Sự Bảo Vệ Của Chúa

Chúa Nhật, February 15th, 2015

Sáng Thế Ký, 28

Sáng Thế Ký 19:30–38; 20:1–18

Phần cuối của đoạn 19 kể lại nguồn gốc hai sắc dân Mô-áp và Am-môn, là kết quả sự suy nghĩ và tính toán sai lạc từ hai con gái của ông Lót. Vì sau khi trốn vào thành Zoar rồi không dám ở đồng bằng nữa, ba cha con chạy lên núi và sống trong một hang đá (30).

Có lẽ họ sống ở đó lâu ngày nên mới hái nho ép và ủ thành rượu khá mạnh; và vì những người sống vùng đồng bằng đã bị lửa từ trời đổ xuống hủy diệt hết cả, nên hai con gái của Lót tưởng rằng họ là những người duy nhất còn tồn tại trong vùng (31).

Vào thời bấy giờ có lẽ vấn đề loạn luân chưa phải là thứ tội trầm trọng như xã hội văn minh ngày nay; cho nên hai cô con gái của Lót đã thay nhau phục rượu cho cha mình say rồi ăn nằm với ông (32–36). Con họ sinh ra là tổ phụ của Mô-áp và Am-môn (37–38).

Như vậy, sự tường thuật của Kinh-thánh rất chân thật, không che giấu hay bịa đặt như thói đời.

Về phần Áp-ra-ham thì rời khỏi khu vực các cây sồi của Mam-rê đi xuống khu vực Nê-ghép, giữa Kadesh và Shur (20:1). Lý do nào khiến ông phải rời bỏ chỗ ông đã sống từ mười lăm tới hai mươi năm, thì khó biết rõ.

Có thể là vì phải tìm đồng cỏ rộng rãi cho bầy gia súc; hoặc quá buồn rầu vì tưởng rằng gia đình cháu mình đã bị hủy diệt. Nhưng lý do chính đáng nhất là Áp-ra-ham phải đi hết chiều dài và chiều ngang của đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông (Sáng thế 13:17).

Gerar là một thành thuộc lãnh thổ của người Philistine. Tên gọi Abimelech là danh hiệu vua của Philistine, không phải là tên riêng của một người. Hơn hai mươi năm trước ở Ai-cập, Áp-ra-ham không dám nói Sa-ra là vợ mình, nên bà bị đưa vào cung vua. Nhờ Chúa giải cứu, bà được trả về cho chồng. Bây giờ ở Gerar, Áp-ra-ham cũng vấp phải lỗi lầm cũ (2).

Nhan sắc của bà Sa-ra chắc phải rất đẹp; cho nên dù đã gần 90 tuổi, bà vẫn bị đưa vào cung vua. Người ta nói rằng lúc ấy bề ngoài bà trông giống như một phụ nữ mới ngoài 40 tuổi; nhan sắc đó làm nhiều vị đàn ông mê mẩn.

Nhưng ban đêm, Đức Chúa Trời hiện đến và phán với Abimelech trong chiêm bao: ‘Ngươi sẽ chết vì người phụ nữ mà ngươi đã bắt. Nàng đã có chồng’” (3). Ngay từ thời luật pháp của Đức Chúa Trời chưa được ban bố, tội cướp vợ người khác sẽ bị trừng phạt  bằng sự chết.

Abimelech kinh hoảng khi biết Sa-ra là vợ của Áp-ra-ham, và may mắn cho ông là ông chưa ăn nằm với Sa-ra. Ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa nỡ tiêu diệt một dân vô tội sao? Chẳng phải chính Áp-ra-ham đã nói với con: ‘Nàng là em gái tôi’ sao? Và chẳng phải chính cô ta cũng nói: ‘Đó là anh tôi’ sao? Con làm điều nầy với lòng trung thực và bàn tay trong sạch” (4–5).

Sự kiện rất đáng để ý ở chỗ nầy là tri thức về Đức Chúa Trời chưa biến mất khỏi tâm trí của loài người ở khu vực ấy vào thời đó, vốn là dòng dõi của Nô-ê và được hưởng giao ước của Đức Chúa Trời lập với Nô-ê (Sáng-thế 9:1–7).

Trong trường hợp của Abimelech, đáp ứng của ông trước sự cảnh cáo của Đức Chúa Trời chứng tỏ lương tâm của ông và triều đình ông vẫn còn có sự tôn sùng và kính sợ Chúa.

Theo phong tục và cách hành xử của người thời bấy giờ, thì việc đàn ông có nhiều vợ không phải là tội lỗi, và lương tâm của họ không bị cắn rứt gì về tập quán đó, nhưng cướp vợ của người khác là tội trọng đáng chết.

Đức Chúa Trời biết rõ lòng người ta hơn là họ tự biết về họ. Ngài cũng giúp ngăn cản người có lòng ngay thẳng không bị phạm những lỗi mà họ không biết (6).

Tuy vậy, không phải lúc nào người ta cũng được kể là vô tội khi phạm những lỗi mình không biết. Vì thế, Chúa nói rằng Ngài đã ngăn cản không cho Abimelech động đến bà Sa-ra.

Ngài cũng ra lệnh cho Abimelech trả Sa-ra lại cho Áp-ra-ham. Vì nhờ lời cầu nguyện của Áp-ra-ham mà Abimelech và toàn hoàng gia được sống (7).

Lời Chúa xác nhận Áp-ra-ham là nhà tiên tri, có nghĩa là người phát ngôn của Chúa hay là người trung gian giữa Đức Chúa Trời với loài người. Tiên tri là người có bổn phận công bố lời hoặc ý muốn của Đức Chúa Trời cho những người không thể nghe hay trò chuyện với Ngài.

Chắc rằng Abimelech không thể ngủ yên được nữa sau khi nghe Chúa phán bảo trong chiêm bao. Bởi vậy “Abimelech dậy sớm, triệu tập triều thần đến, thuật lại rõ ràng những lời đó. Mọi người đều khiếp sợ” (8).

Ở đây chỉ nói Abimelech thuật lại giấc chiêm bao cho triều thần của ông nghe. Nhưng dựa trên phản ứng khiếp sợ của nhóm triều thần, thì chắc Abimelech phải thuật lại rõ ràng sự hiện ra đáng kinh hãi của Chúa trong chiêm bao ra sao. Đến nỗi khi trời vừa sáng là ông đã vội vàng triệu tập toàn thể quần thần để kể chuyện cho họ nghe. Một xã hội thờ đa thần bỗng nghe về sự linh ứng của vị thần tối cao, thì họ phải khiếp sợ vị thần vô cùng linh thiêng ấy.

Abimelech liền đòi Áp-ra-ham đến để hạch hỏi: “Ngươi đã làm gì cho chúng ta vậy? Ta có làm điều gì không phải với ngươi đâu, mà ngươi làm cho ta và cả nước phải phạm tội lớn như thế? Ngươi đã làm cho ta điều không nên làm. … Ngươi có ý gì mà lại làm như vậy?” (9–10).

Lúc ấy có lẽ Áp-ra-ham rất là xấu hổ. Có lẽ ông nhớ lại tình cảnh tương tự hơn hai mươi năm trước ở Ai-cập. Ông bèn nói rằng ông nghĩ là xứ đó không có người nào kính sợ Đức Chúa Trời, và ông có thể bị mất mạng do ông có người vợ quá đẹp.

Ông cũng trình bày rằng lời ông nói không phải tất cả là dối trá, mà có một nửa sự thật: “vì nàng cũng là em gái tôi, em một cha khác mẹ; nhưng tôi đã cưới nàng làm vợ” (11–12). Đồng thời ông và bà cũng đã thoả thuận như thế (13).

Bài học nầy được ghi lại để giúp chúng ta suy gẫm. Áp-ra-ham là tổ phụ về gương mẫu của đức tin; nhưng khi đứng trước tình cảnh mà ông lo sợ cho mạng sống mình, thì ông không nương cậy sự bảo vệ của Chúa mà sử dụng mưu trí của mình để sinh tồn.

Sa-ra đã suy nghĩ ra sao khi bị đưa vào hậu cung của Pha-ra-ôn hơn hai mươi năm trước, ngày nay lại bị bắt đem vào hậu cung của Abimelech! Áp-ra-ham đã biết rõ khi không dám nhận Sa-ra là vợ mình, mà nói bà là em gái, thì chắc chắn bà sẽ bị đem đi làm vợ người khác. Cách xử sự như thế có nghĩa là đem sự cám dỗ tới trước mặt người khác khiến họ phạm tội.

Khi sự thật bị phơi bày thì ông lại tìm cách bào chữa cho hành động sai trật của mình. Chuyện nầy là lời cảnh cáo cho chúng ta hãy lấy đó làm gương và đừng bắt chước cách suy tính khôn lỏi.

Khi Pha-ra-ôn, vua Ai-cập, đem Sarai vào hậu cung, thì vua đã tặng cho Áp-ra-ham rất nhiều của cải và tôi tớ, như là các sính lễ cho nhà gái. Đến lúc vua biết Sarai là vợ Áp-ram, và trả bà lại cho ông, thì vua chẳng đòi lại quà cáp đã tặng, nhưng đuổi Áp-ram ra khỏi bờ cõi.

Abimelech thì trả Sa-ra cho Áp-ra-ham kèm theo quà tặng để chuộc lỗi, lại cho phép Áp-ra-ham muốn ở đâu thì ở (14–15).

Vua cũng nói với Sa-ra: “Nầy, ta ban cho anh ngươi một nghìn miếng bạc; đây là bức màn che mắt mọi người ở với ngươi, và ngươi sẽ được minh oan trước mọi người”(16). Một ngàn miếng bạc không phải là quà tặng, nhưng là món tiền chuộc lỗi.

Bức màn che mắt” là một cách nói theo nghĩa bóng về món tiền chuộc lỗi làm hòa để mọi người đều bỏ qua lỗi ấy; đồng thời bà cũng được xác nhận là Abimelech chưa động chạm gì đến bà; vì vậy bà được minh oan.

Theo ý nghĩa rõ ràng của hai câu cuối (17–18), thì người ta phải đặt nghi vấn về thời điểm của câu chuyện xảy ra.

Nếu cho rằng chuyện nầy xảy ra trong khoảng thời gian giữa thời điểm thành Sodom và Gomorrah bị hủy diệt với ngày Y-sác chào đời sau nầy (21:5), thì khoảng thời gian đó chỉ có một năm mà thôi (18:10). Nhưng câu cuối ghi rằng: “Trước đó, do vụ Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, nên Đức Giê-hô-va đã khiến cho mọi người nữ trong hoàng gia Abimelech không sinh sản được” (18).

Bối cảnh của toàn thể câu chuyện có lẽ đã diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Nếu có lâu dài lắm thì chỉ khoảng hai tháng mà thôi. Vì thời gian Sa-ra mang thai Y-sác phải từ chín tháng trở lên.

Như vậy, thời gian mà mọi người nữ trong hoàng gia Abimelech không sinh sản được là bao lâu, bắt đầu từ bao giờ? Sau khi Áp-ra-ham cầu nguyện cho, thì khi nào họ bắt đầu sinh sản?

Rất có thể câu chuyện nầy xảy ra trước lúc Đức Chúa Trời thăm viếng Áp-ra-ham dưới bóng các cây sồi của Mam-rê; mà trình tự thời gian bị lẫn lộn vì Ngũ Kinh do Môi-se chép khoảng 500 năm sau khi Áp-ra-ham đã qua đời.

Rồi Kinh-thánh lại được sao chép quá nhiều lần trong lịch sử hơn 1500 năm sau đó. Dù ngày nay người đọc chỉ ước đoán thời điểm mà câu chuyện thật sự xảy ra không hoàn toàn chính xác, nhưng bài học về đạo đức của lời nói chân thật, và sự giải cứu tuyệt diệu của Đức Chúa Trời đối với những người thuộc về Ngài thì vẫn luôn có giá trị.

SangTheKy28.docx

Rev. Dr. CTB