Những Trở Ngại Đầu Tiên

Xuất Ai-Cập, bài 06


Xuất Ai-Cập Ký 5:1–6:30

Môi-se và A-rôn vâng lời Đức Chúa Trời phán dặn, vào yết kiến vua Ai-Cập và xin vua cho dân Israel, dân tộc được Chúa gọi là dân của Ngài, đi thờ phượng Chúa tại hoang mạc (1). Nhưng vua Ai Cập đáp cách xẳng xớm: “Giê-hô-va là ai mà ta phải vâng lời để cho dân Israel ra đi? Ta không biết Giê-hô-va nào hết và cũng chẳng cho dân Israel đi đâu cả” (2).

Theo ý của câu trả lời nầy thì hoặc là Pha-ra-ôn dốt nát về Đức Chúa Trời, hoặc là giả vờ không biết, hoặc nghĩ rằng vị thần nầy chỉ là thần riêng của người Hê-bơ-rơ nên chẳng có quyền gì trên mình.

Điều rất rõ ràng là ông ta chẳng biết chút gì về Danh Đức Giê-hô-va; bởi vì Danh ấy chưa bao giờ được nói cho người nào biết trước đây (Xuất Ai-cập 6:2–3). Hơn nữa, các vua Ai-cập tự cho mình là thần, nên rất khinh thường bất cứ tên thần nào không phải là thần của người Ai-cập.

Nhận ra vua Ai-cập không biết Đức Giê-hô-va là ai, Môi-se và A-rôn nói Ngài là Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ; nhưng họ chưa công bố uy quyền của Ngài trên mọi dân tộc, trong đó có người Ai cập, vì họ biết nếu có nói ra cũng là vô ích đối với ông vua Ai-cập thờ tà thần và không biết gì về Đức Chúa Trời.

Họ nói rằng, “nếu không, Ngài sẽ giáng dịch hạch hoặc gươm đao xuống chúng tôi” (3). Họ muốn vua Ai-cập hiểu rằng hơn bốn trăm năm qua, người Israel chưa được dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời một lần nào cả. Họ sợ rằng sự bê trễ ấy có thể đem tai hoạ đến cho dân tộc họ; bởi vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời vừa hiện ra nhắc nhở họ.

Dĩ nhiên đây chỉ là lời nói khéo, vì Chúa cho họ biết trước rằng nếu vua Ai-cập chưa bị nếm sự trừng phạt của Đức Chúa Trời, thì ông ta sẽ chẳng khi nào cho dân Israel ra đi.

Một số công trình kiến trúc cổ xưa của Ai-cập vào thời ấy xây bằng gạch làm từ đất sét chưa nung. Người ta nhồi đất sét với rơm chặt nhỏ, đúc vào khuôn rồi đem đi phơi nắng cho hoàn toàn khô cứng. Vì thế mới có chuyện phát rơm cho lao nô Israel làm gạch.

Vua Ai-cập nghĩ đến sự thiệt hại của hoàng gia Ai-cập nếu cả triệu lao nô đồng loạt nghỉ việc để đi thờ phượng Thần của họ (4–5); cho nên ông ta lạnh nhạt với lời yêu cầu.

Biện pháp đầu tiên mà vua Ai cập đưa ra nhằm trấn áp tinh thần người Israel là bắt họ tự tìm lấy rơm để trộn với đất sét làm gạch: “Hãy giao thêm việc nặng nhọc cho chúng, để vì bận rộn công việc, chúng chẳng còn quan tâm đến những lời dối trá ấy nữa” (6–9).

Các đốc công và trưởng toán vâng lệnh, truyền đạt mệnh lệnh của vua và đốc thúc các lao nô Hê-bơ-rơ phải thực hiện (10–13). Biện pháp tàn ác vừa đưa ra đem tới hiệu quả tức thì: “Dân chúng phải tản mác khắp đất Ai-cập để gom góp gốc rạ thế cho rơm” (12).

Sự đảo lộn ấy khiến việc sản xuất gạch chậm lại. Thế là các trưởng toán người Israel bị đàn áp và đánh đòn, họ phải kêu van tới Pha-ra-ôn nhưng bị mắng nhiếc và đuổi về (13–18).

Ra khỏi cung điện vua Ai-cập, các trưởng toán gặp Môi-se và A-rôn đang đợi họ tại đó (19–20). Sự lo lắng và sợ hãi của những trưởng toán người Israel có chỗ để tuôn ra: “Hai ông đã làm cho chúng tôi thành vật đáng tởm trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi. Cầu xin Đức Giê-hô-va xem xét và xử đoán các ông” (21).

Thay vì được biết ơn, Môi-se nhận lãnh sự oán hận vô lý của những người đồng tộc. Họ sợ rằng nếu không hoàn thành được số gạch đã ấn định, họ sẽ bị xử chém “Hai ông … đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi.

Người hầu việc Chúa cũng thường gặp các cảnh ngộ tương tự khi làm nhiệm vụ của mình. Nỗi đau khổ của họ là bị anh em đồng đức tin dùng những lời ác độc để trách móc, lên án, nếu công việc họ làm cho Chúa và ích lợi cho Hội-thánh, mà không làm hài lòng một số tín hữu nào đó.

Pha-ra-ôn là biểu tượng về chúa quỷ, tức là satan, và các đốc công người Ai-cập là các thứ tà ma tay chân của hắn. Thủ đoạn của chúng là trút hoạn nạn lên tín hữu để họ chuyển sự oán hận của họ lên những người lãnh đạo Hội-thánh, khiến họ tin rằng nguyên nhân các khó khăn, hoặc hoạn nạn của họ là từ sự giảng dạy của những người lãnh đạo Hội-thánh gây ra.

Kể từ khi Môi-se trở lại Ai-cập, không biết Đức Chúa Trời có hiện ra với ông lần nào không; và ông nói chuyện trực tiếp với Chúa bằng cách nào? Một số học giả Kinh-thánh nghĩ rằng Chúa đã định một chỗ nào đó để Môi-se trò chuyện với Ngài.

Nhưng thời nay người tin Chúa biết rằng chúng ta có thể trò chuyện với Chúa ở bất cứ nơi đâu, vì Ngài hiện diện ở mọi nơi. Vì vậy, có lẽ Môi se thưa chuyện với Chúa ngay tại nhà mình ngay sau khi bị các trưởng toán Israel trách móc nặng lời.

Môi-se than thở với Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa! Tại sao Chúa ngược đãi dân nầy? Sao Chúa lại sai con đến đây? Từ khi con yết kiến Pha-ra-ôn và nhân danh Chúa mà nói, thì vua ấy lại ngược dãi dân nầy, và Chúa chẳng giải cứu dân Ngài” (22–23).

Môi-se thấy sau khi mình vâng lệnh Chúa vào gặp vua Ai-cập, thì hậu quả là dân Israel bị áp bức nặng nề hơn. Ông tưởng rằng Chúa sẽ lập tức ra tay giải cứu dân sự Ngài, nhưng chẳng thấy vua Ai-cập bị trừng phạt gì hết. Ông quên lời Chúa cho biết trước: “Ta sẽ khiến vua Ai-cập cứng lòng, không cho dân chúng ra đi” (4:21b).

Tín hữu vẫn thường trách móc Chúa khi chưa thấy lời hứa của Ngài được thực hiện theo thời điểm họ mong mỏi. Nhất là khi áp lực của tình cảnh đau khổ đè nặng trên sức chịu đựng đã mòn mỏi của thể xác con người. Đó là cách nhìn thiển cận của người chưa hiểu biết Đức Chúa Trời cách sâu nhiệm.

Chúng ta vẫn luôn có sự suy nghĩ, hay tính toán, rất chủ quan; cho nên, không có tầm nhìn rộng lớn hơn sự hiểu biết nhỏ bé riêng của mình. Cho đến khi được trải qua kinh nghiệm quyền phép giải cứu của Chúa thì mới bớt sự mù lòa.

Một lần nữa Đức Chúa Trời hứa với Môi-se rằng Ngài sẽ khiến cho Pha-ra-ôn phải đuổi dân Israel ra khỏi Ai-cập (6:1). Ngài nói rằng Môi-se đã nhận được sự ưu ái đặc biệt từ Chúa, vì Ngài phán: “Ta là Đức Giê-hô-va. Ta đã hiện ra với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp với tư cách là Đức Chúa Trời Toàn Năng; nhưng Ta chưa hề tỏ cho họ biết Danh Ta là Giê-hô-va” (6:2–3).

Vinh dự của Môi-se thật là có một không hai; nên ông phải tiếp tục vâng lời Chúa tường thuật lại lời Ngài phán hứa cho dân Israel (4–8); cũng như phải tiếp tục vào gặp vua Ai-cập (10–13).

Hoàn cảnh của Môi-se thật là khổ tâm, vì khi ông “nói tất cả điều đó với dân Israel” thì họ “không nghe Môi-se vì tinh thần họ sa sút và ách nô lệ quá năng nề” (9).

Nhưng tinh thần của một người lãnh tụ không cho phép Môi se chùn bước trước nghịch cảnh hay khó khăn.

Tới chỗ nầy thì tác giả đột ngột ngưng tường thuật các sự diễn tiến của câu chuyện đến hồi gay cấn, mà chen vào đó là sự trình bày gia phả ba chi tộc của ba người con trai lớn nhất của Gia-cốp.

Người đọc sẽ bớt thắc mắc khi biết rằng những độc giả đối tượng của ngũ kinh Môi -se là người Do-thái. Người Do-thái rất chú trọng tới gia phả từ thời các tổ phụ để biết các người lãnh đạo có mối liên hệ xác thực, rõ ràng với tổ tiên của họ hay không.

Tính cách chính thống và xác thực từ nguồn gốc tổ tiên của những người đứng ra lãnh đạo quần chúng là điều kiện phải có để được dân chúng tin tưởng và vâng theo các mệnh lệnh của người lãnh đạo (14–27).

Mục đích chính chỗ nầy là liệt kê gia phả của chi tộc Lê-vi, tổ phụ của A-rôn và Môi-se; cho nên gia phả của Reuben và Si-mê-ôn, hai anh của Lê-vi, chỉ được đề cập lướt qua mà thôi.

Cách liệt kê gia phả của người Do-thái thường bỏ qua một số thế hệ nối kết, nên thường gây thắc mắc cho người đọc. Ví dụ nếu Lê-vi thọ tới 137 tuổi, thì ông phải thấy chắt chít tới đời thứ năm. Thế mà ở chỗ nầy, Môi-se được xem là đời thứ tư kể từ Lê-vi. Nghĩa là đã có vài thế hệ không được kể từ Am-ram, con của Kê-hát, tới Am-ram, cha của Môi-se.

Bằng chứng rõ ràng của việc nầy là gia phả Giô-suê, hậu tự của Ép-ra-im con trai Giô-sép, được liệt kê đến mười đời (1Sử-ký 7:23–27). Và Kê-hát, sống tới 133 tuổi rồi chết hơn 200 năm trước khi dân Israel ra khỏi Ai-cập.

A-rôn và Môi-se được kể là các trưởng gia tộc của chi tộc Lê-vi, nên họ có thẩm quyền thay mặt dân chúng mà đối phó với vua Ai-cập và đem dân Israel ra đi theo từng đội ngũ (25–27).

Môi se nhắc lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời khi ông gặp Ngài trên núi Sinai, việc ông ngần ngại vì không có tài ăn nói, và sau đó Chúa sai A-rôn làm người phát ngôn của ông (28–30).

XuatAiCap06.docx

Rev. Dr. CTB