứ chẳng phải sợ như một số người tưởng, vì nếu sợ thì chẳng dám vớt vát sĩ diện bằng cách đánh đòn các sứ đồ, cấm không cho lấy danh Đức Chúa Jesus mà giảng dạy trước khi thả ra (40).

Nhưng có lẽ một số người thời nay chẳng có sự kính sợ Chúa trong lòng họ. Bởi vì họ vẫn tiếp tục nói xấu và vu khống những anh chị em nào tin và thực hiện những điều họ không tin là vẫn còn hữu hiệu qua danh Đức Chúa Jesus. Chúng ta nhắc lại để so sánh thái độ hai thời kỳ.

Phần các sứ đồ lại vui mừng sau khi bị đánh đòn, “vì họ được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Chúa” (41).

Chúng ta phản ứng và nghĩ thế nào về những người anh em trong xã hội chúng ta bị ma quỷ sử dụng người đời hãm hại vì danh Chúa? Chúng ta có dám đứng về phía số ít hay hùa theo dư luận của đám đông đang bị kẻ ác lừa gạt?

Nếu có vì danh Chúa mà bị hãm hại, hãy mừng rỡ và hãnh diện, vì phần thưởng ở trên trời là rất lớn (Ma-thi-ơ 5:11-12). Phần thưởng trong đời sau quan trọng hơn những gì chúng ta thấy trong hiện tại; bởi vì hết thảy vật chất đều sẽ bị cháy tiêu tan chẳng còn gì cả (2Phierơ 3:10-11). Mà đời sống thánh khiết và tin kính sẽ dẫn tới vinh quang.

Các sứ đồ đã bạo dạn sau khi thấy Đức Chúa Jesus sống lại, nhận lãnh Đức Thánh Linh rồi họ càng bạo dạn hơn; bây giờ, sau kinh nghiệm được thiên sứ can thiệp và giải cứu, họ càng dạn dĩ hơn nữa.

Giới giáo quyền cấm, nhưng hàng ngày họ vẫn tới đền thờ dạy dỗ và rao truyền Tin Mừng của Đức Chúa Jesus Christ.

Bản dịch tiếng Việt nói rằng ‘từ nhà nầy sang nhà khác khiến người đọc có phần lầm lẫn. Vì số người tin Chúa ngày càng đông, các sứ đồ không thể tới từng nhà để dạy dỗ Tin Mừng về ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus, mà từng nhóm nhỏ dạy lẫn nhau.

Chẳng những anh chị em phải biết rõ Tin Mừng, mà còn phải có khả năng trình bày lại cho người chưa biết. Đó là cách hữu hiệu nhất để đem người chưa tin đến với Chúa.

TinDoCuaChua20.docx

Rev. Dr. CTB