Chúa Đến Trong Ta

Tâm Linh Trưởng Thành, 08

Giăng 1:14

Ngôi Lời nhập thể là từ ngữ thần học nói về việc tư tưởng, sự khôn ngoan và lời nói của Đức Chúa Trời đã giáng trần trong một thân thể nhân loại thật mong manh và yếu ớt. Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã vào thế gian làm người trong thân thể một hài nhi yếu ớt và bất lực như thế.

Mặc dù loài người vẫn tự hào là sinh vật khôn ngoan nhất, dùng trí thông minh của mình chế phục được mọi loài thú dữ, kể cả thú có sức mạnh vượt xa gấp ngàn lần sức người. Nhưng khi so với tất cả các loài khác, thì con người là yếu đuối nhất và dễ bị thiên nhiên giết chết; vì mọi loài thú vật đều có thể mưu sinh mà không cần dụng cụ hay vũ khí; chúng chống trả sự tấn công của các loài thú khác có sức mạnh tương đương; chúng chẳng cần phải làm nhà, mùng mền y phục che thân, hay lửa để nấu ăn. Ngôi Lời đã đến trong thân phận người mong manh so với nhiều loài tạo vật.

Có một số người ít hiểu Kinh Thánh, học thức lại kém cỏi đến nỗi không biết ý nghĩa của những chữ rất bình thường; nhưng lại lớn tiếng phê phán những điều họ không hiểu. Ví dụ: Người ít học không phân biệt nghĩa rõ ràng giữa hai chữ “ngôi” với “ngai.”

Từ điển nói “ngôi” là thân vị, còn “ngai” là cái ghế ngồi; cho nên, mấy người vừa dốt chữ, vừa dốt Kinh Thánh, vừa chẳng biết chi về thần học, lại bị các tà phái lừa bịp, nên lý luận rằng Đức Chúa Trời không thể nào có Ba Ngôi, vì sách Khải Huyền mô tả trên thiên đàng chỉ có một cái ngai!

Họ cũng cho rằng, Đức Chúa Jesus chỉ là một vị thần do Đức Chúa Trời tạo nên, không phải là Đức Chúa Trời, nên không thể bình đẳng với Đức Chúa Trời được.

Tà phái bẻ cong câu: “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” thành “Ngôi Lời là một thần” (Giăng 1-1); nhưng không thể bẻ câu: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ” (Philip 2:6).

Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa loài người để thiết lập một khuôn mẫu vĩnh cửu của thiên đàng đối với người trần gian: Đức Chúa Trời làm gương trước cho con cái Ngài làm theo.

Chúng ta cần phải xác định rõ ràng rằng dù người ta có ý muốn tốt lành bỏ thế tục đi tu để tìm kiếm Đấng thiện hảo, nhưng không ai tìm ra được; bởi vì mọi người đều “đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình” (Êphêsô 2:1); nỗ lực của tâm linh chết không thể gặp Đấng sống cực thánh được.

Đức Chúa Trời làm gương để loài người thấy rồi đáp ứng. Để làm điều đó, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu đối với loài người. Ngài cứu chúng ta, ban sự sống để chúng ta yêu Ngài (1Giăng 4:19).

Trong mùa kỷ niệm biến cố giáng sinh của Đức Chúa Jesus, Hội Thánh vui mừng kỷ niệm hành động nhập thể vào nhân loại của Ngôi Lời. Ngài tự xưng là Con Người và là Chúa Cứu Thế. Sự kỳ diệu của việc Chúa giáng trần: Ngài là 100% Thiên Chúa và 100% Con Người.

Sự mầu nhiệm kỳ diệu diễn ra trong lòng người tin Ngài là được tái sinh, rồi thánh hóa. Được tái sinh thì khá dễ hiểu vì đó là công việc của Đức Thánh Linh. Nhưng làm thế nào người đã được tái sinh đạt tới sự thánh hóa? Sứ đồ Phao-lô cho biết bí quyết:

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi” (Galati 2:20).

Bí quyết để đạt tới sự thánh hóa là mình không còn sống vì mình nữa, mà để cho Đấng Christ phát huy sự sống thánh khiết của Ngài trong người tin. Đức tin vào đời sống toàn hảo của Ngài, tức là bắt chước cách sống của Ngài, là mấu chốt của tiến trình thánh hóa.

Khi chúng ta nghiên cứu các chuyện tích về Đức Chúa Jesus trong bốn sách Phúc Âm của Kinh Thánh Tân Ước, ta sẽ thấy Ngài khác hẳn con người vị kỷ trong ta.

Mục tiêu của chúng ta là càng ngày càng giống như Ngài trong cách sống mỗi ngày. Có năm đặc điểm chính trong đời sống của Đấng Christ trên đất.

1. Ngài hiền lành và khiêm nhường: Chỉ cần hiểu mấy câu sau: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Philip 2:6-8), thì sẽ thấy sự khiêm nhường của Đấng Chúa Tể vũ trụ đáng cho chúng ta bắt chước. “Khi bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; lúc chịu đau khổ, Ngài không hề hăm dọa, nhưng phó thác chính mình cho Đấng phán xét công minh” (1Phierơ 2:23).

2. Đức Chúa Jesus đến để phục vụ: “Con Người đã đến không phải để được người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ người ta và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mathiơ 20:28).

Ngoài công tác chữa bệnh, đuổi quỷ, Đức Chúa Jesus còn làm gương về sự phục vụ cho các môn đồ. Ngài “… đứng dậy khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn quấn ngang lưng, rồi Ngài đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đồ. Ngài cũng lấy khăn đã quấn ngang lưng mà lau chân cho họ. …… 14-15 nếu Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con” (Giăng 13:4-5, 14-15). Hãy vâng lời Chúa dạy mà phục vụ lẫn nhau.

3. Đức Chúa Jesus đến thế gian để vinh danh Đức Chúa Trời. Ngài thưa với Cha: “Cha ơi! Giờ đã đến, xin tôn vinh Con để Con cũng tôn vinh Cha … 4 Con đã tôn vinh Cha trên đất và hoàn tất công việc Cha giao cho Con làm” (Giăng 17:1b, 4).

Sứ đồ Phao-lô căn dặn “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô 10:31). Thân thể của Đức Chúa Jesus là Hội Thánh. Khi nào chúng ta làm cho Hội Thánh đẹp mặt là vinh danh Đức Chúa Trời. Phục vụ cái tôi của mình thì không làm cho Chúa được sáng danh.

4. Đức Chúa Jesus đã sống một đời cầu nguyện; Ngài thường xuyên tương giao với Cha Ngài; bằng cớ là Ngài dậy rất sớm vào buổi sáng để trò chuyện tương giao với Cha. “Sáng hôm sau, khi trời vẫn còn tối, Ngài đã thức dậy, bước ra, đi vào nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó” (Mác 1:35).

Khi hai sứ đồ Phao-lô và Sila bị nhốt một cách oan ức trong ngục tối, thì “khoảng nửa đêm, Phao-lô và Sila đang cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời. Các tù nhân đều lắng nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi các nền ngục rúng động. Lập tức, tất cả các cửa mở tung, xiềng của các tù nhân đều rớt ra cả” (Công vụ 16:25-26). Nếp sống cầu nguyện của chúng ta ra sao?

5. Đức Chúa Jesus hi sinh. “Chính Ngài là sinh tế chuộc tội chúng ta, không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội của cả thế gian nữa” (1Giăng 2:2).

Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta “Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rôma 12:1). Con cái Chúa ở đây đáp ứng như thế nào? Hãy đáp ứng sao cho được thưởng thay vì bị phạt.

Anh chị em hãy tiếp đón Đức Chúa Jesus vào lòng mình để được thánh hóa, bảo đảm sẽ được Ngài đem về Nước vinh quang của Đức Chúa Trời.

Hãy dùng đời sống mình vinh danh Chúa, đem nhiều người quen biết chưa tin đến với Ngài qua gương mà Chúa đã làm cho ta thấy.

TamLinhTruongThanh08.docx

Rev. Dr. CTB