Bài 11: Chương Trình Tuyệt Diệu của Đức Chúa Trời

Chương Trình Tuyệt Diệu của Đức Chúa Trời

Rôma 11:1–36

Trong phần nầy, Phaolô bày tỏ sự nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời trong chương trình tuyệt diệu của Ngài cho nhân loại; đặc biệt ông nhấn mạnh ba điều: 1) Dù nhiều người Dothái bị từ bỏ, không phải tất cả sẽ bị bỏ. 2) Nhờ người Dothái bị loại bỏ, dân ngoại được chọn đem vào. 3) Đến thời điểm của Chúa, người Dothái lại được đem trở vào Hội Thánh.

Đúng là nhiều người Dothái đã bị từ bỏ, nhưng không phải tất cả.  Một số người Dothái còn sót đã tin Đức Chúa Giêxu Christ và nhận được sự xưng công chính bởi đức tin (1–7).  Họ được gọi là những người được tuyển (7).  Mọi tín đồ của Đức Chúa Giêxu Christ là những người được tuyển.  Phaolô đem trường hợp của ông và trích dẫn lời tiên tri Êli ở 1Vua 19:14 để chứng minh là không phải mọi người Israel đều bị từ bỏ.  Lời đáp của Chúa (4) “Ta đã dành riêng cho Ta ….” có nghĩa là tình trạng của Hội Thánh thường khá hơn nhiều so với cách nghĩ của các người thiện hảo của Chúa; vào các thời kỳ đa số bội đạo, vẫn còn sót lại những người giữ lòng trung tín. Đức Chúa Trời là Đấng dành riêng những người ấy vì Ngài biết trước những người đó (2).  Chứng cớ tốt nhất về những người có lòng trung tín là họ lội ngược dòng chảy xiết của trào lưu hủ bại ở nơi và thời đại họ sống.  Họ được tuyển chọn nhờ ân điển của Chúa, chứ chẳng phải bởi việc làm của họ (5–6). Họ được gọi là “số người còn lại được tuyển chọn nhờ ân điển…,” và hoàn toàn nhờ ân điển Chúa cho không.

Nên nhớ rằng đức tin chỉ giúp chúng ta được xưng công chính, nó không phải là điều kiện để nhận ân điển được tuyển chọn (7).  Dân Dothái tìm kiếm sự công chính và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời mà không được (9:31), còn những người được Chúa tuyển chọn thì đạt được.  Số khác thì đui mù vì cứng lòng.  Ánh nắng nóng mặt trời làm sáp chảy mềm nhưng làm cứng đất sét. Tin mừng là mùi sự sống cho người tin nhưng là mùi sự chết cho kẻ chẳng tin. – Con Trời giáng sinh là tin mừng cho toàn nhân loại, nhưng như Luca 2:34 chép Ngài là cớ cho nhiều người Israel vấp ngã hoặc dấy lên. Cứng lòng có nghĩa là không thấy được ánh sáng hoặc cảm nhận được sự chạm vào của ân điển tin mừng, nó là sự biểu lộ của tinh thần vô cảm và ngu dại.  Nhắm mắt để không thấy, bịt tai để không nghe.  Những người nầy nghĩ rằng nếu họ không thấy, không nghe, thì mọi người khác cũng sẽ không thấy, không nghe (8).  Sự ương ngạnh và vô tín cứ trải nhiều thế hệ.

9–10 được trích lời Đavít từ Thi Thiên 69:22–23. “Bàn tiệc của họ nên lưới, nên bẫy,” nghĩa là sự mù loà và chống trả phúc âm của người Dothái làm gia tăng sự cứng lòng của họ; điều đáng lẽ ra là phúc lợi của họ lại trở thành cái bẫy, vì sự rủa sả của Đức Chúa Trời khiến thức ăn của họ bị nhiễm độc; sức lực và giác quan họ bị suy sụp.  Khi cả dân tộc Dothái cự tuyệt Đấng Christ thì việc đó đẩy nhanh sự sụp đổ của họ bởi tay người Lamã. Họ giống như là một dân bị định làm nô lệ và khinh bỉ, khòm lưng xuống và bị mọi dân tộc khác giày đạp.

11 “…Có phải họ vấp váp đến độ ngã gục không? Tuyệt nhiên không!  Nhưng vì Israel có tội nên ơn cứu rỗi đã đến với dân ngoại để giục họ ganh đua.” Vì sự cự tuyệt của người Dothái nên tin mừng đã được giảng ra cho dân ngoại. Chân lý nầy tương ứng chuyện tiệc cưới mà Đức Chúa Giêxu kể ở Mathiơ 22:8–9.  Lịch sử diễn ra y như thế (Công vụ 13:46).  Kế hoạch khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời đã đem ánh sáng vào nơi tối tăm, sự cứng lòng của người Dothái làm cho phúc âm được sớm giảng ra cho người ngoài (12).  Phúc âm là sự giàu có nhất đáng lẽ dành cho người Dothái, đã chuyển cho người ngoài được hưởng; vì mọi tín đồ là những viên ngọc quý của Đức Chúa Trời. Nếu bởi tội lỗi và thất bại của người Dothái mà dân ngoại được hưởng sự phong phú nầy, thì sự phục hồi của họ sẽ đem đến biết bao nhiêu ơn phước cho thế giới.  Chúa đã dùng sự phong phú của dân ngoại để trêu chọc lòng ganh đua của người Dothái, khiến một số người sẽ tiếp nhận phúc âm để được cứu (13–14).

Vì vậy, ý muốn của Phaolô là tín hữu vốn là dân ngoại đừng nên khinh bỉ người Dothái, mà hãy ước ao sự quy đạo của họ; đừng ghét bỏ hoặc vui sướng khi thấy họ chịu khổ, nhưng thương xót họ và cầu xin sự bình an thịnh vượng cho họ; vì nếu họ được Đức Chúa Trời thu nhận lại vào Hội Thánh, phước hạnh ấy sẽ vô cùng lớn, như người chết được sống lại vậy (15). Bất cứ món gì được dâng trên bàn thờ và hoá ra thánh, thì phần còn lại cũng thánh (16); đặc ân mà chúng ta nay đang có thì đừng quên mình vốn là cây hoang nghịch tánh được tháp vào cây ôlive thuận tánh vì một số cành của cây gốc bị chặt bỏ.  Cây ôlive tượng trưng cho Hội Thánh của Chúa.  Dân ngoại khi tiếp nhận Chúa, nhờ ân điển được tháp vào gốc ôlive để được rễ của gốc nuôi dưỡng (17–22).  Chúng ta nhờ đức tin được dự phần sự sống của Đấng Christ, Ngài là gốc, chúng ta là cành tháp, đừng kiêu căng với cành nguyên đã bị chặt (19–20). Chữ sợ ở đây không phải là sợ hãi, nhưng là niềm kính sợ thánh.  Sợ cái gì? niềm sợ thánh gìn giữ tâm trí khỏi kiêu căng; sự suy nghĩ, thái độ của người Dothái khiến họ bị tước mất đặc quyền, phải là niềm sợ cảnh tỉnh chúng ta (21–22).

C.23 đề cập tới một mặt khác của giáo lý ‘chặt bỏ, tháp vào’ nầy.  Dầu hiện nay nhiều người Dothái đang bị ném bỏ, nhưng sự từ bỏ họ không phải là chung quyết.  Khi đến đúng hạn kỳ, họ lại được đem trở vào.  Khi họ được tháp trở lại vào Hội Thánh, sẽ là niềm vui mừng rất lớn, như c.26 nói rằng “…toàn thể dân Israel sẽ được cứu rỗi,” việc các nhánh ôlive thuận tánh được tháp lại vào gốc cũ không phải là chuyện gì khó đối với Đức Chúa Trời (24). Phaolô cho biết lẽ huyền nhiệm của thiên đàng để tín hữu tại Rôma đừng tự cao (25):  Như ông đã nói trong các câu trước, các tín hữu dân ngoại được tuyển chọn vào gia đình của Đức Chúa Trời thay thế cho một phần dân Dothái đã cự tuyệt Ngài.  Nếu họ không cứng lòng cự tuyệt phúc âm của Đức Chúa Trời do Đức Chúa Giêxu mang đến, dân ngoại chỉ có thể vào gia đình Chúa qua cách tuân hành luật pháp Môise. Nhưng không ai tuân hành nổi luật pháp ấy để được xưng công chính, Đấng Christ đã đến đem theo hi vọng cho người Dothái; tuy nhiên họ cự tuyệt và từ khước Ngài nên bị Chúa chặt bỏ.  Dân ngoại nhờ đó được tháp vào thay chỗ của họ mà không cần phải thực hành luật pháp Môise.  Êphêsô 3:3, 6, 9 gọi sự quy đạo của dân ngoại là một huyền nhiệm.  Khi nói rằng toàn thể dân Is-rael sẽ được cứu rỗi, không có nghĩa là mỗi cá nhân người Dothái sẽ được cứu, mà là nước Israel trên ý nghĩa tổng quát sẽ trở lại với Chúa bởi đức tin và quy phục Ngài.

(26–27) trích từ Êsai 59:20, 21 nói về Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Cứu Tinh đến từ Siôn để cất sự vô đạo, là tội lỗi, khỏi nhà Giacốp, bày tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với dòng dõi của Giacốp.  Không sự nhân từ nào lớn hơn là cất sự vô đạo và tội lỗi của họ, là sự ngăn cách họ với mọi thứ hạnh phúc.  28 “Xét theo quan điểm Tin Lành, họ là thù nghịch,” vì họ kịch liệt chống đối Đức Chúa Giêxu; nhưng vì lời hứa của Đức Chúa Trời với các tổ phụ của họ, thì họ được thương xót.  Lý do, “Vì sự ban cho và kêu gọi của Đức Chúa Trời không hề thay đổi” (29).  Tình thương của Chúa không bao giờ dứt; Ngài không bao giờ đòi lại các ân tứ đã ban.  Tín hữu thắc mắc khi thấy người trước kia có ân tứ nào đó, nay ở trong tình trạng phạm tội vẫn tiếp tục vận hành trong ân tứ ấy.  Vậy, phải hiểu rằng sở dĩ ân tứ còn vận hành vì Chúa không đòi lại ơn Ngài đã ban.

Chúng ta được thương xót vì người Israel không vâng phục; và nhờ chúng ta được thương xót, họ cũng được thương xót (30–31). Không ai biết chương trình tuyệt diệu của Đức Chúa Trời đã sắp xếp để cứu vớt tuyển dân Ngài.  (32) Qua sự cứng lòng của dân Israel, Chúa đã ban cơ hội cho dân ngoại hưởng phước lành cứu rỗi và sự giàu có các phước hạnh Ngài cho Israel.  Bởi lòng tiếp nhận Đấng Christ của dân ngoại, Chúa dùng việc đó để xui dân Israel trở lại với Ngài. Trong cả hai trường hợp người Dothái với dân ngoại, Chúa đã giữ cả hai trong chỗ không vâng phục để thương xót tất cả. Không ai có thể hiểu nổi sự khôn ngoan cao dày vô hạn của Đức Chúa Trời. Vì thế, Ngài đáng hưởng sự ngợi khen, ca tụng, yêu thương của chúng ta, và vinh quang đời đời vô cùng (33–36).

BHKTRoma11.doc

Rev. Dr. CTB