Cuộc Cải Cách Ngoạn Mục (2)

Những Điều Cần Biết, bài 19

Ê-phê-sô 2:4–10

Giáo hội là hình thức tổ chức của một tôn giáo. Giáo phẩm là những người lãnh đạo hay các chức sắc từ lớn tới nhỏ của một giáo hội. Giáo phái, hay hệ phái, là các nhánh khác nhau của một giáo hội, họ có thể có cùng một niềm tin nhưng giáo lý hay giáo điều có phần khác nhau.

Giáo lý là các lẽ đạo, lý thuyết mà tôn giáo hay giáo phái ấy tin là đúng và làm theo sự tin tưởng ấy. Giáo điều là các luật lệ, nguyên tắc, đường lối, và lý luận về sự hành đạo không thể thay đổi trong một tôn giáo, giáo hội, giáo phái, hay hệ phái.

Giáo lý của Cơ-đốc-giáo được lấy từ Kinh thánh. Giáo điều của các giáo hội hay giáo phái là do người sáng lập hay lãnh đạo của tổ chức ấy đặt ra buộc giáo dân, giáo phẩm phải tuân theo.

Biết phân biệt rõ sự khác nhau giữa giáo lý với giáo điều sẽ giúp cho tín hữu nhận biết sự tin tưởng và thực hành của một giáo hội hay hệ phái đúng hay sai.

Một trong năm ‘solas’ làm cột trụ của giáo lý Cơ-đốc do Kinh-thánh dạy là ‘chỉ bởi đức tin’ vào Đức Chúa Trời và sự chuộc tội đã hoàn tất của Đức Chúa Jesus mà người ta được xưng công chính (sola fide).

Giáo lý của đạo Chúa đặt nền tảng trên sự bày tỏ và dạy dỗ của Kinh-thánh. Sự sai trật xảy ra khi người ta lấy giáo điều do loài người đặt ra làm thành giáo lý.

Kinh Thánh minh xác rõ ràng là người ta được xưng công chính bởi đức tin, không phải bởi những công đức người ta làm hầu thay thế cho đức tin.

Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa vấn đề nầy trong Rôma 4:4–5Đối với người làm việc, tiền công không được kể là ân huệ, nhưng phải kể là nợ; còn với người không làm việc, nhưng tin vào Đấng xưng công chính cho người có tội, thì đức tin của người ấy được kể là công chính.

Giáo hội La-Mã rất sai khi chủ trương đức tin vào Chúa và ân điển Ngài chưa đủ, mà phải thực hiện hết bảy phép bí tích thì mới nhận được ơn cứu rỗi …. nửa chừng.

Lý lẽ biện hộ của những người theo chủ trương nầy là trưng dẫn Gia-cơ 2:14, 17 “..Nếu một người bảo mình có đức tin nhưng không có hành động thì có ích gì không? Đức tin đó có cứu người ấy được không? ….., nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết.

Đâu phải Gia-cơ nói về đức tin vào Đức Chúa Trời và ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus! Thủ đoạn của kẻ lừa bịp là ‘mập mờ đánh lận con đen.

Vì đức tin vào Đức Chúa Trời và ơn cứu độ miễn phí của Ngài mới dẫn tới sự biến đổi để làm việc lành. Việc lành là kết quả của đức tin, chứ không phải việc lành dẫn tới đức tin. Gia-cơ nói rằng người nào có đức tin thì người ấy sẽ hành động.

Sứ đồ Phao-lô hỏi: “Anh em đã nhận lãnh Thánh Linh là nhờ vào công việc của luật pháp hay là bởi nghe và tin?… đã bắt đầu với Thánh Linh, sao bây giờ lại kết thúc bằng xác thịt” (Galati 3:2–3). Chẳng việc thiện nào giúp ta được xưng công chính, nhưng nhờ đã được cứu nên tín hữu sẽ làm việc thiện.

Cột trụ kế tiếp là ‘chỉ nhờ ân điển’ (sola gratia). Đức Thánh Linh soi sáng cho sứ đồ Phao-lô viết: “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em, để không ai có thể tự hào” (Êphêsô 2:8–9).

Ân điển là quà tặng miễn phí, không nhờ công trạng gì để được ban món quà ấy. Ơn cứu rỗi là ân điển từ Đức Chúa Trời, vì đang khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đấng Christ đã vì chúng ta mà chịu chết (Rôma 5:8). Chẳng một người nào trong nhân loại được kể là công chính, dẫu một người cũng không (Rôma 3:10). Vì mọi người đều phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời (Rôma 3:23).

Giáo lý ‘chỉ nhờ ân điển’ giải nghĩa lý do ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus được gọi là Tin Mừng: Tin Mừng là vì Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho loài người do đức nhân từ và lòng thiện hảo của Ngài, chứ chẳng phải vì chúng ta có điều tốt lành gì để được Ngài ưa thích.

Tại sao người ta tìm cách từ khước giáo lý quan trọng nầy? Bởi vì nhân loại luôn luôn muốn kể công lao của họ trong sự cứu rỗi. Họ không hiểu rằng đã mang tội lỗi thì không ai có thể đóng góp được gì để bôi xoá tội lỗi của họ.

Đồng thời, nếu chịu công nhận người ta được cứu chỉ nhờ ân điển, thì phải nhận luôn giáo lý ‘chỉ do Đấng Christ.’ Mà điều đó sẽ phá đổ truyền thống phải thực hiện bảy phép bí tích; hơn nữa, nếu chỉ do Đấng Christ, thì không còn chỗ cho truyền thống thờ kính hoặc kêu cầu Đức Mẹ cứu giúp, dâng vinh quang cho bà Mary và giáo hoàng.

Sự từ khước quỷ quyệt nầy là hình thức rất tinh vi từ chối hiệu quả sự chết của Đức Chúa Jesus là đủ để chuộc tội loài người. Giáo lý cho rằng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, là đấng đồng công cứu chuộc với Đức Chúa Jesus chắc chắn không phải từ Đức Thánh Linh mặc khải, vì nó trái với Kinh-thánh.

Năm solas cốt lõi của cuộc cải cách là đòn chí tử đánh sập những sự sai trật do satan thúc đẩy.

Sola thứ năm công bố mọi việc Đức Chúa Trời đã thực hiện cùng mọi việc tín hữu làm trong đời sống đạo đều ‘chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời’ (soli Deo Gloria); chỉ một mình Ngài mới đáng hưởng vinh quang, vì vinh quang thuộc về Ngài.

Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ để phô bày vinh quang của Ngài: “Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Thời” (Thi thiên 19:1).

“…tất cả những người được gọi bằng Danh Ta, Ta đã dựng nên họ vì vinh quang Ta” (Ê-sai 43:7). “Ta là Đức Giê-hô-va, đó chính là Danh Ta. Ta không nhường vinh quang Ta cho ai khác” (Êsai 42:8).

Mọi việc Đức Chúa Trời làm để cứu chúng ta cũng chỉ vì vinh quang của Ngài: “6 để ca ngợi ân điển vinh quang mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta …11 chúng ta được chọn làm người thừa hưởng cơ nghiệp được định sẵn theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, …12 để chúng ta, những người đầu tiên đặt hi vọng trong Đấng Christ, ca ngợi vinh quang của Ngài” (Êphêsô 1:6, 11–12).

Vinh quang của Đức Chúa Trời là gì? Vinh quang là ánh chiếu ra sự quý báu Ngài vốn có, sự đẹp đẽ và vĩ đại từ mọi sự toàn hảo ở trong Ngài.

Vinh quang ấy bày tỏ ra khi Đức Chúa Trời sẵn lòng hi sinh chính Ngài để cứu chúng ta khỏi cái chết tâm linh bằng cách hứng chịu cơn thịnh nộ công nghĩa, để Ngài có thể hoàn toàn vì loài người mà chịu sự trừng phạt, mặc dù chúng ta là tội nhân đáng chết.

Vinh quang của Đức Chúa Trời là động lực trung tâm của ơn cứu độ, không phải để cải thiện đời sống của người ta.

Đức Chúa Trời không phải là phương tiện để đạt tới cứu cánh, Ngài là cứu cánh và Ngài là phương tiện đạt tới cứu cánh ấy; vì thế, Phaolô khuyên “Vậy anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô:10:31).

Điều đó có nghĩa là chỉ Đức Chúa Trời mới đáng nhận mọi sự vinh quang. Ngài là tác giả và Đấng hoàn tất sự cứu rỗi của chúng ta, Đấng làm mọi việc tốt lành qua chúng ta.

Sola nầy khác với chủ trương của giáo hội La-mã ra sao? Giáo hội La-mã chẳng những kính mà còn tôn vinh, dâng vinh quang cho Đức Mẹ và các thánh, nhờ họ cầu bầu cho tín đồ. Bài kinh ‘kính mừng’ Đức Mẹ Maria phải đọc 50 lần so với 10 lần ‘kinh Lạy Cha’ mỗi ngày, chứng tỏ họ dâng vinh quang cho ai!

Chẳng những thế, giáo hội La-mã còn tôn vinh giáo hoàng; họ cho rằng giáo hoàng là đại diện của Đức Chúa Trời trên thế gian; tôn bà Mary làm Mẹ của Đức Chúa Trời cho nên họ gọi bà cách tôn kính là Đức Mẹ, còn đối với Đức Chúa Jesus thì bỏ chữ Đức tôn kính chỉ gọi Chúa Jesus hay Chúa Kitô mà thôi.

Cách gọi vô lễ đó đã quen thuộc với người Việt hàng trăm năm trước, nên 99.9% tín đồ Tin Lành cũng bắt chước y như vậy.

La mã lý luận rằng Chúa không bao giờ bị giảm vinh quang, nên tôn ‘Đức Mẹ Nhân Từ, Đấng Cực Thánh’ (Giáo lý Công giáo [CCC] 2677); ‘chúng ta không có cách nào tốt hơn nhìn lên Đức Mẹ’ (CCC 972); ‘không ai có thể tới với Chúa Kitô mà không qua Mẹ’ (Rosary, Octobri Mense, giáo hoàng Leo 13).

Tóm lại, chúng ta được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời chỉ nhờ ân điển, chỉ trên nền tảng huyết và sự công nghĩa của Đấng Christ, chỉ bởi đức tin làm phương tiện, để chỉ vì vinh quang của Đức Chúa Trời, như đã được dạy chỉ bởi thẩm quyền tối hậu của Kinh-thánh.

Câu nầy gom gọn năm nguyên tắc nền tảng của cuộc Cải Cách Ngoạn Mục cách nay 500 năm trước được khởi xướng bởi Martin Luther, sau đó có Jean Calvin ở Pháp và Ulrich Zwingli ở Thuỵ-sĩ hưởng ứng, làm thành hình các hệ phái Lutheran, Presbyterian, là hai hệ phái Tin Lành đầu tiên.

Mặc dù sau nầy đã nẩy sinh ra rất nhiều hệ phái tuỳ theo cách diễn giải Kinh-thánh của những người lãnh đạo đầu tiên chủ trương, nhưng về căn bản, đều xuất phát từ cuộc cải cách ngoạn mục năm xưa.

NhungDieuCanBiet19.docx
Rev. Dr. CTB