Bài 7: Sự Tự Do Thật

Sự Tự Do Thật

Galati 5:1–26

Trong các đoạn trước, sứ đồ Phaolô đã chứng minh rằng người ta chỉ có thể được xưng công chính bởi đức tin, không phải nhờ sự công chính của luật pháp; và luật Môise đã không còn hiệu lực, vì Đức Chúa Giêxu Christ đã chịu chết thay cho nhân loại để hoàn thành luật ấy rồi. Con cái Chúa cũng không có bổn phận nào để phục tùng luật ấy nữa. Cho nên, ông khuyên tín hữu Galati rằng: “Đấng Christ đã giải phóng chúng ta cho được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (1). Đức Chúa Giêxu Christ đã giải phóng mọi con cái Ngài khỏi sự rủa sả của luật pháp; vì vậy Ngài là Đấng “đã giải phóng chúng ta cho được tự do.” Sự chết chuộc tội của Ngài đã làm thoả mãn các sự đòi hỏi của luật pháp bất năng; và bởi thẩm quyền của một vị Vua, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi các bổn phận bị gán trên người Giuđa. Đó là lý do mà mọi người tin Ngài “hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”

Phaolô, người đã chứng thực mình là sứ đồ của Đấng Christ mới có thể dùng tên mình tuyên bố “Tôi, Phaolô nói với anh em điều nầy: Nếu anh em chịu lễ cắt bì, Đấng Christ sẽ không có ích gì cho anh em cả” (2). Vì chịu lễ cắt bì có nghĩa là quyết định cậy công đức theo quy định của luật pháp để được xưng công nghĩa, tức là từ khước những lợi thế do Đấng Christ đem lại. Ông nhắc lại “Tôi xin xác định lại với những ai chịu cắt bì: Người ấy có bổn phận phải vâng giữ toàn bộ luật pháp” (3). Chúng ta phải hiểu là không phải vị sứ đồ nói lễ cắt bì là điều sai trật. Vì tất cả các tổ phụ, con dân Chúa thời Cựu Ước, kể cả Phaolô nữa, đều đã chịu phép cắt bì. Tuy nhiên, lý do khiến sứ đồ Phaolô rất nghiêm khắc với những người muốn giữ luật pháp là vì: “Ai muốn nhờ luật pháp để được xưng công chính người đó đã tự ly khai với Đấng Christ, đã đánh mất ân điển rồi” (4). Những người muốn nhờ luật pháp để được xưng công chính đã tự đặt họ vào thế bất khả thi. Vì không ai có thể tư mình xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

Để thuyết phục họ đứng vững trong giáo lý và sự tự do của Tin Mừng, Phaolô đưa ví dụ của mình, và của những người Giuđa đã tiếp nhận Cơ-đốc-giáo, chỉ trông đợi sự xưng công chính bởi đức tin và qua Đức Thánh Linh: “Về phần chúng tôi, bởi đức tin, nhờ Đức Thánh Linh chúng tôi có niềm hi vọng, trông đợi sự công chính” (5). Ông nói rằng: “Vì trong Đức Chúa Giêxu Christ, chịu cắt bì hay không cắt bì không quan trọng” (6); bởi lẽ, trước kia người Do-thái, là người chịu cắt bì, thì được vào hội của Chúa, còn người Hy-lạp, hay dân ngoại không chịu cắt bì, thì bị loại trừ không được vào hội. Khi Đấng Christ đến chấm dứt thời đại luật pháp, thì sự khác biệt giữa người chịu cắt bì với người không cắt bì không còn nữa. Vì thế sự cắt bì không còn là điều quan trọng, nhưng “chỉ có đức tin tỏ ra bằng tình yêu thương mới quan trọng.” Nghĩa là người nào có đức tin thật vào Đấng Christ, thì có tình yêu chân thành đối với Đức Chúa Trời và những người chung quanh, dù người đó đã chịu cắt bì hay chưa chịu cắt bì thì chẳng có gì quan trọng.

Vào lúc người Galati mới tin nhận Chúa thì họ đã cư xử rất đáng khen, đã sẵn lòng tiếp nhận Tin Mừng, chịu báp-têm, hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời, và xưng là môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ. Vì đời sống Cơ-đốc-nhân là một cuộc chạy đua, nên Phaolô nói: “Anh em vốn chạy giỏi” (7); không phải chỉ biết chạy là đủ mà phải chạy giỏi, bằng cách sống đúng những gì mình xưng nhận. Bây giờ vì họ bất ngờ bỏ ngang cuộc chạy, nên câu hỏi đặt ra cho họ là: “Ai đã ngăn cản anh em, không cho anh em vâng phục chân lý?” Không phải Phaolô không biết người đã dẫn họ vào chỗ sai lạc, ông đặt câu hỏi để họ tự vấn việc bỏ Tin Mừng, đặt mình dưới ách luật pháp có chính đáng không? Bởi vì Đức Chúa Trời, “Đấng kêu gọi anh em không xúi giục anh em làm như thế đâu” (8). Chỉ vì họ đã dung dưỡng người dạy đạo sai lạc, nên “một chút men làm cho cả đống bột dậy lên” (9). Ông nói rằng: “Trong Chúa, tôi tin anh em không có ý khác. Nhưng người quấy rối anh em sẽ bị phạt, bất luận người đó là ai.” (10)

Các giáo sư giả vẫn tìm cách pha trộn Do-thái-giáo với Cơ-đốc-giáo, đã phao vu rằng Phaolô thường giảng về phép cắt bì, để dụ dỗ người Galati chịu cắt bì theo họ. Phaolô phản bác “Nếu tôi vẫn rao giảng về lễ cắt bì, sao tôi còn bị bắt bớ? Và nếu thế thập tự giá không còn gây vấp phạm cho ai nữa” (11). Nghĩa là nếu giáo lý về thập tự giá không nghịch lại việc nhờ luật pháp để được xưng công chính, thì họ đã không chống đối giáo lý xưng công chính bởi đức tin vào thập tự giá đến mức như vậy. “Tự cắt thân mình” (12) có vài nghĩa khác nhau: tự hoạn, tự cắt xẻo da thịt, cắt rời khỏi người Galati, hoặc tự hình phạt (thay vì sẽ bị phạt nặng).

Sự tự do mà Đấng Christ ban cho chúng ta không phải là cớ để tính xác thịt ưa tranh chấp lợi dụng gây xào xáo, chia rẽ, nhưng “hãy phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương” (13). Khi sự khác nhau về các vấn đề tín lý nổi lên, người ta thường dễ có sự xung khắc. Sự tự do của nếp sống tín đồ không phải là giấy phép để sống buông thả. Sự tự do mà Chúa kêu gọi ta bước vào không cho phép phạm tội, song khích lệ dùng tình yêu thương phục vụ lẫn nhau, “vì toàn bộ luật pháp được thi hành qua lời dạy nầy: ‘Ngươi hãy yêu thương người lân cận như chính bản thân’” (14). Xung khắc sinh ra đấu đá loại trừ lẫn nhau: “Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, hãy coi chừng kẻo anh em tiêu diệt nhau” (15). Phương cách hiệu quả nhất chống lại tội lỗi là “bước đi theo Thánh Linh, đừng chiều theo dục vọng của xác thịt” (16).

Câu 17 không hàm ý có sự xung đột giữa Thánh Linh với xác thịt trong lòng tín hữu, nó chỉ nêu lên sự tương phản giữa Thánh Linh với xác thịt để giải thích cho câu 16 là lời khuyên về cách sống và cư xử mà tín hữu phải lập quyết định. Câu ấy cũng không nói về sự phấn đấu để diệt trừ những lỗi lầm kín đáo, mà nói về sự công khai không vâng lời Chúa khi ai đó cố ý phạm tội, hơn nữa, câu ấy mô tả về sự trái ngược giữa Đức Thánh Linh với xác thịt, tức là bản chất tội lỗi trong mỗi người. “Nhưng nếu anh em để cho Thánh Linh hướng dẫn, anh em không còn lệ thuộc luật pháp nữa” (18). Những sự ham muốn của xác thịt sẽ bị trấn áp khi tín hữu được Đức Thánh Linh hướng dẫn tâm linh mình. Bản kê khai tánh xác thịt (19–21) không phải là một bản liệt kê đầy đủ về tội lỗi của loài người, nó chỉ là một bản liệt kê tượng trưng những tánh xấu, mà nếu ai phạm một hay nhiều tính xấu ấy, sẽ không được thừa hưởng nước Đức Chúa Trời.

“Nhưng trái của Thánh Linh là yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, trung tín, dịu dàng, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều ấy” (22–23). Nhóm chữ ‘trái của Thánh Linh’ nói về tính chất được tạo thành mới. Khi tội lỗi bị gọi là ‘công việc của xác thịt’ bởi vì bản chất hư hoại là nguyên tắc thúc giục và kích động người ta phạm tội, thì ân điển được gọi là ‘trái của Thánh Linh,’ vì hoàn toàn xuất phát từ Thánh Linh, như các trái ra từ gốc vậy. Tình yêu thương được nhắc đến đầu tiên vì nó là ân điển tốt nhất và bền vững vĩnh viễn. Vui mừng là sự vui vẻ mừng rỡ khi ta trò chuyện với bạn bè, cũng là niềm hoan lạc luôn luôn đối với Chúa. Bình an với Đức Chúa Trời và với lương tâm, hay tánh tình và cách cư xử hoà nhã đối với người khác. Nhẫn nại không nổi giận và chịu thương tổn; nhân từ là tánh hiền hậu dễ thương phát xuất từ trong lòng. Hiền lương là sẵn sàng làm điều lành cho mọi người; trung tín là thuỷ chung, công bằng, thành thật ngay thẳng. Dịu dàng là khả năng chế ngự sự uất hận, không dễ bị chọc tức. Tiết độ là khả năng giữ chừng mực giới hạn trong mọi việc.

“Đóng đinh tính xác thịt với các đam mê, dục vọng vào thập tự giá rồi” (24) nhắc nhở quyết định của tín hữu thật khi chịu báp-têm. Nếu chúng ta xưng đã nhận Thánh Linh của Đấng Christ, hoặc đã được đổi mới trong Thánh Linh của Đấng Christ, thì hãy thể hiện bằng các hoa trái thích đáng của Đức Thánh Linh trong đời sống (25). Cuối cùng, vị sứ đồ nhắc nhở người đọc chống lại sự kiêu ngạo và ganh tị nhau (26). Sự tự phụ là tánh tìm kiếm thứ vinh quang mau tàn. Khoác lác, khoe khoang là hành vi dễ khiêu khích người khác. Tánh hay ganh tị là nguồn gốc của mọi điều tranh chấp, sợ người khác hơn mình, vv. Cho nên cần phải từ bỏ nó.

Galatibai08.docx

Rev. Dr. CTB