Được Giữ Vẹn Toàn

Những Điều Cần Biết, 24

1Têsalônica 5:16–24

Buổi nhóm hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2017. Nhìn lại nếp sống tâm linh trong suốt năm qua, những ai có lòng thành thật yêu mến và kính sợ Chúa đều nhận ra những thất bại mà cá nhân mình và Hội thánh đã trải qua với tâm trạng buồn vì không hài lòng.

Bây giờ đứng trước năm mới sẽ tới trong bối cảnh thế giới đầy biến động, những người kính sợ Chúa đều mong ước có thể biết áp dụng cách sống đạo thế nào để được Đức Chúa Trời hướng dẫn và gìn giữ vẹn toàn cả tâm linh, linh hồn và thân thể.

Phần Kinh thánh vừa đọc mở ra một thoáng hi vọng cho chúng ta biết vấn đề nầy. Đức Thánh Linh soi sáng cho sứ đồ Phao lô hiểu ba phần cấu tạo thành con người. Chỉ một phần có thể rờ thấy được, đó là thân thể. Kinh thánh luôn nói tới hai phần khác mà mắt người không thấy được là linh hồn và tâm linh.

Làm sao để thân, hồn và linh của chúng ta được gìn giữ vẹn toàn, đối với một số người, là nỗi ước ao hầu như không thể thực hiện được.

Nhưng lời chúc của sứ đồ Phaolô cho tín hữu ở Têsalônica đã nhen lên cho chúng ta một tia hy vọng có thể tìm ra bí quyết. Ông cầu xin “chính Đức Chúa Trời bình an thánh hoá anh em một cách toàn diện. Cầu xin tâm linh, linh hồn và thân thể anh em được giữ vẹn toàn” (23). Rồi ông khẳng định rằng “Đấng đã kêu gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (24).

Vậy, có phải bí quyết để cả ba phần của con người chúng ta được gìn giữ vẹn toàn là làm sao để được chính Đức Chúa Trời thánh hoá chúng ta một cách toàn diện hay không?

Nhưng, nan đề của vô số tín hữu qua nhiều thế hệ trong mọi dân tộc đều giống nhau ở chỗ là không biết làm cách nào để được Đức Chúa Trời thánh hoá. Vì tâm lý chung của đa số người là cứ thụ động chờ sự ban phước và can thiệp của Đức Chúa Trời trong các vấn đề tâm linh chứ không cộng tác với Ngài.

Rất nhiều người không biết mình phải cộng tác với Chúa thì mới giải quyết việc ba phần của con người mình được gìn giữ vẹn toàn. Những người nào đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời mới được thánh hoá.

Đấng thành tín sẽ chẳng thánh hoá những người mà Ngài biết quá rõ là vừa không đáp ứng sự kêu gọi của Ngài, chẳng bao giờ vâng lời chỉ dẫn, dạy dỗ của Kinh thánh trong cuộc sống mỗi ngày, không cộng tác với Đức Thánh Linh trong mục đích biến đổi tâm trí của họ, và không có một chút chủ ý gì đem đến ích lợi cho Vương quốc của Chúa vì bận bịu với lợi ích riêng.

Cách sống của người thụ động không cộng tác với Chúa cũng chẳng để ý tới cách hành xử của họ có ảnh hưởng gì tới người chung quanh hay không. Vậy, chúng ta phải làm gì để cộng tác với Chúa? Mấu chốt của vấn đề đã được Đức Thánh Linh đã soi sáng cho sứ đồ Phao lô.

Ông viết những lời vừa là mệnh lệnh, vừa khích lệ những ai hết lòng tìm kiếm một nếp sống làm vui lòng Chúa:

 “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi; hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, …………. Chớ dập tắt Đức Thánh Linh; chớ khinh dể các lời tiên tri. Hãy xem xét mọi việc, điều gì tốt đẹp thì giữ lấy, mọi hình thức gian ác thì phải tránh xa” (1Têsalônica 5:16 -22), đây là phần mà mọi người cần phải suy gẫm, học hiểu để thực hiện sao cho đúng.

Đức Chúa Trời vẫn tìm kiếm người nào chịu vâng lời thực hiện các mệnh lệnh ấy, để Ngài thực hiện lời Kinh thánh hứa là người đó sẽ được Chúa thánh hoá một cách toàn diện; rồi thân, hồn, linh của người ấy sẽ được Ngài gìn giữ vẹn toàn không chỗ trách được.

Có hai điều rất khó thực hiện trong các mệnh lệnh nầy là vui mừng mãi mãi và cầu nguyện không thôi. Chúng ta là con cái Chúa sẽ thắc mắc về ý nghĩa thật của hai điều đó; bởi vì nếu hiểu theo nghĩa đen thì chắc không làm được.

Làm sao có thể vui mừng mãi mãi trong những lúc lòng phải đối phó với những sự buồn rầu và lo lắng của đời sống? Làm thế nào tâm trí có thể nghĩ đến chuyện khác nếu phải cầu nguyện không thôi?

Chắc chắn rằng Đức Chúa Trời không buộc chúng ta phải làm những điều mà người có trình độ tâm linh cao hơn tín hữu bình thường vẫn chưa làm nổi. Thế thì, ý nghĩa của hai mệnh lệnh ấy là như thế nào?

Vui mừng mãi mãi là thật lòng cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài và được làm con dân thiên đàng. Tâm trạng hài lòng vì biết chắc mình được cứu dù ở hoàn cảnh nào là sự vui mừng mãi mãi của con cái Chúa.

Nếu tín hữu nào chưa có sự bảo đảm ấy thì cần xét lại mình đã tin Chúa như thế nào? Nguyên nhân nào khiến mình theo đạo? Rồi điều chỉnh đức tin bị lệch lạc ấy vô đúng chỗ, thì sẽ vui mừng trong ơn cứu rỗi miễn phí mà mọi người đều nhận được.

Còn sự cầu nguyện không thôi có nghĩa là tâm linh luôn luôn hướng về Chúa dù đang làm bất cứ việc gì hay đang phải suy tính điều chi. Giống như cái máy thu thanh đã chỉnh cố định vào tần số mình muốn nghe và cái cần nhận tín hiệu đã chĩa đúng hướng, thì máy chỉ thu tín hiệu của tần số đó mà thôi.

Thói quen nầy không thể tự nhiên có mà cần phải luyện tập. Tín hữu nào dành nhiều thì giờ ở riêng với Chúa sẽ biết cách hướng tâm linh mình về Chúa là như thế nào.

Cầu nguyện là tương giao, trò chuyện, trình nỗi niềm của mình cho Chúa và lắng nghe ý của Ngài. Vì thế, đời sống nào chỉ biết cầu nguyện xin xỏ điều nọ điều kia cho mình thì chưa có mối tương giao với Chúa nên chưa nhận ra tiếng nói của Ngài.

Những ai chưa từng trải qua một cuộc khủng hoảng lòng dạ tan nát bám lấy Chúa mà khẩn nài không ngơi nghỉ, thì chưa học được cách luôn luôn hướng tâm linh mình tới Chúa. Nhưng ai đã ở vào hoàn cảnh đau khổ, không lối thoát, trải lòng mình ra trước Chúa rồi được Ngài an ủi và giải quyết, người đó sẽ lắng nghe sự chỉ dẫn của Ngài trong từng việc dù nhỏ.

Một anh thợ đi mua món mình cần, bỗng nhận ra anh chú ý một món mà anh không cần. Về nhà anh mới thấy việc anh đang làm cần phải có món mà hồi nãy anh chú ý. Hãy hiểu rằng khi tâm linh ta luôn hướng về Chúa, chính là sự cầu nguyện không thôi, thì Chúa sẽ nhắc nhở và chỉ dẫn những điều có ích lợi cho ta rất đúng lúc.

Mọi con cái thật của Chúa đều muốn phần tâm linh của mình tăng trưởng, nhưng trong thực tế thì nếp sống tin kính của vô số tín hữu vẫn bị vấp ngã vì những lý do rất tầm thường.

Nguyên nhân nào đưa tới tình trạng đáng buồn đó? Tâm linh của anh chị em vẫn ngưỡng vọng Chúa, vẫn đeo bám lấy Ngài, nhưng vẫn thường phải chiến đấu rất vất vả với những sự cám dỗ của xác thịt.

Lý do là vì chúng ta chưa thấy phần hồn của mình là thủ phạm của rất nhiều lần thất bại. Vì nó là tâm trí, ý chí và cảm xúc bên trong chúng ta, phần chưa chịu đầu phục Đức Thánh Linh để được thánh hoá; bản ngã, tức là cái tôi chưa bị sự kính sợ Chúa chế ngự. Người nào chăm chú suy nghĩ về điều không nên làm, sẽ bị điều đó dẫn dụ. Đừng nghĩ rằng mình chưa hành động thì không hại gì. Hễ Đức Thánh Linh nhắc cho biết rằng vấn đề đó sai, thì hãy rũ bỏ nó ra khỏi tâm trí lập tức.

Tinh thần cầu nguyện không thôi là hỏi Chúa muốn mình làm gì hay hành xử như thế nào về việc đang đến mà mình chưa biết cách đối phó. Hãy tập trung vào ý muốn của Chúa về vấn đề đó. Đừng bao giờ cầu xin Chúa thực hiện điều mình muốn, vì Ngài biết rõ nhu cầu của chúng ta hơn là chúng ta tưởng (Mathiơ 6:8).

Một tâm linh cầu nguyện không thôi là tâm linh luôn hỏi xin Chúa chỉ dẫn cho mình biết phải làm gì và làm như thế nào. Thay vì cầu xin: “Chúa ơi chúng con cần điều nầy điều kia,” thì nên hỏi “Chúa ơi, trong việc nầy con phải làm thế nào đây?” Rồi lắng nghe và chờ đợi sự mặc khải từ Chúa đến; giống như ngày xưa dân Israel trong hoang mạc đi dưới áng mây ban ngày và trụ lửa ban đêm, họ luôn luôn được sự bảo vệ và che chở của Chúa.

Môi-se được Đức Chúa Trời kêu gọi và sử dụng một cách đặc biệt, vì ông là người nhạy bén với tiếng Chúa phán. Nếu chúng ta chịu tập tành hướng tâm linh về Chúa trong mỗi giây phút dù ở hoàn cảnh nào, thì sẽ tạo được mối tương giao thân mật với Ngài. Lúc ấy thì mọi mệnh lệnh đã chép trong Kinh thánh sẽ được hiểu dễ dàng và thực hiện cũng dễ dàng.

Chúng ta sẽ tránh không vi phạm việc dập tắt Đức Thánh Linh; sẽ tôn trọng và xem xét các lời tiên tri để biết thật hay giả; cũng sẽ cẩn thận xem xét mọi việc để giữ lấy điều tốt đẹp, sẽ có khả năng tránh xa mọi hình thức gian ác.

Nhờ đó, thân, hồn và linh của chúng ta được giữ vẹn toàn; được Đức Chúa Trời bình an thánh hoá đời sống; và được Chúa dẫn dắt trong mọi vấn đề.

 NhungDieuCanBiet24.docx
Rev. Dr. CTB