Khởi Đầu Mới, 26
1Samuel 30:1–8
“Ba ngày sau, khi David và các thuộc hạ đến Ziklag, người Amalek đã đánh phá miền Negev và thành Ziklag, xông vào phóng hỏa Ziklag. 2 Chúng bắt các phụ nữ và mọi người trong thành, từ nhỏ đến lớn. Chúng không giết một ai, nhưng bắt làm tù binh và dẫn đi. 3 Khi David và các thuộc hạ đến thành thì thấy thành đã bị đốt cháy, vợ và các con trai, con gái của họ đều đã bị bắt làm tù binh. 4 Bấy giờ, David và các thuộc hạ ông đều òa lên khóc; họ khóc đến nỗi không còn sức để khóc nữa. Hai người vợ David cũng bị bắt làm tù binh, tức Ahinoam ở Jezreel, và Abigail, trước làm vợ của Nabal tại Carmel. 6 David lâm vào tình cảnh rất nguy khốn vì người ta định ném đá ông, bởi tâm hồn mọi người đều cay đắng khi nghĩ đến các con trai và con gái mình. Nhưng David lấy lại được nghị lực nhờ Jehovah Đức Chúa Trời mình. Ông nói với thầy tế lễ Abiathar, con của Ahimelek: ‘Xin thầy hãy đem ephod đến cho tôi.‘ Abiathar đem ephod đến cho David. David cầu hỏi Đức Jehovah: ‘Con phải đuổi theo đám quân nầy không? Con sẽ bắt kịp họ không?‘ Đức Jehovah phán: ‘Hãy đuổi theo chúng, chắc chắn con sẽ theo kịp, và giải cứu tất cả những người bị bắt.‘”
Thủ đoạn hàng đầu của Satan là khiến các thánh đồ đặt sai những thứ tự ưu tiên giữa trách nhiệm về thánh vụ, mối liên hệ với gia đình, và mối tương giao với Chúa. Hầu hết con cái Chúa bị dính bẫy nầy mà không biết, vì chúng ta thường đặt sai thứ tự ưu tiên giữa các mối liên hệ nói trên; cho nên, chúng ta mang các gánh quá nặng không thể giải quyết nổi. Những người phục vụ Chúa thường xuyên lo lắng về trách nhiệm trong thánh vụ; tín hữu thì bị khổ sở trong các mối liên hệ gia đình. Vì lý do đó, mối tương giao với Chúa trở thành thứ yếu trong đời sống đức tin. Làm sao giải quyết vấn đề nầy cách thỏa đáng? Chỉ cần nghiên cứu và suy gẫm các gương sáng trong Kinh Thánh thì chúng ta sẽ tìm được câu giải đáp.
Chuyện tích về hoạn nạn của David ở Ziklag, khi ông trốn tránh sự truy nã của Saul, vua Israel, đang tìm giết ông, là bài học tuyệt vời về nguyên tắc cổi bỏ gánh nặng bằng cách đặt mối tương giao với Chúa lên hàng đầu. Ziklag là một thành nhỏ trong xứ Gath của dân Philistine mà Achish, vua Gath, đã tặng cho David làm nơi tá túc cùng toàn thể thuộc hạ khoảng 600 người và gia quyến của họ. Khi quân Philistine đang dàn trận để đánh quân đội của Saul, thì David kéo toàn quân của mình đến giúp Achish (1Samuel 29:2) “Các lãnh chúa người Philistine và hàng trăm hàng nghìn binh lính kéo ra trước, David và các thuộc hạ ông đi sau với Achish.” Không ai biết ý định của David thật lòng muốn giúp Achish, hay chỉ tìm cách ngăn bớt sự thiệt hại cho Israel. Các quan trưởng Philistine rất nghi kỵ nên không cho phép David tham gia trận đánh (1Samuel 29:4) “Nhưng các người chỉ huy Philistine nổi giận, nói với Achish: ‘Hãy đuổi hắn trở về chỗ ngài đã chỉ định cho hắn, đừng cho hắn đi đánh giặc với chúng ta, kẻo trong lúc chiến đấu, hắn trở thành kẻ thù của chúng ta. Vì làm thế nào hắn làm hòa được với chủ mình, nếu không nhờ đến những cái đầu của binh lính chúng ta?‘” David buộc phải trở về Ziklag.
Về tới nơi thì thấy toàn thành đã bị quân Amaléc cướp phá, thiêu rụi, và bắt đi hết thảy những người thân yêu nhất của họ. Trước cảnh ấy, David và thuộc hạ ông đã khóc đến nỗi không còn sức khóc nữa (1Samuel 30:4); chẳng những thế, gánh nặng mà David đột ngột phải mang trở nên nặng hơn gấp bội và cực kỳ nguy hiểm, vì các thủ hạ ông toan ném đá để giết ông (1Samuel 30:6). Họ cho rằng vì David quyết định đi giúp Achish, bỏ trống hậu phương, nên tai hoạ đã xảy ra. Phản ứng của David trước hoàn cảnh ấy không giống lề thói thường tình của con người. Cách giải quyết của ông cho thấy ông đặt mối tương giao với Đức Chúa Trời là ưu tiên cao nhất, ông bày tỏ lòng trung thành và tin cậy tuyệt đối Chúa của ông.
Trong hoàn cảnh như thế, có lẽ không người bình thường nào còn đủ bình tĩnh để cầu nguyện. David không than thở, cũng chẳng nổi nóng với quân sĩ, ông kích hoạt mối tương giao thân mật giữa ông với Đức Chúa Trời là nguồn sức mạnh và là chỗ nương tựa vững chắc nhất trên trần gian, “Nhưng David lấy lại được nghị lực nhờ Jehovah Đức Chúa Trời mình” (1Samuel 30:6b). nghĩa là David tìm đến sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời Ngài sẽ chỉ dẫn ông điều phải làm. Thầy tế lễ Abiathar đem tấm ephod của chức tế lễ đến theo lời yêu cầu của David. Ephod là cái yếm đặc biệt của thầy tế lễ dùng trong đền thờ Đức Chúa Trời. Nó được cẩn hai viên ngọc mã não, và nó là biểu tượng về sự hướng dẫn thiên thượng mỗi khi dân Chúa cần cầu hỏi sự chỉ dẫn cụ thể (Xuất Ai-cập 28:6–10) “Họ sẽ may ephod một cách mỹ thuật với sợi gai mịn, dây kim tuyến, chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm. Có hai cầu vai gắn vào hai bên ephod; như vậy ephod dính liền nhau. Đai thắt trên ephod cũng được may cùng một cách và chất liệu như ephod, tức là sợi gai mịn, sợi kim tuyến, chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm. Con cũng lấy hai viên ngọc mã não và khắc lên đó tên các con trai Israel: sáu tên trên viên ngọc nầy, sáu tên trên viên ngọc kia, theo thứ tự ngày sinh của họ.”
David đã chọn cách khôn ngoan nhất để tìm giải pháp cho tình cảnh tuyệt vọng “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ hằng được ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng” (Thi Thiên 91:1). Phải là một người thường xuyên tương giao với Chúa mới biết dùng Ephod để cầu hỏi Ngài. David không hành động theo ý riêng, ông cầu xin sự chỉ dẫn của Chúa là Đấng thấy và biết hết mọi việc (1Samuel 30:7) “Ông nói với thầy tế lễ Abiathar, con của Ahimelek: ‘Xin thầy hãy đem ephod đến cho tôi.‘ Abiathar đem ephod đến cho David.” Có lẽ các thuộc hạ của David nghĩ rằng việc cầm ephod đi ra chỗ riêng để cầu nguyện giữa cảnh hoang tàn đầy đau khổ là hành động có vẻ điên rồ. Một vị anh hùng đã tạo nhiều chiến công hiển hách lại phải trốn tránh lưu lạc rày đây mai đó; vợ con ông là niềm an ủi lớn nhất nay lại bị giặc bắt đi. Nhưng David đã đặt mọi chuyện qua một bên; ông ra một chỗ kín đáo, riêng tư, để gặp Chúa là nơi nương tựa vững chắc nhất của ông.
David đã không để cho sự đau khổ, tức giận, hay tuyệt vọng đè nặng lên mình, ông đã cổi bỏ gánh nặng ngàn cân ấy bằng cách quỳ xuống cầu nguyện cho đến khi nhận được sự trả lời và chỉ dẫn từ Đức Chúa Trời (1Samuel 30:8) “David cầu hỏi Đức Jehovah: ‘Con phải đuổi theo đám quân nầy không? Con sẽ bắt kịp họ không?‘ Đức Jehovah phán: ‘Hãy đuổi theo chúng, chắc chắn con sẽ theo kịp, và giải cứu tất cả những người bị bắt.‘” Chuyện tích ấy kể tiếp cho biết David đã đuổi kịp quân cướp, đánh chúng đại bại, và giải thoát tất cả những người bị bắt, thu đoạt tài vật đã bị mất, chiếm thêm tất cả chiến lợi phẩm mà quân Amalek đã cướp trong hai xứ Philistine và Judah (1Samuel 30:16–20) “Khi người Ai Cập nầy dẫn David xuống thì ông thấy người Amalek tràn ra khắp xứ, ăn uống và nhảy múa, vì rất nhiều chiến lợi phẩm mà chúng vừa chiếm được từ đất Philistine và đất Judah. David đánh giết chúng từ lúc mờ sáng ngày đó cho đến chiều ngày sau. Ngoài bốn trăm thanh niên cưỡi lạc đà chạy trốn, thì không một ai thoát khỏi. David thu hồi tất cả những gì người Amalek đã cướp được, và cũng giải cứu hai vợ mình nữa. Ông đem về tất cả, không thiếu một ai, hoặc nhỏ hay lớn, hoặc gái hay trai, hoặc một chiến lợi phẩm nào mà dân Amalek đã cướp đi. Ông cũng bắt tất cả bò và chiên. Quân lính của David dẫn các đàn súc vật nầy về, và nói: ‘Đây là chiến lợi phẩm của David.‘”
Khi cần phải vận dụng đức tin trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chúng ta thường quýnh quáng cầu xin sự cứu giúp của Chúa. Nhưng các lời cầu xin ấy thường không hiệu quả. Vậy, lý do nào khiến sự khẩn nài của chúng ta hiếm khi được đáp lời? Lý do thông thường nhất là vì chúng ta không có kinh nghiệm về sự tương giao với Chúa và không nghe được lời chỉ dẫn từ Ngài. Phần lớn tín hữu dành rất ít thì giờ để củng cố mối liên hệ tương giao với Đức Thánh Linh nên không thể nghe tiếng Ngài. Nếu ai thường ngã lòng, thối chí trước nghịch cảnh, hãy biết bắt chước các anh hùng đức tin để tìm được sức mạnh và năng lực cổi bỏ những gánh nặng mà mình không cần phải mang; vì bình thường chúng ta không thể tự mình có hoặc tạo được năng lực và sức mạnh kỳ diệu nào hết.
Bí quyết giúp cho David vượt qua hoàn cảnh cực kỳ đau khổ và tuyệt vọng là đức tin và khả năng nghe tiếng Chúa. Có nhiều khi Chúa cho phép hoàn cảnh khó khăn xảy ra để thử thách đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta để cho tinh thần vô tín và bạc nhược cai trị mình, thì đừng hy vọng gì sẽ được vào Vương quốc Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phierơ đã kinh nghiệm việc đó, nên ông khuyên con dân Chúa rằng: “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Chúa, vì Ngài hay săn sóc anh em” (1Phierơ 5:7). Tự giải quyết những gánh nặng khó mang thì không phải là quyết định khôn ngoan. Hãy tin cậy, phó thác cuộc đời mình cho Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong ta, thì Ngài sẽ hành động để dẫn dắt và hoàn thành ý muốn của Ngài cho cuộc đời chúng ta.
Nhưng trước hết hãy tập nghe tiếng Chúa bằng cách đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Đọc với tâm linh mở rộng sẵn sàng vâng theo lời khuyên dạy có ích lợi cho chính mình. Hãy học theo gương David trong chuyện tích Kinh Thánh nầy, để mỗi khi gặp những trở lực quá lớn, mà hình như không thấy Chúa đâu cả! Hãy chăm chú đặt hết lòng tin mình vào Ngài, thì sự giải thoát kỳ diệu tuyệt vời nhất sẽ đến, mà không trí khôn nào có thể giải thích nổi. Nếu mối tương giao với Chúa là mức ưu tiên cao nhất trong đời sống chúng ta, Ngài sẽ ra tay cứu giúp con cái Ngài.
KhoiDauMoi26.docx
MS. CTB