Bài 6: Nan Đề Thực Sự

Nan Đề Thực Sự

Rôma 7:1–25

Toàn thể đoạn 6 và sáu câu đầu của đoạn 7 nói về sự cần thiết phải được thánh hoá của đời sống Cơ-đốc-nhân. Cho nên cần phải tóm tắt những lý luận của đoạn 6 để hiểu chúng liên quan với nhau ra sao. Đã chứng minh rằng người ta được xưng công nghĩa nhờ đức tin chứ không phải bởi việc làm công đức, Phaolô tiếp tục trình bày về biểu hiện cần thiết thực tế nhất của sự xưng nghĩa để thoả mãn đức thánh khiết của Đức Chúa Trời khi Ngài ban món quà cứu độ cho loài người, thì Ngài không chỉ ban sự xưng nghĩa cho người mà còn ban sự thánh hoá nữa.

Câu hỏi 6:1 được nêu ra vì có những nguy cơ sau đây: a) có thể có những người lợi dụng ân điển của Chúa để biện minh cho nếp sống tội lỗi; b) những kẻ thù của Tin Mừng (người Giuđa) cáo buộc Phaolô dạy người ta cứ sống trong tội lỗi để ân điển được dư dật. Phaolô nói tiếp rằng sự xưng công nghĩa chỉ giải quyết hình phạt của tội lỗi chứ không giúp Cơ-đốc-nhân thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, nghĩa là sự tin Chúa không giúp chúng ta hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi. Sự xưng nghĩa không phải là sự loại trừ tội lỗi. Con cái Chúa có thể bị dụ dỗ giải thích Kinh Thánh làm sao để biện minh cho tội lỗi của họ. Có người khôn lỏi đến nỗi bẻ cong lời Kinh Thánh làm cho sự phạm tội của họ giống như là sự vâng lời các mệnh lệnh của Chúa. Phaolô phải làm cho rõ lẽ vì ông đã thật sự bị vu cáo, và cũng đã có người lạm dụng ân điển của Đức Chúa Trời sống cách sống làm Danh Ngài bị nói phạm.

Trong 6:1–14, Phaolô dạy rằng việc tiếp tục sống trong tội lỗi là trái ngược với những gì mà sự xưng công nghĩa muốn hoàn thành. Sự cứu chuộc được hoàn tất khi Đức Thánh Linh báptêm người tin vào thân vị và công tác của Đấng Christ (6:3). Nhờ sự báptêm nầy chúng ta được hiệp một với Đấng Christ trong sự chết, chôn, và sống lại của Ngài. Sự báptêm bằng nước là sự quyết tâm công nhận bên ngoài những gì phải diễn ra bên trong. Sự hiệp nhất với Đấng Christ làm cho chúng ta không thể tiếp tục sống trong tội lỗi, chúng ta phải coi mình như đã chết đối với tội lỗi, để tội lỗi không còn quyền cai trị trên chúng ta.  6:15–23 dùng hình ảnh nô lệ để chống lại những lý luận nhân danh tự do bênh vực cách sống tội lỗi. Phaolô nói rằng bất cứ ai cũng bị làm nô lệ cho một thứ gì đó. Người chưa tin Chúa không có sự lựa chọn nào khác hơn là làm nô lệ cho tội lỗi, dù họ nghĩ rằng họ được tự do. Người ta có thể lựa chọn làm nô lệ cách có ý thức hoặc vô ý thức. Làm nô lệ cho tội lỗi giống như người thử hút ma tuý và tin rằng họ có thể kềm chế được sự nghiện ngập, cho tới chừng bị ma tuý điều khiển hoàn toàn. Vậy thì chúng ta phải ý thức sự lựa chọn của mình, nô lệ cho tội lỗi để dẫn đến sự hư vong, hay nô lệ Đức Chúa Trời để được sự sống vĩnh cửu.

Đến 7:1–6 thì Phaolô dùng mối liên quan giữa hôn nhân với luật pháp để minh giải cho luận chứng của ông ở đoạn 6. Hôn nhân là một sự kết hợp bị chi phối bởi luật pháp. Theo đó thì một người đàn bà đang có chồng không được tự do lấy chồng khác. Nhưng nếu chồng chết thì người vợ được tự do. Cách phân tích nầy không hoàn toàn ăn khớp với việc Cơ-đốc-nhân chết đối với luật pháp, nó chỉ nói lên thực tế là khi chúng ta hiệp một với Đấng Christ để chết đối với tội lỗi và sự đòi hỏi không thể thực hiện nổi của luật pháp, là phía kết án chúng ta phải chết, thì chúng ta, người đã chết, được thoát khỏi sự trói buộc của luật pháp. Vậy, cùng với Đấng Christ chúng ta sống lại trong con người mới, thì luật pháp không còn thẩm quyền gì trên chúng ta. Chúng ta có quyền chọn hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, không theo cách cũ của văn bản luật pháp. Nếu trở lại làm nô lệ cho luật pháp thì ngu dại biết bao!

Thế thì, có phải luật pháp là nguyên nhân hay thủ phạm của nan đề chăng? Nếu nói như thế khác nào cho rằng quang tuyến X là nguồn gốc gây ra bệnh tật. Như X-ray phơi bày mầm bệnh hoặc bệnh đang phát triển bên trong thân thể mà mắt ta không thể thấy để ta chữa chạy kịp thời, thì luật pháp là dụng cụ phơi bày tội lỗi tiềm ẩn trong con người để chúng ta nhờ huyết của Đức Chúa Giêxu Christ đối phó với chúng. Người ta không biết tánh tham lam là xấu, cho đến khi có một luật lên án tánh tham ấy (7:7). Khi người ta biết ý thức điều luật pháp lên án, tội lỗi lợi dụng luật pháp khiến vô số ham muốn xấu xa sống dậy trong lòng người, “nếu không có luật pháp tội lỗi đã chết” (8). Không có nghĩa là nó không hiện hữu, nhưng nó chỉ nằm thụ động cho đến khi bị kích hoạt bởi luật pháp. Nghĩa là luật pháp làm bộc lộ tội lỗi. Các câu 7–11 cho thấy có 3 mối liên hệ giữa tội lỗi và luật pháp: a) Luật pháp định nghĩa tội lỗi; b) luật pháp lên án tội lỗi; c) luật pháp khơi tội lỗi dậy. Vì luật pháp phơi bày tội lỗi nên luật pháp “là thánh, đúng, và tốt” (12).

Như thế kẻ nào là thủ phạm? “…tội lỗi khi dùng điều tốt để đem đến sự chết cho tôi, đã để lộ chân tướng của nó.  Lợi dụng điều răn, tội lỗi trở nên cực ác” (13). Lợi dụng điều tốt để phục vụ việc ác, như có người lợi dụng tri thức tâm lý học mình đã học được để huấn luyện các tên cướp sao cho hiệu quả, thì chẳng phải tâm lý học là xấu, nhưng nó bộc lộ một con người nguy hại đối với xã hội. Tiến trình thánh hoá là sự biểu hiện đức công nghĩa của Đức Chúa Trời trên đời sống của tín hữu. Khi chúng ta bị trục trặc trong tiến trình thánh hoá của mình, thì cái gốc của nan đề không nằm ở luật pháp, nhưng nằm trong xác thịt của chúng ta, là thứ làm yếu luật pháp. Nan đề thánh hoá của chúng ta không phải là luật pháp nhưng là chính ta (14–15). Sự mâu thuẫn nội tại là bãi chiến trường giữa hai thế lực đối địch nhau trong một cuộc chiến sống chết. Tâm linh mới muốn phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng thường thất vọng trước con người cũ, là xác thịt, bị cai trị và tiêm nhiễm bởi tội lỗi. Cho nên, anh ta không làm được điều tốt mình muốn làm, lại làm điều xấu mình không muốn (16–24).

Thật ra, tín hữu thường lầm lẫn khi đọc Rôma 7:14–25, là phân đoạn Kinh Thánh diễn tả cuộc xung đột trong nội tâm của người sống dưới ách của luật pháp, chưa được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Những người vội vàng tóm lấy ý nghĩa bề mặt của phần Kinh Thánh nầy để áp dụng cho tình trạng tâm linh của mình, là những người đã kinh nghiệm thất bại trước tội lỗi. Nghĩ rằng sự giúp sức đầy đủ của Đức Thánh Linh trong đời nầy để thắng những ham muốn của xác thịt là không thực tế, không thể áp dụng được vì sẽ chẳng xảy ra! Phaolô viết phân đoạn nầy để diễn tả thực trạng của những người ở dưới luật pháp, chưa bao giờ kinh nghiệm được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, vẫn còn bị bản ngã xác thịt cai trị. Nghĩa là ông nói về tình trạng của ông khi chưa tiếp nhận Đấng Christ. Không phải ông nói về tâm trạng của người đã được ở dưới giao ước mới đang phải đối phó với quyền lực của tội lỗi.

Cảm nghĩ không thể vượt thắng nổi những ham muốn của lòng mình, thật ra, là hậu quả của chủ nghĩa cá nhân tây phương quá lố, đã làm cho cuộc tranh chiến tiếp tục hoành hành trong tâm hồn của nhiều tín hữu. Sự tự yêu mình quá mức đã khiến họ chỉ chăm chú vào cuộc xung đột bên trong, thất vọng về sự bất toàn của mình, không thể bước đi theo Đức Thánh Linh cách tự tin hay không thấy hình ảnh Đấng Christ thành hình trong lòng mình. Trong lòng những người nầy, tình yêu đối với Chúa chỉ là vờ vĩnh; kể cả sự vui mừng, bình an, hoà nhã cũng chỉ là giả bộ bề ngoài. Họ thường trách móc Chúa tại sao không ban năng lực cho họ.

Mới đọc qua sự mô tả cuộc tranh chấp căng thẳng bên trong Phaolô ở phân đoạn Rôma 7:14–24 thì có vẻ như là dù Phaolô đang bước đi theo Đức Thánh Linh, vẫn bị xung đột triền miên trong nội tâm do sự lôi kéo của xác thịt. Nhưng xem xét kỹ đoạn văn nầy sẽ thấy 3 điều cho thấy cảm nghĩ ấy không đúng: a) bối cảnh văn mạch, b) những gì Phaolô có nói, c) những gì Phaolô không nói.

Toàn thể bối cảnh văn mạch của Rôma 7 nói về vai trò của luật pháp Môise trong đời sống tín hữu. Các câu 1–6 nói rõ rằng các thánh đồ chẳng còn liên hệ gì tới luật pháp ấy cả. Qua cái chết của Đức Chúa Giêxu, chúng ta đã chết đối với luật pháp (4) và cả với xác thịt (5–6). Câu: “Trước kia, khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, …” thuộc thì quá khứ; nghĩa là nếu chúng ta đã chết đối với luật pháp và xác thịt, thì hai điều đó chẳng còn thẩm quyền gì trên chúng ta nữa.

Nhưng Phaolô không xem luật pháp là xấu hoặc ác; bởi vì không phải luật pháp giết chúng ta, nhưng ấy là bản chất tội lỗi ở trong chúng ta bị luật pháp làm khuấy động. Nan đề của Phaolô đối với luật pháp là sự bất lực của nó trong việc giúp sức hoàn thành những điều nó đòi hỏi. Ông không gán tội cho luật pháp, vì điều răn không phải là nguyên nhân chính làm cho chúng ta chết, nhưng là tội lỗi nhân điều răn khiến chúng ta chết (13). Những ai đã từng cố gắng làm theo luật pháp sẽ hiểu tình trạng nầy rõ hơn ai hết. Bởi vì người nào ở dưới luật pháp, chưa kinh nghiệm được ân tứ của Đức Thánh Linh, thì tội lỗi và xác thịt là các quyền lực lúc nào cũng mạnh hơn.

Ở trong Đấng Christ và được Đức Thánh Linh dắt dẫn là sự đáp lời của Đức Chúa Trời cho tiếng than tuyệt vọng của câu 7:24. Chẳng những chúng ta không còn bị đoán phạt (8:1)–vì hình phạt đáng lẽ ta phải nhận chịu đã bị đưa vào quá khứ qua sự chết của Đấng Christ–mà nay chúng ta đã sống dưới luật pháp mới, “luật của Thánh Linh, của sự sống trong Đức Chúa Giêxu Christ” (8:2). Những gì mà luật pháp không làm nổi, thì Đức Chúa Giêxu Christ đã đứng vào vị trí của ta để làm thay cho chúng ta; và Đức Thánh Linh làm cho chúng ta kinh nghiệm sự hoàn thành luật pháp mới khi chúng ta bước đi theo sự dắt dẫn của Ngài (8:3–4). Như vậy, có thể tóm tắt ba điều đơn giản:

a) Những gì Phaolô mô tả trong phân đoạn nầy là người chưa có Đấng Christ cũng như không được Đức Thánh Linh hướng dẫn, thì sẽ sống vô cùng khổ sở dưới ách của luật pháp.

b) Người ở cảnh ngộ đó không bao giờ có thể thắng, vì bị ở dưới một luật pháp không có khả năng làm cho sống, mà vẫn phải đối diện với quyền lực mạnh mẽ của tội lỗi và xác thịt, nghĩa là đã bị bán làm nô lệ cho tội lỗi, không thể nào làm được những điều thiện mà luật pháp đòi hỏi, hoàn toàn trái nghịch với cuộc sống trong Đấng Christ được Đức Thánh Linh giúp sức.

c) Rôma 7:7–25 không đề cập gì tới Đức Thánh Linh; câu 6 là chỗ chót nói về Đức Thánh Linh là Đấng làm cho mối liên hệ giữa chúng ta với luật pháp và xác thịt phải chấm dứt. Hai câu tiếp theo ở đầu đoạn 8 là sự đáp lời từ thiên đàng đối với tiếng kêu tuyệt vọng của người phải vật lộn với tội lỗi, trong khi đó luật pháp đứng cạnh bên nhìn cách bất lực, luật pháp ấy thay vì giúp chúng ta sống, thì chỉ có nhiệm vụ lên án tội lỗi của chúng ta, chứ không giúp ích chi được.

Như vậy, những vấn đề Phaolô nêu lên trong Rôma 7 liên quan đến luật pháp Môise. Luật pháp ấy dù là thánh và tốt lành, nhưng đời sống nào chỉ làm theo luật pháp ấy mà thôi thì không có gì bảo đảm.

Để có thể hiểu vấn đề nầy rõ hơn, chúng ta cần xem xét một phân đoạn có liên quan trong thư của Phaolô gửi cho Hội Thánh ở Galati.

Ở Galati 5:17, Phaolô không nói về sự phấn đấu để thắng hơn những lỗi lầm kín đáo, nhưng nói về sự công khai không vâng lời Chúa trong hình thức “cố ý phạm tội.” Ở câu nầy Phaolô nói về sự trái ngược giữa Đức Thánh Linh với xác thịt. Hãy để ý rằng không chỗ nào trong các thư tín của Phaolô mô tả đời sống Cơ-đốc-nhân dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là một đời sống tranh đấu triền miên với xác thịt. Ý của ông là muốn nêu lên sự đầy đủ của Thánh Linh cho dân sự của Đức Chúa Trời vào thời tận thế. Quan điểm của Phaolô là, đối với các tín đồ của Đức Chúa Giêxu Christ, thời đại xác thịt đã chấm dứt, cũng giống như việc không còn cần phải tuân theo luật pháp Môise. Như trong Rôma 7:4–6 nói, với giao ước mới, Đấng Christ và Đức Thánh Linh đã kết thúc luật pháp và xác thịt, là những thứ thuộc về thời đại trước và ngoài Đấng Christ.

Điều đó KHÔNG có nghĩa là tín hữu sống bởi Đức Thánh Linh thì không bao giờ bị cám dỗ bởi đời sống cũ trong xác thịt, hoặc họ sẽ không bao giờ bị xác thịt làm cho vấp ngã. Họ vẫn bị cám dỗ, vẫn bị vấp ngã; nhưng khi họ ăn năn thì được tha thứ và được phục hồi hoàn toàn. Chữ xác thịt mà Phaolô dùng ở đây là nói về bản chất tội lỗi mà Rôma 7:23 nói là ‘luật khác,’ tức là đời sống thất bại cũ dưới luật pháp. Cho nên, nếu chúng ta vẫn còn những xung đột giữa các sự ham muốn tội lỗi của xác thịt, nghịch lại ý muốn bước đi theo Thánh Linh, thì có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục cư xử theo những giá trị và quan điểm mà mình có trước khi tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, tức là đời sống của người chưa nhận biết Đấng Christ, vẫn sống như kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vì vậy, ý của Phaolô là ‘hãy chấm dứt kiểu sống đó, cổi bỏ con người cũ đi, và hãy mặc lấy người mới’ (Êphêsô 4:22, 24).

Lý luận của Phaolô xem xác thịt là thuộc về quá khứ của tín hữu, cách sống xác thịt ấy chẳng khác nào người làm theo luật pháp Môise. Ông viết trong Rôma 7:5–6: “Trước kia, khi chúng ta còn bị xác thịt chi phối, các ham muốn tội lỗi bị luật pháp gợi lên, hoành hành trong chi thể chúng ta, kết quả là sự chết. Nhưng bây giờ, chúng ta đã được giải thoát khỏi luật pháp, đã chết đối với điều vẫn trói buộc chúng ta, để có thể phục vụ Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chứ không theo cách cũ của văn tự.”

Vì thế Phaolô viết: “Do tình yêu thương của Đấng Christ thôi thúc, chúng tôi nghĩ rằng: Nếu một Người đã chết vì mọi người, thì mọi người đều chết; và Ngài đã chết vì mọi người, để những người được sống không còn sống vì mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho mình. Cho nên, từ nay chúng tôi không còn nhận xét ai theo quan điểm người đời nữa, dù trước kia chúng tôi đã nhận biết Đấng Christ theo quan điểm người đời, nhưng nay không còn biết Ngài theo cách ấy nữa. Vậy, ai ở trong Đấng Christ là con người mới; những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến!” (2Côrinhtô 5:14–17).

Sự sống lại của Đấng Christ và ân tứ của Đức Thánh Linh đã thay đổi mọi điều. Cách sống cũ lấy cái tôi làm trung tâm, quan điểm sống hướng về thế giới thọ tạo vật chất. Quan điểm đặt nặng trên quyền thế, ảnh hưởng, giàu có, và khôn ngoan, là thứ quan điểm cũ của tâm tánh xác thịt, dù vẫn tiếp tục hoạt động trong nhiều tín hữu ngày nay, đã phải chấm dứt đối với những ai ở trong Đấng Christ, vì tất cả những điều đó đã qua rồi; trong thời đại của Đức Thánh Linh thì mọi điều mới đến. Trong sự chỉ dẫn của Chúa thì những định nghĩa về những gì có giá trị đã hoàn toàn thay đổi. Quyền phép hay năng lực của tín hữu không nằm ở bề ngoài, nhưng trong Thánh Linh, là Đấng ngự trong lòng người tin, để biến đổi con người bề trong thành hình ảnh của Chúa.

Câu hỏi tuyệt vọng được đặt ra là “Thật khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể chết chóc nầy?” Câu trả lời reo mừng đắc thắng là “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (24–25). Chúng ta cần hiểu là, giống như sự cứu rỗi, sự thánh hoá là công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự mình làm được. Khi chúng ta trong địa vị tội nhân nhận thức tình trạng suy đồi cực độ của mình và không chút hi vọng có thể tự cứu, Chúa đã xưng chúng ta là công nghĩa khi chúng ta có đức tin nơi công tác cứu chuộc đã hoàn tất của Ngài chứ không cậy chút nào vào việc làm công đức của mình. Cũng thế, nhu cầu lớn nhất của thánh đồ là nhận ra rằng anh ta hoàn toàn không thể sống đẹp lòng Chúa bằng sức riêng của xác thịt. Anh ta phải biết rằng trong Đấng Christ, anh ta đã chết đối với tội lỗi và đã được sống lại trong một đời sống mới, Đức Chúa Trời làm cho sự thánh hoá có thể thực hiện được qua công việc của Đức Thánh Linh hành động trên anh ta để khiến anh ta vừa muốn vừa làm theo ý Đức Chúa Trời. Con đường để đạt đến quyền năng thuộc linh là sự nhận biết tình thế tuyệt vọng của chính mình; sự thánh hoá là một kết quả chắc chắn nhờ vâng theo những bước đơn giản của lời Chúa chỉ cho. Thật là vô lý khi đã nhận ơn xưng nghĩa bởi đức tin, lại muốn cậy sức riêng để được thánh hoá!

BHKTRoma07.doc

Rev. Dr. CTB