Cầu Nguyện Thế Nào? (1)

Những Điều Cần Biết, 03

1Ti-mô-thê 2:1

Mức độ tín hữu hiểu biết về sự cầu nguyện gia tăng theo trình độ trưởng thành tâm linh của họ. Vì Kinh-thánh cho biết có nhiều loại cầu nguyện khác nhau, nên chắc chắn rằng Đức Chúa Trời cũng muốn con dân Ngài trò chuyện với Ngài, hay trình dâng các lời khẩn cầu của họ bằng nhiều cách khác nhau.

Đời sống Cơ-đốc-nhân không phải lúc nào cũng chỉ quanh quẩn với các nhu cầu; bởi vì hễ ai đã nhận biết quyền phép và sự cao cả vĩ đại của Chúa, lòng sẽ đầy mừng rỡ, phấn khởi, hăng hái, và cảm kích về quyền năng vinh quang rất lớn của Cha trên trời, thì sự bày tỏ hay biểu lộ tâm trạng của mình khác hẳn với lúc bị lo buồn, hoang mang, chán nản, hay thất vọng.

Rồi khi ơn phước từ Chúa tuôn xuống dư dật thì lòng biết ơn vô hạn sẽ trổi tiếng hoan ca; hoặc khi thấy những điều bất công thì trình dâng lên Chúa sự tức giận của lòng công chính.

Với các tâm trạng khác nhau như vậy, người ta phải có nhiều sự biểu lộ khác nhau qua nhiều cách cầu nguyện khác nhau trong giờ trò chuyện với Chúa. Sứ đồ Phaolô viết thư cho Ti-mô-thê khuyên phải khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ, và cầu thay cho mọi người.

Nhưng cầu nguyện không phải chỉ có chừng đó. Trong Kinh-thánh có rất nhiều hình thức cầu nguyện mà chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống mỗi ngày tuỳ theo tâm trạng lúc ấy và theo mức độ thân mật với Chúa.

Trước hết là sự cầu nguyện ca tụng ngợi khen, ngưỡng vọng và cảm tạ. Lời cầu nguyện ngợi khen ca tụng Đức Chúa Trời phải thường xuyên trên môi miệng con dân Ngài, vì Đức Chúa Trời xứng đáng được ca tụng và ngợi khen.

Hễ tín hữu nào chịu suy gẫm về sự vinh quang và oai nghi của Đức Chúa Trời, thì người đó phải mở miệng ca tụng Chúa:

Lạy Đức Giê-hô-va, Danh Chúa vang lừng trên khắp đất biết bao! Uy nghiêm Ngài vượt quá các tầng trời! …… Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng… Lạy Đức Giê-hô-va…Danh Chúa vang lừng trên khắp đất biết bao!” (Thi-thiên 8:1,3,9).

Môi miệng nào biết ca tụng ngợi khen Chúa, thì đời sống mới tràn đầy sự vui mừng hoan hỉ. Nếu cuộc sống của người nào không biết ca tụng ngợi khen Chúa thì chỉ thấy đầy sự phiền não và lo lắng.

Hãy xem xét vài điều thôi, chúng ta sẽ thấy lý do Đức Chúa Trời đáng được ngợi khen và ca tụng:

Chúng con ca tụng Đức Giêhôva, vì Ngài rất vinh hiển oai nghiêm. … Đức Giêhôva là sức mạnh và sự ca tụng của chúng con. …. Lạy Đức Giêhôva! Trong vòng các thần chẳng ai so được với Ngài. Trong sự thánh khiết, chẳng ai được vinh hiển như Ngài….Ngài là đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ. Công việc của Ngài là trọn vẹn, vì các đường lối Ngài là công nghĩa …. Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và cực thánh, công nghĩa và chính trực. Chẳng có ai thánh như Đức Giêhôva. Chẳng có Chúa nào khác hơn Ngài.

Làm sao những người con lại không thể ngợi khen vị Cha vĩ đại như vậy? Người đời thường gìn giữ truyền thống tín ngưỡng của tổ tiên họ một cách hãnh diện, mặc dù những chuyện truyền khẩu qua nhiều đời toàn là huyền thoại chẳng có thật.

Thế thì, tại sao con dân của một Đức Chúa Trời thực hữu, đầy quyền phép, Đấng vẫn thi thố vô số việc diệu kỳ để nuôi sống muôn loài, bảo vệ Hội-thánh, lại không thể mừng rỡ ngợi khen tụng ca Ngài sao? Thái độ thờ ơ không quan tâm tới các ơn lành của Chúa chẳng những là vô ơn mà còn là bằng chứng của loại đức tin bạc nhược, yếu đuối; não trạng ấy là nguồn gốc gây ra đời sống tinh thần khổ não, chẳng có chút niềm vui.

Đừng đợi tới buổi nhóm của Hội-thánh mới áp dụng sự ca tụng, ngợi khen qua sự ca hát tập thể. Mẫu mực về những lời khẩn nguyện ca tụng ngợi khen đã được các thánh xưa bày tỏ và ghi lại trong Kinh-thánh.

Nếu ai không có đủ lời, hoặc không biết phải nói những gì thì hãy tìm hàng ngàn lời ca tụng ngợi khen trong Kinh-thánh mà bắt chước. Hãy làm cho các câu nói ấy thành lời cảm xúc của lòng mình. Những ai đã tập tành như vậy, chẳng bao lâu sẽ thấy tâm tình cảm kích của các thánh xưa đã trở thành của mình; vì mình đã kinh nghiệm lòng thành thật tôn sùng Chúa.

Ca tụng ngợi khen và ngưỡng vọng Chúa phải đi chung với nhau. Lòng ngưỡng vọng không chỉ có các lời tôn vinh, mà là những lời cung kính thờ tôn Đức Chúa Trời. Ví dụ như lời hô vang dội của các thánh trên thiên đàng:

Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, trước đã có, nay hiện có, và hằng có mãi mãi. Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi và Chiên Con. Ha-lê-lu-gia! Sự cứu chuộc, vinh hiển, quyền phép đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta. Ha-lê-lu-gia! Vì Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng đã cầm quyền cai trị. Amen! Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quý, quyền phép và sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng. Amen!” (Khải Huyền 4:8; 7:10, 12).

Ai tập được thói quen ca tụng, ngợi khen và kính thờ Chúa mỗi ngày, người đó sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa ở bên mình; bởi vì đã bắt đầu có mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời trong đời sống hàng ngày.

Có lẽ truyền thống trang nghiêm, yên lặng trong sự thờ phượng Chúa của giáo hội thời xưa đã tạo ảnh hưởng trên thói quen thiếu bày tỏ lòng ngưỡng vọng Chúa trong đời sống riêng tư. Cho nên, sau khi ra khỏi nhà thờ thì tín hữu đã quên mất sự hiện diện của Ngài và sống như là Đức Chúa Trời đã rút về cõi thiên đàng cao xa của Ngài.

Anh chị em hãy tập tành quen thuộc với nhận thức thực tế rằng Đức Thánh Linh đang ngự trong lòng chúng ta; Ngài luôn mong muốn chúng ta hiểu biết sự cao cả vĩ đại của Đức Chúa Trời để tâm linh cứ ngưỡng vọng Ngài, nhờ đó ta càng ngày càng gần gũi với Chúa như cậu bé chăn chiên David ngày xưa vậy.

Loại cầu nguyện kế tiếp là các lời tạ ơn Chúa. Có thể nhiều anh chị em tín hữu tin rằng mình vẫn biết tạ ơn Đức Chúa Trời về các ơn lành Ngài đã ban cho. Nhưng, để cho các lời cầu nguyện tạ ơn không thiếu sót, chúng ta hãy học những lời các thánh xưa tạ ơn Chúa:

Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va! Hãy vui vẻ phục vụ Đức Giê-hô-va, hãy ca hát mà đến trước mặt Ngài. Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng ta, chúng ta thuộc về Ngài; chúng ta là dân của Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài. Hãy cảm tạ mà vào các cổng Ngài, hãy ngợi ca mà vào hành lang Ngài. Hãy cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện, sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi-thiên 100).

Chúng ta cảm tạ Chúa vì các ơn lành của Ngài trên con dân Ngài quá quý báu, vượt xa hơn các thứ của cải vật chất tầm thường:

Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta, hãy ca ngợi danh thánh của Ngài! Hỡi linh hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài. Chính Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bệnh tật ngươi, cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và thương xót mà làm vương miện đội cho ngươi. Ngài làm cho ngươi được mãn nguyện với những điều tốt đẹp, để tuổi thanh xuân của ngươi hồi phục như của chim phụng hoàng.” (Thi-thiên 103:1–5).

Đức Giê-hô-va đầy lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và giàu lòng nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đối đãi với chúng ta theo tội lỗi chúng ta, cũng không báo trả chúng ta theo sự gian ác của chúng ta. Vì các tầng trời cách xa mặt đất bao nhiêu, thì lòng nhân từ của Ngài càng lớn cho người nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài cũng cất sự vi phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương xót người kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy” (Thi-thiên 103:8–13).

Kinh thánh chứa đựng rất nhiều lời ca tụng ngợi khen, ngưỡng vọng và cảm tạ Chúa. Chúng ta hãy tập thói quen dùng sự ca ngợi, ngưỡng vọng và cảm tạ Đức Chúa Trời làm lời cầu nguyện hàng ngày của mình.

Đó là cách để tập luyện sự thân mật gần gũi với Chúa của chúng ta; ai làm như thế thì dần dần tình yêu mến Chúa sẽ thành hình và gia tăng ngày càng mạnh mẽ.

Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng… Lạy Đức Giê-hô-va…Danh Chúa vang lừng trên khắp đất biết bao!” (Thi-thiên 8:3, 9).

NhungDieuCanBiet03.docx
Rev. Dr. CTB