Tiếng Chúa Qua Kinh Thánh

god-speaks

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 25

2Timôthê 3:16–17

Giáo lý của tất cả các giáo hội chính giáo của Cơ-đốc-giáo-giới đều tin rằng Đức Chúa Trời phán qua Kinh-thánh; hay, giảng dạy rằng Kinh-thánh là phương tiện thông thường nhất để Chúa phán với con cái Ngài. Nhưng số người thật sự nghe tiếng Chúa phán và trò chuyện với họ qua Kinh-thánh thì không nhiều; dù đây là số tín hữu chăm chỉ đọc và suy gẫm Kinh-thánh mỗi ngày.

Đối với rất nhiều tín hữu, Kinh-thánh chưa trở thành những lời sống động; những điều đã được các thánh xưa ghi chép và lưu truyền chỉ là văn tự; những lời dạy bảo chỉ áp dụng về mặt đạo đức. Hầu hết các chuyện tích Kinh-thánh, tuy rất thích thú, nhưng khó hiểu, khó chấp nhận trong xã hội văn minh hiện tại.

Đa số tín đồ đọc Kinh-thánh vì bổn phận chứ không phải dựa trên sự yêu thích; bởi vì đối với họ các chuyện tích Kinh-thánh có vẻ không thật.

Nguyên nhân gây ra tình trạng nầy bắt nguồn từ sự dạy dỗ của nhiều khuynh hướng thần học về các ‘tính chất’ phải có của một Cơ-đốc-nhân.

Đối với họ thì nếp sống Cơ-đốc “bình thường” có nghĩa là tin giáo lý phổ thông, cố gắng làm một tín đồ tốt bằng cách đọc Kinh-thánh để rèn luyện đạo đức và cầu nguyện mỗi ngày, nếu gặp cơ hội thì rao truyền Tin Mừng cho người chưa tin Chúa, tham dự đủ tất cả các buổi nhóm họp của Hội-thánh tổ chức, và trung tín dâng hiến một phần mười thu nhập của mình cho quỹ tài chánh của nhà thờ.

Lý thuyết thần học của nhiều hệ phái “chính thống” đã khiến cho tín hữu nghĩ rằng phần lớn những chuyện ghi trong Kinh-thánh giống như các chuyện cổ tích thần thoại gay cấn hay mỹ miều, nhưng trong thực tế thì không có thật. Vì thế, người đọc không trông đợi các việc Kinh-thánh báo trước sẽ xảy ra cho mình.

Không một giáo hội hay giáo phái Cơ-đốc chính thống nào dạy, hay tuyên bố rằng những lời chép trong Kinh-thánh là không thật hay sai trật. Tất cả đều tin mọi lời Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh đều là thật, nhưng họ nói, đối với xã hội văn minh thời nay thì các sự việc siêu nhiên không còn xảy ra nữa. Thậm chí nhiều hệ phái tìm cách lảng tránh hay giải nghĩa những điều đó chỉ có ý nghĩa tâm linh chứ không thể áp dụng vào đời thật.

Thái độ bất lương và vô tín ấy đã tạo ra một giới tín hữu mang quan điểm sai lạc về Kinh-thánh, hậu quả là tâm linh họ bị khô hạn suốt đời sống đạo, chẳng bao giờ được chứng kiến các sự kiện siêu nhiên chứng minh quyền phép Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh là có thật.

Nhưng ai tin, rồi được thấy quyền năng Chúa hiển hiện phô bày, thì nỗi hân hoan vô bờ sẽ khiến niềm tin càng vững chắc hơn nữa.

St. Augustine là thần học gia Cơ-đốc lẫy lừng vào thế kỷ thứ Tư, công trạng của ông về vấn đề tín lý của Cơ-đốc-giáo được kể như tương đương với sứ đồ Phaolô thời Tân Ước. Mặc dù vậy, giá trị các tác phẩm của ông không bao giờ được xem ngang hàng với uy quyền của Kinh-thánh.

Trong quyển “Confessions” (Các tín điều), một trong hai tác phẩm nổi tiếng của ông, St. Augustine kể lại biến cố Lời Chúa trong Kinh-thánh đã phán với lòng ông khiến ông từ hoài nghi trở thành một người hoàn toàn tin Chúa, sau khi ông nghe có tiếng hát của trẻ con “Cầm lấy mà đọc, cầm lấy mà đọc…,” trong khi quanh đó chẳng có bóng đứa trẻ nào, và cũng là lần đầu tiên ông nghe giai điệu bài hát ấy.

Vì là một giáo sư khá phóng đãng, chẳng tin vào Kinh-thánh, ông cầm lấy tập Tân-ước rất hiếm hoi thời ấy và quyết định sẽ mở ra đọc một trang bất chợt.

Câu Kinh-thánh nổi trội đập vào mắt ông là: “Hãy sống một cách đàng hoàng như đi giữa ban ngày, đừng chè chén và say sưa, truỵ lạc và phóng đãng, gây gổ và ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa là Đức Chúa Jesus Christ, đừng tìm cách làm thoả mãn các dục vọng xác thịt” (Rôma 13:13–14). Lời Chúa trong câu nầy phán thẳng vào lòng ông khiến ông ăn năn tội lỗi và trở lại hết lòng đi theo Đức Chúa Jesus.

Biến cố ấy làm cho mẹ ông, bà Monnica, rất vui mừng, thoả mãn, vì bà đã hết lòng cầu thay cho ông ròng rã mấy chục năm trường. Vài năm sau khi ông trở lại với Chúa, bà nói: “Con ơi, về phần mẹ thì mẹ thấy không còn cần hạnh phúc nào nữa trong đời nầy. Những gì mẹ vẫn còn làm và tại sao mẹ vẫn còn ở thế gian, thì mẹ không biết, bởi vì trên cõi đời nay mẹ chẳng cần hi vọng nào khác.” Chín ngày sau khi nói câu ấy, bà qua đời bình an.

Dorothy, một Cơ-đốc-nhân có quá nhiều nỗi phiền muộn và đau khổ trong đời sống riêng tư, nên bà không muốn sống nữa. Ý định tự tử cứ đeo đuổi tâm trí bà.

Chúa-nhật lễ Phục-Sinh, bà tới nhà thờ với hi vọng nghe được điều gì đó làm lý do giúp bà bỏ ý định tự sát. Bà nghe giảng một bài trong Phúc-âm Lu-ca đoạn 24. Bài giảng kết thúc rồi mà bà chẳng tìm được chút hi vọng gì hết.

Tối đó, bà đứng trước tấm gương soi để nói lời vĩnh biệt với hình ảnh của người đã phải chịu quá nhiều đau khổ và tuyệt vọng. Lúc bà sửa soạn nốc thuốc độc để tự vận, tâm trí bà bỗng loé lên câu Kinh-thánh nghe ở nhà thờ: “Chẳng phải Đấng Christ cần phải chịu thương khó như thế rồi mới bước vào vinh quang của mình sao?” (Luca 24:26).

Giải đáp đây rồi! Phải chịu thương khó, rồi vinh quang mới đến. Nếu bà tự kết liễu sự đau khổ, bà sẽ lỡ mất vinh quang về sau. Tiếng Chúa phán qua Kinh-thánh giúp bà khám phá được lý do để sống đầy hi vọng.

Phương cách thông thường nhất mà Đức Thánh Linh dùng để phán với con dân Ngài là qua Kinh-thánh. Đức Chúa Jesus đã bày tỏ chân lý nầy rõ ràng hơn hết qua chuyện tích hai môn đồ đi về làng Emmaus trong Lu-ca 24:13–35.

Lúc Đức Chúa Jesus còn sống trên đất, các môn đồ Ngài mang đầy hi vọng rằng Ngài sẽ là Đấng giải thoát dân Israel ra khỏi ách đô hộ của người La-mã, phục hồi vương quốc Israel hùng cường như thuở xưa.

Nhưng sau khi Ngài bị xử tử trên cây thập tự, chết và chôn rồi, thì mọi hi vọng về Đấng Cứu Chuộc ấy bị tan tành như mây khói. Đức Chúa Jesus đã vài lần cho họ biết trước rằng Ngài sẽ bị giết chết và sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại (Luca 9:22).

Hôm ấy đã là ngày thứ ba rồi, họ nghe các phụ nữ đến thăm mộ trở về cho biết ngôi mộ thì trống không, và có thiên sứ hiện ra trong mộ nói rằng Đức Chúa Jesus đã sống lại (Luca 24:22–24). Mặc dù nghe được các tin vui kỳ diệu đó, hai môn đồ nầy vẫn chẳng thấy chút hi vọng nào.

Đức Chúa Jesus hiện ra, đến gần và cùng đi với họ, họ không nhận ra Ngài. Ngài nghe họ kể chuyện tới chỗ họ nói về ngôi mộ trống, thì Ngài quở họ “thật dại dột và có lòng chậm tin lời các nhà tiên tri đã nói! Chẳng phải Đấng Christ cần phải chịu đau đớn như thế rồi mới bước vào vinh quang của mình sao?

Lúc ấy, Đức Chúa Jesus chỉ cần biểu lộ ra cho hai môn đồ ấy thấy Ngài, thì họ sẽ tin rằng Ngài đã thật sống lại. Nhưng Ngài không làm như thế, mà “bắt đầu từ Môi-se đến tất cả các nhà tiên tri mà giải thích cho họ những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh-thánh” (Luca 24:27).

Tại sao Chúa không bày tỏ cho hai môn đồ ấy biết chính Ngài đã sống lại? Tại sao Ngài phải giải thích cho họ hiểu về Ngài suốt cả Cựu-ước? Ngài làm như thế vì Kinh-thánh là cách chủ yếu để biết về Đức Chúa Jesus.

Sứ đồ Phaolô, một giáo sư lỗi lạc, xác định: “Cả Kinh-thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (2Timôthê 3:16–17).

Lời xác nhận ấy không phải là lý thuyết suông. Những kinh-nghiệm của con dân Chúa nghe tiếng Chúa phán qua Kinh thánh trải các thời đại đều giống nhau. Bởi vì mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời đều phải hoàn thành được mục đích mà Ngài đã định:

Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở về đó nữa mà tưới nhuần đất đai, làm cho đâm chồi nẩy lộc, để có hạt giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời của Ta cũng vậy, đã ra khỏi miệng Ta sẽ không trở về luống công, nhưng sẽ thực hiện ý Ta muốn và hoàn thành việc Ta giao” (Êsai 55:10–11).

Như vậy, để tập tành nghe tiếng Chúa phán qua Kinh-thánh thì điều kiện đầu tiên là phải tin những điều chép trong Kinh-thánh là thật. Kế đến là phải trung tín đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Hãy làm cho việc đọc Kinh-thánh thành một thói quen mà mình ưa thích. Sau khi đã quen thuộc với cách Chúa phán cho con dân Ngài, chúng ta sẽ dần dần nhận ra những điều Chúa muốn nói riêng với mình.

Cho đến một ngày, lời Kinh thánh bỗng trở nên rất sống động: Ta nghe tiếng Chúa phán. “Lời Ta chẳng phải như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giêrêmi 23:29).

VanDeCanBan25.docx
Rev. Dr. CTB