Các Ngày Lễ Chính

Phục Truyền Luật Lệ, bài 14

Phục Truyền 16:1-22

Tháng Giêng của lịch Hê-bơ-rơ gọi là tháng A-bíp; chữ nầy có nghĩa là hột lúa non. Trong tháng đó, dân Israel được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi kiếp làm nô lệ tại Ai-cập bằng tai hoạ thứ mười giết tất cả các con đầu lòng, từ người đến súc vật, trên khắp xứ Ai-cập. Riêng các nhà của người Israel có bôi máu của con sinh tế lên hai bên khung cửa thì thần huỷ diệt sẽ vượt qua không vào giết các con đầu lòng. Vì vậy ngày đó được gọi là Lễ Vượt Qua.

Thật ra đến mờ sáng hôm sau đêm Vượt Qua, người Israel mới ra khỏi Ai-cập; nhưng họ phải chuẩn bị từ ngày hôm trước, và trong đêm đó họ phải đứng ăn hối hả, chân mang dép, lưng thắt đai sẵn sàng lên đường khi có lệnh truyền, vì thế Môi-se nói “Trong tháng A-bíp, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã đem anh em ra khỏi Ai-cập trong ban đêm” (1) là vì lý do đó.

Theo lệnh Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se nói lại với dân Israel luật lệ của lễ Vượt Qua về con sinh tế thì phải là chiên con hay dê con một năm tuổi, không tì vết (Xuất Ai-cập 12:5). Nhưng ở chỗ nầy, Môi-se nói họ dâng sinh tế lễ Vượt Qua bằng chiên, dê hay bò (2) tại địa điểm có Đền Thờ sau nầy. Vậy, tại sao lại có sinh tế bằng bò con trong dịp nầy?

Theo luật thì con thú làm sinh tế chính của lễ Vượt Qua phải là chiên con hay dê con một năm tuổi; nhưng sau khi vào trong đất hứa, lễ Vượt Qua không làm kiểu hối hả như ngày ra khỏi Ai-cập, mà người ta sẽ làm kỷ niệm lễ ấy trong bảy ngày, ăn thịt của các sinh tế, trong đó có cả chiên, dê và bò, với bánh không men, “là bánh hoạn nạn, vì anh em đã phải vội vàng ra khỏi Ai-cập, để trọn đời anh em nhớ đến ngày mình ra khỏi Ai-cập” (3). Bánh không pha men thì vị không ngon miệng, nên gọi là bánh hoạn nạn.

Trong bảy ngày đó, không được có men trong nhà anh em cũng như trên khắp lãnh thổ” (4). Men ngày xưa để làm cho bột dậy lên, cũng giống như cách làm men của các xã hội chậm tiến, là ủ bột đã nhồi với nước trong nhiều ngày để bột trở thành men chua, tức là bột đã bắt đầu hư thối.

Ý nghĩa tâm linh của bánh làm từ bột có pha men tượng trưng sự thoả hiệp với những ý tưởng hư xấu của tham vọng thế tục và các sự đam mê xác thịt. Thoả hiệp và dung túng những sự mê tham của xác thịt, sẽ khiến người ta hư hoại và lòng không còn trong sạch. Bột đã bị men làm cho dậy lên là bột đã bị hỏng rồi.

Sứ đồ Phao-lô khuyên “Hãy loại bỏ men cũ, để anh em nên bột mới, vì anh em đúng là bánh không men. Và, vì Đấng Christ là Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã chịu giết rồi. Vậy chúng ta dự lễ, không ăn bánh có men cũ—men gian trá, độc ác—nhưng ăn bánh không men, tức là lòng thành thật chân chính” (1Côrinhtô 5:7–8).

Như luật đã ban từ Ai-cập, thịt sinh tế đã dâng vào buổi tối ngày thứ nhất không được để lại tới sáng hôm sau. Israel cũng không được cử hành lễ Vượt Qua nơi họ ở, mà phải làm ở Đền Thờ mà Chúa chọn, vào buổi tối, khi mặt trời vừa lặn (5-6).

Lễ Vượt Qua đầu tiên ở Ai-cập thì sinh tế phải quay trên lửa, không được luộc (Xuất Ai-cập 12:9); lệnh ấy vẫn giữ nguyên khi đã vào đất hứa; cho nên, chữ “nấu thịt sinh tế và ăn” (7) là cách người thời nay suy diễn, bởi vì Đức Chúa Trời không thay đổi luật của Ngài.

Israel sẽ ăn bánh không men trong sáu ngày, qua thứ Bảy thì họ phải nghỉ, không được làm việc, để cử hành một lễ long trọng cho Giê-hô-va Đức Trời của họ (8).

Sau lễ Vượt Qua là lễ Các Tuần. Lễ nầy được định trong sách Xuất Ai-cập, gọi là lễ Mùa Gặt (Xuất 23:16); thời gian thì định rõ trong sách Lê-vi-ký là năm mươi ngày sau ngày sa bát lễ Vượt Qua (Lê-vi-ký 23:15-21), vì vậy được gọi là lễ Ngũ Tuần (9-10). Còn các sinh tế và lễ vật cho lễ Ngũ Tuần thì được ghi trong sách Dân-số ký (Dân-số 28:26-31). Thời điểm mang liềm ra gặt lúa nghĩa là ngày đầu tiên gặt lúa mạch.

Lễ vật dâng lên Đức Chúa Trời vào dịp lễ nầy là lễ vật tự nguyện (10) tuỳ theo phước lành mà họ nhận được. Người Israel cũng không được phép cử hành lễ nầy nơi họ ở mà phải cùng toàn gia đình tới địa điểm có Đền Thờ của Đức Chúa Trời để vui vẻ dự lễ (11-12).

Lễ trọng thể thứ ba trong năm là lễ Lều Tạm bắt đầu vào ngày rằm tháng Bảy và kéo dài bảy ngày (Lê-vi-ký 23:34), “sau khi đã thu hoạch hoa lợi từ sân đập lúa và hầm ép rượu” (13).

Suốt thời gian bảy ngày đó, người Isarel không được làm một công việc thường ngày nào hết: “Suốt trong kỳ lễ, anh em, con trai con gái anh em, tôi trai tớ gái anh em, người Lêvi, khách lạ, kẻ mồ côi và người goá bụa đều phải vui vẻ mà giữ lễ đó” (14).

Người ta phải đem thổ sản từ nơi họ ở tới Đền Thờ Đức Chúa Trời tại địa điểm mà Ngài sẽ chọn sau nầy, để dự lễ cùng toàn gia đình mình (15).

Gọi là lễ Lều Tạm, vì sau khi thu hoạch thổ sản, mọi người trong dân Israel “phải chọn các loại trái như cam chanh, các nhành chà là, các nhánh cây đầy lá, và những cành liễu mọc bên suối” (Lê-vi-ký 23:40), để làm những cái lều tạm bợ bằng nhánh cây, cành lá, ngay trên đường hoặc ngoài đồng, ngoài vườn, và phải ở trong lều đó suốt bảy ngày.

Trong suốt bảy ngày ấy, toàn dân Israel sẽ vui vẻ ăn uống sau một mùa thu hoạch. Đức Chúa Trời dặn “Tất cả những người sinh ra là dân Israel đều phải ở trong lều để mọi thế hệ các con biết rằng khi Ta đem dân Israel ra khỏi Ai-cập, Ta đã cho họ ở trong các lều trại. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con” (Lê-vi-ký 23:42-43).

Người Israel phải làm cho lễ Lều Tạm thành dịp ăn uống vui vẻ không những cho riêng họ mà còn phải làm cho người Lê-vi, khách lạ, kẻ mồ côi, người goá bụa đều được ăn uống vui vẻ. Đó là bốn loại người mà Đức Chúa Trời luôn luôn để mắt tới.

Tinh thần vui vẻ của lễ Lều Tạm đã trở nên thành ngữ của người Do-thái. Một rabbi, tức là thầy thông giáo của họ, tên là Rashi đã ghi nhận như sau: “Đức Giê-hô-va phán rằng: ‘bốn loại người của Ta đối chiếu với bốn loại người của con – con trai, con gái, tôi trai, tớ gái của con – Nếu con làm cho bốn loại người của Ta vui vẻ, thì Ta sẽ làm cho bốn loại người của con mừng rỡ.

Mỗi năm ba lần, mọi người nam đều phải trình diện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em tại địa điểm mà Ngài sẽ chọn, đó là vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Các Tuần và lễ Lều Tạm. Người ta sẽ không trình diện Đức Giê-hô-va với hai bàn tay trắng” (16).

Lễ Bánh Không Men là sáu ngày tiếp theo sau ngày sa bát lễ Vượt Qua, vì thế lễ ấy cũng có thể kể là dính líu trực tiếp với và là một phần của lễ Vượt Qua.

Mỗi năm ba lần, mọi người nam trong Israel đều phải tới Đền Thờ để ra mắt Chúa, nhưng họ không nên đi tay không; tức là mỗi khi ra mắt Chúa thì phải đem theo lễ vật dâng hiến tuỳ khả năng theo phước hạnh Đức Chúa Trời ban cho họ (17).

Nguyên tắc nầy cũng được áp dụng vào thời Tân ước “vào mỗi ngày đầu tuần, mỗi người trong anh em, tuỳ khả năng của mình, hãy dành ra một phần …. ” (1Côrinhtô 16:2). Giá trị của sự dâng hiến nằm ở thái độ thành tâm và lòng yêu mến Chúa chứ không phải số lượng nhiều hay ít.

Lời dặn dò kế tiếp nói về một lãnh vực mới: Việc bổ nhiệm các thẩm phán và các quan chức có trách nhiệm điều hành và phân xử những vụ tranh chấp kiện tụng giữa dân chúng tại các thành mà các chi tộc Israel sẽ nhận được (18). Thẩm phán thì phân xử, các quan chức có trách nhiệm thi hành án lệnh hay cưỡng chế thành phần bất tuân.

Mục đích đặt ra các chức vụ nầy không chỉ liên quan tới các vụ kiện tụng dân sự mà còn để xử phạt những người bất tuân luật pháp. Vì thế, các thẩm phán “không được làm sai lệch công lý, không thiên vị, không nhận hối lộ” (19).

Theo đuổi và duy trì công lý là bí quyết được sống và được ban phước. Những người cố ý bẻ cong công lý, vì nhận của hối lộ, vẫn luôn lãnh lấy hậu quả vô cùng bi đát (20).

Thời cổ xưa người ta lập bàn thờ hay dựng trụ thờ thần mà họ tin là có quyền ban phước hay giáng hoạ. Đức Chúa Trời cấm Israel không được dựng trụ gỗ thờ thần A-sê-ra của dân Canaan bên cạnh bàn thờ họ sẽ lập cho Ngài (21).

Trụ thờ bằng đá không phải chỉ là một cột đá, mà là đá tạc thành hình tượng, mà Đức Chúa Trời thì ghét hình tượng và sự thờ hình tượng (22).

Người ta thì thích tạc tượng hay hình ảnh gì đó trên đá để lưu giữ lâu dài. Nếu Chúa không cấm, Israel sẽ bắt chước các dân tộc khác mà dựng trụ đá tạc hình tượng, vi phạm điều răn của Chúa.

PhucTruyen14.docx

Rev. Dr. CTB