Gương Sáng Là Gì?

Truyền Giáo Vững Vàng, bài 06

Mác 4:21-29

Bất cứ người nào thật lòng tin Chúa, kính thờ, yêu mến, và biết ơn Ngài đều muốn giới thiệu ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho người chưa tin mà mình quen biết; nhưng hầu hết thường ngã lòng và thất vọng vì nhiều nỗ lực của mình chẳng đưa tới kết quả nào hết.

Đứng trước tình trạng ấy, chúng ta biết chắc phải có nguyên nhân nào đó cản trở. Nhiệm vụ của người muốn làm công tác truyền giáo là phải tìm cho ra lý do các sự trở ngại để dẹp bỏ hoặc giải quyết nó.

Nếu anh chị em đã thường xuyên áp dụng vũ khí chúc bình an cùng với một số việc khác để trói kẻ mạnh sức mà vẫn chưa giải quyết được các trở ngại, thì phần lớn lý do là tâm tánh cùng cách ăn nết ở của mình đã gây ra các sự cản trở ấy. Đương nhiên là ma quỷ sẽ cáo kiện; nhưng hệ quả thường là do thân hữu quan sát tín hữu rồi đi tới kết luận rằng Tin Lành chẳng hơn gì ngoại giáo.

Đức Chúa Jesus đã cảnh cáo trước “Vì chẳng có điều gì giấu kín mà không phải lộ ra, chẳng có điều gì bí mật mà không bị đưa ra ánh sáng” (22); cho nên, cách sống của người nào tự xưng là con cái Chúa đều tạo ảnh hưởng hoặc tốt, hoặc xấu trên những người chưa tin Chúa quen biết với mình, khi các gương tốt mình không muốn khoe lại được biết đến, hoặc tánh xấu hay việc xấu mà mình giấu giếm bị bại lộ.

Vậy thì, để có thể thành công trong nhiệm vụ truyền giáo mà Đức Chúa Jesus đã trao cho mỗi con cái Ngài, chúng ta không có sự chọn lựa nào khác hơn là cổ võ gương tốt và diệt trừ tánh xấu. Tuy nhiên, con cái Chúa cần mở rộng tầm nhìn của mình về các gương tốt giống như ánh sáng soi trong tăm tối; bởi vì người ta thường bị thành kiến hay dư luận chung của xã hội giới hạn quan điểm của mình về các hành vi tốt hay xấu.

Gương tốt không phải chỉ quanh quẩn trong các hành vi bố thí từ thiện; mặc dù hành động từ thiện luôn luôn là gương sáng, nhưng nếu người khác nhận ra hành vi từ thiện của tín hữu không xuất phát từ động lực đức tin thể hiện qua tình yêu thương, nhưng do một động lực nào đó không chính đáng, thì hành vi từ thiện ấy chẳng những không được khen ngợi mà còn bị chê bai.

Chúng ta sẽ xem xét điều gì là có giá trị theo ý Chúa: “Vì trong Đấng Christ Jesus, điều có giá trị không phải là cắt bì hay không cắt bì, nhưng là đức tin thể hiện qua tình yêu thương” (Galati 5:6).

Sứ đồ Phao-lô đưa ra các tiêu chuẩn rất mới về gương tốt như ánh sáng chiếu rạng giữa bóng tối. Ông nói về sự cần thiết phải có đức bác ái chân thật làm nền tảng cho các ơn thiêng liêng đặc biệt cũng như các hành động từ thiện (1Côrinhtô 13:1-3).

Những người giỏi ngoại ngữ, có khả năng hiểu tiếng nói của thiên sứ; hoặc người được ơn tiên tri, có tri thức về những điều mầu nhiệm, có đức tin mạnh mẽ để làm những việc dời non lấp biển; nhưng nếu mọi điều ấy không dựa trên nền tảng nhân ái, thì vừa vô ích cho chính mình, vừa chẳng ích lợi gì cho công tác truyền giáo.

Cũng vậy, mọi hành động từ thiện và hi sinh cho chính nghĩa mà không do đức bác ái thúc đẩy, đều là vô dụng đối với công việc của Vương quốc Đức Chúa Trời, cũng chẳng được phần thưởng.

Vì sự soi sáng của Đức Thánh Linh cho sứ đồ Phao-lô viết lời giáo huấn chẳng những bất hủ mà còn được kể là quý báu hơn bất cứ giáo huấn đạo đức nào khác từng có trên thế gian, cho nên các định nghĩa về đức bác ái trong giáo huấn Phao-lô gửi cho tín hữu ở Côrinhtô là mẫu mực mà chúng ta cần suy xét để áp dụng làm gương sáng để soi đường cho thân hữu đang bị bóng tối che phủ:

Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự” (1Côrinhtô 13:4-7).

Nhịn nhục vừa có nghĩa là chịu dựng, vừa là nhẫn nại; đức bác ái của Chúa đòi hỏi chúng ta phải chịu đựng các nhược điểm, sự dốt nát, những lầm lỗi, và các sự yếu đuối của anh chị em tín hữu lẫn sự gian ác và xảo quyệt của người đời.

Không phải chỉ chịu dựng và nhẫn nại một thời gian nào đó, nhưng phải chịu đựng và nhẫn nại rất lâu dài. Lời khuyên nầy có nghĩa là lấy thiện thắng ác, dùng sự nhẫn nại hoá giải các âm mưu đen tối của kẻ thù là ma quỷ.

Sự nhân từ bày tỏ bản tính hiền hậu, dịu dàng, mềm mại, và biết cảm thông. Có thể nhiều người sinh ra trong các môi trường không có các tính tốt nói trên, nhưng sau khi tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh, chúng ta phải suy xét tánh nết của mình để luyện tập sao cho sớm được biến đổi thành các tâm tính mới phù hợp với đức thánh khiết của Chúa.

Hầu hết các sự bất hoà và tranh chấp trong nội bộ Hội Thánh hoặc ngoài xã hội là do ganh tị lẫn nhau. Tính ghen tị biểu lộ qua nhiều hình thức; ganh khi thấy người khác giỏi hơn, kiến thức nhiều hơn, nổi danh hơn, hiệu quả hơn, vv.

Từ chỗ đó, người hay ganh tị cố gắng che giấu sự dốt nát kém cỏi của mình, mà không biết rằng càng che giấu chừng nào càng bị bại lộ thêm. Cho nên người muốn làm gương sáng sẽ luôn tránh xa tính ghen tị, chẳng tìm cách hơn thua với ai cả.

Sự khiêm tốn luôn tạo được cảm tình tốt với những người mình tiếp xúc. Ngược lại, sự khoe khoang khoác lác làm nhiễm độc mọi mối liên hệ.

Tính kiêu ngạo còn tệ hại hơn nữa; vì thật ra, không ai hơn hẳn người khác về mọi mặt. Có thể hơn mặt nầy nhưng thua mặt khác; cho nên, kiêu ngạo là cách cư xử dại dột, thiếu suy nghĩ. Người tránh sự kiêu ngạo mới có thể làm gương sáng.

Sự cư xử trái lẽ vẫn thường xảy ra trong các mối giao dịch liên quan tới lợi ích gì đó của các bên. Chúng ta thường vướng phải điều nầy khi muốn chi phí ít mà đạt được nhiều lợi ích theo ý mình, mà thường không biết rằng cách cư xử của mình có thể làm tổn thương người khác, nhất là đối với người chưa tin Chúa.

Cho nên, để tránh không vướng phải việc cư xử trái lẽ, hãy nghĩ tới lợi ích của người khác, hoặc là kém may mắn hơn mình, hay là những người nghèo phải phục vụ với đồng lương quá thấp.

Nếu chúng ta biết cẩn thận sống theo cách không tìm lợi ích riêng cho mình, thì cách sống ấy rất dễ thu hút cảm tình của người khác, khiến người chưa tin sẽ thắc mắc về động lực nào thúc đẩy làm nên tâm tính tốt đẹp khác thường của con cái Chúa.

Người ít nhạy giận và không nuôi dưỡng ác ý cũng là gương sáng trên công trường truyền giáo.

Hãy xem lời Đức Chúa Jesus dạy: “Hãy suy xét điều mình nghe. Các con lường cho người ta mực nào thì họ cũng sẽ lường cho các con mực ấy và còn được cho thêm nữa.” (Mác 4:24).

Ích lợi của gương sáng thì thật nhiều, hãy nghĩ tới việc “vì ai có sẽ được cho thêm; còn ai không có sẽ bị cất luôn điều mình đang có nữa“(Mác 4:25), thì sẽ được khuyến khích làm điều thiện.

Truyền giáo thường không đem tới kết quả ngay lập tức mà phải chờ đợi lâu ngày. Chúng ta đã thảo luận vấn đề chuẩn bị đất trước khi gieo hột giống của đạo Vương quốc Đức Chúa Trời. Các gương sáng ở mỗi người giống như các dụng cụ cày bừa, cuốc xới của nhà nông.

Mọi gương sáng mà chúng ta công khai bày tỏ ra cho mọi người thấy là phương pháp chuẩn bị lòng của các thân hữu một cách hiệu quả nhất. Mỗi gương sáng làm cho thân hữu cảm phục, thì mảnh đất ấy sẽ thêm sẵn sàng.

Chuẩn bị đất, gieo giống và tưới nước là nhiệm vụ của mọi con cái Chúa, nhưng làm cho cây nẩy mầm, mọc lên và kết quả là công việc của Đức Chúa Trời.

Nông gia quan sát mảnh đất họ đã gieo giống xuống; khi thấy hột giống nẩy mầm và mọc lên thì họ vui mừng. Nhưng không một ai dám kể rằng nhờ công lao mình mà cây lúa sinh hột: “Vì đất tự sinh sản hoa màu, lúc đầu là cây mạ, rồi làm đòng và kết hạt” (Mác 4:28).

Chúng ta cứ tiếp tục làm các nhiệm vụ của mình, tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện phần của Ngài. Mặc dù nhiệm vụ ban đầu luôn luôn khó nhọc vì cày bừa, cuốc xới đất đòi hỏi rất nhiều sức lực và công lao thì mới có được miếng đất tốt, hết gai gốc cản trở, để có thể thoải mái gieo hột giống Phúc Âm vào lòng thân hữu.

Nhưng, nông dân chẳng bao giờ hấp tấp gặt những cây lúa chỉ mới kết hột còn non chứ chưa chín. Cũng vậy, việc dắt một thân hữu đến với Chúa cũng không thể hấp tấp đòi phải có kết quả ngay lập tức.

Những ai chỉ vì muốn khoe khoang thành tích, không biết điều đó thường làm hỏng việc lớn. Chừng nào đến lúc thu hoạch, chúng ta sẽ vận dụng mọi phương tiện gặt hái vui mừng.

TruyenGiaoVungVang06.docx

Rev. Dr. CTB