Bài 10: Sống Cuộc Đời Chúa Định Cho Mình

Sống Cuộc Đời Chúa Định Cho Mình

1Côrinhtô 7:12–24

Về vấn đề trong gia đình có người vợ hoặc chồng không chịu tin Chúa, thì Phaolô cũng cho lời khuyên tổng quát: “Anh em nào có vợ không tin Chúa, nếu vợ đồng ý tiếp tục sống với mình, đừng ly dị vợ.  Chị em nào có chồng không tin Chúa, nếu chồng vẫn bằng lòng sống với mình, đừng bỏ chồng” (12–13).  Ông nói rõ đây là lời khuyên của ông chứ không phải là mệnh lệnh của Chúa.  Nhưng điều nầy không có nghĩa là lời khuyên ấy không có thẩm quyền; nó chỉ có nghĩa là ông chưa nghe Chúa phán rõ ràng về trường hợp nầy như đã nói rõ về trường hợp ly dị ở c.10, nếu độc giả của ông còn nghi ngờ, thì lời ông nói ở c.40 là ông tin Đức Thánh Linh vẫn cảm thúc chỉ dẫn ông các vấn đề quan trọng về đời sống tín đồ.

Trong lời khuyên trên, Phaolô nói rằng nếu người vợ hoặc chồng chưa tin Chúa vẫn đồng ý tiếp tục cuộc sống chung của nghĩa vợ chồng thì không nên chia lìa. Sự kêu gọi của Chúa đối với một người vào đức tin Cơ-đốc-giáo không nhằm phá bỏ giao ước hôn nhân của người đó, nhưng làm cho nó bền chặt hơn bằng cách đem nó trở lại sự kết hợp ban đầu của hai người cho đến trọn đời.  Như vậy, lòng tin vào Đấng Christ của tín hữu không làm mất tình nghĩa keo sơn vợ chồng với một người chưa tin.  Tuy thế, nếu người chồng hoặc vợ, là người chưa tin Chúa, quyết chí từ bỏ người bạn đời của mình vì đức tin Cơ-đốc, không có cách nào hoà giải để tiếp tục cuộc sống chung, thì trong trường hợp ấy tín hữu không bị ràng buộc bởi cuộc hôn nhân cũ; vì người kia đã quyết tâm huỷ bỏ giao ước đó rồi: “…Nếu người không tin Chúa muốn phân cách, hãy để họ đi.  Trong trường hợp đó, người anh em hay chị em không bị ràng buộc gì, vì Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta vào cuộc sống bình an” (15).

“Không bị ràng buộc gì” có ý nghĩa rất rõ ràng là tín hữu không bị buộc phải ở vậy mà không được kết hôn với người khác.  Bởi vì sau khi đã dùng mọi cách hoà giải để cứu vãn giao ước hôn nhân cũ không thành công, người không tin Chúa quyết chí cắt đứt mối liên hệ vợ chồng, tín hữu phải đứng trước một quyết định hoặc là sẽ “mang chung ách với kẻ không tin” (2Côr.6:14), hoặc sống tự do thờ phượng Đức Chúa Trời; tín hữu đã chọn bước đi theo Chúa thì không còn bị ràng buộc với người đã quyết chí từ bỏ mình; nghĩa là giao ước hôn nhân cũ kể như đã chết, đã bị huỷ bỏ; cho nên, tín hữu có thể kết hôn với một anh em hoặc chị em khác trong Chúa nếu cần phải có gia đình.  Đây là một vấn đề phức tạp nhưng có lời Kinh Thánh chỉ dẫn rõ ràng.  Đối với những trường hợp các gia đình mà vợ chồng đều là tín hữu mà ly dị nhau vì lý do nào đó không phải là ngoại tình, rồi tái kết hôn với người khác thì đều bị kể là phạm tội ngoại tình (Mathiơ 5:32).

Phaolô đưa ra lý do tại sao tín hữu nên tiếp tục cuộc hôn nhân của mình nếu người phối ngẫu chưa tin Chúa không muốn chia lìa: “Vì người chồng chưa tin sẽ được thánh hoá nhờ vợ; và vợ chưa tin sẽ được thánh hoá nhờ chồng tin Chúa.  Nếu không, con cái anh chị em đã ô uế, thế mà hiện nay chúng nó là thánh” (14).  Trước hết, sự ‘thánh hoá’ ở đây không phải là tiến trình thánh hoá của đời sống Cơ-đốc-nhân, mà là được lây sự thánh khiết.  Phaolô nói trong Tít 1:15 là “Đối với người thanh sạch, điều gì cũng thanh sạch.”  Như vậy sự liên kết một thân giữa vợ chồng là sự kết hợp thiêng liêng Đấng Tạo Hoá đã định, là giao ước suốt đời.  Tín hữu là thánh đồ đang ở trong tiến trình thánh hoá, người phối ngẫu nhờ chung đụng với vợ hay chồng mình là thánh đồ, sẽ được lây sự thánh khiết từ người đó.  Mặc dù tín hữu mang chung ách với kẻ chẳng tin, nhưng nếu họ là thánh sạch, đối với họ hôn nhân là thánh, thì hạnh phúc vợ chồng của họ được thánh.

Khi con cái sinh ra không tin Chúa thì chúng bị ô uế.  Chúng được nên hột giống thánh nhờ cha hay mẹ tin Chúa.  Đây là cách nói của người Giuđa về con cái người ngoại bang được sinh ra là ở ngoài sự thánh khiết; còn con cái của người đã quy đạo là sinh ra trong vòng thánh khiết.  Vì thế khi tín hữu là thánh đồ, dù ăn ở với người chưa tin Chúa sinh con cái, thì chúng không bị sinh ra kể là thuộc về thế gian, mà thuộc về Hội Thánh; cho nên chúng là hột giống thánh.  Một lý do nữa là “vì Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta vào cuộc sống bình an” (15), “biết đâu các bà sẽ cứu được chồng mình,… các ông sẽ cứu được vợ mình?” (16)  Chúng ta được gọi để sống hoà thuận với người gần gũi nhất của mình.  Nếu tín hữu bỏ người phối ngẫu, sẽ làm mất cơ hội quý nhất để làm gương mẫu vinh diệu nhất về yêu thương.  Cơ hội cứu người khác không có nhiều.

Kết luận, mệnh lệnh chung cho việc nầy đã truyền cho tất cả các Hội Thánh là: “Mỗi người phải sống cuộc đời Chúa định cho mình lúc Ngài kêu gọi, anh chị em như thế nào, cứ thế mà tiến tới” (17). Bây giờ Phaolô đề cập tới những trường hợp cụ thể về người đã chịu cắt bì theo luật Do thái giáo, thì đừng áy náy về việc ấy; người ngoại bang tin đạo khi chưa chịu cắt bì thì đừng ghép mình vào luật pháp vô ích bằng sự cắt bì (18).  Bởi vì vấn đề hình thức không phải là quan trọng, “nhưng điều chủ yếu là vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời” (19).  Việc được Chúa chấp nhận chẳng phải là do người ta có chịu phép cắt bì hay không.  Phúc Âm của Chúa nêu rõ sự vâng lời chân thành các điều răn của Ngài là sự hành đạo đúng đắn.  Sự giữ đạo bề ngoài mà thiếu sự kỉnh kiền trong lòng thì là điều vô nghĩa.

Bất cứ hoàn cảnh mình như thế nào khi mình tin Chúa, thì cứ giữ hoàn cảnh ấy.  Luật lệ của Cơ-đốc-giáo thích hợp cho mọi hoàn cảnh.  Bổn phận của mỗi tín đồ là hành xử thế nào cho hợp với luật lệ của Hội Thánh, hài lòng về phần của mình, và cư xử đúng với cương vị mình đang có khi được Chúa gọi làm con cái Ngài.  Lời dặn: “Mỗi người phải giữ cương vị mình khi được kêu gọi” (20), nói đến một thực tế của hoàn cảnh xã hội thời ấy có người tự do và có người làm nô lệ cho chủ mua mình.  Dù là tự do hay nô lệ, mỗi người đều có linh hồn riêng biệt.  Một số người nô lệ cũng đã tin Chúa sau khi nghe Tin Mừng của Ngài.  Vì lúc ấy tại Côrinhtô chỉ có một Hội Thánh, mà người tin Chúa có cả chủ nô lẫn người nô lệ của họ.  Bây giờ việc họ là anh em trong Chúa thì làm nảy sinh một vài vấn đề tế nhị.  Vì thế, Phaolô dặn “mỗi người phải giữ cương vị mình khi được kêu gọi.”

Những người đang ở thân phận nô lệ khi họ tin Chúa sẽ bắt đầu suy gẫm về sự bình đẳng mà họ và chủ nô có trước mặt Chúa.  Tuy nhiên, hoàn cảnh xã hội và nhân sinh quan của người sống trong xã hội ấy bị ràng buộc bởi quan điểm về người nô lệ phải trung thành với chủ nô.  Lý tưởng tự do bình đẳng đã làm lung lay thế giới quan của nhiều người.  Một số chủ nô không muốn phóng thích nô lệ, nhưng những người được biến đổi bởi Tin Mừng thì muốn trả tự do cho anh chị em mình trong Chúa.  Trong khi đó, những người nô lệ theo đạo lại phân vân trong lòng vì không muốn chủ bị thiệt hại; và khi họ được tự do thì lại phải đối diện với thực tế các nhu cầu thiết yếu của đời sống trước nay vẫn được chủ cung cấp.  Trả lời các thắc mắc nầy, sứ đồ Phaolô đưa ra sự chỉ dẫn khôn ngoan: “Anh em là người nô lệ được Chúa kêu gọi?  Đừng lo lắng gì.  Nhưng nếu có cơ hội được tự do, hãy nắm lấy” (21). “Người nô lệ được Chúa kêu gọi là người tự do của Chúa; còn người tự do được kêu gọi, là người nô lệ của Đấng Christ.  Anh em đã được chuộc với giá rất cao, đừng làm nô lệ cho loài người nữa” (22–23).

Ông tóm tắt lời khuyên của mình là “khi anh em được Chúa kêu gọi, ai ở cương vị nào, hãy cứ ở trong cương vị đó trước mặt Đức Chúa Trời” (24).  Điều nầy phải được hiểu về tình trạng tự do hay nô lệ, đã chịu cắt bì hoặc chưa có của người trở thành tín hữu là: Không ai được dùng đức tin hay tôn giáo của mình làm lý cớ để huỷ bỏ bất cứ nhiệm vụ tự nhiên hay bổn phận công dân nào.  Người đó phải cứ tiếp tục yên lặng và thoải mái thực hiện trọn nhiệm vụ mình phải làm.  Sự hiện diện và ân huệ của Chúa đối với người tin không tuỳ thuộc vào thành tích, thân phận hay công việc người đó đang làm. Trong Chúa, chúng ta cứ vui hưởng ơn phước Ngài trong cương vị mà chúng ta đang có.  Người làm công không thể đòi ngang hàng với chủ thuê mình.  Chủ cũng không thể khắc nghiệt với người làm công.  Chúng ta đều có chung một Chủ trên trời.

1Corinhto11.docx

Rev. Dr. CTB