Bài Ca Chiến Thắng

Xuất Ai-Cập, bài 14

Xuất Ai-cập 15:1–27

Sau khi đã chứng kiến quyền năng vô biên của Đức Chúa Trời và được tham dự vào biến cố lẫy lừng vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất khô, có người nào không ca tụng Đấng yêu thương đã giải cứu họ?

Môi-se làm bài hát ca ngợi Đức Giê-hô-va theo dạng thơ tôn giáo, mà ông đã lãnh hội khi được công chúa Ai-cập nuôi dưỡng trong hoàng cung và học tất cả những tri thức của người Ai-cập.

Bài thơ ấy đã được phổ biến cho đoàn dân Israel treo kiểu truyền khẩu là cách dễ nhất và nhanh nhất (1a). Bài thơ được chia làm hai phần rõ rệt:

Phần đầu từ câu 1b tới câu 12 hồi tưởng các việc kinh khủng mà Đức Chúa Trời đã làm. Phần hai từ câu 13 tới 18 là hi vọng về tương lai tươi sáng của dân Israel dưới sự hướng dẫn của Chúa vào miền đất hứa.

Ở mỗi phần của bài thơ lại chia thành nhiều phiên khúc. Khi Môi-se và những người đàn ông vừa ca tụng xong một phiên khúc, thì những người đàn bà, dưới sự hướng dẫn của Mi-ri-am, chị của Môi-se, sẽ cùng nhau vừa nhảy múa, gõ trống cơm, vừa cất tiếng ca rập ràng điệp khúc:

Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài rất cao cả uy nghiêm. Ngài đã ném xuống biển ngựa và người cưỡi ngựa” (21), là điệp khúc mà Môi-se và những người đàn ông đã hát mở đầu bài thơ (1b).

Bài ca nói rằng: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là bài ca của tôi; Ngài là Đấng cứu rỗi tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi tôn ngợi Ngài; là Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi, tôi tôn kính Ngài. Đức Giê-hô-va là một chiến sĩ; danh Ngài là Giê-hô-va. Ngài đã ném xuống biển chiến xa và cả quân lực Pha-ra-ôn; quan tướng ưu tú của người bị nhận chìm trong Biển Đỏ, vực thẳm đã vùi lấp họ; họ chìm xuống đáy biển sâu như một hòn đá” (2–5).

Trong bài ca nầy, dân Israel xưng nhận Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là bài ca của họ; nhận biết sự yếu đuối của mình, Israel hiểu rằng chỉ nhờ Đức Chúa Trời mà họ được giải cứu; vì lý do đó, Ngài là sức mạnh của họ.

Từ một tình trạng hết sức buồn khổ và tuyệt vọng dưới ách nô lệ hà khắc của người Ai-cập, bây giờ họ được tự do đi về miền đất hứa; nên Chúa là bài ca và sự cứu rỗi của họ.

Bây giờ họ đã nhìn thấy các quyền phép vĩ đại của Chúa và đã được hưởng ơn cứu kỳ diệu của Ngài rồi, người Israel xưng nhận và tôn ngợi: “Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi tôn ngợi Ngài; là Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi, tôi tôn kính Ngài” (2b).

Chứng kiến cảnh tượng quân đội hùng mạnh nhất thời đó bị hủy diệt trong chốc lát, Israel ca tụng Chúa của mình và tôn kính danh Ngài: “Đức Giê-hô-va là một chiến sĩ; danh Ngài là Giê-hô-va” (3).

Đoàn kỵ binh của vua Ai-cập thì đông vô số. Để đánh tan đạo kỵ binh ấy bằng vũ khí trong cuộc giao tranh, đối phương phải mất vài ngày mới có thể chia cắt được đội hình của đạo kỵ binh rất thiện chiến ấy. Nhưng Đức Giê-hô-va chỉ cần một khoảnh khắc để tiêu diệt đạo quân có nhiều chiến xa và kỵ binh đông đảo của vua Ai-cập (4–5).

Israel lớn tiếng ngợi khen Chúa của mình qua những lời tụng ca, hát xướng; những người nữ gõ trống cơm và phụ hoạ bằng điệp khúc: “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài rất cao cả uy nghiêm. Ngài đã ném xuống biển ngựa và người cưỡi ngựa” (21).

Cảnh ca mừng bên bờ Hồng Hải của hàng triệu tiếng hát và tiếng reo hò phải là mừng vui chưa từng có. Còn những người thù nghịch với Israel lại càng khiếp vía hơn nữa.

Hai câu đầu của phiên khúc thứ nhì mô tả lại các ý tưởng về sức mạnh và quyền uy của Đức Giê-hô-va, nhưng bằng các lời lẽ khác:

Lạy Đức Giê-hô-va! Tay phải Ngài rạng ngời quyền uy. Lạy Đức Giê-hô-va! Tay phải Ngài nghiền nát quân thù. Bằng sự uy nghiêm cao cả, Ngài đánh đổ kẻ thù nghịch. Ngài nổi giận phừng phừng, thiêu đốt họ như rơm rạ” (6–7).

Lời thơ nhân cách hóa Đức Chúa Trời, Vị Thần chưa có ai thời đó từng thấy hình dạng của Ngài. Môi se hình dung Đức Chúa Trời giống như loài người; cho nên Ngài có cánh tay phải quyền uy.

Gió mạnh được ví như “hơi thở từ lỗ mũi Ngài khiến nước dồn lại, các dòng nước dựng đứng như một bức tường; nước sâu đóng băng trong lòng biển… Ngài đã thở hơi ra, biển vùi lấp chúng lại” (8-10).

Phiên khúc ba khởi đầu phần thứ nhì, là ý chính của bài thơ. Vì Đức Giê-hô-va vượt cao xa hơn tất cả các ngôi vị mà người đời tôn làm thần (11), Môi-se nêu lên ba điểm chính của Chúa mà không thần nào dám so sánh: “Rạng ngời trong thánh khiết, đáng kính sợ và tôn vinh, và làm những việc nhiệm mầu.

Thuộc tính thánh khiết của Chúa đã tách biệt Ngài khác hẳn quan niệm thần thánh của loài người. Vì những thần tượng của người trần gian chẳng ra chi cả. Hoặc chúng ô uế, ác độc, hoặc chẳng có danh hiệu gì hết, cũng chẳng cứu được một ai (12).

Tính cách thượng đẳng của Đức Chúa Trời khác xa các thứ uế thần: “Ngài lấy tình yêu thương dìu dắt dân mà Ngài đã chuộc lại; Ngài đã dùng quyền năng đưa họ về nơi ngự thánh của Ngài” (13).

Chưa một tôn giáo nào do người ta lập ra có được hi vọng về một tương lai tươi sáng như lời phiên khúc cuối nhìn về tương lai của dân sự Chúa. Họ được dìu dắt bằng tình yêu thương, một ý niệm hoàn toàn xa lạ với các thứ ác thần chuyên đòi hỏi.

Môi-se quay sang các kẻ thù của Israel, là những dân tộc đang run sợ hãi hùng trước một Đức Giê-hô-va toàn năng của người Israel. Mọi điều Chúa đã làm để giải thoát dân ấy tại Ai-cập, thì Ngài sẽ thi thố trước các kẻ thù, cho tới khi dân Israel được đem vào miền đất Chúa đã hứa ban cho họ làm cơ nghiệp (14–17).

Khi ca tụng rằng: “Đức Giê-hô-va sẽ trị vì đời đời, mãi mãi” (18), chẳng phải Môi-se chỉ bày tỏ đức tin của mình và vương quốc vĩnh cửu của con dân Đức Chúa Trời, ông còn nêu lại các lời hứa tốt lành của Chúa rằng Ngài đã thực hiện những sự giải cứu kỳ diệu cho họ rồi, thì Ngài tiếp tục giải cứu vĩnh viễn.

Theo truyền thuyết thì địa điểm người Israel dừng lại hát bài ca tụng Chúa là ở bờ đông của Biển Đỏ, tại Ayoun Musa, “các nguồn nước của Môise.

Bài thơ nầy là bài thơ cổ xưa nhất, một bài thơ thánh khiết tôn ngợi Đức Chúa Trời. Ngôn ngữ cao cả và mỹ miều của bài thơ là vô song. Tính ưu việt vô song ấy không phải chỉ nằm trong ngôn ngữ của bài thơ, mà ý thơ thu hút sự thán phục của của các giám khảo ưu tú nhất.

19–21 chỉ là những câu thơ lặp lại các việc đã diễn ra.

Sau đó, Môi-se đem dân Israel rời khỏi Biển Đỏ đi vào hoang mạc Su-rơ. Họ đi trọn ba ngày trong hoang mạc nhưng không tìm thấy nước” (22). Cái hồ nước mà họ gặp sau đó thì nước đắng không uống được. Họ đặt tên nơi ấy là Marah, nghĩa là đắng (23).

Sự khát nước và nhọc mệt vì đi đường xa khiến họ quên mất Đức Chúa Trời quyền năng đã dẫn họ ra khỏi xứ Ai-cập và giải cứu họ khỏi đạo quân hung hãn của Pha-ra-ôn.

Sự mau quên nầy phản ảnh tâm tính hay phản phúc và nổi loạn của người Israel. Họ quay lại “phàn nàn với Môi se:‘Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống đây?” (24).

Môi se chỉ biết kêu cầu với Chúa, vì làm cho nước hết đắng thì ông không có khả năng. Đức Chúa Trời “chỉ cho ông một khúc gỗ, ông ném xuống nước thì nước trở nên ngọt” (25). (Trong bản dịch tiếng Anh thì: “Chúa chỉ cho Môi se một loại cây,” chứ không phải là một khúc gỗ).

Có lẽ đây là một phản ứng hoá học, mà không ai ở thời đó biết rõ, được ghi chép lần đầu tiên trong Kinh-thánh.

Tại đó, “Đức Giê-hô-va lập luật lệ và quy tắc cho dân chúng, và cũng tại đây Ngài thử lòng họ” (25b). Người ta thường hành xử theo cảm tính khi chưa bị luật lệ nào trói buộc.

Vì dân Israel sau hơn 400 năm sống dưới sự cai trị hà khắc của người Ai-cập, nay được tự do, thì hay nổi loạn mỗi khi gặp nguy hiểm hoặc khó khăn; cho nên, Đức Chúa Trời lập luật lệ và quy tắc để buộc họ vào nề nếp.

Luật lệ ấy được Chúa nêu rõ: “Nếu các con chăm chú nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con, làm điều ngay thẳng trước mặt Ta, lắng tai nghe các điều răn và gìn giữ mọi luật lệ Ta, thì Ta sẽ không giáng trên các con một bệnh nào trong các bệnh mà Ta đã giáng trên dân Ai-cập. Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bệnh cho các con” (26).

Lời tuyên hứa của Chúa về Ngài là Đấng Chữa Bệnh, đem đến sự yên lòng cho dân sự; nhưng họ phải biết vâng lời Ngài.

Kế đó, dân chúng đến Elim, nơi có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là. Dân chúng đóng trại bên cạnh các suối nước” (27).

Elim là chặng kế sau Marah. Tại đây, dân Israel không còn phàn nàn nữa vì có nước uống dư dật, và quanh ốc đảo đó cũng có đủ cỏ cho bầy súc vật ăn nữa.

Theo một số nhà nghiên cứu Kinh-thánh thì các nguồn nước gọi là suối thật ra là các giếng nước mạch thường xuyên chảy mạnh. Nơi đây, Israel tạm dừng chân sau các biến cố kinh hoàng.

XuatAiCap14.docx

Rev. Dr. CTB