Môi-se Qua Đời

Phục Truyền Luật Lệ, bài 40

Phục Truyền 34:1–12

Đỉnh Pisgah trên núi Nebo thuộc dãy núi Abarim ở phía đông của sông Jordan (Phục 32:49) có lẽ là đỉnh cao nhất trên dãy núi đó. Ngày ông thầy pháp Balaam được Balak mướn tới nguyền rủa Israel, thì ông ta cũng lên chỗ ấy, gọi là Peor (Dân số 23:28).

Môi-se biết ngày mình qua đời đã gần (Phục truyền 32:49-50); thông thường thì người ta sợ hãi lắm vì không biết có gì chờ mình ở thế giới bên kia. Người ta cũng sợ không dám tới gần địa điểm mà họ biết mình sẽ chết ở đó.

Môi-se từng gặp và trò chuyện với Đức Chúa Trời nhiều lần. Ông đã quen biết linh giới nên chẳng sợ khi phải lìa trần giới, mà vui vẻ leo lên chỗ sẽ được vĩnh viễn gặp Chúa của ông (34:1); từ đỉnh Pisgah ông được Đức Chúa Trời chỉ cho thấy gần như toàn vùng đất hứa mà dân Israel sẽ vào.

Gilead là đất đã cấp cho chi tộc Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh. Đan là vùng đất sẽ chiếm về phía bắc. Nép-ta-li là vùng đồi xa về hướng tây, vùng đất của Épraim và Manasseh gần chỗ ông đứng hơn. Kế ngay phía nam là đất của Giu-đa, rồi nhìn xa hơn nữa về chân trời phía tây là Địa Trung Hải (2). Bên tay trái Môi-se về phía cực nam là sa mạc Negeb.

Ngay trước mặt ông là vòng cung đồng bằng Jericho, thành Jericho được gọi là ốc đảo Cây Chà Là trước khi tới sa mạc Zoar mênh mông ở phía nam (3).

Môi se được nhìn thấy toàn vùng vì không khí trong lành không trở ngại gì cho tầm mắt. Ông đã được Chúa bảo lên đỉnh cao nhất để tận mắt thấy vùng đất mà Ngài hứa ban cho dòng dõi của Abraham, Isaac và Jacob.

Vì tác giả sách Sáng thế không ghi rõ vị trí Abraham đứng để nhìn khắp đông, tây, nam, bắc, để ông thấy đến đâu thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho Israel, là dòng dõi ông đến đó (Sáng-thế 13:14-15); cho nên, không ai biết vị trí Abraham nhìn xem toàn vùng so với đỉnh Pisgah là bao xa. Bây giờ Chúa bảo Môi-se vùng ông đang thấy là xứ ấy (4).

Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời tại đó, trên đất Moab, như lời Ngài đã phán”(5). Trong suốt bốn mươi năm từ khi được Chúa sai phái, Môi-se đã quen làm mọi việc theo lời Chúa phán. Chỉ có một lần ông không làm đúng lời phán dặn của Đức Chúa Trời (Dân số 20:7-12) khiến ông không được bước chân vào đất hứa và thành tích vâng lời của ông không được hoàn hảo như ý muốn.

Nhưng đây là lần vâng lời cuối cùng của Môi-se khi ông sẵn sàng nằm xuống và qua đời theo lệnh của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta suy gẫm về những ngày sau cùng của Môi-se trên đất, mới thấy rằng ông hoàn toàn dẹp bỏ cái tôi của ông sang một bên. Ông không lo lắng gì về miền vô hình ông chưa thấy, cũng không bày tỏ ý tưởng gì về cõi ông sẽ vào.

Ông đã có một niềm tin chắc chắn vào Đức Chúa Trời là nơi ẩn náu, ở dưới có cánh tay đời đời của Ngài (33:27), dù ông có bị rơi vào không gian bao la, mà người thời xưa tin đó là vực thẳm không đáy.

Môise là người duy nhất được Đức Giê-hô-va chôn trong một thung lũng thuộc xứ Moab (6), đối diện với Bethpeor. Sở dĩ không ai biết được nơi an táng của ông vì có lẽ xác ông không nằm ở đó nữa, như Giu-đe viết về việc thiên sứ trưởng Michael tranh luận với ma quỷ lúc tranh chấp xác của Môi-se (Giu-đe 9).

Câu hỏi đặt ra là, tại sao thiên sứ trưởng Michael phải tranh giành xác của Môi-se với Satan? Kinh thánh cho biết tiên tri Ê-li được xe và ngựa lửa rước về trời đang lúc còn sống (2Vua 2:11). Hơn 1400 năm sau, khi Đức Chúa Jesus hoá hình trên núi trước mắt ba môn đồ thân cận của Ngài, thì Môi-se và Ê-li hiện ra trò chuyện với Ngài (Mathiơ 17:2-3). Nếu xác của Môi-se bị thối rữa dưới đất, thì ông không hiện ra trong thân xác người giống như Ê-li. Vì vậy, có học giả Kinh thánh tin rằng thiên sứ trưởng đến lấy xác của Môi-se để làm cho ông được về trời trong thể xác, nhưng Satan đến cáo kiện và cản trở, vì hắn cho rằng Đức Chúa Trời không công bằng.

Việc xác Môi-se được Đức Chúa Trời chôn, gợi lên một sự suy nghĩ rất sâu trong lòng người nào đọc Kinh thánh và chú ý tới chi tiết nầy. Như có người đã tin rằng Satan tới giành xác Môise với thiên sứ trưởng Michael, vì hắn phản đối việc Đức Chúa Trời cho đem xác ông về trời để ông được sống lại.

Như vậy, sở dĩ tác giả kết luận là Môi se được Đức Chúa Trời chôn vì không có ai tìm được xác của ông cả. Môi se hưởng phước hạnh đó vì ông đã gần gũi với Đức Chúa Trời qua suốt quãng đời thăng trầm từ ngày ông được Ngài gọi phục vụ Ngài.

Tín hữu ngày nay được ban Đức Thánh Linh vào lòng, chẳng những để đổi mới tâm linh mà còn để hướng dẫn trong từng chi tiết của đời sống trên trần gian. Nếu chúng ta giữ được nếp sống tương giao gần gũi với Chúa, thì cũng sẽ được hưởng những phước hạnh Chúa ban cho người yêu mến Ngài mà không ai ngờ tới.

Môi-se qua đời khi ông được một trăm hai mươi tuổi, nhưng mắt ông không mờ, sức ông không giảm” (7). Đời sống của Môise được chia thành ba giai đoạn rõ ràng: Bốn mươi năm trong hoàng cung Ai-cập, bốn mươi năm chăn bầy ở hoang mạc Mađian và bốn mươi năm dẫn dắt Israel vượt qua hoang mạc mênh mông từ phía bắc Biển Đỏ tới đồng bằng Moab ở phía đông Jericho.

Người bình thường tới tuổi ấy thì mắt đã mờ, như tổ phụ Isaac của Israel (Sáng thế 27:1), nhưng mắt Môi-se không mờ, sức không suy giảm; nghĩa là ông không có dáng lụ khụ của một người già yếu sức như người bình thường.

Đức Chúa Trời ban ơn đặc biệt cho người được Ngài dùng để dẫn dắt và lãnh đạo dân của Ngài. Thực tế về Môi-se là bài học về sự tin cậy vào sự chăm sóc của Chúa cho những ai đang được Chúa sử dụng trong công việc nhà Ngài. Chúa biết chúng ta cần những gì.

Con dân Israel thương khóc Môi-se suốt ba mươi ngày tại đồng bằng Moab. Sau đó họ chấm dứt những ngày thương khóc và để tang cho Môi-se” (8). Khi một người bình thường chết, người ta thương khóc bảy ngày. Ba mươi ngày thương khóc là dành cho người nào có địa vị cao trọng, như trước đó Israel thương khóc A-rôn (Dân số 20:29); mặc dù Kinh thánh chỉ nói rất vắn tắt về sự chôn cất A-rôn (Phục truyền 10:6).

Một câu hỏi nẩy ra trong sự thương khóc Môi-se: “Israel không thấy xác của Môi-se, vì thế, họ cũng không có cơ hội chôn cất ông; vậy, làm thế nào họ biết rằng Môi-se đã qua đời?” Câu hỏi nầy dẫn tới câu hỏi khác: ‘Ai chứng kiến sự chết của Môi-se? Giô-suê có leo lên núi theo Môi se không?

Nếu Giô-suê là người lãnh đạo tối cao của Israel, thì ông là người thông báo sự chết của Môi-se và tổ chức cuộc thương khóc cho toàn Israel, vì chỉ một mình ông trung thành đi theo và tận tuỵ phục vụ Môi-se từ ngày họ ra khỏi Ai-cập.

Thần khôn ngoan’ vừa là một thân vị từ Đức Chúa Trời (Châm ngôn 8:22-31), vừa là tố chất vô cùng cần thiết cho người được thành công trong đời sống (Châm ngôn 2:1-10). “Giô-suê…được đầy dẫy thần khôn ngoan vì Môi-se đã đặt tay trên ông” (9).

Thần khôn ngoan được ban cho Giô-suê vì Môi-se đã đặt tay trên ông. Có thể xem đây là bằng chứng đầu tiên trong Kinh thánh về sự đặt tay phong chức hay truyền chức. Mặc dù Giô-suê đã trở thành người lãnh đạo tối cao của Israel, nhưng ông và toàn dân Israel luôn luôn làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se. Điều đó có nghĩa họ tin chắc Môi-se đã trung thành truyền lại tất cả các lệnh truyền từ Chúa đến cho họ, và các lệnh truyền ấy có giá trị không thay đổi.

Câu viết: “Về sau, trong Israel không còn xuất hiện một nhà tiên tri nào giống như Môi-se, người được Đức Giê-hô-va biết mặt đối mặt” (10), chứng tỏ rằng phần nầy do người đời sau viết để tường thuật lại mọi điều đã xảy ra.

Đồng thời, ký thuật ấy cũng xác nhận Môi-se là một người khác thường, được Đức Chúa Trời bảo vệ từ khi sinh ra cho tới ngày qua đời, và được trò chuyện trực tiếp với Chúa, Đấng cực thánh không chấp nhận bất cứ sự ô uế gì có mặt trước sự hiện diện của Ngài, một điều hết sức đặc biệt.

Môi-se cũng là người đầu tiên trong nhân loại được Chúa “sai làm những dấu lạ phép mầu tại Ai cập trước mặt Pha-ra-ôn, quần thần và cả xứ sở của vua ấy” (11). Cũng “không ai thực hiện được những việc vĩ đại và đáng sợ như cánh tay mạnh mẽ của Môi-se đã thực hiện trước mắt toàn dân Israel” (12).

Những lời nầy được viết vào thời người ta chưa có ý niệm gì về việc Đức Chúa Trời sẽ thực hiện ơn cứu rỗi qua Ngôi Lời của Ngài là Đức Chúa Jesus. Môi se hoàn toàn là một người có đầy đủ tính chất của một người. Đức Chúa Jesus là thần nhân có cả thần tánh lẫn nhân tánh. Chúng ta được ở vào thời đại hưởng ơn cứu chuộc, qua Đức Chúa Jesus, là niềm hạnh phúc vô biên.

PhucTruyen40.docx

Rev. Dr. CTB