Trôi Nổi Đời Tù

Sách Công Vụ, bài 44

paul-in-chains

Công Vụ 23:12–35; 24:1–27

Những người Do-thái âm mưu giết Phao-lô không biết rằng Chúa đang bảo vệ ông. Người ta quyết chí bênh vực niềm tin truyền thống của họ chứ không nhận biết việc làm sai trái của những người đã giết Đức Chúa Giêxu gần 30 năm trước.

Lúc bấy giờ, Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem được lãnh đạo bởi Gia-cơ, em trai của Đức Chúa Giê xu, hình như không còn ảnh hưởng mạnh trên xã hội như trước. Không ai biết những hoạt động của các sứ đồ sau giáo-hội-nghị lần thứ nhất, bởi vì những tài liệu lịch sử, nếu có, đã bị thất lạc sau khi thành phố Giê-ru-sa-lem bị quân sĩ của tướng La-mã, Titus, san bằng vào năm 70 A.D.

Những ký thuật do Luca ghi lại trong sách Công Vụ thì không đề cập gì đến thánh vụ của các sứ đồ còn lại. Các sử gia chỉ căn cứ vào những tài liệu ghi chép sau nầy theo lời các môn đồ của sứ đồ Giăng kể lại theo cách truyền khẩu.

Như vậy, dù các thánh đồ Do-thái của Hội-thánh Giê-ru-sa-lem không có hành động nào can thiệp cho Phao-lô, Đức Chúa Trời vẫn có phương cách bảo vệ tính mạng của ông (12–24).

Viên sĩ quan chỉ huy, Claudius Lysias, đã cẩn thận sai một đội quân hùng hậu giải Phao-lô đến Caesarea, nơi tổng đốc La-mã Felix ở và làm việc, để bảo vệ tính mạng ông khỏi bị người Do-thái mưu sát. Phao lô được cấp ngựa để cỡi (24), không phải đi bộ cũng không bị nhốt trong cũi chở tù, cùng đi với 470 quân lính.

Claudius Lysias cũng cẩn thận viết tờ trình lý do ông phải gửi Phao-lô tới cho Felix, trong đó ông ghi rõ nhận xét của mình về việc người Do-thái tố cáo Phao-lô (25–30); nhưng có một chi tiết không thật để che giấu việc bắt trói một công dân Rô-ma mà chưa xét hỏi (27).

Antipatris là một đồn binh ở giữa xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, nằm cách Giê-ru-sa-lem khoảng 30 dặm (31). Đồn lính nầy do Hêrốt đại đế trùng tu và dùng tên người cha đặt cho đồn lính đó.

Phao-lô được đưa đi ban đêm để những người thề nguyện giết Phao-lô không biết và cũng không xoay trở gì được, nếu tình cờ có khám phá ra kế hoạch của Claudius Lysias. Từ Antipatris, chỉ kỵ binh đi với Phao-lô đến Caesarea, còn bộ binh và lính cầm giáo đều trở về Giê-ru-sa-lem (32).

Theo nhận xét của Claudius Lysias (29), đáng lẽ theo luật pháp La-mã, Felix phải ra lệnh thả Phao-lô cho được tự do, nhưng ông ta không muốn làm mất lòng người Do-thái, một dân tộc sẵn sàng nổi lên bất cứ lúc nào chống lại ách cai trị của người La-mã, nếu họ có cơ hội và lý do để hô hào khởi nghĩa; cho nên, Felix truyền lệnh giam giữ Phao-lô trong một nơi thoải mái, là dinh Hê-rốt, cũng là nơi ở của Felix (33–35).

Không biết các nhà lãnh đạo Do-thái-giáo và những người Do-thái đã thề nguyện nhịn ăn tới khi nào giết được Phao-lô bây giờ nghĩ gì, sau khi âm mưu của họ bị phá hỏng hoàn toàn. Dù sao họ vẫn phải đến Caesarea để kiện Phao-lô trước toà tổng đốc (24:1).

Trước hết, họ dùng những từ ngữ nịnh hót để lấy lòng viên tổng đốc, sau đó bằng lời lẽ mạ lỵ và bịa đặt họ vu khống Phao-lô, người mà họ thù ghét vì đã giảng đạo cứu rỗi cho người dân ngoại mà không bắt họ phải quy đạo Do-thái trước (24:2–6).

Những kẻ tố cáo hi vọng một cách hão huyền rằng viên tổng đốc sẽ tin lời họ nói khi có vài lời xác nhận phụ hoạ một cách dối trá kèm theo (7–9).

Cách xử của luật pháp La-mã trong một buổi điều trần đã cho người bị kiện có cơ hội tự biện hộ trước những lời tố cáo (10). Phao-lô, một sứ đồ của Đức Chúa Giêxu, người con thật của Chúa đã dùng sự thật phản bác các lời tố cáo dối trá của người Do-thái, mà họ không có cách gì bẻ bác lời tường thuật của ông.

Thành công lớn của Phao-lô là vạch mặt bọn người tố cáo ông trước toà rằng những lời họ nói là dối trá. Ông thách thức họ đưa ra chứng cớ về việc họ tố cáo ông đã làm rối loạn Giê-ru-sa-lem trong mười hai ngày qua, mà hàm ý của họ thì Phao-lô là thủ lãnh của một phái định nổi lên chống lại chính quyền La-mã (10b–21).

Sự mất mặt, sượng sùng hết sức bẽ bàng của thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia và phái đoàn luật gia của ông ta là vô cùng lớn, vì họ không có chứng cớ gì hết để hậu thuẫn cho những lời tố cáo độc ác của họ (20).

Luật sư Tertullus đã tố cáo Phao-lô ba điều: 1/ Tên ôn dịch gây rối loạn cho người Do-thái ở khắp nơi (5); 2/ thủ lãnh của phái Na-xa-rét (5b); 3/ toan làm ô uế đền thờ (6).

Mưu tính thâm độc của Tertullus là gán cho Phao-lô tội chính trị, vì chính quyền La-mã luôn luôn cảnh giác để khám phá những mầm mống khởi nghĩa ở các lãnh thổ bị trị. Tertullus muốn Felix xem Phao-lô là một người nguy hiểm về mặt cách mạng chính trị; cho nên, họ dùng điều đầu tiên để mượn tay chính quyền La-mã trừ khử Phao-lô.

Nhưng khi bị Phao-lô thách thức hãy đem nhân chứng ra xác nhận lời tố cáo ấy, thì họ chẳng có nhân chứng nào (13). Vì vậy, điều tố cáo đầu tiên thất bại thảm hại.

Điều tố cáo kế tiếp của Tertullus rằng Phao-lô là thủ lãnh của phái Na-xa-rét, có hàm ý Phaolô lãnh đạo một phong trào chính trị, mà Felix có thể sẽ nghi ngờ các hoạt động của Phao–lô, rồi kết án ông để trừ hậu hoạ. Nhưng có lẽ ông ta không biết “Felix đã biết rõ về Đạo Chúa” (22).

Về việc người Giu-đa gọi thành viên của Hội-thánh Chúa ở xứ Giu-đê là ‘phái Na-xa-rét,’ bởi vì tên gọi Cơ-đốc-nhân vào thời ấy chỉ dành cho các Hội-thánh dân ngoại; còn những người Do-thái tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a thì tránh tên gọi đó, kể cả một số tín hữu Do-thái thời bây giờ cũng tránh dùng tên ấy nữa.

Phao-lô đáp lại rằng niềm tin của ông và của họ về Đức Chúa Trời là giống hệt nhau. Đạo mà họ miệt thị chính là sự ứng nghiệm các lời tiên tri của Do-thái-giáo, chứ chẳng phải là phong trào chính trị gì hết (14–16).

Sở dĩ Tertullus vu khống Phao-lô toan làm ô uế đền thờ vì hi vọng có thể bám lấy nguyên cớ đó để bắt tội Phao-lô. Số là chính quyền La-mã thuận cho Do-thái giáo có thẩm quyền pháp lý về tôn giáo, tức là toàn quyền về các vấn đề nội bộ trong đền thờ của họ. Nếu họ có thể chứng minh được là Phao-lô cố ý làm ô uế đền thờ của họ, thì Felix sẽ giao Phao-lô cho họ xét xử theo luật lệ của Do-thái-giáo.

Nhưng điều tố cáo nầy lại bị phản ứng ngược, vì lúc họ gặp Phao-lô trong đền thờ là sau khi ông đã làm lễ tẩy uế, “chứ không có việc tụ tập đám đông hay gây rối loạn gì cả.” (17–18).

Hơn nữa, Phao-lô thách thức: “Nhưng mấy người Do-thái từ Tiểu Á đã gặp tôi, đáng lẽ họ phải có mặt trước tổng trấn hôm nay để tố cáo, nếu họ có gì để tố cáo” (19).

Ông lại hỏi đích danh nhóm người đang cáo kiện: “Nếu không, chính những người nầy hãy nêu lên lỗi gì tôi đã phạm khi tôi ra trước hội đồng, ngoại trừ tôi kêu lên khi đứng giữa họ: ‘Vì sự sống lại của người chết mà hôm nay tôi bị các ông xét xử!’” (17–21).

Họ lại cứng họng, vì tất cả những điều họ tố cáo Phao-lô đều là bịa đặt do thù ghét. Cách đối đáp của Phao-lô khiến cho nhóm người đến tố cáo ông trông ngu ngốc, gian xảo và lố bịch trước mắt Felix. Vì Felix vẫn muốn đẹp lòng người Do-thái, nên ông lấy cớ chờ đội trưởng Lysias đến mới tiếp tục phiên xử (22); nhưng không có chứng cớ nào Felix cho lệnh đòi Claudius Lysias đến Caesarea để giải trình nội vụ. Bởi vì trong thư chuyển giao Phao-lô, Lysias đã nói rõ nội vụ rồi. Felix kín đáo cho Phao-lô được thong thả tiếp rước bạn hữu dù vẫn bị giam giữ ở Caesarea (23).

Vài ngày sau, Felix cùng đến với vợ là Drusilla, một người Do-thái (và là một trong ba con gái của Herod Agrippa), rồi sai mời Phao-lô, và nghe ông giảng về đức tin trong Đức Chúa Giêxu Christ. Khi Phao-lô giảng luận về sự công chính, sự tự chủ và cuộc phán xét tương lai của Chúa, Felix run sợ nói: ‘Thôi bây giờ ông về đi, khi nào có dịp tôi sẽ gọi lại!’” (24–25).

Sở dĩ Felix run sợ vì là môt quan tham, không công chính. Có lẽ vì nghe Phao-lô kể việc ông trở về Giê-ru-sa-lem sau nhiều năm xa cách “mang theo tặng phẩm cứu tế đồng bào, và dâng hiến lễ vật” (17), Felix tưởng Phao-lô có nhiều tiền từ nhiều bạn bè hiến tặng, vì thế ông ta “mong Phao-lô đút lót, nên thường đòi ông đến nói chuyện” (26).

Felix muốn lấy lòng người Do-thái, cứ giữ ông; nên Phao-lô bị giam ở Caesarea thấm thoắt đã hai năm mà không có cuộc xét xử nào tiếp theo (27). Cho đến khi Porcius Festus tới thay Felix làm tổng đốc xứ Giu-đê, thì vụ việc của Phao-lô mới được đem ra xem xét.

Như vậy, Phao-lô đã được nghỉ ngơi hai năm trọn, sau những chuyến truyền giáo đầy gian khổ của ông.

SachCongVu44.docx

Rev. Dr. CTB