Dấu Hiệu Rõ Ràng

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 13

Ê-sai 6:1-8

Câu chuyện thật của đời Ê-sai, do chính ông kể lại, là một gương mẫu rất rõ về tâm linh biết thờ phượng Đức Chúa Trời.

Gần một năm trước đây, chúng ta có nghiên cứu khúc Kinh Thánh nầy trong bài học số 28 của loạt bài ‘Tín Đồ của Chúa,‘ tựa đề là “Hiểu Đúng Về Chúa,” ngày 4 tháng Tám, năm 2018. Hôm nay chúng ta nghiên cứu khúc Kinh Thánh nầy về phương diện thờ phượng của người có tấm lòng đã thật được Đức Thánh Linh biến đổi thành người mới.

Qua lời tự thuật của Ê-sai, ông đang ở tại Jerusalem, bỗng được thấy tận mắt, nghe tận tai cảnh tượng ở ngai của Đức Chúa Trời. Ông không nói rõ ông đang ở đâu, nhưng khung cảnh là trong đền thờ của Đức Chúa Trời (1, 4).

Tuy nhiên, có lẽ không phải trong đền thờ Jerusalem do vua Solomon xây dựng; bởi vì Ê-sai thuộc chi tộc Giu-đa, không phải là thầy tế lễ có quyền vào trong gian thánh.

Vậy thì, Ê-sai được đưa lên tận đền thờ trên trời, thấy Đức Chúa Trời ngự trên ngai cao ngất, thấy các thiên sứ đẳng cấp seraphim đứng chầu quanh Ngài, nghe các seraphim ấy lớn tiếng tung hô sự thánh khiết của Chúa: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài!” Ông cũng thấy các trụ cửa nơi ngưỡng cửa bị tiếng tung hô vang dội ấy làm cho rung chuyển; rồi ông thấy khói của vinh quang Chúa đầy dẫy trong đền thờ.

Ê-sai được thấy tất cả cảnh tượng vinh quang ấy vì ông có tâm linh của một người thờ phượng mà Chúa đang tìm kiếm. Tâm linh ấy nhận ra sự ô uế của môi miệng mình khi phải đối diện với đức thánh khiết của Đức Chúa Trời; mặc dù ngôn ngữ và lời nói của Ê-sai là ngôn ngữ và lời nói sang trọng của giai cấp quyền quý trong một xã hội biết kính thờ Đức Chúa Trời thánh.

Ông vội kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (5).

Động lực khiến cho Ê-sai thấy môi miệng mình mình là ô uế và cả một dân tộc, đáng lẽ được gọi là một dân tộc thánh, cũng có môi miệng ô uế, vì ông đã thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, dù chúng ta chưa được tận mắt thấy Đức Chúa Trời thánh đầy vinh quang, nhưng đã được nghe, được học rất nhiều về đức thánh khiết của Ngài, mà chẳng ai cảm biết môi miệng mình vẫn thường xuyên nói những ngôn từ dơ dáy không xứng hợp với ơn cứu rỗi thánh mà mình đã nhận được qua ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus, Chiên Con Thánh của Đức Chúa Trời; ấy là chưa nói tới hành động và thái độ ô uế của con người bên trong đầy tư tưởng ô uế.

Chúng ta vẫn còn đang được ở trong thời kỳ ân điển, tức là thời kỳ mà mọi tội lỗi sẽ được tha khi mình nhận biết các điều vi phạm và thành thật ăn năn về những tội lỗi ấy. Có nghĩa là bất cứ ai cũng có cơ hội được đối diện với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời khi chịu suy gẫm về đức hy sinh cao cả của Đấng Thánh đến từ trời, là Đức Chúa Jesus Christ.

Ân sủng ấy là vô cùng lớn, bởi vì không cần phải là người cao sang như Ê-sai, mọi tội nhân ti tiện nhất hoặc người quyền quý cao sang đến đâu đi nữa đều được ban cho cơ hội giống nhau là được nghe về đức hi sinh cao quý của Chiên Con Thánh của Đức Chúa Trời; ai nhận ra sự ô uế của mình và sẵn lòng ăn năn từ bỏ nó, thì đều được ban cho sự tha tội, một ơn vĩ đại mà không tôn giáo nào ở trần gian có thể cống hiến cho loài người được. Dù người ta đã sáng chế ra đủ thứ biện pháp tự sửa mình nhưng đều bị thất bại.

Giống như ông Ê-sai ngày xưa thốt lên lời than tuyệt vọng: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (5).

Những ai ngày nay nhận biết tình cảnh tuyệt vọng của bản chất ô uế trong mình là không thể tự tẩy rửa mà ngưỡng vọng Chúa như Ê-sai ngày xưa, thì “Một trong các Seraphim bay đến tôi, trong tay cầm than lửa đỏ đã dùng kẹp gắp từ bàn thờ. Vị ấy đưa than lửa đỏ chạm vào miệng tôi, và nói: ‘Đây, cái nầy đã chạm đến môi ngươi, lỗi ngươi đã được xoá rồi, tội ngươi được tha rồi.’” (6-7). Sự tha tội sẽ đến cho người có tâm trạng tuyệt vọng vì biết mình ô uế.

Người có tâm linh chân thành thờ phượng vẫn luôn luôn nhận được sự tha thứ vì biết rõ con người mang tấm lòng xác thịt quá ô uế khi so với sự thánh khiết của thiên đàng.

Ngày xưa, vị thiên thần Seraphim gắp than lửa đỏ từ bàn thờ bay đến chạm viên than đỏ ấy vào miệng của Ê-sai, nếu ông Ê-sai né tránh hay bỏ chạy vì sợ bị phỏng miệng, thì lỗi ông chẳng được xoá và tội ông chẳng được tha.

Ngày nay số người đến thờ phượng mà được xoá lỗi và tha tội thì ít lắm; bởi vì ai cũng sợ người chung quanh thấy con người thật bên trong của mình; cho nên, những người che giấu thủ thế không dám kêu lên thống thiết trước mặt Chúa, giống như người bỏ chạy vì sợ than lửa đỏ chạm đến làm phỏng miệng, sẽ chẳng nhận được sự thương xót như người chân thành thờ phượng, là những người biết tình trạng tuyệt vọng của mình mà cầu xin Chúa sự tha thứ.

Tại sao ông Ê-sai phải buông ra lời than tuyệt vọng? Đa số tín hữu thời nay không hiểu lý do vì hầu hết chưa được bước vào nơi có sự hiện diện cực thánh của Đức Chúa Trời.

Quan điểm hay ý thức về sự vinh quang của Đức Chúa Trời vẫn còn là một điều xa lạ đối với loài người thời bây giờ. Hãy tưởng tượng hình ảnh một người hoàn toàn quê mùa lam lũ bỗng được đưa vào nơi tráng lệ huy hoàng, uy nghiêm, đẹp đẽ, hoàn toàn sạch sẽ, trang trọng, và toàn hảo, thì người ấy sẽ thấy mình như thế nào?

Cũng vậy, khi chúng ta phải đối diện với Đấng cực thánh và toàn hảo, mà nhìn lại thực trạng ô uế con người thật của mình, lúc ấy mới thấy rõ con người bên trong mình tởm lợm đến mức nào.

Biến cố đó chính là giây phút chúng ta thực sự gặp Chúa và ước mong trái tim mình được biến đổi để không bị ánh sáng thánh khiết của chân lý thiên đàng tiêu diệt.

Ông Ê-sai nghe Chúa hỏi các vị thần đứng chầu quanh ngai của Ngài: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (8a) Tại sao Chúa cho ông Ê-sai được nghe tiếng Ngài hỏi? Tại sao Ngài cần sai những người biết thờ phượng ra đi rao giảng Tin Mừng cho người trần gian thay vì sai hàng triệu thiên sứ thì dễ dàng hơn nhiều?

Câu trả lời là Đức Chúa Trời không ép buộc một người nào trong nhân loại phải quy phục Ngài. Nếu các thiên sứ xuống thế gian rao giảng Tin Mừng, họ sẽ gặp vô số hạng người cứng cổ và hỗn láo với các sứ giả thiên đàng. Mà thiên sứ thì không khi nào tha tội cho những ai hỗn láo với họ. Họ sẽ trừng trị thích đáng.

Những người sợ chết thấy vậy sẽ vội vàng tiếp nhận Tin Mừng, mặc dù trong lòng họ chưa được thuyết phục. Giống như các sắc dân bản địa ở Trung và Nam Mỹ đều quy đạo công giáo La mã trước mũi súng của quân đội Tây Ban Nha.

Nhờ lửa thanh tẩy của Đức Chúa Trời biến đổi và khiến ông hoàn toàn trong trắng, Ê-sai nghe Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” thì sẵn lòng đứng ra nhận nhiệm vụ: “Có con đây, xin Chúa sai con!” (8b). Sẵn lòng nhận nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng là dấu hiệu không thể lầm lẫn của người có tâm linh chân thành thờ phượng Chúa.

Đó là người dù biết nhiệm vụ rất khó khăn, vì sẽ phải rao giảng cho những người “nghe để mà nghe, nhưng…sẽ chẳng hiểu gì. Xem để mà xem, nhưng…sẽ chẳng thấy chi.” Vì người trần gian là loại người “tối dạ, nặng tai, nhắm mắt” để khỏi nghe lời chân lý và khỏi thấy sự thật của tương lai họ là vô cùng đen tối.

Người chân thành thờ phượng bằng tâm linh và sự thật cứ nhận nhiệm vụ Chúa giao, vì người ấy yêu kính Chúa của mình, chỉ muốn làm hài lòng Ngài, và biết rõ khi Chúa sai thì Ngài có cách giải quyết.

Trong nỗ lực trở nên những người chân thành thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm linh và sự thật, chúng ta hãy can đảm đối diện Đức Chúa Trời chí thánh để được lửa thánh của Ngài biến đổi. Đừng né tránh vô ích, bởi vì người ta chỉ được biến đổi sau khi đã thực sự gặp Chúa.

Sự theo đạo của gia đình không phải là câu trả lời. Bởi vì dấu hiệu được biến đổi chỉ bộc lộ sau khi người ta thật được gặp Chúa trong nơi kín đáo của lòng mình.

Hãy hiểu biết Đức Chúa Trời cách chính xác để có quan điểm đúng đắn về Ngài và thật sự kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Ngài. Nhờ đó chúng ta mới có thể rao giảng một cách chính xác về Chúa qua dấu hiệu rõ ràng mình đã được biến đổi.

Vì “nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (1Côrinhtô 15:19).

TruyenGiaoVungVang13.docx

Rev. Dr. CTB