Truyền Giáo Vững Vàng, bài 21
1Côrinhtô 13:1–3
Khi bàn về việc sử dụng các ân tứ Chúa ban để phục vụ nhau trong Hội Thánh, chúng ta cần phải biết phân biệt các ân tứ của Đức Thánh Linh khác với tài năng hay khả năng đặc biệt có trong một số người; cũng không lầm lẫn với các trái của Đức Thánh Linh.
Bởi vì có những người được sở hữu tài năng hay năng khiếu đặc biệt xuất chúng dù là con cái Chúa hay không. Những tài năng đặc biệt ấy mặc dù rất đáng khen, nhưng không phải là ân tứ siêu nhiên do sự mặc khải của Đức Thánh Linh.
Ở những nhà thờ nào thiếu vắng các ân tứ siêu nhiên, thì những tài năng đặc biệt của một số người trong Hội Thánh thường bị lầm tưởng là ân tứ Chúa ban. Việc hiểu lầm ấy khiến cho nhiều con cái Chúa thắc mắc khi thấy đời sống tâm linh của người có năng khiếu đó quá yếu kém.
Những tài năng do thiên phú hoặc các tài năng do khổ luyện thành công thì đều không được kể là ân tứ siêu nhiên, vì các điều ấy chẳng phải do Chúa mặc khải mà được.
Còn trái của Đức Thánh Linh hoạt động như thế nào, có được kể như ân tứ không? Nếu các ân tứ đặc biệt chỉ được ban cho một số người hoặc chỉ thể hiện trong các hoàn cảnh đặc biệt, thì trái của Đức Thánh Linh: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ (Galati 5:22), là sự phát triển đời sống đạo trong lòng con cái Chúa qua sự bước đi với Ngài trên bước đường thánh hoá.
Còn ân tứ là bất ngờ khám phá mình có ơn hay khả năng đặc biệt do nhận lãnh sự mặc khải từ Đức Thánh Linh.
Có thể định nghĩa ân tứ là các việc diệu kỳ do con cái Chúa thực hiện ngoài khả năng hoặc tri thức của họ, còn hoa trái của Đức Thánh Linh là tính cách tốt lành thành hình trong lòng những người nhường cho Ngài làm Chủ đời sống mình.
Trái của Đức Thánh Linh là yếu tố không thể thiếu để các ân tứ Thánh Linh có thể phát huy hiệu quả. Bởi vì ân tứ mà không có hoa trái của Đức Thánh Linh thì vô giá trị (1Cor.13:1–3).
Sứ đồ Phao-lô vạch cho Hội Thánh ở Côrinhtô biết sự rối loạn ở giữa họ không phải do thiếu ân tứ, mà do thiếu trái của Đức Thánh Linh; bởi vì ai nấy đều mải lo phát triển và sử dụng vô trật tự các ân tứ họ nhận được. Vì thế, ông mới viết đoạn 13 vô cùng nổi tiếng nầy.
Ông cho biết rằng những người khoe khoang về khả năng nói được các thứ tiếng, kể cả tiếng nói của các thiên sứ, mà thiếu đức nhân ái, tức là trái yêu thương của Đức Thánh Linh thì chỉ gây nên tiếng vang ồn ào như chập choã, chứ giá trị của ơn ấy không có gì đáng kể.
Hoặc những người có ơn nói tiên tri chính xác và biết hết các sự mầu nhiệm với tri thức sâu rộng, khiến cho nhiều người nể phục đi nữa, thì vẫn chưa được kể là gương tốt cho người khác noi theo, hoặc người có ân tứ đức tin hết sức mạnh mẽ đến nỗi đức tin ấy khiến cho núi phải dời khỏi chỗ nó, nhưng nếu không có đức nhân ái cai trị trong lòng để bày tỏ ra trong cuộc sống hàng ngày, thì chẳng được bao nhiêu giá trị.
Sứ đồ Phao-lô nói rằng trái yêu thương hay nhân ái của Đức Thánh Linh là nền tảng hỗ trợ tuyệt diệu nhất để ân tứ được phát huy mạnh nhất. Nhưng yêu thương hay nhân ái không phải là ân tứ; vì vậy, đừng lầm lẫn hoa trái của Thánh Linh với ân tứ đặc biệt. Làm thế nào để phân biệt cái gì là hoa trái Thánh Linh với cái gì là ân tứ Thánh Linh.
Lòng người nào có hoa trái của Đức Thánh Linh phát triển, thì hoa trái trở thành bản chất của người đó. Bản chất ấy cứ còn mãi và sẽ không phai tàn hay thay đổi, nhưng ân tứ không phải lúc nào cũng có, tức là thứ ơn đặc biệt được ban để vận dụng trong một thời điểm hay một khoảng thời gian nào đó rồi hết.
Ví dụ, môn đồ lấy khăn và áo của Phao-lô đặt trên người đau ốm thì người ấy được lành, đặt trên người bị quỷ ám, thì quỷ bỏ chạy (Công vụ 19:12). Nhưng khi bị giam ở La-mã, người phụ giúp ông là Epaphroditus bị bệnh nặng mà Phao lô không chữa được, vì ân tứ chữa bệnh lúc ấy không còn (Philip 2:25–27).
Hơn nữa, nếu chúng ta chịu khó xem xét thì sẽ thấy rằng ân tứ chỉ để sử dụng tạm thời trong một giai đoạn nào đó; còn trái của Đức Thánh Linh là vĩnh viễn. Như ông Phao-lô nói rõ rằng ân tứ sẽ suy tàn: “Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt” (13:8).
Vì ân tứ được ban cho để hoàn thành công tác nào đó, nhưng trái của Đức Thánh Linh phát triển trong lòng tín hữu để họ trở nên ngày càng giống Chúa nhiều hơn, và việc đó thì cứ còn mãi mãi.
Trong các thư của sứ đồ Phao-lô, ông thường viết về hoa trái của Đức Thánh Linh ngay tiếp theo sau phần ông giải nghĩa về ân tứ. Ví dụ như ở thư Rôma 12, ngay sau các câu 3–8 nói đến các ân tứ, ông dặn tiếp: “Tình yêu thương phải thành thật. Hãy ghê tởm điều dữ, gắn bó với điều lành. Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau” (9–10). Cũng tương tự như vậy, ông dạy về đức nhân ái (1Côr.13) sau phần giải thích về ân tứ đặc biệt (1Côr.12).
Sự ước ao được Chúa ban cho các ân tứ siêu nhiên để phục vụ Chúa và anh em trong Hội Thánh là ước muốn tốt lành. Nhưng hãy cẩn thận khi cầu xin Chúa ban cho các ân tứ mà mình mơ ước. Bởi vì nhiều người rất ước ao được có các ân tứ siêu nhiên nhưng chưa có định ý sử dụng ân tứ ấy nhằm ích lợi gì cho Hội Thánh và Nước Chúa.
Tâm lý muốn phô diễn ân tứ để được ca tụng và khen ngợi là thứ tâm lý rất phổ biến trong những người chưa có hoa trái của Đức Thánh Linh ở trong lòng. Và thường thì Chúa ít ban ân tứ đặc biệt cho những người như vậy.
Hoa trái của Thánh Linh có thể ví như tâm tính ổn định, bình thản và tự tin của một người thợ giỏi, rành nghề; vì người ấy biết sử dụng và điều khiển các dụng cụ như thế nào thì sẽ đạt hiệu quả cao nhất và tạo sản phẩm đẹp nhất.
Cũng vậy, các ân tứ Chúa ban có thể ví như dụng cụ, còn hoa trái Thánh Linh giúp người thợ biết cách dùng đúng loại dụng cụ vào đúng công việc sẽ phải làm.
Những người ước mong được Chúa ban cho ân tứ siêu nhiên khi tham dự các buổi nhóm phấn hưng, mà ra về tay trắng, chẳng nhận được điều họ ước ao; bởi vì chưa hiểu nguyên tắc căn bản là phải trưởng thành trong đời sống thánh hoá, để các hoa trái của Đức Thánh Linh thành hình trước khi Chúa có thể giao các ân tứ siêu nhiên cho người ấy sử dụng trong công tác phục vụ.
Người tin Chúa, vẫn ước ao được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà chưa biết cách làm thế nào để được thì đông lắm; bởi vì các bài học hướng dẫn về vấn đề đó thì hiếm hoi mà lại không rõ ràng. Quan điểm sai trật của các giáo phái, hệ phái bảo thủ, nguội lạnh, ít dám đề cập tới Đức Thánh Linh và ân tứ siêu nhiên của Ngài, càng làm cho tín hữu bối rối thêm.
Chúng ta phải thoát ra khỏi tình trạng vừa thiếu sót kiến thức về Đức Thánh Linh, vừa yếu kém trong tinh thần phục vụ; bởi vì hoa trái Thánh Linh chưa thành hình trong đời sống khiến cho chưa đủ điều kiện để được Chúa giao cho ân tứ.
Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn bảo đảm được Chúa ban cho ân tứ siêu nhiên của Đức Thánh Linh thì hãy nương cậy Chúa, rèn luyện đời sống đạo bước đi trên con đường thánh hoá, để được biến đổi từ tâm tánh xác thịt sang tâm tánh chứa đầy hoa trái của Đức Thánh Linh.
Bởi vì ai được hoa trái Thánh Linh thành hình trong lòng, thì người ấy được Đức Chúa Trời tin cậy và giao cho các ân tứ siêu nhiên để phục vụ Ngài và Hội Thánh. Vậy, “hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thoả mãn những dục vọng của xác thịt” (Galati 5:16).
TruyenGiaoVungVang21.docx
Rev. Dr. CTB