Giống Như Thời Nô-Ê

Ngày Chúa Tái Lâm, bài 06

Luca 17:22–27

Ngài lại phán với các môn đồ: Sẽ có thời kỳ các con ước ao được thấy một ngày của Con Người mà không thấy được. Người ta sẽ nói với các con: ‘Ngài ở đây’ hay ‘Ngài ở đó’ thì đừng đi và đừng chạy theo họ. Vì như chớp sáng lòe từ phương trời nầy đến phương trời kia, thì Con Người trong ngày của Ngài cũng như vậy. Nhưng trước hết, Ngài phải chịu nhiều điều đau đớn và bị thế hệ nầy chối bỏ. Trong thời Nô-ê thể nào thì trong ngày Con Người cũng thể ấy: Người ta ăn uống, cưới gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, rồi nước lụt tràn đến hủy diệt tất cả.

Cả bốn sách Phúc Âm đều tường thuật lời Đức Chúa Jesus hứa sẽ trở lại thế gian. Tiếng Hán gọi là sự “Tái Lâm” của Ngài. Vì tái lâm là lời hứa của chính Đức Chúa Jesus, cho nên, ai xưng là tín hữu mà không tin Ngài sẽ trở lại thế gian thì rất là lố bịch. Điều khó khăn là không ai biết ngày Chúa trở lại sẽ xảy ra khi nào. Người ta chỉ biết dùng chính những dấu hiệu mà Chúa đã cho biết để đoán định thời kỳ mà thôi. Vì Ngài cho biết: “Trong thời Nô-ê thế nào thì trong ngày Con Người cũng thể ấy” (26), nên chúng ta quan sát thế giới thời Nô-ê ra sao rồi so sánh với thời kỳ hiện nay để biết mình đang ở đâu trong lịch thời gian của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus dùng “Ngày Con Người” để nói về ngày Ngài trở lại thế gian, có nghĩa ngày ấy là Ngày riêng của Ngài.

Những ai có đọc sáng Sáng Thế đều biết tên ông Nô-ê, người được Đức Chúa Trời bảo đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông và nhiều loại thú vật khỏi bị tiêu diệt trong cơn đại hồng thủy (Sáng Thế 6:14, 17–18) “Con hãy đóng một chiếc tàu bằng gỗ gô-phe, chia thành từng phòng và trét nhựa chai cả trong lẫn ngoài.Còn Ta, Ta sẽ dẫn nước lụt đến trên đất để tiêu diệt tất cả các loài xác thịt có hơi thở ở dưới trời. Mọi vật trên đất đều sẽ chết hết. Nhưng Ta sẽ lập giao ước với con, rồi con sẽ vào tàu cùng với vợ, các con trai và các con dâu của mình.

Chúa kể người ở thế hệ ông Nô-ê đều là bại hoại (Sáng Thế 6:11–13) “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy điều hung bạo. Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy chúng bại hoại, vì mọi người trên đất đều theo lối sống băng hoại. Đức Chúa Trời phán với Nô-ê: Ta đã quyết định tận diệt mọi người, vì do chúng mà thế gian đầy dẫy điều hung bạo. Nầy, Ta sẽ tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.” Chỉ riêng gia đình Nô-ê được Chúa xem là công chính vì ông cùng đi với Đức Chúa Trời (Sáng Thế 6:9) “… Trong thế hệ mình, Nô-ê là một người công chính và trọn vẹn; ông cùng đi với Đức Chúa Trời.” Một số thần học gia giải nghĩa khác nhau về chữ Hebrew được tiếng Việt dịch là “trọn vẹn.” Có người cho rằng chữ đó có nghĩa là “thuần chủng,” tức là không bị lai tạp.

(Sáng Thế 6:2) “Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người xinh đẹp thì cưới những người nào họ chọn để làm vợ.” (Sáng Thế 6:4) “Vào thời bấy giờ và sau đó có những người khổng lồ xuất hiện trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở với con gái loài người rồi sinh con cái.” Hai câu nầy nói về “các con trai của Đức Chúa Trời” ăn ở với con gái loài người khiến giới thần học gia bối rối không thể giải nghĩa được; vì họ tin rằng thiên sứ, là loài thuộc linh giới, không có thân thể như loài người.

Nhưng vì từ ngữ Hebrew “Bene Elohim,” (con trai của Đức Chúa Trời) nghĩa là thiên sứ, nên người ta bối rối. Ở thế kỷ AD 2 vài học giả Judah cho rằng “Bene Elohim” là đàn ông dòng dõi của Seth (con trai thứ ba của Adam); từ đó, giới thần học gia Cơ-đốc của các phái truyền thống vội vàng nắm lấy cách giải nghĩa nầy. Nhưng khi tới (Job 1:6) “Một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến trình diện Đức Giê-hô-va. Satan cũng đến với họ.” (Job 2:1) Một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến trình diện Đức Giê-hô-va. Satan cũng đến để trình diện Ngài.” lại gặp nhóm chữ “Bene Elohim” (con trai của Đức Chúa Trời) thì dịch là thiên sứ.

Trở lại (Sáng Thế 6:9) “… Trong thế hệ mình, Nô-ê là một người công chính và trọn vẹn; ông cùng đi với Đức Chúa Trời,” những người chủ trương ý nghĩa của chữ “trọn vẹn” là “thuần chủng” thì ở thế mạnh hơn vì nghĩa rõ ràng của nhóm chữ “con trai của Đức Chúa Trời” là các thiên sứ. Hơn nữa, đàn ông dòng dõi của Seth ăn ở với đàn bà dòng dõi Cain sinh ra người khổng lồ, tiếng Hebrew gọi là Nephilim, thì không hợp lý chút nào.

Bài học nầy tạm gác chi tiết đó, bởi vì lời Đức Chúa Jesus nói về tình trạng xã hội lúc Nô-ê đang đóng chiếc tàu thì tương tự như tình trạng xã hội thời nay trước khi Ngài trở lại thế gian; cho nên, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét và so sánh hai thời kỳ nầy để biết rõ vấn đề. (Sáng Thế 6:11–13) cho biết người thời ấy đều theo lối sống băng hoại và đầy dẫy điều hung bạo: “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy điều hung bạo. Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy chúng bại hoại, vì mọi người trên đất đều theo lối sống băng hoại. Đức Chúa Trời phán với Nô-ê: Ta đã quyết định tận diệt mọi người, vì do chúng mà thế gian đầy dẫy điều hung bạo. Nầy, Ta sẽ tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.’

Xã hội thời nay cũng vậy. Nếu ai biết về các băng đảng ở Mễ và các nước vùng Trung Mỹ thì không tưởng tượng nổi sự hung bạo của loài người. Đến nỗi ngay tại thành phố văn minh chúng ta ở hiện nay, tính băng hoại của các tầng lớp không tin Chúa, và mức độ hung bạo của thế giới ngầm, khiến ai biết tới đều phải rùng mình kinh sợ. Mặc dù ít có kẻ ăn thịt người, nhưng sự giết người tàn bạo thì luôn xảy ra.

Khi Đức Chúa Jesus mô tả “người ta ăn uống, cưới gả …” thì có nghĩa là mọi sinh hoạt chung vẫn diễn ra bình thường, kể cả mọi người trong Hội Thánh của Chúa. Nhưng, ý Chúa muốn nói ở đây là, không ai, kể cả những người vẫn thường xuyên nhóm lại thờ phượng Ngài hàng tuần, nghĩ tới, hoặc ngờ rằng ngày tận thế sẽ tới thình lình, “cho đến ngày Nô-ê vào tàu, rồi nước lụt tràn tới hủy diệt tất cả” (26). Như vậy, có bao nhiêu người biết lời báo động nầy? Hội Thánh có được thông báo không? Ai có đi thờ phượng Chúa thường xuyên đều được cảnh báo việc nầy rồi. Xã hội cũng đã được Hội Thánh của Chúa cho biết nữa; nhưng rất ít người chịu quan tâm. Mặc dù tín hữu nào cũng muốn biết rõ ngày của Chúa là khi nào để chuẩn bị sẵn sàng, nhưng Chúa chưa cho biết trước.

Vào thời chiến tranh Nam-Bắc Hàn, tình hình rất bi đát về mọi mặt. Nhưng con cái Chúa luôn siêng năng nhóm lại cầu nguyện; bởi vì tín hữu luôn an tâm khi gần gũi với Chúa trong nhà Ngài. Hội Thánh Chúa tại Nam Hàn đã phát triển nhanh chóng nhờ lòng yêu mến Chúa và tinh thần cầu nguyện của đa số tín hữu trong Hội Thánh ở tất cả các hệ phái. Vì vậy, dù định cư ở nước nào, họ vẫn giữ các buổi cầu nguyện sáng sớm ở nhà thờ. Và hầu như tất cả thành viên của Hội Thánh đều cầu nguyện ở nhà thờ trước khi khởi đầu một ngày làm việc mới. Tại sao họ giữ thói quen đó? Bởi vì không những họ được phước, Hội Thánh phát triển, mà họ biết họ được an toàn trong tay Chúa giữa thời nhiễu nhương đầy bất trắc trong thế gian. Tập luyện được thói quen nầy là phước lớn!

Sau ngày 11/09/2001, các nhà thờ ở Mỹ đều đầy nghẹt người ở bất cứ buổi nhóm nào. Người Mỹ kinh hoảng vì kẻ thù đã tấn công có hiệu quả ngay trên đất nước tự hào là hùng mạnh nhất thế giới. Không ai còn cảm thấy an toàn. Tất cả các cơ quan an ninh khét tiếng tài giỏi đều bị những tên khủng bố Hồi giáo qua mặt cách dễ dàng. Đến nỗi, các tên nầy trả tiền học lái máy bay thương mại chỉ cần biết cất cánh thôi, không cần học hạ cánh; vậy mà CIA và FBI vẫn ngơ ngơ không để ý gì hết. Người ta chạy tới nhà thờ với hi vọng rằng Chúa sẽ che chở họ. Vô số bảng quảng cáo cỡ lớn đều in dòng chữ “IN GOD WE TRUST” (Chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời) xuất hiện khắp nơi, khiến cho con cái Chúa rất vui mừng hồ hởi vì thấy Chúa của mình được tôn trọng.

Chỉ ba tháng sau, các tấm bảng đó biến mất, các nhà thờ vắng vẻ như cũ. Bởi vì chẳng có nhà thờ nào thấy trước cảnh ngộ ấy, nên chẳng ai chuẩn bị tiếp đón, giảng dạy, chăm sóc số người kinh hoảng trước tai họa. Có thể nói rằng, những người mới đều thấy hầu hết thành viên của Hội Thánh chẳng khác họ là bao về cách sống; đồng thời họ thấy sinh hoạt của Hội Thánh rất nhàm chán, khả năng thuyết phục kém, thành viên lười biếng đọc Kinh Thánh, xao lãng cầu nguyện, không có khả năng trả lời các sự thắc mắc bình thường về tâm linh. Khi thấy Mỹ tấn công Taliban và lùng kiếm Osama Bin Laden ở Afganistan, những người chạy tới nhà thờ sau 11/9 lại cảm thấy an toàn, chẳng lo sợ gì nữa, nên không còn thấy cần sự bảo vệ của Đấng Thần Linh trong Hội Thánh.

Giới người thành thạo chuyện chính trị nước Mỹ tin rằng sẽ có bạo loạn lớn sau cuộc bầu cử cuối năm nay. Nếu có việc đó xảy ra, khi có người chạy tới tìm kiếm sự bảo vệ của Chúa, chúng ta, Hội Thánh ở các địa phương sẽ phải làm gì? Những ai tính rằng mình sẽ trốn ở nhà cho an toàn hãy nghĩ lại. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều sẽ bị cân trên bàn cân của Chúa. Mỗi người đều phải khai trình trước mặt Chúa về thái độ và sự toan tính ích kỷ và hèn nhát của mình. Xã hội ngày nay đúng là hoàn toàn băng hoại và đầy dẫy sự hung bạo. Tín hữu trong Hội Thánh ngày nay đúng là chỉ lo ăn uống, cưới gả mà không lo ngại gì về các nguy cơ đang đe dọa hủy phá linh hồn mọi người. Tất cả chúng ta đều cần phải chuẩn bị vì người ta sẽ hối hả tới Hội Thánh tìm Chúa.

Tình hình xã hội hiện nay giống như thời Nô-ê, đúng với lời Đức Chúa Jesus đã cho biết trước. Chúng ta đã được cảnh báo rồi. Vậy, hãy sẵn sàng để giúp người tìm kiếm sự cứu rỗi, và cũng vui mừng tiếp đón Chúa trở lại tiếp rước Hội Thánh Ngài.

NgayChuaTaiLam06.docx

MS CTB