Bài 8: Mang Gánh Nặng Cho Nhau

Mang Gánh Nặng Cho Nhau

Galati 6:1–18

Trong đoạn trước, vị sứ đồ khuyên các tín hữu ở Galati “Hãy phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương” (5:13), và cũng nhắc mọi người “đừng tự phụ, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau” (5:26). Qua phần cuối nầy, Phaolô chỉ dẫn cách thức cư xử với những anh em “bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi” (1); nghĩa là bị đưa vào sự phạm tội bằng một sự cám dỗ bất ngờ. Có sự khác nhau giữa người cố ý phạm tội với người bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi vì bị cám dỗ bất ngờ. Lời khuyên “Anh em là người bước theo Thánh Linh hãy lấy tinh thần khiêm nhã mà sửa họ lại” (1) là cách cư xử đối với trường hợp sau. “Sửa…lại” là khuyên nhủ anh chị em mình ăn năn, phục hồi họ trở vào sinh hoạt thánh khiết bình thường của Hội Thánh. Chúng ta chỉ có thể phục hồi anh chị em mình bằng tinh thần khiêm tốn và hoà nhã; đồng thời “cũng phải cẩn thận giữ mình để khỏi bị cám dỗ.” Bởi vì không ai trong chúng ta dám chắc là mình thánh hơn người khác nên sẽ không phạm lỗi tương tự trong tương lai.

Chúng ta được chỉ dẫn là “hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy anh em làm trọn luật của Đấng Christ” (2). Mặc dù không thể hoàn toàn bỏ qua sự phạm tội, nhưng chúng ta không nên có thái độ quá khắt khe đối với anh chị em khác, mà phải thông cảm nhau trong những sự khó khăn và thử thách mà anh chị em mình có thể phải đương đầu. “Mang gánh nặng” là chịu đựng và xót thương nhau, sẵn sàng an ủi, nâng đỡ, khuyên nhủ, và trợ giúp khi cần thiết. Làm như thế, chúng ta thực hiện được ‘luật yêu thương’ của Đức Chúa Giêxu Christ; tức là chịu đựng và tha thứ cho nhau, thông cảm và thương xót nhau. “Vì nếu có ai tưởng mình hơn người khác, trong khi mình không là gì cả, thì chỉ tự lừa dối mà thôi” (3). Lời cảnh cáo nầy là sự nhắc lại ý tưởng: “Ai tưởng mình đứng, hãy thận trọng kẻo ngã”(1Côrinhtô 10:12). Trong thư gửi cho Hội Thánh Philíp, Phaolô khuyên: “Đừng làm việc gì vì tham vọng cá nhân hay vì hư vinh, nhưng với sự hạ mình khiêm tốn, coi người khác là hơn mình” (Philíp 2:3).

Mỗi người hãy xét việc mình làm, rồi hãnh diện với chính mình, chứ không hãnh diện với người khác” (4) là xem lại hành động và cách cư xử của chúng ta một cách nghiêm túc và thành thật, xem có phù hợp với lời dạy của Chúa không, có được Chúa và lương tâm mình chấp nhận không? Nếu đã được xác nhận rằng Chúa chấp nhận cách sống và sự suy nghĩ của lòng mình, thì mình sẽ có sự bình an và yên ủi trong lòng, không cần lo người khác suy nghĩ về mình ra sao. Ai thật lòng tự xét mình sẽ thấy có rất ít lý do để tự phụ hoặc khắt khe đối với người khác. Lý do kế tiếp phải tự xét mình là “vì mỗi người phải mang lấy gánh của mình” (5), nghĩa là mỗi người phải khai trình trước mặt Chúa về mọi hành động mình đã làm. Đây chính là lý do lớn nhất mà chúng ta phải cẩn thận vào lúc mình còn sống để không bị phạt ở đời sau.

Phaolô khuyên nhủ tín hữu ở Galati phải hết lòng chăm lo cho các mục sư của họ (6). Hễ có người được dạy dỗ thì phải có người được chỉ định để dạy. Họ không phải là các giáo sư thường tình để “chi phối đức tin anh em đâu, nhưng góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Côrinhtô 1:24) bằng sự rao giảng lời Chúa. Vì có người tìm cách tránh né bổn phận hỗ trợ đời sống vật chất của mục sư của mình, nên Phaolô cảnh cáo “Đừng tự lừa dối, Đức Chúa Trời không để ai coi thường đâu, vì gieo gì gặt nấy” (7). Lời nầy có ý nhắc nhở các tín hữu đừng hi vọng cách vô lý về việc sẽ được thưởng ở đời sau, trong khi họ bỏ bê nhiệm vụ ở đời nầy. “Gieo” là việc làm lúc đang sống, “gặt” là điều sẽ nhận ở đời sau. Bởi vì “Người gieo cho xác thịt sẽ gặt hái sự hư nát của xác thịt. Người gieo cho Thánh Linh sẽ gặt hái sự sống vĩnh cửu từ Thánh Linh” (8). Ai dành mọi suy tư, lo lắng và thì giờ cho những quan tâm về các ham muốn thể xác, sẽ gặt không gì khác hơn là kết quả hư nát. Nhưng ai ở dưới sự hướng dẫn và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh để sống một đời thanh sạch, trở nên hữu ích cho người khác, thì sẽ nhận được sự yên ổn thật trong đời hiện tại và hạnh phúc của sự sống vĩnh cửu trong tương lai ở Nước của Đức Chúa Trời.

Đừng nản chí khi làm việc tốt, vì nếu không ngã lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt hái” (9). Cơ hội làm việc lành thì không phải lúc nào cũng có nhiều, “nhất là cho anh em trong đại gia đình của những người tin kính” (10). “Vậy, hãy nắm lấy cơ hội” khi còn có thể.

Giống như các thư tín gửi cho những Hội Thánh khắp nơi, Phaolô không tự tay viết thư, mà thường đọc từng lời cho một người viết giúp ông (Rôma 16:22). Đến cuối thư, ông mới tự tay viết vài hàng chữ rất lớn (11) để xác nhận mình là tác giả (2Têsalônica 3:17; 1Côrinhtô 16:21; Côlôse 4:18;).

Một lần nữa Phaolô muốn vạch trần sự thật về động lực của những người đã dụ dỗ tín hữu ở Galati làm theo luật pháp là “muốn phô trương nghi thức” của tôn giáo, “để họ khỏi bị bắt bớ về thập tự giá của Đấng Christ” (12); và “để khoe khoang về nghi thức con người của anh em” (13). Đây là những người rất sốt sắng về việc giữ hình thức bề ngoài của tôn giáo; cũng muốn ép buộc người khác giữ các hình thức bề ngoài đó. Trong lúc ấy họ có rất ít hoặc không có sự quan tâm nào về việc giữ luật pháp: “Họ chịu cắt bì nhưng không vâng giữ luật pháp” (13). Sự kiêu căng tự phụ, sự mong muốn vô ích của tâm tánh xác thịt chẳng có gì khác hơn là nặng phần trình diễn bề ngoài, nhưng trong lòng có rất ít thực chất của tôn giáo mà họ theo đuổi. Người xác thịt cũng rất sợ “bị bắt bớ vì thập tự giá của Đấng Christ.” Một lý do nữa của những người ấy là để thoả mãn tính phe đảng của họ, vì đã thành công trong việc lôi kéo được nhiều người về phía mình.

Về phần chúng ta thì phải học theo gương của Phaolô là “không dám khoe khoang điều gì, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta” (14). Có nghĩa là sự chịu khổ và sự chết trên thập tự giá, hoặc giáo lý về ơn cứu độ thực hiện bởi Đấng Cứu Chuộc đã bị đóng đinh. Đây là điều mà “người Dothái cho là gây vấp phạm, còn các dân tộc ngoại bang coi là khờ dại” (1Côrinhtô 1:23b). Vì thế có những giáo sư gốc Do-thái-giáo, mặc dù đã chấp nhận ơn cứu độ của Đấng Christ đem đến, vẫn xấu hổ về thập tự giá của Đức Chúa Giêxu, không dám công khai xưng nhận trước mặt những người Giuđa khác, để chỉ mong khỏi bị họ bắt bớ về thập tự giá mà mình đã tin. Phaolô đã kinh nghiệm được quyền năng của thập tự giá Đấng Christ giúp ông dứt bỏ được ‘thế gian’ ra khỏi ông, không còn bị vướng víu, trói buộc bởi nó nữa. Cho nên, ông dám mạnh dạn nói rằng “Nhờ thập tự giá, đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” (14b).

Vào thời sơ lập của Hội Thánh Đức Chúa Giêxu Christ, đã có hai nhóm tín hữu khác hẳn nhau, chịu cắt bì, và không chịu cắt bì (Galati 2:9, 12). Tín hữu người Do-thái thuộc nhóm chịu cắt bì, còn các tín hữu dân ngoại thuộc nhóm không chịu cắt bì. Các giáo sư Do-thái rất cuồng nhiệt về phép cắt bì theo luật pháp Môise. Nhưng Đức Thánh Linh dạy dỗ con dân Ngài qua Phaolô rằng: “Vì điều quan trọng không phải chịu cắt bì hay không, nhưng được trở nên một tạo vật mới” (15). Sự bình an và sự thương xót của Chúa sẽ ban “cho mọi người sống theo tiêu chuẩn nêu trên, và cho dân Israel của Đức Chúa Trời” (16), tức là ban cho những người đã được trở nên tạo vật mới và được hưởng tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời đã hứa con cháu của Ápraham là những người có đức tin vào Đức Chúa Trời.

Vấn đề Phaolô không muốn bị quấy rầy là sự chống lại các giáo lý ông đã giảng dạy. Bởi vì Phaolô đã thật sự được thuyết phục rằng sự tuân giữ luật pháp Môise, mà phép cắt bì là dấu hiệu bên ngoài, là không còn cần thiết nữa. Đức Chúa Giêxu đã “đem thân mình tiêu trừ mối hận thù, bãi bỏ luật pháp dựa trên điều răn, lệ luật” (Êphêsô 2:15). “Những dấu vết của Đức Chúa Giêxu” (17) trên mình Phaolô có nghĩa là những vết sẹo của các vết thương mà ông phải chịu bởi những kẻ thù nghịch với Phúc Âm của Đức Chúa Giêxu Christ gây ra cho ông. Sau khi đã nói xong hết những điều cần phải giải thích cho tín hữu ở Galati biết rõ, Phaolô ban lời chúc phước sứ đồ của ông cho họ, là ân điển của Đức Chúa Giêxu chan chứa trên họ (18).

Galatibai09.docx

Rev. Dr. CTB