Cầu Nguyện Tạ Ơn

1 Samuel, bài 03

1Samuel 2:1–11

Sau khi làm trọn lời hứa nguyện của mình là dâng Samuel, đứa con trai yêu quý nhất, do cầu khẩn Chúa mà được, bà Hannah cất tiếng hoan hỉ ca ngợi Đức Chúa Trời. (1) Chữ cầu nguyện ở đây có nghĩa là ca tụng và ngợi khen Chúa, vì sau khi dâng con mình rồi, bà Hannah không cầu xin điều gì thêm. Lòng bà Hannah hoan hỉ vì cuối cùng bà đã nhận được phước lành mà mọi đàn bà Israel đều mong mỏi, đó là sinh được con cái.

Cầu nguyện không có nghĩa là phải cầu xin theo cách hiểu bình thường của loài người. Thưa chuyện với Chúa cũng được xem là sự cầu nguyện. Khi xem hết bài “cầu nguyện” của bà Hannah, người ta thấy bà chỉ ca ngợi quyền cai trị tối thượng và ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời. Không một sự kiêu hãnh nào về lợi thế của người nào trên đất sẽ được bền vững. Nhấc ai lên cao hay hạ ai xuống thấp đều do sự xem xét công minh của Chúa trên trời, chẳng phải do bôn ba mà được.

Nguyên văn câu “sức lực phấn chấn” là ‘sừng ngước cao lên.‘ Điều đó không có nghĩa là kiêu hãnh mà là mạnh mẽ. Bà Hannah mở rộng miệng của mình để hết lòng ngợi ca Chúa về sự nhậm lời của Ngài; trước kia Peninnah trêu chọc, hạ nhục bà, trở thành kẻ thù của bà; nhưng Chúa làm cho lòng bà Hannah vui mừng về đứa con trai Samuel do Ngài ban, khiến Peninnah phải xấu hổ.

(2) Không ai toàn hảo, chẳng hề thay đổi, và mãi mãi thánh khiết như Đức Chúa Trời. Chẳng những Ngài là cực thánh mà thôi, còn là không một ai khác đem so được với Ngài. Hơn nữa, ngoài Chúa ra, không một ai khác đáng gọi là Thần như Đức Chúa Trời; cho nên, ngoài Ngài không có Chúa nào khác. Ngài là vầng đá vững chắc che chở những ai nương náu nơi Ngài.

(3) Peninnah, kẻ ganh tức Hannah, đâu còn cớ gì để trêu ghẹo? Vì vậy, hãy ngậm miệng, đừng nói những lời kiêu căng, ngạo mạn như trước nữa. Người ta tưởng rằng tương lai sẽ diễn ra như điều họ thấy đang có. Họ không biết rằng Đức Chúa Trời là Chúa biết hết mọi điều, mọi hành động hay lời nói của người đều bị Ngài cân nhắc. Tương lai thuộc về quyền quyết định của Ngài.

(4) Cây cung, tượng trưng sức mạnh của dũng sĩ, bị bẻ gãy. Học giả Von Gerlach giải nghĩa câu nầy là: “Mọi sức mạnh tự cho rằng mình có giá trị thì bị Chúa hủy diệt; mọi sự yếu đuối thấy tuyệt vọng về chính mình thì được biến đổi thành sức mạnh.” Nghĩa là cậy thế mà kiêu căng thì sẽ thất bại; yếu mà khiêm nhường thì sẽ thành công.

(5) Vào một lúc nào đó, người đang no đủ cũng sẽ cần phải làm việc để cung cấp cho nhu cầu ăn uống của mình. Chẳng ai có đủ vật thực trọn đời sống. Sẽ tới lúc người đang no đủ phải trở nên người làm công cho người khác để kiếm miếng ăn. Chẳng có gì vững bền lâu dài. Bà Hannah tin rằng sự kiêu căng của Peninnah đối với Hannah sẽ thất bại, vì bà dù hiếm muộn sẽ có thêm nhiều con cái; trong khi đó Peninnah sẽ bị héo hon tiều tụy vì không còn cớ gì để kiêu căng nữa.

(6) Quyền ban cho sự sống hay cất bỏ sự sống nằm trong tay Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Đấng cầm quyền trên muôn loài, cả cõi sống lẫn cõi chết; cho nên, dù cho người đã xuống âm phủ, Đức Chúa Trời vẫn có quyền khiến người đó lên khỏi âm phủ mà trở về cõi người sống.

(7) Cuộc đời của chúng ta dù được sống hay chết, nghèo hay giàu, sang hay hèn, hãy nên an phận khi biết đó là ý muốn tốt lành của Chúa dành cho mình. Vì tới đúng kỳ thì Chúa nhấc người nầy lên, hạ người kia xuống theo ý Ngài. Những người không hiểu nguyên tắc nầy, cứ tưởng rằng của cải mình có sẽ bền vững, thì sẽ rất đau khổ khi bị mất hết không còn gì.

(8) Cũng vậy, người khốn cùng chẳng phải sẽ ở trong địa vị đó mãi mãi, vì Chúa “đem kẻ khốn cùng ra khỏi bụi đất, và nhấc người nghèo khổ lên từ đống tro tàn.” Qua kinh nghiệm của chính mình, bà Hannah giống như người khốn cùng ra khỏi bụi đất và đống tro tàn. Đức Chúa Trời đã đưa bà lên. Tuy bà chưa biết tương lai mình sẽ như thế nào, nhưng khi Samuel được hầu việc Đức Chúa Trời trong Đền Thờ tạm, thì vai trò của Samuel là sẽ trở nên người quyền quý. Người ở trên đất không thể hơn được Đấng đã tạo nên trái đất và mọi vật ở trên đó. Mọi việc đều do ý Ngài.

(9) Những người trung tín với Chúa sẽ được Ngài gìn giữ các bước chân của họ. Chẳng những sẽ được Ngài gìn giữ từng bước chân được an toàn, mà Ngài còn dẫn dắt các lối bước của người để không bị sai lạc. Ngài gìn giữ bằng lời khuyên lơn, chỉ dẫn để người của Ngài không bị rơi vào sự thất bại, cũng không phạm phải những lỗi lầm chết chóc như kẻ ác vẫn vướng phải.

Kẻ ác là những người dùng miệng mình nói hành thiên thượng và các thánh đồ. Những người ấy sẽ bị bối rối vì những thất bại và thua thiệt không tính trước nổi đã làm tiêu tan các hi vọng của họ. Khi Chúa xuất hiện trong vinh quang cho các thánh đồ của Ngài, thì những người ấy bị quăng vào chỗ tối tăm, nơi không ai nói gì được nữa vì mỗi cái miệng đều bị câm vĩnh viễn.

Sức người hay sự khôn khéo của họ không thể chống nổi Đức Chúa Trời hoặc các thánh của Ngài. Kẻ ác tưởng rằng sự giàu sang và vốn liếng của họ với số đông họ có thể thắng người cô thế, không có quyền lực gì. Peninnah dù đông con nhưng không thể thắng được Hannah, vì bà Hannah có Đức Chúa Trời ở với bà, bởi “con người không do sức mạnh mà được thắng thế.

(10) Bởi sự cảm thúc của Thần Đức Chúa Trời, bà Hannah nói tiên tri về việc Israel được giải thoát khỏi tay của người Philistines và các kẻ thù khác của họ. Lời tiên báo nầy được ứng nghiệm khi Samuel lãnh đạo Israel chống lại quân Philistines tràn tới hãm đánh họ (1Samuel 7:10) “Trong lúc Samuel dâng tế lễ thiêu, người Philistines kéo đến gần để giao chiến với Israel. Nhưng trong ngày đó Đức Giê-hô-va khiến sấm sét nổ vang trên người Philistines, làm cho chúng hỗn loạn, và chúng bị đánh bại trước mặt người Israel.

Phần thứ nhì của câu nầy nói trước về tương lai của Israel sẽ có một vua. Câu “Ngài sẽ xét xử toàn dân trên đất” đúng ra phải dịch là “Ngài sẽ xét xử các đầu cùng đất.” Kinh Thánh thường dùng câu “các đầu cùng đất,” vì phía Tây của Israel là Địa Trung Hải, ranh giới tận cùng của dân Philistines. Lời tiên tri nầy nói trước Đức Chúa Trời sẽ dùng vua David đánh bại Philistines.

Đây là chỗ đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước nói tới Đấng Messiah, tức là Đấng được “xức dầu,” trong câu “Và ban sức mạnh dồi dào cho người được Ngài xức dầu.” Mặc dù hai vị vua đầu tiên của Israel là Saul và David đều được Samuel xức dầu cho làm vua, nhưng chữ Messiah dùng cho Đấng Christ sau nầy sẽ đến làm Chúa Cứu Thế.

(11) Elkanah đã cùng đi với vợ và đứa con nhỏ lên Shiloh để thờ phượng và hoàn trả lời hứa nguyện của Hannah với Đức Chúa Trời. Cậu bé Samuel ở lại Đền Tạm để phụng sự Đức Chúa Trời dưới sự hướng dẫn của thầy tế lễ Eli. Vợ chồng Elkanah và Hannah trở về Ramah và hàng năm đều lên Đền Thờ để thăm con.

1Samuel03.docx

Rev. Dr. CTB