Khải Huyền (21)

Thời Tận Thế

Khải Huyền 14 – 15

Khởi đầu đoạn 14 có hình ảnh Chiên Con đang đứng trên núi Siôn với 144 ngàn người được nói đến ở đoạn 7, làm cho người đọc có nhiều thắc mắc. Dấu ấn ghi trên trán những người nầy như đoạn 7 mô tả thì ở đây chúng ta biết đó là Danh của Đức Chúa Trời và Danh của Chiên Con. Chỗ nầy cũng nói rằng họ được chuộc khỏi đất. Cần nhắc lại rằng họ là 144 ngàn nhà truyền giáo đã giảng và đem được vô số người thuộc mọi dân tộc tin Chúa trong nửa đầu của cơn đại nạn. Sự thắc mắc của người đọc là cảnh Chiên Con đứng trên núi Siôn là ở đất hay ở trời? Cảnh thì trên đất vì Giăng nghe một tiếng từ trời xuống như tiếng đàn nhưng vang ầm như tiếng sấm. Nhưng lúc 144 ngàn người hát thì hát trước ngôi, trước 4 sinh vật và 24 trưởng lão, nghĩa là trên trời. Về thời điểm thì chưa tới lúc Đức Chúa Giêxu trở lại phán xét thế gian, và 144 ngàn người nầy khi ấy đã được chuộc khỏi đất. Như thế, đây phải là cảnh tượng Siôn trên trời. Bài hát mà 144 ngàn người ấy hát thì không ai học được, dù nhiều người cũng muốn được hát bài ca tuyệt diệu ở thiên đàng. Các câu tiếp theo (4-5) cho biết lý do 144 ngàn người ấy có đặc quyền vì họ còn trinh khiết, trong miệng họ chưa hề có lời nói dối nào, cũng không có dấu vết tội lỗi gì, họ luôn luôn được đi theo Chiên Con.

Từ khi Đức Chúa Giêxu Christ thăng thiên thì các con cái Chúa được trao đặc quyền truyền rao tin mừng. Nhưng sau khi 144 ngàn người nói trên đã được chuộc khỏi đất, ở thế gian không còn nhà truyền giáo nào nữa, thì thiên sứ được giao nhiệm vụ cao cả ấy, và người ta trên đất còn cơ hội cuối cùng tiếp nhận tin mừng để thoát khỏi số phận kinh khiếp trong hồ lửa đời đời. Đức Chúa Trời chứng tỏ đức nhân từ của Ngài đối với loài người xảo quyệt cùng hung cực ác. Thiên sứ khuyên loài người hãy biết kính sợ và tôn thờ Đấng Chúa Tể vũ trụ, và giờ phán xét của Ngài đã đến. Sứ điệp của phúc âm luôn rao truyền hai mặt: ân phúc cứu rỗi cho người tin và sự phán xét kinh khiếp cho ai cự tuyệt phản loạn. Ở thời tận thế nầy đã có nhiều nhóm dị giáo nổi lên dụ dỗ người nhẹ dạ tin rằng sẽ chẳng có phán xét trừng phạt gì hết. Họ nói về Kinh Thánh nhưng không chịu đọc hết những gì Kinh Thánh đã chép về sự trừng phạt phán xét ngày sau.

Một thiên sứ khác bay theo sau báo tin sự sụp đổ của Babylôn lớn vì nó đã dùng sự dâm loạn làm bại hoại thế gian. Các thần học gia Mỹ hoặc được người Mỹ huấn luyện thần học vẫn quyết rằng Babylôn lớn là Liên Hiệp Âu Châu, hoặc một nước nổi lên ở Âu Châu có hình thái và tính chất giống đế quốc La-mã xưa kia. Tuy nhiên, nếu đã nhận ra thời kỳ chúng ta đang sống đây đã là thời tận thế qua những sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Kinh Thánh về thời đại cuối cùng, thì xã hội Hoa Kỳ bây giờ là hình ảnh giống hơn hết đối với những lời mô tả về Babylôn lớn trong đoạn 17. Vì cho tới nay, chưa có nước nào xuất cảng sự dâm dật bại hoại khiến cả thế giới chìm ngập vào sự dâm loạn và bạo lực như phim ảnh Hollywood đã tạo ra hơn nửa thế kỷ qua. Hiện thời, những trường hợp bắn giết tàn bạo bằng súng đạn xảy ra ngày càng nhiều ở đất nước nầy. Súng đạn bán tràn lan khắp nước Mỹ. Những người lớn tiếng bênh vực các quyền tự do dân chủ và đạo đức xã hội lại cũng là những người kịch liệt bênh vực cho quyền mua và sử dụng súng, kể cả súng trường liên thanh. Khi nghiên cứu về chỗ bị gọi là Babylôn lớn, chúng ta sẽ thấy rõ hơn.

Ngay sau đó vị thiên sứ thứ ba nói tiếng lớn cảnh cáo hậu quả kinh hoàng cho những ai thờ con thú cùng tượng nó và chịu ghi dấu của nó trên trán hay trên tay. Hình phạt cuối cùng là phải bị đau đớn triền miên trong hồ lửa và diêm không hề tắt, khói của sự đau đớn ấy bay lên đời đời. Địa ngục đau khổ (Luca 16:22-24) mà những người không tin Chúa sau khi chết phải chịu hiện nay cho đến ngày phán xét cuối cùng, chưa phải là hoả ngục mà họ sẽ phải chịu. Một số người công nhận sự ứng nghiệm các lời tiên tri của Kinh Thánh nhưng lại hi vọng lời cảnh cáo về hoả ngục của Kinh Thánh sẽ không xảy ra; rồi dụ dỗ nhiều người rằng đừng tin có hoả ngục. Kinh Thánh nói về những kẻ ấy là “thà nó đừng sinh ra thì hơn.” (Math. 26:24). Có lẽ Kinh Thánh dùng rất nhiều biểu tượng để diễn tả sự việc nhằm giúp tín hữu phải tỉnh thức, cảnh giác và suy nghiệm thường xuyên để hiểu vấn đề và khó quên các sứ điệp Kinh Thánh muốn truyền rao. Vị thiên sứ thứ ba vừa nói xong, thì có tiếng từ trời vọng xuống rao truyền về hạnh phúc của người tin, trái ngược với hình phạt kinh khiếp dành cho người không tin.

14-16 Giăng thấy có ai giống Con Người ngồi trên đám mây trắng. Mỗi lần Kinh Thánh mô tả các thần linh đều lấy hình ảnh loài người để so sánh. Mùa gặt là mùa thu hoạch hoa quả ngũ cốc đã chín. Đức Chúa Giêxu đã đến thế gian làm một người và đã về trời bằng hình ảnh người. Không ai biết thể xác phục sinh của Chúa như thế nào, nhưng Ngài đã trở về thiên đàng trong hình thể người. Vậy, Đấng có hình dáng giống con người ngồi trên đám mây trắng tay cầm lưỡi liềm khi một thiên sứ từ đền thờ đi ra báo tin mùa màng đã chín, có nghĩa là Đức Chúa Giê-xu sẽ thu hoạch các con cái thuộc về Ngài. Đây là mùa gặt thứ nhất xảy ra trong nửa giai đoạn sau của cơn đại nạn; cho nên, ai muốn được cứu đều phải trải qua sự tử đạo. Từ lúc ấy về sau sẽ không còn người nào được cứu nữa.

Kế đến một vị thiên sứ khác từ đền thờ đi ra, tay cũng cầm lưỡi liềm bén. Mùa thu hoạch thứ nhì có mục đích trừng phạt. Ý nghĩa các câu từ 18-20 nói về sự phán xét trong trận chiến Armagheddon dành cho những người vô tín. Đoạn 16 sẽ nói chi tiết về trận chiến tranh nầy. Sở dĩ vào lúc ấy chỉ còn sự phán xét mà thôi bởi vì những kẻ vô tín dù đã chứng kiến 144,000 người được chuộc cùng với hai chứng nhân sống lại cùng nhau được cất lên trời, mà vẫn không chịu ăn năn các tội ác của mình, vẫn chống nghịch Đức Chúa Giêxu và dân sự Ngài. Số người bị chết nhiều đến nỗi máu của họ chảy ra chiều cao ngập lên đến chỗ tra hàm thiếc ngựa và dài 180 dặm đường.

Đoạn 15 là phần giới thiệu của đoạn 16. Nên nhớ là sự ghi chép sách Khải Thị không theo trình tự thời gian. Nhiều lúc Giăng mô tả toàn cảnh rồi trở lại chi tiết về những sự kiện đã chép trước. Vì thế 2 đoạn 15, 16 bổ sung thêm các chi tiết về những sự kiện đã mô tả rồi. Đoạn 15 nói về những gì diễn ra trên trời, còn đoạn 16 mô tả những việc tương ứng xảy ra ở thế gian trong lúc đang xảy ra cơn đại nạn. Câu 1 nói về một điềm lớn và lạ ở trên trời, mà mấu chốt của huyền nhiệm ấy là “…các tai nạn nầy làm hết cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.7 bát thịnh nộ chứa đầy những tai hoạ cuối cùng đổ xuống thế gian để hoàn tất cuộc tận thế. Nửa đầu của cơn đại nạn đã có các tai hoạ về chiến tranh, dịch lệ, thiên tai, và các thảm hoạ tàn phá, một nửa nhân loại đã bị tiêu diệt. Bây giờ là những tai hoạ cuối cùng. Cc.2-3 nói về những người được thoát khỏi các tai hoạ ấy đứng bên biển trong như pha lê trộn với lửa. Thánh đồ ở đ. 4 đứng bên biển pha lê trong vắt của sự bình an trọn vẹn vì họ được đem đi trước cơn đại nạn, còn những người nầy vừa ra khỏi nửa đầu cơn đại nạn vì “họ đã thắng con thú và hình tượng nó cùng số của tên nó.” Lửa là biểu tượng về sự phán xét. Trước ngôi của Đức Chúa Trời luôn luôn có biển trong như pha lê. Bây giờ pha lê trộn với lửa vì sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời đã đến lúc đổ xuống thế gian.

Những người hát bài ca Môise viết sau khi cả đạo quân Aicập hung hãn bị Đức Chúa Trời chôn vùi dưới nước biển đỏ (Xuất 15) chắc là 144,000 nhà truyền giáo người Dothái. Đây là bài hát chiến thắng và giải thoát. Họ đã hát vì họ cũng vừa được cứu ra khỏi cơn đại nạn và hình phạt đời đời dành cho những kẻ chống trả Đức Chúa Trời công nghĩa. Rồi họ hát bài ca Chiên Con, vì nhờ niềm tin nơi huyết cứu chuộc của Chiên Con mà họ đã được giải thoát.

Bây giờ nơi thánh của đền thờ ở trên trời mở ra để bảy vị thiên sứ mặc áo vải gai trong sạch rực rỡ, ngực thắt đai vàng, bước ra khỏi nơi thánh. Các vị thần linh nầy đã được sửa soạn và trang bị để thi hành sự phán xét bằng phương cách thanh sạch và thánh khiết. Họ được một trong các Chêrubim ban cho bảy cái bát chứa đầy sự thịnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời đổ xuống thế gian. Đền thờ bèn đầy khói vì sự oai nghi và vinh quang của Đức Chúa Trời. Không ai được phép vào đền thờ cho đến khi mọi ý muốn của Chúa đã hoàn tất. Điều rất lạ lùng là trên trời cũng có đền thờ. Hãy nhớ lại rằng đền tạm chứng cớ mà Môise đã thiết lập trong hoang mạc là theo các mẫu mực và hình thức của đền thờ trên trời. Các đền thờ được xây dựng về sau cũng phải theo những mẫu mực mà Chúa đã dạy cho Môise. Ngày nay chúng ta được vào gian chí thánh của đền thờ bở ơn hi sinh của Đức Chúa Giê -xu Christ. Chúng ta cũng sẽ về thiên đàng nhờ đức tin và nếp sống đạo trung tín. Hãy giữ vững điều chúng ta đang có, vì thời kỳ cuối cùng của thế gian đang diễn ra.

KhaiHuyen21.doc

Rev. Dr. CTB