Hai Chứng Nhân

Theo Dõi Tận Thế, bài 41

Khải Huyền 11:1–9

Ông Giăng được ban cho một cây thước để đo đền thờ trong tương lai (1–2). Đền Thờ tạm chế tác từ thời Môise và được dùng tới đời Samuel. Sau đó, Solomon thiết kế và xây dựng đền thờ thứ nhất tại Jerusalem. Đền thờ ấy bị Nebuchadnezzar phá huỷ khi đế quốc Babylon chiếm Judah. Sau khi trở về từ nơi lưu đày, Zerubbabel xây Đền Thờ thứ nhì trên nền cũ.–Trước khi Đức Chúa Jesus Christ giáng sinh khoảng 20 năm, Herod đại đế tân trang Đền Thờ ấy. Nhưng tới năm AD 70, Đền Thờ nầy bị tướng Lamã Titus thiêu huỷ. Suốt thời kỳ dân Judah bị hoàng đế La-mã Hadrian lưu đày khỏi quê hương và rải ra khắp thế giới, đến thế kỷ thứ 7 thì Hồi Giáo nổi lên, dân Arab hồi giáo đã đến cư ngụ nơi nầy và xây cất đền Al Aqsa của họ trên nền Đền Thờ cũ của người Do-thái.

Nhưng các Rabbis Do-thái tin rằng nền chính của Đền Thờ cách phía bắc của đền hồi giáo Al Aqsa khoảng 100m. Tín đồ Do-thái giáo chính thống không bao giờ bước chân lên khoảnh đất nầy vì sợ rằng sẽ vô tình đạp lên vị trí gian ‘chí thánh’ của Đền Thờ cũ. Nếu đúng thì đền Al Aqsa hiện nay đè lên khu vực hành lang của Đền Thờ xưa; do đó, Giăng được dặn đừng đo hành lang vì đã giao cho dân ngoại giày đạp khu vực ấy. Giăng cũng phải ‘đo’ những người thờ phượng tại đó, nghĩa là dò xét sự thành thực của người đến thờ phượng ở Đền Thờ. Hiện nay nhiều người Do-thái chế giễu Do-thái giáo, họ không tin có Đức Chúa Trời. Như vậy, Chúa sẽ phân biệt hai hạng người Do-thái cũng như phân biệt những ai tự xưng là tín đồ nhưng không phải là con cái thật của Chúa.

Hai chứng nhân mặc áo bao gai đi nói tiên tri là ai? (3–5) Câu 4 cho biết họ là hai cây olive và hai chân đèn đứng trước mặt Chúa của cả thế gian. Lai lịch của họ được chép ở Xachari 4:12–14. Biểu tượng ở thiên đàng là điều chúng ta chưa hiểu nổi, chỉ biết rằng hai người ấy là hai cây olive và hai chân đèn đứng bên Đức Chúa Trời. Trong lịch sử loài người có hai người được đem về trời đang khi còn sống là Enoch và Êli; một người nữa là Môise tuy đã chết nhưng Đức Chúa Trời đã giấu xác ông (Phục 34:5-6). Trong ba người nầy chỉ có Môise và Êli đã làm nhiều phép lạ diệt kẻ thù của họ. Theo các phép lạ mà hai chứng nhân đã làm giống như Môise và Êli, người ta tin rằng đây là hai vị ấy lại được sai xuống thế gian. Chúng ta không biết hai người sẽ khởi đầu làm chứng khi nào, chỉ biết thời gian họ nói tiên tri là 1260 ngày, tương đương 42 tháng, tức là 3 năm rưỡi.

Hai chứng nhân sử dụng quyền phép đặc biệt chống mọi kẻ thù đến hãm hại họ. Vì vậy họ an toàn đi làm chứng về Đức Chúa Jesus trong ba năm rưỡi. Có nghĩa là rất nhiều kẻ thù nghịch với Đức Chúa Jesus Christ và phúc âm của Đức Chúa Trời, thù ghét sự rao giảng Danh Chúa. Chúng sẽ tấn công hai chứng nhân nhưng đều bị lửa từ miệng hai người ấy thiêu huỷ. Hình ảnh nầy vừa có nghĩa đen vừa nghĩa bóng. Ngày nay, bọn chính trị gia theo chủ nghĩa phóng túng cùng những người ngụp lặn trong sự dâm dật vẫn đang hùa nhau tấn công bằng lời nói, luật lệ chính trị, đe doạ tẩy chay, và bỏ tù những người hay doanh nghiệp nào ủng hộ các nguyên tắc đạo lý của thiên đàng. Khi chúng quen thói tấn công hai chứng nhân, thì hậu quả dành cho chúng sẽ là tàn khốc (6). Chúng ta sẽ có một bài đặc biệt về sau để giải nghĩa cặn kẽ về hai vị chứng nhân trong phần nầy.

Con thú thường là biểu tượng một nước, quyền lực của một tổ chức. Con thú từ vực sâu lên là tiêu biểu cho quyền lực phục vụ thế giới tối tăm của Satan. Trong phần trước, lũ tà linh mang hình dạng châu chấu bay lên từ vực sâu (9:2-3). Bây giờ, con thú cũng từ vực sâu ấy trồi lên. Nếu hai vị chứng nhân nói tiên tri và dạy các nguyên tắc tốt đẹp về tâm linh và đạo lý, thì khi con thú tấn công họ, thắng và giết đi, là biểu tượng sự chiến thắng của thế lực chủ trương nguyên tắc gian xảo ngược lại. Thế lực ấy sẽ dập tắt tiếng nói của những người đứng vững chống trả sự gian ác của xã hội hiện thời. Đây là tình trạng vẫn thường diễn ra trong xã hội gian xảo của loài người.

Vì thế, sau khi hai chứng nhân đã làm chứng xong rồi, thì sẽ bị thế lực của một đảng chính trị cầm quyền, hoặc của một tôn giáo chống Chúa, hãm hại và giết họ chết, hoặc thế lực ác thành công trong việc chận đứng tiếng nói lương thiện (7). Những người của Chúa đi ra phục vụ ý muốn và chương trình của Ngài sẽ được hưởng sự bất tử cho đến chừng làm xong nhiệm vụ của mình. Thây của hai vị nầy bị phơi trên đường phố của một thành phố bị gọi theo nghĩa bóng là Sodom và Aicập (8). Nhiều nhà giải kinh tin rằng ấy là Jerusalem, vì căn cứ trên câu ngay theo sau nói rằng đó cũng là “nơi Chúa của họ đã bị đóng đinh trên thập tự giá.” Để hiểu rõ, chúng ta cần nghiên cứu kỹ câu nầy để biết thành phố ấy ở đâu, vì có thể địa điểm ấy không phải là Jerusalem theo nghĩa đen.

Thành phố gọi là thành phố lớn vì nó được xem là quan trọng đối với thế giới, theo quan niệm của thế gian. Nó cũng bị xem là Sodom, vì tại đó có lạc thú xác thịt và sự giàu sang, người ta theo đuổi và ôm ấp những hình thức phi đạo đức tồi bại nhất, như chủ trương dạy chuyển giống cho trẻ em, giết chết thai nhi tận giờ sinh. Nó bị xem là Ai-cập, vì nơi ấy người ta bị xiềng xích, làm nô lệ cho ông chủ tội lỗi; nó cũng là Jerusalem, vì nơi đó sự bội đạo tràn lan, và thù ghét sự hiện diện của các đại diện Đức Chúa Jesus, tức là các Hội Thánh chân thật của Chúa.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thành lập trên nền tảng kính sợ Đấng Tạo Hoá và Đức Chúa Jesus Christ của Kinh Thánh. Ngày nay lý tưởng ấy không còn nữa. Trong hơn 200 năm, Hoa Kỳ tượng trưng cho ánh sáng chân lý và tự do của Cơ-đốc-giáo, quốc gia thịnh vượng và hùng cường nhất trong lịch sử nhân loại; vì đã đặt mọi nguyên tắc sinh hoạt của mình trên nền tảng luật pháp thánh khiết của Chúa. Nhưng từ nửa cuối thế kỷ 20 tới nay, chủ nghĩa thế tục và thế lực dâm dật Hollywood đã thao túng chính trường Mỹ; tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã công khai từ bỏ nguyên tắc thánh khiết của Chúa, đưa mọi sinh hoạt chung của xã hội Mỹ công khai chống trả Đức Chúa Trời. Chủ nghĩa vô thần đang thắng thế trong ngành giáo dục, khoa học và truyền thông; đức tin vào phúc âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời bị kể là thái độ mê tín của những người ngu dốt.

Việc ấy là sự công khai sỉ nhục Chúa của trời đất, một hành động đóng đinh Đức Chúa Jesus một lần nữa. Cho nên, rất có thể thành phố phơi thây hai vị chứng nhân là một thành phố tiêu biểu cho quyền lực của Hoa Kỳ. Kỹ thuật truyền hình và mạng lưới internet ngày nay sẽ chiếu cho mọi người trên thế giới thấy rõ hành động sỉ nhục Chúa của các thế lực chính trị thù ghét Chúa, bằng cách không cho chôn thây hai vị ấy (9).  Sự vui mừng của dân trên đất trước cái chết của hai vị ấy chứng tỏ rằng Hội Thánh đã được cất lên trời (10). Người ta không muốn nghe chân lý, nên khi hai người nói sự thật bị giết chết thì họ ăn mừng như sự chúc lễ và chúc tết cho nhau.

Một số học giả khác tin rằng thành phố ấy phải là Jerusalem để người Do-thái mới có thể tin Đức Chúa Jesus trong lịch sử là Đấng Messiah của họ đã đến đem ơn cứu rỗi từ trời. Tuy nhiên, nan đề phải giải nghĩa ở đây là thời gian 1260 ngày tương đương với 42 tháng, tức là ba năm rưỡi ở các câu (3; 12:6,14; 13:5) và ba ngày rưỡi (9,11) có nghĩa gì? Vì những chi tiết về thời gian trùng hợp nhau, các học giả Kinh Thánh đặt ra nghi vấn về ý nghĩa thật của hai chứng nhân. Nếu hiểu 3 ngày theo cách giải nghĩa của sứ đồ Phierơ: “Trước mặt Chúa một ngày như nghìn năm, nghìn năm như một ngày” (2Phierơ 3:8b), ba ngày rưỡi sẽ là ba ngàn năm trăm năm, thì hai chứng nhân đó không phải là hai người, mà phải là hai tổ chức gì đó tượng trưng cho hai chứng nhân.

Nếu tính 1260 ngày là 1260 năm theo cách giải nghĩa mỗi ngày là một năm theo sách tiên tri Daniel (8:13–14), thì ba ngày rưỡi là ba năm rưỡi. Trong trường hợp nếu ý nghĩa của xác hai chứng nhân bị phơi ra cho cả thế giới thấy là biểu tượng, thì ba ngày rưỡi cũng phải tính theo nghĩa biểu tượng là ba năm rưỡi. Nếu tính 1260 ngày thành bốn mươi hai tháng, tức là ba năm rưỡi theo nghĩa đen, thì ba ngày rưỡi phải hiểu theo nghĩa đen. Vì lời tường thuật của ông Giăng không nói ai đưa cây thước và bảo ông đi đo Đền Thờ, nhưng theo lời phán: “Ta sẽ cho hai chứng nhân của Ta” (3), thì đây phải là lời phán của Đức Chúa Trời. Rồi chính Ngài cũng giải thích: “Hai người nầy là hai cây olive và hai chân đèn đứng trước mặt Chúa của đất” (4). Vậy hai vị không phải là biểu tượng.

Bài học kỳ tới sẽ tiếp tục chương nầy.

 TheoDoiTanThe41.docx

Rev. Dr. CTB