Các Giáo Huấn Quan Trọng (2)

Thư Hê-bơ-rơ, bài 27

ephesians_2-8

Hê-bơ-rơ 13:9–25

Có hai loại giáo đồ dễ theo các thứ giáo lý sai trật. Loại thứ nhất là tín đồ theo đạo của gia đình, tổ tiên truyền lại, là những người ít chịu đọc hay suy gẫm Lời Chúa tới nơi tới chốn, chỉ tin sự dạy dỗ của giáo phái, giáo hội mình đang theo là đúng. Phần lớn giáo lý của họ do loài người đặt ra, hoặc lấy những điều lệ của giáo hội làm giáo lý, không theo ý nghĩa thật của Kinh-thánh.

Loại tín hữu thứ nhì là những người mới theo đạo, ham học hỏi, hoặc là ngây thơ nên dễ bị dẫn dụ, hoặc người có tánh tự cao không chịu nghe lời người chăn dắt mình.

Những giáo lý khác lạ hoặc sai trật thường nhắm vào hình thức bên ngoài, hay khuyến khích người ta làm theo các luật lệ nào đó để được yên tâm (9). Ví dụ như thờ cúng, làm dấu thánh, hoặc phải kiêng cữ những loại thức ăn nào đó.

Vì thế, tác giả dạy rằng: “Điều tốt hơn cả là tấm lòng anh em được củng cố bởi ân điển, chứ không phải bởi các qui tắc về thức ăn, không có ích gì cho người noi theo.

Ân điển của Chúa sẽ gìn giữ con cái Ngài vững vàng không bị trôi lạc. Còn giáo lý luật lệ do người ta đặt ra sẽ dẫn từ sai trật nầy tới sai trật khác; bởi vì họ chú trọng tới việc kiêng cữ các loại thức ăn, chứ không chú trọng tới ân điển của Đức Chúa Giêxu, Đấng đã chịu hi sinh vì tội lỗi của cả nhân loại.

Chúng ta có một bàn thờ” (10), nghĩa là sự khác biệt giữa Cơ-đốc-giáo và Do-thái-giáo khá sâu đậm.

Giống như cách suy nghĩ của dân ngoại vốn thờ cúng tà thần, quan sát thấy Đền-thờ Do–thái-giáo chẳng có tượng thần nào cả, còn bàn thờ thì trống không, họ rất lấy làm lạ và chê cười; tín đồ Do-thái-giáo thì thấy sự thờ phượng của Cơ-đốc-giáo chẳng có bàn thờ, chẳng tế lễ hi sinh gì cả, nên cũng lấy làm lạ chê bai, bài bác. Họ không biết bàn thờ của chúng ta là thập tự giá của Đức Chúa Giêxu.

Tác giả nhắc lại luật lệ về ngày lễ Chuộc-tội hàng năm của Do-thái-giáo khác với các thứ tế lễ ngày thường là: Thầy tế lễ thượng phẩm không được ăn thịt con vật làm sinh tế theo thông lệ, mà huyết của nó phải đem vào Nơi Chí Thánh để chuộc tội cho toàn thể chúng dân, còn xác nó phải bị thiêu bên ngoài trại quân (10–11).

Những người phục vụ trong Đền-tạm thời xưa và Đền-thờ từ thời vua Solomon trở về sau thì được ăn thịt của sinh tế đã dâng trên bàn thờ; ngoại trừ sinh tế của lễ chuộc tội hàng năm.

Những ví dụ mà tác giả đưa ra tượng trưng cho người vẫn còn giữ Do-thái-giáo, là nhóm không công nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ. Và vì Đức Chúa Giêxu là Sinh-tế chuộc tội của cả nhân loại, nên những ai không công nhận Ngài là Sinh-tế chuộc tội cho họ, thì không có phần gì với Ngài cả.

Vì lý do ấy, “những người phục vụ trong trại thờ không có quyền ăn lễ vật dâng trên bàn thờ đó.” Thế thì, ai tự xưng mình là tín đồ của Đức Chúa Giêxu, mà vẫn còn dính líu tới “các quy tắc về thức ăn” và áp dụng các hình thức luật lệ của Do-thái-giáo, thì sẽ không có phần gì với Đức Chúa Giêxu, Sinh-tế đã được dâng trên bàn thờ vô hình, mà thập tự giá là biểu tượng.

Vào thời toàn trại quân Israel đóng quanh Đền-tạm, khoảng đất trống bên ngoài trại quân chỉ dành cho người ngoại bang, người cùi hủi, người phạm tội bị trục xuất, và là nơi thiêu xác sinh tế chuộc tội

Sau khi Đền thờ được xây dựng tại Giê-ru-sa-lem, thì khoảng đất trống bên ngoài cách xa vách thành là dành cho những loại người đã nói ở trên. Bên ngoài thành chính là biểu tượng về chỗ của chúng ta trước khi tin Chúa, những người ở ngoài giao ước thánh của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Giêxu đã đến thay thế chỗ của mọi người nào chịu tiếp nhận Ngài, để người ấy được dự vào giao ước hạnh phúc vĩnh cửu. Vì lý do đó, “Đức Chúa Giêxu cũng chịu khổ nạn ngoài cổng thành, để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh” (12).

Thư nầy viết cho tín hữu Hê-bơ-rơ, vốn là cựu tín đồ Do-thái-giáo, những người ở bên trong vách thành, lúc Đức Chúa Giêxu chịu khổ nạn ở đồi Sọ bên ngoài thành. Bây giờ, họ phải lìa bỏ hệ thống các tế lễ hi sinh chuộc tội bằng huyết và sinh mạng của thú vật.

Hơn thế nữa, Đức Chúa Giêxu đã bị người Do-thái khinh bỉ đem ra giết bên ngoài vách thành; cho nên, mọi tín hữu “hãy ra ngoài trại quân mà đến với Ngài, để chịu sự sỉ nhục của Ngài” (13); vì đi theo Đức Chúa Giê-xu thì sẽ bị người Do-thái khinh bỉ, rẻ rúng.

Nhưng có làm như vậy mới chứng tỏ được mình đã dứt bỏ mọi ràng buộc của hệ thống tôn giáo mà Đức Chúa Giêxu đã dùng thân mình Ngài phá bỏ nó (Ê-phê-sô 2:15). Ứng dụng bây giờ là đồng chịu sỉ nhục với Chúa để được vinh quang với Ngài (Rôma 8:17b).

Những ai sợ bị người ta sỉ nhục, chê cười vì mình theo Chúa, không dám ra khỏi thành để đến với Đức Chúa Giêxu, thì sẽ hư vong theo thế gian. “Vì trên đời nầy, chúng ta không có thành tồn tại mãi, nhưng chúng ta tìm kiếm một thành tương lai” (14).

Đời người thì ngắn ngủi, vật chất ở trần gian chỉ là tạm bợ, mọi việc ở đời chẳng có gì là chắc chắn; nếu ai đeo đẳng những điều tạm thời, mà bỏ lỡ hạnh phúc đời đời trong lúc mình có cơ hội được cho vào, thì niềm tiếc nuối, ăn năn về sự dại dột đó sẽ lớn và đau khổ biết bao!

Phải làm gì để tìm ra một thành tương lai? Tác giả dạy rằng: “Vậy, nhờ Đức Chúa Giêxu, chúng ta hãy thường xuyên dâng tế lễ ca ngợi Đức Chúa Trời, tức là sử dụng môi miệng công bố danh Ngài. Đừng quên làm các việc lành và giúp đỡ lẫn nhau, vì các ‘lễ vật’ đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (15–16).

Hơn thế nữa, tín hữu còn phải: “Vâng lời những người dìu dắt anh em và thuận phục họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em, như người phải khai trình với Chúa. Hãy để họ thi hành phận sự cách vui vẻ, không thở than, vì điều đó chẳng ích gì cho anh em” (17).

Những người lãnh đạo tinh thần, ở Hội-thánh địa phương, đã được Chúa đặt để hướng dẫn anh chị em tín hữu. Nếu những người đó chuyên tâm dẫn dắt bầy chiên vào chân lý và sự thánh khiết, thì đó là những người chăn bầy chân thật. Vì thế, sự thuận phục họ là hợp lẽ.

Người hướng dẫn tâm linh của tín hữu không được làm một người cai trị trên đời sống của thành viên Hội-thánh. Ý tưởng hay đường lối độc tài trong việc hướng dẫn Hội-thánh địa phương thì không được ủng hộ bởi Kinh-thánh.

Vì họ là “người phải khai trình với Chúa” về đời sống tâm linh của anh chị em với sự “vui vẻ, không thở than;” nếu ngày nào họ cũng phải than thở với Chúa về tình trạng bạc nhược của một bầy chiên không vâng lời, thì “điều đó chẳng ích gì cho anh em,” chỉ tai hại mà thôi.

Tác giả xin các anh chị em tín hữu là độc giả của thư Hê-bơ-rơ cầu thay cho ông để ông sớm được ra khỏi tù ngục, vì ông và các bạn đồng hành “tin chắc mình có lương tâm tốt, muốn sống quanh minh chính đại trong mọi hoàn cảnh” (18–19).

Điều mong mỏi của vị sứ đồ và đoàn truyền giáo là lại được tự do rao giảng Phúc-âm của Đức Chúa Trời cho bất cứ ai chưa tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài qua Đức Chúa Giêxu Christ.

Qua việc tác giả yêu cầu các tín hữu cầu thay cho ông, chúng ta thấy nét quen thuộc trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Đặc biệt là lời chúc phước cầu xin rất gần gũi với cách thức và văn phong của ông:

Đức Chúa Trời bình an đã đem Đức Chúa Giêxu chúng ta sống lại từ cõi chết, vì Ngài đổ huyết để lập giao ước đời đời. Ngài là Đấng Chăn-chiên lớn. Nguyện Đức Chúa Trời trang bị anh em bằng mọi mỹ đức để thi hành ý muốn Ngài, và qua Đức Chúa Giêxu Christ, thực hiện trong chúng ta những điều Ngài đẹp ý. Vinh quang thuộc về Ngài đời đời. A-men” (20–21).

Những vấn đề trục trặc giữa Do-thái-giáo với Cơ-đốc-giáo thật là sâu đậm; mặc dù cả hai cùng thờ kính Đức Chúa Trời và ở chung trong gia đình Ngài.

Vì thế, những đề tài vị sứ đồ nêu ra, để khuyên bảo các tín hữu gốc Do-thái-giáo trong thư tín nầy, chỉ là vắn tắt, chưa giải quyết hết các điều dị biệt. Nên ông xin họ “hãy kiên nhẫn lắng nghe những lời khuyên bảo trong thư nầy” (22).

Tất cả những chi tiết trong những câu còn lại khiến người đọc có thể đoán ra tác giả của thư tín quan trọng nầy là ai. Trước hết là tin tức về mục sư Ti-mô-thê, môn đồ và là con tinh thần của sứ đồ Phao-lô, đã được trả tự do (23).

Ti-mô-thê là thành viên trong đoàn truyền giáo của Phao-lô từ lúc ban đầu (Công-vụ 16:1–3). Khi Phao-lô bị cầm giữ tại kinh đô Rô-ma, ở nước Ý, ông viết thư bảo Ti-mô-thê hãy sớm đến với ông (2Ti-mô-thê 4:9).

Bây giờ, thư Hê-bơ-rơ cũng được viết và gửi đi từ nước Ý (24); người ta có thể đoán là thư do Si-la viết, nhưng lúc đó chỉ có bác sĩ Lu-ca đang ở với Phao-lô (2Timôthê 4:11). Và cách thức kết thúc bức thư (25) chứng tỏ rất giống cách Phao-lô thường viết. Như vậy, tác giả rất có thể là Phao-lô.

ThuHeboro27.docx

Rev. Dr. CTB