Ứng Xử với Nhà Cầm Quyền

Nắm Vững Niềm Tin, bài 28

Rôma 13:1–7

Tại sao sứ đồ Phaolô đang nói về những vấn đề đức tin và đời sống mới trong Đấng Christ, bỗng dưng ông đề cập tới một đề tài gần như không liên quan gì tới đời sống đức tin của tín đồ? Hãy nhớ rằng vào thời kỳ ấy nhà cầm quyền La mã không có thiện cảm gì đối với Hội Thánh của Chúa. Vì vậy, muốn giải nghĩa chính xác những lời khuyên của Phaolô về việc tín hữu ứng xử với nhà cầm quyền đương thời, thì phải hiểu biết bối cảnh của Hội Thánh Rôma vào lúc đó. Tuy nhiên, Rôma 13 không nói gì về sự liên hệ giữa tín hữu với chính quyền La mã lúc ấy hay nhà cầm quyền thời nay. Một số thần học gia giải nghĩa phần đầu đoạn 13 rằng sứ đồ Phaolô khuyên tín hữu dân ngoại phải đầu phục những ngư­­ời đứng đầu nhà hội Do-thái ở kinh đô Rôma.

Cách giải nghĩa ấy không ổn chút nào; bởi vì những người lãnh đạo nhà hội Do-thái không có chút thẩm quyền hành chính gì trên các công dân La-mã. Họ không có quyền trừng phạt hay khen thưởng gỉ cả; bởi vì họ không có quyền hành chính trên bất cứ ai. – Khi xem xét thư Rôma ở phần nầy, những người đã từng phải chịu đựng sự áp bức và cai trị sắt máu của nhà cầm quyền gian ác sẽ thấy rất khó chịu về mệnh lệnh phải vâng phục nhà cầm quyền mà họ biết là rất tàn bạo (1). Vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào về câu (2)? Có phải mọi nhà cầm quyền đều do Đức Chúa Trời chỉ định không? Việc khởi nghĩa chống lại các nhà cầm quyền gian ác, tàn bạo thì thế nào? Tất cả các thần học gia Cơ-đốc-giáo đều lúng túng giải nghĩa lòng vòng vì không có lời giải đáp ổn thỏa.

Chúng ta chỉ có thể tìm ra điểm chính của khúc Kinh Thánh nầy là tín đồ sẽ không làm gì tổn hại đức tin của mình. Tín hữu sẽ cố gắng hợp tác với nhà cầm quyền nhưng không ủng hộ các sách lược gian ác hoặc những biện pháp vô đạo đức của họ. Nhất là trong xã hội dân chủ thời nay thì bổn phận của mọi công dân là giám sát cẩn thận mọi hành động của các giới chức công quyền; vì Cơ-đốc-nhân phải giữ vững sự công chính thiên đàng trong một nền văn hóa thù nghịch với các nguyên tắc Cơ-đốc-giáo, bất kể nhà cầm quyền nào. Vì vậy, tín hữu không thể vì sợ chết mà chối bỏ đức tin. Nhưng có phải bất cứ nhà cầm quyền nào cũng do Đức Chúa Trời thiết lập không? Có và không. Không là vì đã từng có một số nhà cầm quyền chỉ một thời gian rất ngắn rồi bị lật đổ.

Theo những lời giải thích rõ ràng tiếp theo (3–4), thì mọi con cái Chúa phải vâng phục nhà cầm quyền lương thiện làm nhiệm vụ của họ. Vì những kẻ ác chỉ sợ nhà chức trách ngay thẳng, chúng chẳng khi nào sợ giới cầm quyền gian hùng. Bởi vì giới cầm quyền gian xảo luôn luôn dung dưỡng bọn đầu trộm đuôi cướp, đâm thuê chém mướn, để khiến dân lành run sợ không dám chống trả dù chỉ là lời nói. Chữ “gươm” (4b) chẳng phải chỉ là vũ khí, nhưng có nghĩa là phương tiện để trấn áp những kẻ làm điều gian ác. Như vậy, sứ đồ Phaolô không nói về nhà cầm quyền đương thời của ông dưới thời hoàng đế Nero, mà nói về giới cầm quyền thiện lành do Đức Chúa Trời đặt vào chỗ cai trị để làm ích lợi cho người lương thiện. Cũng không thể là loại cầm quyền chém giết tín đồ.

Mọi cơ-đốc-nhân chân chính đều công nhận rằng Đức Chúa Trời tể trị trên mọi việc của loài người. Đồng lúc đó, Ngài ban cho người tự do lập sự lựa chọn theo ý riêng của họ. Nói cách khác vì được Chúa cho phép mà có người lên làm thống đốc, nghị sĩ, tổng thống, vua, quan, vv; nhưng không có nghĩa là mọi quyền lực chính trị hay chính sách của họ được Chúa chuẩn thuận. Nói vắn tắt, vì Đức Chúa Trời biết rõ mọi việc, nên chúng ta cứ tin cậy nơi Ngài. Những lời khuyên dạy nầy rõ ràng là áp dụng cho tín đồ sống dưới chính quyền tốt, chăm lo cho ích lợi của dân chúng trong nước. Các lời ấy cũng là những nguyên tắc chính đáng cho chính quyền dùng để điều hành việc nước. Vì vậy, chúng ta phục tùng nhà cầm quyền và đóng thuế theo luật định (5–7).

Khi chúng ta so sánh các mệnh lệnh nầy với nhiều phần khác của lời Chúa trong Kinh Thánh về việc không tham dự vào việc ác, các luật lệ và chính sách gian ác của những người không kính trọng Chúa, đi ngược lại điều Chúa dạy, thì sẽ thấy rằng việc không đơn giản chút nào. Ví dụ mọi người đều có quyền tự do chọn lựa lối sống mà họ thích, nhưng không ai được phép buộc người khác phải phục vụ điều trái ngược với niềm tin của họ. Trong tám năm từ 2008 tới 2016, nhà cầm quyền ở một số tiểu bang Hoa Kỳ đã trừng phạt và làm phá sản các tiểu thương và nghệ nhân đã từ chối tham gia phục vụ các đám cưới đồng tính, vì họ là những cơ-đốc-nhân muốn giữ vững đức tin và lời dạy của Kinh Thánh. Nghĩa là người ta buộc tín hữu không được làm theo lương tâm họ, mà phải đồng tình với lối sống bị Kinh Thánh lên án, bằng không sẽ bị trừng phạt.

Nguyên tắc đọc và hiểu Kinh Thánh là phải hiểu theo cách hiểu của những người sẽ nhận phần sách hay thư tín mà họ là độc giả đối tượng. Nếu chúng ta giải nghĩa theo cách hiểu thời nay của chúng ta thì sẽ sai lầm lớn. Vào thời Phaolô viết thư nầy, người của xã hội thời ấy chưa có ý niệm gì về chính quyền dân chủ hay dân quyền như chúng ta biết ngày nay. Vì vậy, nhà cầm quyền thời đó đặt ra luật pháp theo ý họ và bắt mọi người phải tuân theo. Cho tới đời của Phaolô, người vùng Trung Đông vẫn quan niệm rằng mọi việc trên đời đều do thần quyền sắp đặt. Thế giới quan cùng với tập tục xã hội bị chi phối bởi quan niệm chung của mọi người. Thư của Phaolô chỉ nhằm giáo huấn tín hữu thời ấy, không nhắm tới các độc giả thời nay; nên chúng ta khó giải nghĩa xác đáng.

Ví dụ vấn đề khởi nghĩa chống xâm lăng, hoặc lập đảng chính trị đối lập với nhà cầm quyền thì sao? Đối với người thời nay thì đó là nghĩa vụ phải làm, vì nó phù hợp với đạo đức văn minh. Tuy vậy, chẳng phải cuộc khởi nghĩa hay lật đổ nào cũng chính đáng hay phù hợp với đạo lý. Bằng cớ để chứng minh thì nhiều lắm; nhất là người đã từng sống ở Miền Nam Việt Nam trước và sau 1975 đều thấy rõ. Thế thì, sự áp dụng các giáo huấn của Kinh Thánh có liên quan tới những điều mà chúng ta thấy rõ là trái ngược với lẽ thường ngày nay, thì hãy cẩn thận suy xét ý nghĩa áp dụng được và ý nghĩa nào chỉ nhằm áp dụng vào thời thư tín ấy được viết. Khi chúng ta đã biết rõ nhà cầm quyền không phải do Chúa đặt, mà chỉ là một bọn thổ phỉ cướp quyền, thì hãy tùy cơ ứng biến và cầu xin Chúa mở đường cho ra khỏi.

Ngày xưa, vì dân Judah phạm tội mà không chịu ăn năn, Đức Chúa Trời sai Nebuchadnezzar đến trừng phạt Jerusalem. Ngài gọi Nebuchadnezzar là đầy tớ Ngài, dù ông ta rất tàn bạo (Jer. 27:6). Chúng ta thờ phượng Chúa bằng sự khôn ngoan, không mù quáng. Nếu Chúa mở đường cho anh chị em được thoát khỏi sự cai trị hà khắc nào đó, thì hãy vui vẻ vâng lời. Vì chúng ta phải “trả cho mọi người điều mình mắc nợ: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp; đóng lợi tức cho người mình phải đóng; sợ kẻ mình đáng sợ; tôn trọng người đáng tôn trọng” (7).

Hãy thấy rõ Phaolô không khuyến giục chủ nghĩa đạo đức ở đây; tức là ông không khuyên hãy chống lại nhà cầm quyền gian ác. Ông chỉ dạy hãy đầu phục Đức Chúa Jesus; và sự đầu phục ấy được tỏ ra qua mối liên hệ với chính quyền. Cho nên, tín hữu chỉ có thể vâng phục và hòa thuận với chính quyền khi đã ăn năn tội và hòa thuận với Đức Chúa Trời.

NamVungNiemTin28.docx

Rev. Dr. CTB