Khải Huyền (13)

Thời Tận Thế

Khải Huyền 4:1-4

1Têsalônica 4:16-17 cho chúng ta biết trình tự của các sự việc sẽ diễn ra khi chúng ta là Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ được đem đi khỏi thế gian. “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến, chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại, sẽ cùng nhau được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn ” Nhóm chữ “được cất lên” nói về lúc Đức Chúa Giêxu Christ giằng lấy Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế giới nầy. Kinh Thánh đã nói rõ ràng rằng việc ấy sẽ diễn ra thình lình, không báo trước. Như vậy trình tự của sự việc sẽ diễn ra là Chúa sẽ giáng xuống với tiếng hô lớn tiếng của thiên sứ lớn và tiếng kèn của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng Chúa không xuất hiện cho thế gian thấy vào lần đến nầy; nhưng tất cả tín hữu chân thật nào, là người còn sống trên thế gian, sẽ được cất lên để gặp Chúa tại không trung, đồng lúc với tín hữu đã chết trước chúng ta.

Bất cứ giáo hội, hệ phái nào của Cơ-đốc-giáo (ngoại trừ các tà giáo Mormon và Chứng Nhân Giêhôva) đều đồng ý rằng Hội Thánh của Chúa sẽ được lên thiên đàng khi thế giới đến hồi chấm dứt. Nhưng có ba ý kiến khác nhau về thời điểm: 1) Tiền đại nạn, nghĩa là Hội Thánh sẽ được cất lên trước khi cơn đại nạn đổ xuống; 2) trung đại nạn, là Hội Thánh được cất lên khi đại nạn diễn ra được ba năm rưỡi; và, 3) hậu đại nạn chủ trương rằng Hội Thánh chỉ được rước đi sau khi cơn đại nạn kết thúc. Vì ý kiến nào cũng dùng Kinh Thánh để hỗ trợ cho tuyên bố của mình; cho nên, muốn nắm vững vấn đề, chúng ta phải suy luận loại trừ những điểm vô lý và trái ngược với Kinh Thánh. Phái hậu đại nạn dựa trên Khải 18:4 lý luận rằng sau khi bảy tai hoạ cuối cùng đổ xuống đất, Chúa vẫn kêu gọi dân Ngài ra khỏi thành Babylôn lớn; như vậy dân sự của Chúa vẫn ở thế gian suốt cơn đại nạn. Thế nhưng lý luận nầy không xét rằng sau cơn đại nạn thì còn ai là tín hữu chân chính vẫn sống sót để được cất lên? Điều chắc chắn là Chúa sẽ không rước lên những người vì sợ chết mà thờ lạy kẻ chống Chúa. Khải 13:8,15 nói rằng hễ ai không chịu thờ lạy con thú với hình tượng nó đều sẽ bị giết. Hơn nữa, có bao giờ Chúa đối xử với con cái trung thành của Ngài cùng một cách như Ngài trừng phạt tội nhân? Thuyết nầy không vững vì chữ ‘dân ta‘ ở chỗ nầy nói về người Dothái chứ không phải nói về Hội Thánh.

Phái trung đại nạn căn cứ trên Khải 11:3, 12 nói về 1260 ngày tức là ba năm rưỡi. Cả thuyết nầy lẫn hậu đại nạn quên mất rằng cơn đại nạn và người đại tội chỉ có thể diễn ra và xuất hiện khi Đức Thánh Linh không còn trên đất nữa (2Tês.2:7). Đức Thánh Linh là Đấng được sai xuống để hiện diện và điều khiển Hội Thánh của Ngài cho đến thời tận thế. Khi Ngài về trời thì Ngài cũng sẽ đem Hội Thánh theo Ngài. Khi Hội Thánh vẫn còn là sự sáng của thế gian, thì sự lừa dối của satan chưa thể đạt đến cực điểm. Một lý do khác nữa là trong cơn đại nạn chỉ có một lối duy nhất cho ai muốn trở thành tín đồ của Đức Chúa Giêxu là người ấy phải chịu tử đạo. Hơn nữa, thuyết nầy trái ngược với yếu tố bất ngờ mà Đức Chúa Giêxu đã phán trong Math 24:36 là chẳng ai biết ngày và giờ, kể cả các thiên sứ trên trời. Theo phái nầy thì chỉ cần chờ khi nào đại nạn xảy ra thì bắt đầu tính đến 3 năm rưỡi sẽ tới ngày được rước đi.

Thuyết tiền đại nạn giải thích các lý do Hội Thánh phải cần được rước lên trời trước khi tai họa ập xuống: 1) Đức Chúa Trời sẽ không hủy phá thế gian khi tội lỗi nó chưa tới cực điểm (Sáng 15:16); sứ đồ Phaolô cho biết thế gian càng ngày càng bại hoại (2Tim.3:13), đến nỗi khi thấy tai họa thì người thế gian lo trốn khỏi mắt Chúa chứ không chịu ăn năn (Khải 6:15-16); hơn nữa dù họ thấy 1/3 nhân loại bị các tai nạn giết chết họ vẫn không ăn năn (Khải 9:18); mà còn nói phạm đến Chúa chứ không hối cải việc họ làm (Khải 16:9-11). 2) Hội Thánh phải được rước đi để Antichrist có thể xuất hiện (2Tês.2:1-8). 3) Hội Thánh phải về trời để tống cổ satan ra khỏi thiên đàng, không còn ngày đêm cáo kiện các thánh đồ nữa. Sở dĩ hiện nay satan vẫn có thể cáo kiện chúng ta ngày đêm bởi vì chúng ta được chuộc khỏi quyền lực và nọc độc của tội lỗi, chứ không phải ra khỏi sự có mặt của tội lỗi; do đó chúng ta vẫn thường phạm tội, và ấy là cớ hợp pháp để satan có thể len lỏi vào địa vị được ngồi trong các nơi trên trời của chúng ta để cáo kiện với Chúa. 4) Để Hội Thánh cùng với Chúa trở lại đoán xét thế gian 1Côr.6:2 ghi “Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ đoán xét thế gian sao? và sẽ đồng với Chúa trị vì 1,000 năm (Khải 20:6).

Làm thế nào để biết chắc mình sẽ được rước đi? Đức Chúa Giêxu đã dặn dò các môn đồ Ngài ở Luca 21:34-36 rằng nếu chúng ta tỉnh thức và giữ vững mối tương giao với Ngài thì chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn đại nạn. 1Tês.1:10 cho biết Chúa sẽ cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau. Chúa cũng hứa sẽ gìn giữ Hội Thánh Philađenphi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian (Khải 3:10). Các con cái Chúa nên xem xét các phần Kinh Thánh nói rõ ràng như trên để yên tâm rằng mình sẽ không bị bỏ lại. – 3 đoạn đầu của sách Khải Thị nhắc đến chữ Hội Thánh nhiều lần, nhưng từ đoạn 4 trở đi và trong suốt cơn đại nạn chữ Hội Thánh không được nhắc đến nữa. Như vậy có nghĩa là Hội Thánh đã được rước đi, không có vai trò gì trong lúc thế gian đang chịu cơn đại nạn, và đang được chuẩn bị để trở nên nàng dâu trinh khiết tuyệt vời của Chiên Con của Đức Chúa Trời.

Khi Giăng được gọi lên trời, ông mô tả vắn tắt những gì ông thấy: Một Đấng ngồi trên ngôi ở trung tâm của thiên đàng, tức là Đức Chúa Trời. Ngài không được mô tả bằng một đặc điểm nào của loài người, cũng không bằng một hình ảnh nào cả, chỉ được mô tả là rực rỡ trong vắt như bích ngọc. Mọi hình ảnh, màu sắc mà Giăng mô tả ở câu 4:3 đều có ý nghĩa đặc biệt, bích ngọc màu xanh trong, Xuất 24:9-10Êxê.1:26-28 gọi là sắc trời thanh quang, mang ý nghĩa về sự thánh khiết, thần tánh vô biên và những sự toàn hảo vinh quang của Đức Chúa Trời; mã não đỏ như hồng ngọc mang ý nghĩa sự phán xét công minh; mống như lục bửu thạch là Đức Chúa Trời luôn giữ lời giao ước. Cái mống bao quanh ngôi là giao ước trọn vẹn của Đức Chúa Trời ban cho loài người bằng sự hi sinh huyết vô tội của chính Con Một Ngài để vĩnh viễn cất hết tội lỗi cho ai bằng lòng tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Cứu Chúa của mình (Giăng 3:16). Màu sắc trội hẳn lên là màu xanh lá cây dễ chịu, tiêu biểu cho sức sống và bản chất tươi mát của giao ước mới.

Giăng thấy 24 trưởng lão đầu đội mão triều thiên bằng vàng ngồi chung quanh ngôi. Trưởng lão là người chứ không phải thiên sứ. Hiện giờ chúng ta chẳng biết họ là ai. Người ta đoán rằng có lẽ là 12 tổ phụ của dân Israel cộng với 12 sứ đồ của Chúa. Người khác cho rằng họ là 24 người được chọn do tấm lòng của họ đối với Chúa khi họ còn sống trên đất. Rất có thể đây là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho toàn thể Hội Thánh của Đức Chúa Trời, cả thời cựu ước lẫn thời tân ước; không phải là các mục sư hay giám mục, mà là tiêu biểu cho người ta. Hình ảnh ngồi tượng trưng cho vinh dự, nghỉ ngơi và thoả mãn. Ngồi quanh ngôi nói về mối liên hệ của họ với Chúa, sự gần gũi của họ với Ngài, được nhìn thấy và vui hưởng sự hiện diện của Ngài. Mặc áo trắng là sự công nghĩa của các thánh đồ, thuộc tính tự nhiên của con dân Chúa. Đầu đội mão triều thiên vàng là sự vinh hạnh và uy quyền của Chúa ban cho, và vinh quang mà họ có với Ngài. Việc Giăng không nhận ra ai trong số 24 vị trưởng lão thì hoặc là không có sứ đồ nào trong nhóm ấy, hoặc lúc nhìn xem thì Giăng đang ở trong vai trò đại diện của Hội Thánh được cất lên trời. Nên nhớ rằng lúc bấy giờ Giăng đang ở trạng thái tâm linh, bởi vì thịt và huyết không thể vào thiên đàng. Ấy là lý do tất cả con dân Chúa đều sẽ được biến hóa để thân thể chúng ta đều trở thành chất liệu bất diệt của thiên đàng. Mọi con dân thật của Chúa đều ước ao đến giai đoạn phước hạnh nầy để lìa trần gian mà về quê hương của mình vốn ở trên trời.

KhaiHuyen12.doc

Rev. Dr. CTB